KHI NÀO BẠN CẦN GẶP NHÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ ?

KHI NÀO BẠN CẦN GẶP NHÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ ?
Bạn có thể đã từng nghĩ đến việc gặp một nhà trị liệu vào lúc này hay lúc khác. Có lẽ bạn đã thuyết phục bản thân rằng nếu đợi thêm một thời gian nữa, vấn đề sẽ biến mất. Hoặc bạn vẫn đang tự hỏi liệu có nên nói chuyện với ai đó không.
Sau cùng, ai cũng có những ngày tồi tệ hoặc trải qua thời kì khó khăn, vậy làm sao để bạn biết khi nào nói chuyện gặp nhà trị liệu có thể giúp ích?
Dưới đây là một số trường hợp bạn nên tìm tới nhà trị liệu, dĩ nhiên đó không phải là những lý do duy nhất, nhưng danh sách này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định của mình.

1.  Gặp khó khăn trong kiểm soát sức khoẻ tâm thần
Với tất cả những thử thách trong cuộc sống, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng quá nhiều trách nhiệm. Bạn có thể căng thẳng khi phải kiểm soát và xử lý tất cả các cảm xúc. Và, cũng có thể bạn đang không ứng phó theo cách hiệu quả nhất, đây là lúc một nhà trị liệu có thể giúp bạn định hướng cảm xúc của mình và cung cấp cho bạn những công cụ để kiểm soát chúng. Vậy, khi nào bạn cần nhà trị liệu giúp kiểm soát sức khỏe tâm thần?
  • Bạn cần giúp đỡ kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể dẫn đến nhiều vấn đề, như là cáu gắt và nóng nảy hay trở nên kém năng suất. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn học những kỹ năng quản lý căng thẳng lành mạnh hoặc họ có thể hỗ trợ bạn giải quyết vấn đề để giảm mức độ căng thẳng.
  • Bạn gặp vấn đề quản lý cảm xúc: Những cảm xúc khó chịu, như lo lắng và giận dữ, có thể đôi lúc rất khó để kiểm soát. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn khám phá những cách quản lý cơn nóng giận cụ thể và phù hợp với bạn hoặc giúp bạn tập luyện giảm lo âu để bạn cảm thấy tốt lên nhanh hơn. Không quan trọng bạn đang đối mặt với cảm xúc nào, một nhà trị liệu sẽ giúp bạn hình thành một kế hoạch để đảm bảo bạn kiểm soát được những cảm xúc của mình.
  • Bạn đang có ứng phó không lành mạnh: Dù bạn ăn quá nhiều hay uống rượu để giải toả, những kỹ năng ứng phó không lành mạnh sẽ dẫn đến những vấn đề mới - và chúng sẽ phản tác dụng về lâu dài. Xem TV, chơi game, thậm chí là đọc sách có thể trở nên không lành mạnh nếu bạn dùng chúng để tránh giải quyết vấn đề. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn tìm kiếm những kỹ năng ứng phó lành mạnh để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, đồng thời giúp bạn đối mặt trực tiếp với các vấn đề.
2. Mong muốn cải thiện bản thân và mối quan hệ Đâu là dấu hiệu cho thấy bạn đang cần cải thiện bản thân và các mối quan hệ?
  • Bạn gặp khó khăn để đạt mục tiêu của mình: Từ giảm cân đến tài chính, có nhiều chướng ngại ngăn cản giữa bạn và mục tiêu thành công. Và nếu bạn đang cố gắng vượt qua những chướng ngại vật ấy, một nhà trị liệu có thể giúp đỡ bạn. Các chuyên gia sức khoẻ tâm thần có thể giải quyết nhiều vấn đề, như là động lực, chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism), và tự phá hoại (self-sabotage) - những điều sẽ làm cho việc đạt mục tiêu bất khả thi.
  • Bạn muốn cải thiện (các) mối quan hệ của mình: Có nhiều lý do tại sao bạn gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ. Vấn đề gắn bó (attachment issue), kém quyết đoán và nỗi sợ đối mặt là một số ít các lý do. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn tìm hiểu vấn đề đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hỗ trợ bạn các kỹ năng để tạo dựng và duy trì những kết nối lành mạnh hơn. Từ việc học cách thiết lập ranh giới cho đến tìm hiểu xu hướng tự phá hoại mối quan hệ của mình.
  • Bạn muốn nâng cao sự nhận thức về bản thân: Bạn có từng tự hỏi tại sao bạn làm những điều bạn làm, như là chia tay thường xuyên hay nói những điều không phù hợp khi bạn lo lắng? Một nhà trị liệu có thể giúp bạn tìm ra lý do cho những hành vi của bạn. Nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn nhận ra những đặc điểm suy nghĩ hay mối quan hệ của bạn. Cùng bạn phát hiện ra những niềm tin tự giới hạn, đặc điểm giao tiếp. Tiếp theo, họ sẽ hướng dẫn những kỹ năng giúp bạn loại bỏ những điều không giúp ích cho cuộc đời bạn.
3. Khi một sự kiện/ biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời Những dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần sự hỗ trợ của nhà trị liệu tâm lý khi một sự kiện/ biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời:
  • Bạn đang trải qua sự chuyển đổi: Bắt đầu một công việc mới, chuyển đến một thành phố mới, làm cha/ mẹ, hay kết thúc một mối quan hệ là một số ví dụ về sự thay đổi quan trọng gây ra căng thẳng cho bạn trong cuộc sống. Nói chuyện với nhà trị liệu có thể cung cấp cho bạn sự động viên tinh thần, dẫn dắt và lời khuyên để thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống.
  • Bạn cần sự hỗ trợ nuôi dạy con cái: Nếu bạn đang hoài nghi về kỹ năng nuôi dạy con của mình hay bạn có câu hỏi về việc liệu hành vi của con bạn là bình thường hay không, hãy nói chuyện với một nhà trị liệu. Một chuyên gia sức khoẻ tâm thần có thể hỗ trợ bạn đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bạn và con bạn. Cho dù là bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ với ADHD hay chỉ đơn giản là muốn đảm bảo con bạn khoẻ mạnh về mặt cảm xúc, lớn lên có trách nhiệm.
  • Bạn cần sự giúp đỡ khi đối mặt với một sự kiện đau buồn: Những sự kiệu đau buồn, như trải nghiệm cận kề cái chết, mất một người thân yêu. Nhà trị liệu có thể giúp bạn đối mặt với sự kiện đau buồn. Điều này có thể ngăn chặn bạn hình thành PTSD hoặc giúp bạn tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống, và phát triển từ kinh nghiệm của mình.
4. Duy trì năng suất:
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc duy trì năng suất công việc, hãy xem xét các dấu hiệu sau đây để biết nhà trị liệu có thể hỗ trợ bạn hay không:
  • Tâm trạng của bạn ảnh hưởng đến công việc: Nếu tâm trạng của bạn đang ngăn cản bạn làm việc năng suất và hiệu quả, đây là dấu hiệu đã đến lúc bạn nên nói chuyện với nhà trị liệu. Xử lý cảm xúc, tập kỹ năng mới và thay đổi nhận thức là một trong những phương pháp nhà trị liệu có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng để không ảnh hưởng đến công việc hay học tập.
  • Tâm trạng ảnh hưởng đến khẩu vị hay giấc ngủ của bạn: Có những người chán ăn khi họ đang gặp khó khăn về mặt cảm xúc. Có những người khác thì ăn nhiều hơn để cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình. Điều này cũng tương tự đối với giấc ngủ. Có những người mất ngủ nhiều đêm trong khi những người khác lại ngủ quá nhiều khi trải qua thời gian khó khăn. Thậm chí bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi vì chất lượng giấc ngủ kém. Khi những nguyên nhân thực thể đã được loại bỏ, nhà trị liệu sẽ giúp bạn xác định vấn đề liệu có phải do cảm xúc, tâm trạng hay không.
5. Tìm kiếm bản thân:
Nhà trị liệu có thể giúp bạn nhận biết bản thân và những kỹ năng để nâng cao cuộc sống xã hội, hãy để ý những vấn đề sau nếu bạn cần sự hỗ trợ khi tìm kiếm bản thân:
  • Bạn mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích: Mất hứng thú vào những hoạt động bạn vốn ưa thích là một dấu hiệu rằng cuộc sống bạn đang có điều gì không ổn. Tất nhiên, việc sở thích đến và đi là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn mất sự thích thú với gần như tất cả những gì từng thích, đây là dấu hiệu của một điều gì đó lớn hơn. Có thể đó là dấu hiệu của trầm cảm hoặc lo âu.
  • Cuộc sống xã hội của bạn đang không ổn: Các mối quan hệ của bạn có ảnh hưởng quan trọng đến sức khoẻ tâm thần. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy những cá nhân có lòng tự trọng thấp thường chọn chơi cùng những người bạn hạ thấp họ xuống. Nhà trị liệu có thể giúp bạn những kỹ năng để nâng cao cuộc sống xã hội hay giúp bạn nhận ra tại sao cuộc sống xã hội của mình lại không ổn. Từ đó bạn có thể tìm kiếm những người lành mạnh hơn trong cuộc đời.
6. Thách thức suy nghĩ tiêu cực
Tất cả mọi người đều thỉnh thoảng có những nhận thức kém thích nghi. Đây là những suy nghĩ sai sự thật và rất khó để loại bỏ. Khi nào thì bạn nên tìm nhà trị liệu?
  • Bạn muốn thay đổi những suy nghĩ có hại: Liệu bạn có luôn để sự thiếu tự tin ngăn cản bạn làm những điều mình muốn. Hoặc bạn có những lời tự chỉ trích gay gắt và tự hạ thấp mình xuống. Một chuyên gia sức khoẻ tâm thần có thể giúp bạn hình thành những cuộc đối thoại nội tâm lành mạnh hơn. Và đó chính là chìa khoá để có một cuộc sống hạnh phúc.
  • Bạn không cảm thấy hạnh phúc như bạn mong muốn: Nhà trị liệu có thể giúp bạn tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời bạn hoặc kỹ năng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Thỉnh thoảng, một vài thay đổi đơn giản là tất cả những gì bạn cần để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Những chỉnh sửa nhỏ trong thói quen, suy nghĩ, lối sống và nề nếp hàng ngày sẽ có ảnh hưởng lớn đến mức độ hạnh phúc của bạn.
  • Bạn nghi ngờ bạn có triệu chứng của một vấn đề tâm lý: Có rất nhiều vấn đề tâm lý - và những triệu chứng đi kèm chúng. Từ nghe những giọng nói mà không ai khác nghe thấy, cho đến trải qua những cơn hoảng loạn không rõ lý do, bạn có thể thấy điều gì đó không bình thường. Nếu bạn không hiểu những triệu chứng này, hãy nói chuyện với nhà trị liệu càng sớm càng tốt.
7. Tìm kiếm một nhà trị liệu Chúng ta thường đợi “ốm” rồi mới tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngày nay khi mọi người hiểu biết hơn về tầm quan trọng của sức khoẻ tâm thần và cởi mở hơn khi bàn luận về nó, cách nhìn nhận cũ này cũng đang thay đổi.
Hiện giờ, có nhiều cách để gặp một nhà trị liệu trước khi bạn mắc vấn đề sức khoẻ tâm thần (ví dụ như là các chương trình hỗ trợ nhân viên hay trị liệu online).
Nói chuyện với một chuyên gia sức khoẻ tâm thần từ sớm sẽ giúp bạn ngăn chặn các vấn đề tâm lý trước khi chúng bắt đầu - và điều này cũng sẽ giúp bạn suy nghĩ, cảm nhận, và làm việc hiệu quả nhất.
Nếu bạn đang băn khoăn có nên gặp nhà trị liệu hay không, hãy thử nói chuyện với một người khác trong gia đình và bạn bè. Hãy nhớ rằng nói chuyện với một chuyên gia sức khoẻ tâm thần không có nghĩa là bất bình thường. Bạn chỉ đơn giản là lựa chọn gặp nhà trị liệu để giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của mình.
Và nói chuyện với người khác không thể hiện sự yếu đuối. Sau tất cả, cần sự dũng cảm để tự thú nhận rằng chúng ta không có tất cả câu trả lời.

Nguồn: How to Know When It’s Time to See a Therapist - Verywell Mind
Khánh Linh dịch

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

Bài viết liên quan

0977.729.396