Tâm Lý Học Giải Thích Sự Quên Của Con Người: Lý Thuyết Về Sự Thiếu Hụt Củng Cố Và Lỗi Truy Xuất Ký Ức (Phần 2)

Ở bài trước, chúng ta đã được tìm hiểu về 3 lý thuyết: thuyết về sự phân rã vết, sự dịch chuyển và sự can thiệp. Ba lý thuyết này đều cố gắng giải thích sự quên của con người. Tham khảo bài viết phần 1 tại đây

Ngoài ra, còn có 2 lý thuyết cũng góp phần giải thích sự quên của con người, đó là lý thuyết về sự thiếu hụt tính củng cố và lỗi truy xuất ký ức. 

Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu hai lý thuyết này để hiểu một cách toàn vẹn những giải thích cho vấn đề về sự quên ở con người. 

Sự Thiếu Hụt Củng Cố

Các báo cáo trước đây về sự quên tập trung chủ yếu vào bằng chứng tâm lý, nhưng trí nhớ cũng dựa vào các quá trình sinh học. Ví dụ: chúng ta có thể định nghĩa dấu vết của trí nhớ là:

  • Một số thay đổi vĩnh viễn của chất nền não để thể hiện một khía cạnh nào đó của trải nghiệm trong quá khứ.

Khi chúng ta tiếp nhận thông tin mới, cần có một khoảng thời gian nhất định để những thay đổi đối với hệ thần kinh diễn ra - quá trình củng cố - để thông tin đó được ghi lại chính xác. Trong giai đoạn này, thông tin được chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn để lưu trữ lâu hơn.

Bộ não bao gồm một số lượng lớn các tế bào gọi là tế bào thần kinh, được kết nối với nhau bằng các khớp thần kinh. Các khớp thần kinh cho phép hóa chất được truyền từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác. Những hóa chất này, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, có thể ức chế hoặc kích thích hoạt động của tế bào thần kinh.

Bạn có thể tưởng tượng là nếu một mạng lưới các tế bào thần kinh được kết nối thông qua các khớp thần kinh, thì sẽ có một mô hình kích thích và ức chế. Có ý kiến ​​cho rằng mô hình ức chế và kích thích này có thể được sử dụng làm cơ sở để lưu trữ thông tin. Quá trình sửa đổi các tế bào thần kinh này để hình thành những ký ức vĩnh viễn mới được gọi là sự củng cố (Parkin, 1993).

Có bằng chứng cho thấy quá trình củng cố bị suy giảm nếu hồi hải mã (hippocampus) bị tổn thương. Vào năm 1953, HM (bệnh nhân) đã phẫu thuật não để điều trị chứng động kinh của mình khi căn bệnh đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Cuộc phẫu thuật đã loại bỏ các phần não của anh ấy và phá hủy vùng hải mã, và mặc dù nó làm giảm chứng động kinh của anh ấy, nhưng nó vẫn để lại cho anh ấy một loạt vấn đề về trí nhớ. Mặc dù STM của anh ta hoạt động tốt nhưng anh ta không thể đưa các thông tin vào bộ nhớ dài hạn. 

Vấn đề chính mà HM gặp phải là không có khả năng ghi nhớ và học hỏi những điều mới. Việc không có khả năng hình thành những ký ức mới này được gọi là chứng quên thuận chiều (Anterograde Amnesia). Tuy nhiên, điều thú vị về quá trình củng cố là ký ức của HM về các sự kiện trước khi phẫu thuật vẫn còn nguyên vẹn, nhưng anh ấy bị mất trí nhớ đôi chút về các sự kiện xảy ra trong hai năm trước khi phẫu thuật.

Pinel (1993) gợi ý rằng điều này đặt ra một thách thức đối với quan điểm của Hebb (1949) rằng quá trình củng cố chỉ mất khoảng 30 phút. Thực tế là trí nhớ của bệnh nhân HM đã bị gián đoạn trong khoảng thời gian hai năm trước khi phẫu thuật cho thấy rằng quá trình củng cố vẫn tiếp tục trong một số năm.

Và điều cuối cùng trong lý thuyết về sự thiếu hụt tính củng cố ký ức là lão hóa cũng có thể làm suy giảm khả năng củng cố thông tin của chúng ta.

Đánh Giá Về Lý Thuyết

Nghiên cứu về các quá trình liên quan đến củng cố nhắc nhở chúng ta rằng trí nhớ dựa trên các quá trình sinh học, mặc dù cách thức chính xác mà các tế bào thần kinh bị thay đổi trong quá trình hình thành ký ức mới vẫn chưa được giải thích đầy đủ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc nghiên cứu vai trò của tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh sẽ cung cấp những hiểu biết mới và quan trọng về trí nhớ và sự lãng quên.

Tham khảo: Củng cố tích cực

Lý Thuyết Về Lỗi Truy Xuất Ký Ức

Lỗi truy xuất là một vấn đề mà khi thông tin nằm trong bộ nhớ dài hạn nhưng lại không thể truy cập được. Những thông tin như vậy được cho là có sẵn (nghĩa là nó vẫn được lưu trữ) nhưng không thể truy cập được (tức là không thể truy xuất được). Nó không thể truy xuất được vì nó không có tín hiệu truy xuất.

Khi chúng ta lưu trữ một ký ức mới, chúng ta cũng lưu trữ thông tin về sự kiện và những thông tin này được gọi là tín hiệu truy xuất. Khi chúng ta gặp lại tình huống tương tự, những tín hiệu hồi tưởng này có thể kích hoạt ký ức về tình huống đó. Tín hiệu truy xuất có thể là:

  • Bên ngoài/Bối cảnh - trong môi trường, ví dụ: mùi hương, địa điểm, v.v.

  • Bên trong/Tình trạng - bên trong chúng ta, ví dụ: thể chất, cảm xúc, tâm trạng, say rượu, vv

Có bằng chứng đáng kể cho thấy thông tin có nhiều khả năng được truy xuất từ ​​bộ nhớ dài hạn hơn nếu có các tín hiệu truy xuất phù hợp. Bằng chứng này đến từ cả thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và những tình huống đời thực. Một gợi ý truy xuất là một gợi ý hoặc manh mối có thể giúp não bộ truy xuất các sự kiện tương đồng.

Tulving (1974) lập luận rằng thông tin sẽ được truy xuất dễ dàng hơn nếu các tín hiệu xuất hiện khi thông tin được mã hóa cũng xuất hiện khi yêu cầu truy xuất thông tin đó. Ví dụ: nếu bạn đã cầu hôn người bạn đời của mình khi một bài hát nào đó đang được phát trên radio, bạn sẽ có nhiều khả năng nhớ các chi tiết của lời cầu hôn khi nghe lại bài hát đó. Bài hát là một gợi ý truy xuất - nó xuất hiện khi thông tin được mã hóa và truy xuất.

Tulving gợi ý rằng thông tin về môi trường vật chất xung quanh (bối cảnh bên ngoài) và về trạng thái thể chất hoặc tâm lý của đối tượng (điều kiện bên trong) được lưu trữ cùng lúc với thông tin được lưu trữ. Bằng cách cung cấp thông tin liên quan, việc khôi phục trạng thái hoặc ngữ cảnh giúp việc hồi tưởng dễ dàng hơn, trong khi đó lỗi truy xuất xảy ra khi không có tín hiệu thích hợp. Ví dụ: chúng ta sẽ khó hồi tưởng đến màn cầu hôn tại nhà hàng khi chúng ta đang ngồi làm việc ở công ty, do bối cảnh khác nhau hoặc trạng thái khác nhau và kết quả là không có các tín hiệu phù hợp cho việc truy xuất.

Tham Khảo: Ký ức giả (False Memory)

Tín Hiệu Bên Ngoài

Tín hiệu truy xuất có thể dựa trên bối cảnh hoặc tình huống trong đó thông tin được mã hóa và truy xuất. Ví dụ một căn phòng cụ thể về màu sắc, lái xe dọc theo đường cao tốc, một nhóm người nhất định, một ngày mưa, v.v.

Bối cảnh cũng đề cập đến cách thông tin được thể hiện. Ví dụ: các từ ngữ có thể được in trên một bài báo, được nói qua radio hoặc được hát trong một chương trình ca nhạc, chúng có thể được trình bày theo các nhóm có ý nghĩa như dánh sách đồ nội thất, bộ sưu tập ngẫu nhiên mà không có bất kỳ liên kết nào giữa chúng.

Bằng chứng chỉ ra rằng truy xuất ký ức khả thi hơn khi bối cảnh lúc mã hóa khớp với bối cảnh lúc truy xuất.

Một số thí nghiệm đã chỉ ra tầm quan trọng của các tín hiệu dựa trên bối cảnh bên ngoài để truy xuất. Một thí nghiệm được thực hiện bởi Tulving và Pearlstone (1966) đã yêu cầu những người tham gia tìm hiểu danh sách các từ thuộc các loại khác nhau, ví dụ như tên của động vật, quần áo và thể thao.

Những người tham gia sau đó được yêu cầu nhớ lại các từ. Những người có danh sách được phân loại nhớ lại nhiều từ hơn đáng kể so với những người không được phân loại. Các danh mục được phân loại đã cung cấp bối cảnh và việc đặt tên cho các danh mục cung cấp tín hiệu truy xuất. Và do đó, những người nhớ được ít từ hơn thuộc nhóm thiếu tín hiệu truy xuất thích hợp.

Một thí nghiệm thú vị được thực hiện bởi Baddeley (1975) cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập để truy xuất. Baddeley (1975) đã yêu cầu các thợ lặn biển ghi nhớ một danh sách các từ. Một nhóm đã làm điều này trên bãi biển và nhóm còn lại dưới nước. 

Kết quả cho thấy những người trong cùng một môi trường đã học nhớ lại nhiều từ hơn 40% so với những người tham gia cả hai môi trường. Điều này cho thấy rằng việc truy xuất thông tin được cải thiện nếu nó xảy ra trong bối cảnh mà nó đã được học.

Tín Hiệu Bên Trong

Ý tưởng cơ bản đằng sau việc truy xuất phụ thuộc vào trạng thái hoặc tín hiệu bên trong cho rằng trí nhớ biểu hiện tốt nhất khi trạng thái thể chất hoặc tâm lý của một người tương tự nhau trong hai quá trình mã hóa và truy xuất.

Ví dụ: nếu ai đó kể cho bạn nghe một câu chuyện cười vào tối thứ Bảy sau khi uống vài ly rượu, bạn sẽ có nhiều khả năng nhớ nó hơn khi vào một ngày nào đó sau khi bạn uống vài ly và rơi vào tình trạng tương tự. 

Các manh mối truy xuất trạng thái có thể dựa trên trạng thái thể chất hoặc tâm thần của người đó khi thông tin được mã hóa và truy xuất. Ví dụ, một người có thể tỉnh táo, mệt mỏi, vui vẻ, buồn bã, say rượu khi thông tin được mã hóa. Họ sẽ có nhiều khả năng truy xuất thông tin hơn khi họ ở trạng thái tương tự.

Thông tin về trạng thái, tâm trạng hiện tại thường được lưu trữ trong dấu vết của bộ nhớ và sẽ dễ quên hơn nếu trạng thái tâm trạng tại thời điểm truy xuất khác nhau. Quan điểm cho rằng sẽ khó quên hơn khi tâm trạng lúc học và lúc ghi nhớ giống nhau thường được gọi là trí nhớ phụ thuộc vào tâm trạng.

Một nghiên cứu của Goodwin et al. (1969) đã nghiên cứu ảnh hưởng của rượu đối với việc hồi tưởng phụ thuộc vào trạng thái. Họ phát hiện ra rằng khi mọi người mã hóa thông tin khi say, họ có nhiều khả năng nhớ lại nó trong trạng thái tương tự. Ví dụ, khi họ giấu tiền và rượu khi say, họ khó có thể tìm thấy chúng khi tỉnh táo. Tuy nhiên, khi đã say trở lại, họ thường xuyên phát hiện ra nơi cất giấu. Các nghiên cứu khác cũng có kết quả tương tự, chẳng hạn như với thí nghiệm mà người tham gia được yêu cầu sử dụng một số chất kích thích nhất định.

Mọi người có xu hướng ghi nhớ thông tin tốt hơn khi có sự phù hợp giữa tâm trạng của họ khi học và khi nhớ lại. Sự ghi nhớ cũng sẽ tốt hơn khi những người tham gia có tâm trạng tích cực hơn là tâm trạng tiêu cực, và cả khi mọi người cố gắng ghi nhớ các sự kiện có liên quan đến cá nhân.

Đánh Giá Lý Thuyết

Theo lý thuyết về lỗi truy xuất, sự lãng quên xảy ra khi thông tin có sẵn trong LTM nhưng không thể truy cập được. Khả năng truy cập phụ thuộc phần lớn vào tín hiệu truy xuất. Khả năng quên là lớn nhất khi bối cảnh và trạng thái khác nhau khi não bộ mã hóa và truy xuất. Trong tình huống này, tín hiệu truy xuất không có và kết quả khiến chúng ta lãng quên.

Có nhiều bằng chứng củng cố thuyết về sự quên này từ các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mặc dù giá trị sinh thái của những thí nghiệm này có thể khá đáng ngờ, nhưng những phát hiện của các nhà nghiên cứu còn được được hỗ trợ bởi bằng chứng từ bên ngoài phòng thí nghiệm.

Ví dụ, nhiều người nói rằng họ không thể nhớ nhiều về thời thơ ấu hoặc thời đi học của mình. Nhưng việc trở lại ngôi trường mà họ đã trải qua thời thơ ấu hoặc tham dự một buổi họp lớp lại mang tới những tín hiệu hồi tưởng làm khơi dậy một loạt ký ức.

Nguồn: Simply Psychology - The Psychology of Forgetting and Why Memory Fails

Tham khảo: 5 giai đoạn của trí nhớ

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.

0977.729.396