Quyền tự quyết đề cập đến khả năng lựa chọn và quản lý cuộc sống của một người. Tự quyết có nghĩa là bạn cảm thấy kiểm soát nhiều hơn, trái ngược với việc không được tự quyết - điều khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình như bị kiểm soát.
Tự quyết là một khái niệm quan trọng trong tâm lý học vì nó đóng một vai trò thiết yếu trong duy trì sức khỏe tâm thần và cảm nhận hạnh phúc. Thúc đẩy quyền tự quyết cũng là một phương pháp hay và mới trong quá trình làm việc với một vài nhóm dân số nhất định, chẳng hạn như các cá nhân khuyết tật trí tuệ.
Thuyết tự quyết giải thích cho quyền tự quyết và các ảnh hưởng đối với động lực hành vi ở một người như thế nào: mọi người có cảm thấy có động lực để hành động trong khi họ nghĩ rằng những gì họ làm sẽ ảnh hưởng đến kết quả?
Bài viết tổng quan sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về thuyết tự quyết, cùng tham khảo nhé!
Thuyết Tự Quyết Là Gì?
Thuyết tự quyết cho rằng con người được thúc đẩy để phát triển và thay đổi bởi ba nhu cầu tâm lý bẩm sinh (quyền tự chủ, năng lực và sự gắn kết). Khái niệm về động cơ nội tại, hoặc sự gắn kết trong các hoạt động bởi phần thưởng vốn có của bản thân hành vi đó, đóng một vai trò quan trọng trong lý thuyết này. Và theo đó, lý thuyết tự quyết cho rằng mọi người có thể tự quyết khi các nhu cầu về năng lực, sự gắn kết và quyền tự chủ của họ được đáp ứng.
Lý thuyết này lần đầu tiên được nhắc đến trong từ công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học Edward Deci và Richard Ryan, thông qua cuốn sách Self-Determination and Intrinsic Motivation in Human Behavior năm 1985. Hai nhà tâm lý học đã phát triển một lý thuyết về động lực cho thấy mọi người có xu hướng bị thúc đẩy bởi nhu cầu phát triển và đạt được sự trọn vẹn.
Các Giả Định Về Sự Tự Quyết
Lý thuyết tự quyết đưa ra hai giả định chính:
Nhu Cầu Phát Triển Thúc Đẩy Hành Vi
Giả thiết đầu tiên của lý thuyết về quyền tự quyết là mọi người tích cực hướng tới sự phát triển. Làm chủ được các thách thức trong cuộc sống và trải nghiệm những yếu tố mới là những điều cần thiết để phát triển ý thức gắn kết về bản thân.
Động Lực Tự Chủ Là Yếu Tố Quan Trọng
Trong khi mọi người thường bị thúc đẩy hành động bởi những phần thưởng bên ngoài như tiền bạc, giải thưởng và sự tán dương, thì lý thuyết tự quyết tập trung chủ yếu vào các động lực bên trong như nhu cầu đạt được kiến thức hoặc sự độc lập.
Các Thành Phần Của Sự Tự Quyết
Quyền tự chủ: Mọi người cần cảm thấy kiểm soát được hành vi và mục tiêu của chính mình. Cảm giác có thể thực hiện một hành động trực tiếp dẫn đến một thay đổi nào đó là một cảm giác quan trọng trong việc giúp mọi người cảm thấy tự quyết định.
Năng lực: Mọi người cần phải thông thạo các nhiệm vụ và học các kỹ năng khác nhau. Khi mọi người cảm thấy rằng họ có các kỹ năng cần thiết để thành công, họ có nhiều khả năng thực hiện các hành động giúp họ đạt được mục tiêu của mình.
Kết nối hoặc gắn kết: Mọi người cần trải nghiệm cảm giác thân thuộc và gắn bó với người khác.
Cách Thức Hoạt Động
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự phát triển tâm lý được mô tả bởi lý thuyết tự quyết không xảy ra một cách bị động. Mặc dù mọi người có thể được định hướng phát triển quyền tự quyết theo hướng như vậy, nhưng nó đòi hỏi sự chủ động - việc nó cần phải được duy trì liên tục.
Ryan và Deci đã gợi ý rằng xu hướng chủ động hay thụ động trong phát triển quyền tự quyết phần lớn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện xã hội gắn với việc chúng ta trưởng thành.
Hỗ trợ xã hội chính là chìa khóa. Thông qua các mối quan hệ và tương tác với những người khác, chúng ta có thể thúc đẩy hoặc ngăn cản sự phát triển của bản thân cũng như hạnh phúc. Các yếu tố khác góp mặt trong việc hỗ trợ hoặc cản trở “ba yếu tố cần thiết” cho sự phát triển bao gồm:
Những động lực bên ngoài: Đôi khi có thể hạ thấp quyền tự quyết của bản thân. Theo Deci, việc trao cho mọi người phần thưởng bên ngoài cho một hành vi có động cơ thực chất có thể làm suy yếu quyền tự chủ. Khi hành vi ngày càng bị kiểm soát bởi phần thưởng bên ngoài, mọi người bắt đầu cảm thấy ít kiểm soát hành vi của mình hơn và động lực nội tại bị giảm đi.
Phản hồi tích cực: Có thể thúc đẩy quyền tự quyết. Deci cũng gợi ý rằng đưa ra những lời động viên và phản hồi tích cực bất ngờ về việc thực hiện nhiệm vụ của một người có thể làm tăng động lực nội tại. Loại phản hồi này giúp mọi người cảm thấy có năng lực hơn, đó là nhu cầu chính để phát triển cá nhân.
Ví Dụ Về Sự Tự Quyết
Hãy tưởng tượng một nhân viên đã không hoàn thành tốt dự án quan trọng trong công việc. Nếu người này có tính tự quyết cao, họ sẽ thừa nhận lỗi của mình và tin rằng họ có thể làm gì đó để sửa chữa vấn đề cũng như hành động để sửa sai.
Nếu người đó không có tính tự quyết, anh ta có thể tìm kiếm những thứ có thể đổ lỗi. Anh ta sẽ bao biện, đổ lỗi cho người khác hoặc từ chối thừa nhận vai trò của mình trong việc không hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Quan trọng nhất là người có tính tự quyết thấp sẽ không cảm thấy có động lực để sửa chữa sai lầm. Thay vào đó, họ có thể cảm thấy bất lực trong việc kiểm soát tình hình và tin rằng việc họ làm sẽ không có tác dụng thực sự.
Sẽ hữu ích nếu thay vì được thúc đẩy bởi phần thưởng bên ngoài hoặc bên trong, chúng ta xem nó như một chuỗi liên tục giữa các hành vi tự quyết và không tự quyết.
Ở một đầu của chuỗi liên tục là những hành vi tự quyết có thể định hướng về bản chất và được thực hiện vì sự thích thú, hứng thú và sự hài lòng vốn có đối với chính hành động đó.
Mặt khác là những hành vi không có tính tự quyết, được thực hiện thường vì chúng phải được thực hiện.
Ví dụ: nếu bạn đang luyện tập để thi marathon, bạn có thể bị thúc đẩy bên ngoài bởi mong muốn được người khác chấp thuận. Đồng thời, về bản chất, bạn cũng có thể bị thúc đẩy bởi sự hài lòng mà bạn có được từ chính hoạt động đó. Trong hầu hết các trường hợp, các hành vi có xu hướng nằm ở giữa chuỗi liên tục.
Thông thường có một lượng động lực bên ngoài có thể thúc đẩy mức độ động lực bên trong. Mọi người có thể tham gia vào các hành động bởi vì họ cảm thấy có thể kiểm soát tốt và các hành vi của họ phù hợp với điều gì đó quan trọng trong quan niệm về bản thân của họ.
Hầu hết các hành động không hẳn hoặc không phải do bản thân tự quyết định. Thay vào đó, các hành động thường dựa vào mức độ tự quyết nhất định và cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các động lực bên ngoài.
Tác Động
Khái niệm về quyền tự quyết đã được áp dụng cho nhiều lĩnh vực bao gồm giáo dục, công việc, nuôi dạy con cái, thể thao và sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy rằng người có tính tự quyết cao có thể thúc đẩy thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Tại Nơi Làm Việc
Những người có quyền tự quyết cảm thấy hài lòng hơn trong công việc đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của tổ chức đó. Làm thế nào người sử dụng lao động có thể xây dựng quyền tự quyết ở người lao động của họ?
Bằng cách cho phép các thành viên trong nhóm đóng vai trò tích cực
Không lạm dụng phần thưởng bên ngoài vì điều này có thể làm giảm động lực bên trong, một hiện tượng được gọi là hiệu ứng quá mức
Trao cho nhân viên những trách nhiệm lớn hơn
Cung cấp hỗ trợ và khuyến khích
Cung cấp cho nhân viên những phản hồi có ý nghĩa
>>> Tham Khảo: Thúc Đẩy Động Lực Ở Nhân Viên
Trong Môi Trường Cạnh Tranh
Trong môi trường cạnh tranh, chẳng hạn như thể thao, việc nuôi dưỡng ý thức tự quyết có thể thúc đẩy một người thể hiện sự xuất sắc cá nhân. Một số người cho rằng nó phần nào tăng mức độ dẻo dai về mặt tinh thần của con người.
Quyền tự quyết giúp các vận động viên cảm thấy rằng họ có khả năng đạt được mục tiêu và vượt qua thử thách, do đó họ được thúc đẩy để thực hiện tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có ý thức kiểm soát nội tại có nhiều khả năng tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ tập thể dục thường xuyên.
Trong Bối Cảnh Xã Hội
Quyền tự quyết cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội. Ví dụ, khi mọi người mới tham gia vào một nhóm chat online, nếu nhu cầu về quyền tự chủ, sự gắn kết và năng lực (ba thành phần của quyền tự quyết) được đáp ứng, thì điều đó sẽ tác động đến sự thể hiện của cá nhân, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của họ trong xã hội.
Tạo mối quan hệ thân thiết với những người khác có thể giúp cải thiện khả năng tự quyết:
Tìm kiếm mối quan hệ tích cực với những người sẽ hỗ trợ bạn theo đuổi mục tiêu của mình.
Hỗ trợ và tương tác với những người là một phần trong vòng kết nối xã hội của bạn.
Trong Bối Cảnh Trường Học
Học sinh có tính tự quyết có nhiều khả năng có động lực để đạt được thành tích hơn. Học sinh cũng có xu hướng cảm nhận về mức độ năng lực và sự hài lòng cao hơn. Các nhà giáo dục có thể giúp sinh viên nuôi dưỡng ý thức tự quyết định và động lực nội tại bằng cách:
Phản hồi tích cực một cách bất ngờ khi học sinh thực hiện tốt để giúp cải thiện cảm giác về năng lực của họ
Tránh phần thưởng bên ngoài quá mức cho những hành động mà học sinh đã thích, điều này giúp cải thiện động lực bên trong
Quyền tự quyết có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo cách mà mỗi người thực hiện hành vi. Cảm giác được kiểm soát và có động cơ thực chất có thể giúp mọi người cảm thấy cam kết, đam mê, hứng thú và hài lòng hơn với những việc họ làm.
>>> Tham Khảo: Thúc Đẩy Động Lực Nội Tại Cho Học Sinh
Đặc Điểm Của Người Có Sự Tự Quyết
Những người có khả năng tự quyết cao có xu hướng:
Họ tin rằng họ có quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình. Những người có sự tự quyết thường có quyền kiểm soát nội tại và tin rằng hành vi của họ sẽ luôn có ảnh hưởng đến kết quả. Khi đối mặt với thử thách, họ cảm thấy rằng họ có thể vượt qua chúng nhờ sự nỗ lực với những lựa chọn đúng đắn và làm việc chăm chỉ.
Có động lực tự thân cao. Người có lòng tự quyết cao không dựa vào những phần thưởng hay hình phạt bên ngoài để thúc đẩy họ hành động. Thay vào đó, họ tham gia vào các hành vi bởi vì thực tế là họ được thúc đẩy bởi chính hành vi đó. Họ có mong muốn nội tại trong việc thiết lập các mục tiêu và làm việc hướng tới chúng.
Hành động của họ dựa trên mục tiêu và hành vi của chính họ. Nói cách khác, những người có động lực tự thân sẽ tham gia vào những hành động mà họ biết rằng sẽ đưa họ đến gần hơn với mục tiêu của mình.
Chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Những người có tính tự quyết cao nhận công lao về thành công của bản thân nhưng cũng chấp nhận nhìn nhận những lỗi lầm, thất bại của mình. Họ biết rằng họ phải chịu trách nhiệm về hành động cá nhân và không đổ lỗi cho người khác.
>>> Tham Khảo: 6 Đặc Điểm Ở Người Có Cảm Xúc Ổn Định
Cải Thiện Khả Năng Tự Quyết
Nâng Cao Nhận Thức Về Bản Thân
Tự nhận thức gắn với sự tự quyết và nó có thể giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất để đưa ra những quyết định. Thiền chánh niệm, hoặc viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân là những cách dễ dàng để nâng cao nhận thức về bản thân.
>>> Tham Khảo: Phát Triển Khả Năng Tự Nhận Thức
Tự Điều Chỉnh
Phát triển mức độ tự quyết cao hơn cũng bao gồm việc rèn luyện các kỹ năng tự điều chỉnh của chính mình. Các chiến lược có thể giúp bạn điều chỉnh bản thân tốt hơn bao gồm chú ý hơn đến cảm giác của bạn về tinh thần và thể chất, cùng với việc luyện tập điều chỉnh lại nhận thức để điều khiển các phản ứng cảm xúc tốt hơn.
Tìm Kiếm Hỗ Trợ Xã Hội
Các mối quan hệ xã hội bền chặt có thể thúc đẩy động lực và hạnh phúc. Hãy tìm kiếm những người khiến bạn cảm thấy được chào đón và quan tâm. Đó có thể là một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, hoặc là một người bạn thường xuyên gặp mặt trong một câu lạc bộ, một cố vấn hoặc bất kỳ ai khác mang lại cảm giác được hỗ trợ và được thuộc về.
Tạo Ra Sự Thành Thạo
Hãy thành thạo trong các lĩnh vực quan trọng bởi điều đó giúp xây dựng ý thức tự quyết của bản thân. Nếu bạn có niềm yêu thích với một sở thích, thể thao, chủ đề học thuật hay một lĩnh vực bất kỳ, hãy học càng nhiều, càng sâu về nó cũng như cải thiện kỹ năng của bạn, điều này có thể giúp bạn cảm thấy có năng lực hơn. Càng học hỏi và thực hành, bạn sẽ càng cảm thấy có kỹ năng và khả năng tự quyết cao hơn.
Nguồn: Verywellmind - What Is Self-Determination Theory?
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn