Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ người đàn ông nào ở mọi lứa tuổi. Thống kê cho thấy cứ 8 nam giới thì có 1 người mắc rối loạn trầm cảm.
Nhận Biết Tình Trạng Trầm Cảm Ở Nam Giới
Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc phổ biến, có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày của một người. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể mắc rối loạn trầm cảm, nhưng biểu hiện ở mỗi giới có thể rất khác nhau. Nam giới mắc trầm cảm có thể tỏ ra tức giận hoặc hung hăng thay vì buồn bã, vì vậy, gia đình, bạn bè và thậm chí cả bác sĩ không phải lúc nào cũng nhận ra sự tức giận hoặc hung hăng là triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra, các triệu chứng khác như tim đập nhanh, tức ngực, đau đầu liên tục hoặc các vấn đề về tiêu hóa có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiều nam giới có xu hướng đến gặp bác sĩ về các triệu chứng thể chất hơn là các triệu chứng về cảm xúc.
Trầm cảm có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi. Thống kê cho thấy cứ 8 người là nam thì có 1 người mắc rối loạn trầm cảm. Các dấu hiệu trầm cảm ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
Tức giận, khó chịu hoặc hung hăng
Cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc như “đứng bên bờ vực”
Mất hứng thú với công việc, gia đình hay các hoạt động yêu thích trước đây
Các vấn đề về ham muốn và khả năng tình dục
Cảm thấy buồn bã, “trống rỗng”, chán nản hoặc tuyệt vọng
Không thể tập trung hoặc ghi nhớ chi tiết
Cảm thấy rất mệt mỏi, không ngủ được hoặc ngủ quá nhiều
Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn chút nào
Có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử
Đau nhức cơ thể, đau đầu, chuột rút hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa
Không có khả năng thực hiện nhiệm vụ trong công việc, chăm sóc gia đình hoặc các hoạt động quan trọng khác
Tham gia vào các hoạt động tiềm ẩn mức độ rủi ro cao
Nhu cầu về rượu hoặc ma túy
Tránh né gia đình và bạn bè hoặc trở nên cô lập với mọi người
>>> Tham Khảo: Trầm Cảm Ở Nữ Giới Và Nam Giới Có Khác Nhau Hay Không?
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc trầm cảm, hãy tìm gặp nhà tâm lý để có kết luận chính xác.
Trầm Cảm Ở Nam Giới Thường Không Được Chẩn Đoán - Vì Sao Lại Thế?
Nam giới mắc trầm cảm thường không được chẩn đoán vì nhiều lý do, phổ biến là:
Không Nhận Ra Trầm Cảm
Trầm cảm có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau và không nhất thiết phải là cảm giác buồn bã hoặc xúc động. Ở nam giới, các triệu chứng về vấn đề cơ thể như đau đầu, tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài, hoặc sự khó chịu đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Họ thường có xu hướng tự cô lập và tìm cách phân tâm để né tránh đối mặt với cảm xúc hoặc các mối quan hệ.
Phớt Lờ Các Triệu Chứng
Cá nhân có thể không nhận thức được các triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng đến bản thân mình như thế nào, hoặc có thể là họ không muốn thừa nhận với bản thân hay bất kỳ ai khác rằng mình đang trải qua trầm cảm. Tuy nhiên, việc phớt lờ hay che giấu triệu chứng của trầm cảm thường không giải quyết được vấn đề gốc rễ, mà thậm chí còn có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Không Muốn Nói Về Các Triệu Chứng Trầm Cảm
Nam giới có thể không muốn nói về các triệu chứng trầm cảm hoặc không cởi mở khi nói về cảm xúc của mình với gia đình, bạn bè hay chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Họ có xu hướng tập trung vào sự tự chủ và cho rằng việc bày tỏ cảm xúc được coi là không nam tính, vì vậy, họ cố gắng che giấu hoặc kiềm chế cảm xúc của mình, đặc biệt là khi nó liên quan đến trầm cảm.
Không Muốn Được Điều Trị Sức Khỏe Tâm Thần
Ngay cả khi cá nhân nhận thức được họ có nguy cơ mắc trầm cảm, người đó có thể không muốn được chẩn đoán hoặc điều trị. Cảm giác lo lắng về sự kỳ thị và đánh mất sự tôn trọng từ gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp có thể làm cho việc chấp nhận và tìm kiếm sự hỗ trợ trở nên khó khăn hơn.
Ứng Phó Với Trầm Cảm
Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của trầm cảm, điều quan trọng nhất là tới gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc nhà tâm lý càng sớm càng tốt. Nghiên cứu cho thấy rằng việc điều trị sớm hơn có thể làm giảm các triệu chứng nhanh hơn và rút ngắn thời gian điều trị cần thiết.
Một số phương pháp khác có thể hỗ trợ bạn bao gồm:
Dành thời gian và trò chuyện với bạn bè hoặc người thân về cảm xúc của bạn.
Tăng cường hoạt động thể chất. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp ích cho những người mắc trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình và có thể là một phần trong kế hoạch điều trị cho những người trầm cảm nặng. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe về loại bài tập phù hợp với bạn.
Hãy chia nhỏ các nhiệm vụ và giải quyết những gì bạn có thể làm được. Đừng cố gắng ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.
Trì hoãn những quyết định quan trọng cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Thảo luận các quyết định với những người mà bạn tin tưởng.
Giữ nhịp sinh hoạt ổn định hàng ngày, ví dụ như ăn và đi ngủ đúng giờ.
Tránh uống rượu.
Các Phương Pháp Trị Liệu Chứng Trầm Cảm Phổ Biến Hiện Nay
Sử Dụng Thuốc
Các loại thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng tốt trong điều trị trầm cảm nhưng có thể mất vài tuần mới phát huy tác dụng. Thông thường khi dùng thuốc, các vấn đề giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và các vấn đề về khả năng tập trung sẽ được cải thiện trước khi tâm trạng được cải thiện, vì vậy điều quan trọng là phải kiên trì sử dụng thuốc trong một vài tuần để xem thuốc có hiệu quả hay không.
Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng phụ như gây nhức đầu; buồn nôn hoặc cảm thấy khó chịu ở bụng; khó ngủ và hồi hộp; kích động hoặc bồn chồn; vấn đề tình dục. Mặc dù thuốc chống trầm cảm có thể an toàn và hiệu quả đối với nhiều người nhưng chúng có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho một số người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Thuốc chống trầm cảm có thể khiến một số thanh niên có ý định tự tử hoặc có thể làm tăng nguy cơ tự tử, điều này đặc biệt đúng đối với những người bị kích động khi mới bắt đầu dùng thuốc và trước khi thuốc bắt đầu có tác dụng. Do đó, bất cứ ai dùng thuốc chống trầm cảm nên được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khi họ bắt đầu dùng thuốc lần đầu.
LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.
Liệu Pháp Tâm Lý
Các liệu pháp tâm lý hoặc “liệu pháp trò chuyện” có thể giúp điều trị trầm cảm, thậm chí, một số liệu pháp có hiệu quả tương đương với thuốc điều trị. Trị liệu tâm lý giúp cá nhân thay đổi cách suy nghĩ và hành xử mới, cũng như thay đổi những thói quen có thể góp phần gây ra trầm cảm. Trị liệu cũng có thể giúp nam giới hiểu và vượt qua những tình huống hoặc mối quan hệ khó khăn có thể gây ra trầm cảm hoặc khiến tình trạng trầm trọng hơn.
Liệu pháp Hành vi - Nhận thức (CBT), liệu pháp Tương tác Cá nhân (IPT) và liệu pháp Giải quyết Vấn đề (Problem – Solving Therapy) là những ví dụ về phương pháp điều trị bằng liệu pháp trò chuyện dựa trên bằng chứng cho bệnh nhân trầm cảm.
>>> Tham Khảo: Trầm Cảm Được Điều Trị Như Thế Nào Bằng Liệu Pháp CBT?
Liệu Pháp Kết Hợp
Việc trị liệu trầm cảm nên được cá nhân hóa, không phải tất cả mọi người đều có liệu trình điều trị giống nhau. Một số nam giới có thể thử trị liệu tâm lý trước và sử dụng thêm thuốc chống trầm cảm sau nếu cần. Một số người khác có thể bắt đầu điều trị bằng cả thuốc và liệu pháp tâm lý. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm và tình trạng của mỗi cá nhân, vì vậy, tới gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc nhà tâm lý là điều vô cùng quan trọng.
Làm Thế Nào Để Giúp Đỡ Một Người Mắc Trầm Cảm?
Nếu bạn cho rằng người thân hoặc bạn bè của mình đang mắc rối loạn trầm cảm, điều bạn cần nhớ là người mắc trầm cảm họ không thể tự “thoát ra khỏi nó”. Họ có thể không nhận ra các triệu chứng của mình và có thể không muốn được điều trị.
Bạn có thể hỗ trợ họ bằng cách giúp họ tìm bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý và sau đó giúp họ đặt lịch hẹn. Ngay cả những người đàn ông gặp khó khăn trong việc nhận ra mình bị trầm cảm cũng có thể đồng ý tìm kiếm sự giúp đỡ cho các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như cảm thấy mệt mỏi hoặc suy sụp. Họ có thể sẵn sàng nói chuyện với bác sĩ của mình về một khó khăn mới mà họ đang gặp phải trong công việc hoặc mất hứng thú làm những việc mà họ thường thích. Điều này có thể là bước đầu tiên để tìm hiểu và điều trị chứng trầm cảm có thể xảy ra.
Những cách khác có thể giúp đỡ họ bao gồm:
Cung cấp cho họ những kiến thức về trầm cảm, kiên nhẫn và khuyến khích họ
Lắng nghe cẩn thận và trò chuyện với họ
Đừng phớt lờ những lời nói về việc tự tử của họ và phải báo ngay cho nhà trị liệu hoặc bác sĩ điều trị
Giúp họ tăng mức độ hoạt động thể chất và xã hội, chẳng hạn như mời họ đi tản bộ, chơi trò chơi và các sự kiện khác. Nếu họ nói “không”, hãy tiếp tục cố gắng nhưng đừng thúc ép họ một cách gấp gáp.
Khuyến khích họ báo cáo bất kỳ mối lo ngại nào về thuốc cho bác sĩ
Đảm bảo rằng họ đến gặp bác sĩ hoặc nhà tâm lý định kỳ
Nhắc nhở họ rằng chứng trầm cảm sẽ thuyên giảm và tốt lên theo thời gian nếu được điều trị kịp thời.
>>> Tham Khảo: Hỗ Trợ Người Thân Vượt Qua Trầm Cảm
Trong nhiều trường hợp, các vấn đề nghiêm trọng có thể tránh được khi bạn bè hoặc thành viên gia đình cùng tham gia điều trị với người mắc trầm cảm có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Các dấu hiệu cảnh báo là khác nhau ở mỗi người. Đối với người này, nó có thể là khó ngủ hơn và trở nên kích động hơn; đối với người khác, nó lại có thể là ngủ nhiều hơn, bỏ ăn và tập trung vào những suy nghĩ xáo trộn. Bạn hãy liệt kê các dấu hiệu cảnh báo đó và liên hệ tới các chuyên chăm sóc sức khỏe để có thể giúp họ tránh được các vấn đề nguy hại.
Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của trầm cảm, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] Men & Depression. https://www.nimh.nih.gov/sites/default/files/documents/health/publications/men-and-depression/mendepression-508.pdf
[2] Depression in men. https://www.healthdirect.gov.au/depression-in-men
[3] Male depression: Understanding the issues. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/male-depression/art-20046216
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn