Tại Việt Nam hiện nay, ước tính cứ 7 người thì sẽ có 1 người mắc rối loạn tâm thần [1]. Trong đó, trầm cảm là rối loạn phổ biến trong nhiều nhóm tuổi, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số người mắc các rối loạn tâm thần nói chung. Ví dụ, tại TP. HCM, trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến ở nhóm người trên 65 tuổi, chỉ đứng sau sa sút trí tuệ [2]. Trên thế giới, ước tính hơn 280 triệu người gặp rối loạn trầm cảm [3], và tỷ lệ người gặp khó khăn tâm lý ngày một gia tăng kể từ sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trái với sự phổ biến của các vấn đề tâm lý hiện nay, nhận thức và hiểu biết chung về việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần, cũng như phòng ngừa, điều trị các rối loạn tâm thần vẫn chưa tốt. Bên cạnh những định kiến về sức khỏe tâm thần, ước tính trên 90% người gặp rối loạn tâm thần chưa nhận được chế độ can thiệp phù hợp [4].
Trong bài viết này, ta cùng tìm hiểu về rối loạn trầm cảm, hay trầm cảm – một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Bạn đọc có thể hiểu về dấu hiệu, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa trầm cảm cho các đối tượng khác nhau.
Rối Loạn Trầm Cảm Là Gì?
Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy buồn bã, tức giận, hoặc tâm trạng thay đổi thất thường. Nhưng khi cảm giác buồn bã hoặc tồi tệ đó kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí lâu hơn nữa; và điều đó ảnh hưởng tới khả năng làm việc, học tập, sinh hoạt hay khẩu vị. Chúng ta có thể đang gặp rối loạn trầm cảm.
Rất nhiều người mắc trầm cảm đã không ý thức được việc họ đang gặp khó khăn tâm lý, hoặc không tìm đến cơ sở y tế, trung tâm trị liệu để được chẩn đoán chính xác. Và tình trạng của họ có thể xấu đi theo thời gian, do không nhận được sự trợ giúp và can thiệp phù hợp [5].
Rối loạn trầm cảm là một loại rối loạn khí sắc (mood disorder) gây ra cảm giác buồn bã dai dẳng và mất hứng thú trong cuộc sống trong thời gian dài. Trầm cảm tác động tới cách ta cảm nhận, suy nghĩ, và hành xử, cũng như dẫn tới rất nhiều vấn đề về cảm xúc và thể chất khác. Người mắc trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động, công việc hàng ngày, và đôi khi, họ có thể cảm thấy cuộc sống không đáng sống.
Không chỉ đơn giản là một cơn buồn chán, người mắc rối loạn trầm cảm không thể tự mình vượt qua, thậm chí cần điều trị lâu dài. Tuy nhiên, đây là một rối loạn tâm thần có thể được điều trị tích cực, giúp người mắc có thể quay trở lại cuộc sống bình thường [6].
Một Số Loại Rối Loạn Trầm Cảm Phổ Biến
Rối Loạn Trầm Cảm Chủ Yếu
Rối loạn trầm cảm chủ yếu, hoặc trầm cảm lâm sàng, biểu hiện rõ nhất khi người mắc cảm thấy buồn, chán nản, hoặc vô giá trị trong ít nhất 02 tuần, đồng thời có những triệu chứng khác như khó ngủ, mất hứng thú với các hoạt động hoặc thay đổi khẩu vị. Rối loạn trầm cảm chủ yếu là một trong những loại rối loạn trầm cảm phổ biến nhất [7].
Rối Loạn Trầm Cảm Dai Dẳng
Người mắc rối loạn trầm cảm dai dẳng có những triệu chứng trầm cảm nhẹ và vừa kéo dài hơn 02 năm. Các triệu chứng của rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể nhẹ hơn rối loạn trầm cảm chủ yếu. Chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể khiến người mắc khó cải thiện tâm trạng, dù cuộc sống của họ đang ở trong một giai đoạn tốt đẹp. Người mắc có thể thấy bản thân có nhân cách u tối, thường xuyên tham vãn hoặc không thể cảm thấy vui vẻ [8].
Rối Loạn Tâm Thần Tiền Kinh Nguyệt
Những người mắc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt sẽ có các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và các triệu chứng liên quan tới khí sắc như cực kỳ cáu bẳn, lo âu, hoặc trầm cảm. Những triệu chứng này có thể thuyên giảm trong vài ngày sau khi có kinh, nhưng chúng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày của người mắc.
Rối Loạn Trầm Cảm Khi Mang Thai / Rối Loạn Trầm Cảm Sau Sinh
Ước tính hơn 10% phụ nữ trải qua trầm cảm trong giai đoạn mang thai và sinh nở, và tỷ lệ này có thể cao hơn ở nhóm phụ nữ sống trong tình cảnh nghèo đói, hoặc những người mang thai ở độ tuổi vị thành niên [9]. Các triệu chứng và mức độ của trầm cảm khi mang thai / sau sinh sẽ kéo dài và trầm trọng hơn hội chứng “baby blues”, và người mắc nên được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm có trải nghiệm mang thai hoặc sinh nở khoẻ mạnh.
Rối Loạn Trầm Cảm Do Các Vấn Đề Bệnh Lý
Rất nhiều vấn đề thể lý có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể người bệnh, tác động tới sức khoẻ tâm thần và dẫn tới trầm cảm. Một số bệnh như suy giáp, bệnh tim, bệnh Parkinson hay ung thư có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới trầm cảm. Khi các vấn đề thể lý có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện, các triệu chứng trầm cảm có thể thuyên giảm theo.
Triệu Chứng
Một số triệu chứng mà người mắc rối loạn trầm cảm có thể bắt gặp bao gồm:
-
Gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ các chi tiết, và đưa ra quyết định
-
Cảm giác tội lỗi, bản thân vô dụng, hoặc bất lực
-
Cảm giác tiêu cực, vô vọng
-
Mất ngủ, thức dậy sớm (có thể trước giờ phải dậy vài tiếng đồng hồ), hoặc ngủ quá nhiều
-
Cảm giác cáu bẳn, khó chịu
-
Cảm giác bồn chồn
-
Mất hứng thú trong những hoạt động mà bản thân từng rất thích, bao gồm cả các hoạt động tình dục
-
Ăn quá nhiều, hoặc quá ít một cách không chủ động
-
Thay đổi cân nặng một cách mất kiểm soát
-
Có những cơn đau, chẳng hạn như đau đầu, đau bụng lâm râm kéo dài
-
Có các vấn đề về tiêu hoá không thể cải thiện, kể cả sau khi được điều trị
-
Cảm giác buồn bã, lo lắng, hoặc trống rỗng kéo dài liên tục
-
Có ý nghĩ hoặc thực hiện hành vi tự tử
-
Mất hứng thú trong cuộc sống
Những người mắc rối loạn trầm cảm có thể gặp các dấu hiệu khác nhau, với cường độ và tần suất khác nhau. Các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện theo khuôn mẫu. Ví dụ, một số người có thể có các dấu hiệu trầm cảm khi chuyển mùa (hay còn được biết đến với tên rối loạn trầm cảm theo mùa – SAD).
Người mắc rối loạn trầm cảm có thể có các triệu chứng thực thể như đau khớp, đau lưng, gặp vấn đề về tiêu hoá, khó ngủ, và thay đổi vị giác. Một số người có thể có giọng nói và chuyển động chậm hơn bình thường. Lý do là bởi khi đó, các chất hoá học trong não bộ liên quan tới trầm cảm, cụ thể là serotonin và norepinephrine, có vai trò quan trọng trong việc quản lý tâm trạng và các cơn đau [10].
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn trầm cảm, hãy tìm gặp nhà tâm lý hoặc bác sỹ để có kết luận chính xác về vấn đề bạn đang gặp phải.
Nguyên Nhân & Một Số Yếu Tố Nguy Cơ
Chúng ta chưa biết rõ các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới trầm cảm. Một số nghiên cứu cho rằng trầm cảm xuất phát từ một nhóm các yếu tố bao gồm:
-
Cấu trúc não bộ: Người mắc trầm cảm dường như có những khác biệt trong cấu trúc não bộ so với những người không mắc trầm cảm.
-
Chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ: Một người có thể mắc trầm cảm khi một số chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới tâm trạng của họ đang gặp vấn đề.
-
Hoóc-môn: Sự thay đổi về lượng hoóc-môn trong cơ thể do đang mang thai, các vấn đề sau sinh nở, vấn đề về tuyến giáp, mãn kinh, hoặc các lý do khác, có thể là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm.
-
Di truyền: Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra kiểu gen chịu trách nhiệm cho rối loạn trầm cảm. Nhưng một người có khả năng mắc trầm cảm cao nếu họ có người nhà đã hoặc đang mắc trầm cảm.
Một số yếu tố nguy cơ có thể khiến một người có khả năng cao gặp trầm cảm như là:
-
Chứng kiến hoặc trải qua cái chết của một người thân
-
Có những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình, bè bạn
-
Có quá khứ bị bạo hành hoặc lạm dụng, bao gồm cả thể chất, tình dục, hay tình cảm
-
Trải qua các biến cố, thay đổi trong cuộc sống (kết hôn – ly hôn, có con, thất nghiệp, nghỉ hưu,…)
-
Có các vấn đề sức khoẻ khác, như có các cơn đau mãn tính, mất ngủ, hay gặp hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)
-
Đang điều trị bằng thuốc, và một số thuốc có tác dụng phụ gây ra các triệu chứng trầm cảm
-
Lạm dụng chất kích thích, ví dụ như đồ có cồn [11]
Chẩn Đoán
Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân gặp rối loạn trầm cảm, bạn có thể tới bệnh viện hoặc trung tâm trị liệu tâm lý để được chẩn đoán thông qua:
-
Đánh giá tâm thần: Bác sĩ hoặc nhà tâm lý có thể hỏi bạn về các thói quen, khuôn mẫu trong suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi gần đây. Bạn có thể được yêu cầu trả lời một bảng hỏi.
-
Chẩn đoán theo DSM-V: Bác sĩ hoặc nhà tâm lý có thể sử dụng DSM-V để chẩn đoán vấn đề tâm lý của bạn.
-
Kiểm tra sức khoẻ: Bác sĩ hoặc nhà tâm lý có thể cần biết thêm thông tin về tình trạng sức khỏe nói chung của bạn để biết được liệu có vấn đề sức khỏe nào đang tác động tới tâm lý của bạn hay không. Bạn có thể được yêu cầu cung cấp thêm cho nhà tâm lý về các loại thuốc bạn đang sử dụng. Đôi khi, bạn có thể được yêu cầu thử máu để kiểm tra nồng độ hoóc-môn.
Một Số Phương Pháp Trị Liệu Cho Rối Loạn Trầm Cảm
Trầm cảm có thể được điều trị và giúp người mắc quay trở lại cuộc sống bình thường. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm trị liệu tâm lý, trị liệu dược lý, hoặc kết hợp cả hai, đối với những trường hợp được chẩn đoán mắc trầm cảm vừa và nặng.
Việc trị liệu tâm lý có thể giúp người mắc trầm cảm có những góc nhìn mới, và có cách đương đầu với vấn đề tốt hơn. Quá trình trị liệu có thể bao gồm các phiên trị liệu nơi thân chủ trò chuyện với nhà tâm lý. Một số phương pháp trị liệu cho phép thân chủ và nhà tâm lý có thể không cần gặp gỡ trực tiếp mà qua các nền tảng trực tuyến (online).
Hiện nay, các phương pháp trị liệu tâm lý được thực hành phổ biến với rối loạn trầm cảm có thể kể đến như:
-
Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT)
-
Liệu pháp Kích hoạt Hành vi (BA)
-
Liệu pháp Liên cá nhân
-
Liệu pháp Giải quyết Vấn đề (problem-solving) [12]
Phòng Ngừa Trầm Cảm
Người đã được chẩn đoán và điều trị thành công các rối loạn tâm thần như trầm cảm vẫn có nguy cơ mắc trầm cảm trong tương lai. Để phòng ngừa và nâng cao sức khoẻ tâm thần cho bản thân, chúng ta có thể xây dựng các thói quen và dành thời gian cho các hoạt động như:
-
Cố gắng duy trì các sở thích, hoạt động mà chúng ta yêu thích
-
Giữ liên lạc và có những mối quan hệ chất lượng với gia đình, bè bạn
-
Vận động và tập thể dục. Đôi khi chúng ta chỉ cần dành thời gian đi bộ ngắn hoặc vận động nhiều hơn trong thời gian rảnh
-
Giữ thói quen ăn uống và ngủ nghỉ đều đặn
-
Hạn chế hoặc không sử dụng đồ có cồn hoặc các chất kích thích
-
Chia sẻ về cảm xúc của bạn với một ai đó
-
Tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhà trị liệu tâm lý, bác sĩ hoặc người có chuyên môn về sức khỏe
Kết Luận
Rối loạn trầm cảm có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, hoặc mở đầu cho một hành trình có thể kéo dài nhiều năm.
Bắt đầu từ việc nhận thức về các vấn đề tâm lý phổ biến, bạn có thể tìm ra được con đường để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, hỗ trợ một người thân trong gia đình nghi ngờ mắc trầm cảm, hoặc nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần cho bạn và người khác từ hôm nay.
Nếu bạn đang nghi ngờ hoặc có vấn đề tâm lý, hoặc có những băn khoăn về phương pháp điều trị tâm lý phù hợp, hãy liên hệ ngay tới hotline 0977.729.396 trong hôm nay để được tư vấn.
Tham khảo:
[1] Gần 15% người Việt bị rối loạn tâm thần. VnExpress.
[2] 14,1% dân số cả nước rối loạn tâm thần, khoảng trống điều trị lớn. Tuổi Trẻ Online.
[3] Institute of Health Metrics and Evaluation. Global Health Data Exchange (GHDx). https://vizhub.healthdata.org/gbd-results/ (Accessed 4 March 2023).
[4] Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. dangcongsan.vn
[5] Depression Factsheet (for Schools). kidshealth.org.
[6] Depression (major depressive disorder). Mayo Clinic.
[7] Depression. Cleveland Clinic.
[8] Persistent depressive disorder. Mayo Clinic.
[9] DEPRESSION DURING PREGNANCY & POSTPARTUM. postpartum.net
[10] What Is Depression? WebMD
[11] Are You at Risk for Depression? WebMD
[12] Depressive disorder (depression). WHO
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt – Pháp:
—————————–
Viện Tâm lý Việt – Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn
Liên hệ với chúng tôi