Vì Sao Chúng Ta Thèm Đồ Ngọt Khi Gặp Căng Thẳng?

Chúng ta thường hay nghe mọi người nói rằng, ngậm một viên kẹo hoặc ăn một miếng bánh ngọt có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng.  Để biết xem đây có phải một nhận định chính xác và cơ chế của nó là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Lý Giải Cơ Chế Thèm Đồ Ngọt Khi Gặp Căng Thẳng 

Mối Liên Hệ Giữa Thèm Đồ Ăn & Căng Thẳng

Có nhiều sự thật đằng sau cụm từ "stress eating" (tạm dịch là “ăn uống khi căng thẳng”). Stress khiến các hormone được giải phóng, cùng tác động của "comfort foods" (tạm dịch là “thức ăn thư giãn”) với nhiều chất béo và đường đã đẩy mọi người đến việc ăn quá nhiều.

Trong thời gian ngắn, căng thẳng có thể làm mất cảm giác thèm ăn. Hệ thống thần kinh gửi thông điệp đến tuyến thượng thận để bơm ra hormone epinephrine (còn được gọi là adrenaline). Epinephrine giúp kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của cơ thể, một trạng thái sinh lý phục hồi tạm thời khiến việc ăn uống bị đình trệ.

Nhưng nếu tâm lý này kéo dài thì lại là chuyện khác. Các tuyến thượng thận tiết ra một loại hormone khác gọi là cortisol. Cortisol có thể làm tăng các động lực trong cơ thể nói chung, bao gồm cả động lực ăn uống. Sau khi giai đoạn stress kết thúc, mức cortisol sẽ giảm xuống, nhưng nếu stress không biến mất - hoặc nếu phản ứng căng thẳng của một người bị mắc kẹt ở vị trí "bật" - thì cortisol có thể tiếp tục tăng cao. Có một điều đáng tiếc là não bộ chúng ta không thể nhận biết được việc cơ thể chúng ta đã đốt cháy được bao nhiêu calories nạp vào, vì vậy nếu lượng cortisol trong cơ thể vẫn tồn tại thì bạn sẽ luôn cảm thấy đói cho dù bạn có thể vừa ăn xong.

Tham Khảo: Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn

Đồ Ngọt Ảnh Hưởng Đến Tâm Trạng Chúng Ta Như Thế Nào?

 

Đại học Cincinnati (Mỹ) từng tiến hành nghiên cứu dựa trên việc các nhà khoa học tìm thấy hàm lượng hormone phản ứng với stress (glucocorticoid) trong những con chuột thí nghiệm được cho ăn đồ ngọt thấp hơn những con chuột khác. Sau đó, họ đã tiến hành nhiều nghiên cứu trên những con khác và kết luận được đưa ra là giống nhau.

Cũng tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm kiểm chứng dựa trên giả thuyết “đường có thể làm giảm căng thẳng trong não người”. Họ kiểm tra mức độ stress thẳng giữa hai nhóm phụ nữ khác nhau. Trong hai tuần, một nhóm được yêu cầu uống đồ uống có đường ba lần một ngày, trong khi nhóm còn lại được yêu cầu uống đồ uống có chất thay thế (aspartame). Để so sánh, những người phụ nữ được yêu cầu làm bài kiểm tra mức độ stress và thực hiện các phép đo phản ứng của não đối với căng thẳng trước và sau khi thử nghiệm. Có hai phép đo được sử dụng, trước hết là đo lượng hợp chất chống căng thẳng cortisol trong cơ thể và tiếp theo là kiểm tra các hoạt động ở vùng hồi hải mã của não. Kết quả của hai nhóm cho thấy rằng sự tiêu thụ đường bằng cách nào đó đã làm thay đổi mức độ cortisol và hoạt động của hồi hải mã khi stress, và có lẽ là cả cách não bộ nhận thức và phản ứng với các sự kiện căng thẳng. Trước thí nghiệm, các nhà nghiên cứu không phát hiện sự khác biệt ở các phép đo giữa hai nhóm người nhưng kết quả sau thí nghiệm đã cho thấy nồng độ cortisol trở nên thấp hơn ở những người tiêu thụ đường và cao hơn ở nhóm aspartame.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng đồ ngọt có thể giúp cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giảm stress hiệu quả vì hormone dẫn đến stress là glucocorticoid sẽ giảm khi chúng ta ăn đồ ngọt như bánh kẹo. Ngoài ra, đồ ngọt cũng được cho là ức chế sự tiết cortisol gây ra stress ở những người tham gia là phụ nữ khỏe mạnh, giảm thiểu cảm giác lo lắng và căng thẳng.

Vậy thì liệu đường có hoàn toàn mang tới các tác dụng tích cực cho tâm lý không? Đã có những nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại.  Nghiên cứu Whitehall II xuất bản năm 2017 tại đại học College (London) từng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường trong một chế độ ăn có thể gây ra rối loạn tâm trạng ở nam giới và rối loạn tâm trạng tái phát ở cả nam và nữ. Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Tây Ban Nha công bố và năm 2019 cũng cho thấy chất béo bão hòa và đường có liên quan đến cảm giác lo âu của người già.

Hiện tại vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ nào về cách thức đường hay đồ ngọt ảnh hưởng đến phản ứng với căng thẳng. Những thay đổi trong hoạt động ở hồi hải mã liên quan đến phản ứng căng thẳng như thế nào vẫn còn khá mơ hồ bởi hoạt động của vùng hồi hải mã được điều chỉnh bởi nhiều yếu tố khác ngoài sự căng thẳng. Ngoài ra, việc sản xuất cortisol và hoạt động của não được điều phối như thế nào để mang lại phản ứng của não đối với stess khi liên hệ với đường vẫn chưa rõ ràng. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cần thêm thời gian để hiểu cách tiêu thụ đường ảnh hưởng đến não trong thời gian căng thẳng.

Mách Bạn Một Số Mẹo Ứng Phó Với Cơn Thèm Đồ Ăn Khi Căng Thẳng 

Đồ ngọt và thức ăn nói chung có thể xem như là phương tiện để giảm thiểu căng thẳng tạm thời. Tuy nhiên, nếu lạm dụng chúng thường xuyên như một cách ứng phó căng thẳng thì bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ béo phì hay mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường. Vì vậy, dưới đây sẽ là một số gợi ý giúp bạn giảm các cơn thèm ăn khi lo âu và mệt mỏi.

Hít thở sâu

Hít thở là hành động vô thức nên mọi người thưởng không cảm nhận hết tác dụng của nó. Tuy vậy, việc hít thở đúng cách vào đúng thời điểm có rất nhiều ý nghĩa. Khi hít thở sâu, các hormone hạnh phúc được giải phóng, trong đó có hormone endorphins giúp xoa dịu tâm trạng căng thẳng. Vì vậy, mỗi người có thể áp dụng cách hít thở sâu và chậm rãi khi thấy mất bình tĩnh hoặc mệt mỏi.

Tập thể dục

Trong khi mức độ cortisol thay đổi tùy thuộc vào cường độ và thời gian tập thể dục, tập thể dục sẽ làm giảm mức độ stress bên trong chúng ta. Vận động lành mạnh cũng đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tâm lý và thể chất. Mỗi ngày, bạn có thể dành ra 30 phút chạy bộ, đi xe đạp hoặc tập yoga. Tuy vậy, hãy lựa chọn những bài tập phù hợp khiến bạn cảm thấy thoải mái, vì những bài tập khó khăn có thể khiến bạn càng căng thẳng và khó chịu hơn.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Những người đang ở trong trạng thái stress sẽ luôn có cảm giác thèm đồ ngọt. Tuy vậy thay vì tiêu thụ những đồ ăn nhiều đường và chất béo, bạn có thể chuyển sang những đồ ăn có hàm lượng calo thấp hơn như rau xanh, trái cây, ngũ cốc,… Ngoài ra, để hạn chế cảm giác buồn miệng khi căng thẳng, bạn có thể mang theo snack rau củ hoặc hoa quả để thay thế cho bim bim và bánh ngọt. Bạn cũng có thể tìm gặp các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp cho bản thân.

Tìm gặp các chuyên gia tâm lý

Có thể thấy, việc ăn uống chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết triệt để, bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, từ đó giảm tình trạng stress mệt mỏi của bản thân. Các chuyên gia sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích, những cách thức giúp bạn đối phó với các vấn đề trong cuộc sống, giải tỏa tâm trạng của bạn và nhờ đó, chứng thèm ăn khi stress cũng sẽ được cải thiện theo.

Tham Khảo: Stress tích cực

Lời Kết 

Hiểu về các cơn thèm đồ ngọt khi căng thẳng sẽ giúp bạn nhận thức được bản thân có đang chìm vào đồ ngọt như một cách cứu cánh hay không. Nếu bạn cảm thấy một chút mệt mỏi hay stress ngắn hạn thì có thể xem đồ ngọt như một công cụ giúp cân bằng tâm trạng. Tuy vậy, hãy cẩn thận với chiếc bẫy ngọt ngào này và hãy tìm cách nhận diện và giải quyết stress bằng những phương pháp an toàn và triệt để hơn.

Bài viết được tổng hợp từ các nguồn: 

  1. Psycentral - Sweet Tooth with Depression? Here’s Why (And What to Do)

  2. SITN - Harvard University - Ask the Brain: Why Do We Crave Sugar When We’re Stress

  3. Health Central - How to Curb Your Quarantine Sweet Tooth

  4. Vinmec - Does eating sweets help reduce stress?

  5. Healthline - Your Anxiety Loves Sugar. Eat These 3 Things Instead

  6. Harvard Health Publishing - ​​Why stress causes people to overeat

  7. Tạp chí tâm lý học - Khắc Phục Chứng Thèm Ăn, Ăn Nhiều Khi Bị Căng Thẳng Stress

  8. The NewYork Time - Sugar as a Stress Reliever

  9. Nutrition Insight - Relieve stress by eating sweets

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.