Tâm Lý Học Giải Thích Sự Quên Của Con Người: Lý Thuyết Phân Rã Vết, Sự Dịch Chuyển Và Sự Can Thiệp (Phần 1)

Bài viết của Tiến sĩ Saul McLeod, được xuất bản năm 2008.

Tại sao chúng ta quên? Có hai câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.

Đầu tiên, khi ký ức biến mất - nó đơn giản là không còn sẵn trong đầu nữa. Thứ hai, ký ức mặc dù biến mất nhưng nó vẫn được lưu trữ trong hệ thống bộ nhớ, nhưng vì lý do nào đó, nó không thể được truy xuất.

Hai câu trả lời này tóm tắt lại các lý thuyết về sự lãng quên được phát triển bởi các nhà tâm lý học. Câu trả lời đầu tiên biểu hiện cho sự quên được diễn ra với trí nhớ ngắn hạn (short-term memory - STM),  và câu trả lời thứ hai biểu hiện cho sự quên trong trí nhớ dài hạn.

  • Sự quên thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn (STM) có thể được giải thích bằng cách sử dụng các lý thuyết về sự phân rã và dịch chuyển “vết” (trace).

  • Sự quên do trí nhớ dài hạn (LTM) có thể được giải thích bằng cách sử dụng các lý thuyết về sự can thiệp, lỗi truy xuất và sự thiếu hụt củng cố.

Lý Thuyết Về Phân Rã “Vết” Của Sự Quên

Lý thuyết này giả định rằng ký ức để lại dấu vết trong não. Dấu vết là một sự thay đổi vật lý và/hoặc hóa học trong hệ thần kinh.

Lý thuyết phân rã vết phát biểu rằng sự lãng quên xảy ra do sự phân rã tự động hoặc sự mờ dần của các dấu vết ký ức. Lý thuyết phân rã dấu vết tập trung vào thời gian và khoảng giới hạn của trí nhớ ngắn hạn.

Lý thuyết này cho thấy trí nhớ ngắn hạn chỉ có thể lưu giữ thông tin trong khoảng từ 15 đến 30 giây trừ khi nó được diễn tập lại. Sau thời gian này, thông tin/dấu vết phân rã và biến mất.

Không ai phản đối thực tế rằng chúng ta dần quên những thứ mà chúng ta đã học nếu chúng ta không học lại hay nhớ lại thường xuyên, nhưng vẫn có sự bất đồng về cách giải thích cho hiệu ứng này.

Theo lý thuyết phân rã dấu vết, các sự kiện giữa việc học và nhớ lại không ảnh hưởng gì đến việc nhớ lại. Điều quan trọng là khoảng thời gian thông tin phải được lưu giữ và nó càng dài, dấu vết ký ức càng bị phân rã và hậu quả là nhiều thông tin bị lãng quên.

Có một số vấn đề về phương pháp mà các nhà nghiên cứu đang phải đối mặt khi cố gắng điều tra lý thuyết phân rã dấu vết. Một trong những vấn đề chính là kiểm soát các sự kiện xảy ra giữa quá trình học và hồi tưởng.

Rõ ràng, trong bất kỳ tình huống thực tế nào, khoảng thời gian từ khi học một điều gì đó đến khi nhớ lại nó sẽ bị gián đoạn bởi nhiều loại sự kiện khác nhau. Điều này làm cho rất khó để chắc chắn rằng bất kỳ sự lãng quên nào diễn ra là kết quả của sự phân rã hơn là hệ quả của các sự kiện khác xen vào.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Brown (1958) ở Vương quốc Anh và Peterson và Peterson (1959) ở Hoa Kỳ đã củng cố cho quan điểm rằng sự lãng quên của trí nhớ ngắn hạn có thể là kết quả của sự suy giảm về ký ức theo thời gian.  

Tham Khảo: Trí nhớ, ký ức và hiệu ứng sai lệch thông tin

Đánh Giá Lý Thuyết

Có rất ít sự ủng hộ đối với lý thuyết phân rã khi nhiều nhà khoa học coi lý thuyết này như một lời giải thích cho việc mất thông tin từ trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Một trong những vấn đề của lý thuyết phân rã là ít nhiều không thể kiểm tra tính xác thực của nó. Trong thực tế, không thể tạo ra một tình huống trong đó có một khoảng thời gian trống giữa việc trình bày một tài liệu nhất định và nhớ lại. Sau khi trình bày thông tin, người tham gia sẽ diễn tập nó. Nếu ngăn chặn việc diễn tập bằng cách đưa ra một nhiệm vụ gây phân tâm, thì điều đó sẽ dẫn đến sự can thiệp.

Lý thuyết phân rã gặp khó khăn trong việc giải thích một vấn đề là nhiều người có thể nhớ rất rõ ràng các sự kiện đã xảy ra vài năm trước, mặc dù họ không nghĩ về chúng trong khoảng thời gian xen kẽ. Nếu ký ức của chúng ta dần dần bị mai một theo thời gian, thì con người không nên có những ký ức rõ ràng về những sự kiện xa xôi đã nằm im lìm trong nhiều năm. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng thông tin bị mất khỏi bộ nhớ tạm (sensory memory) thông qua quá trình phân rã (Sperling, 1960).

Sự Dịch Chuyển (Displacement) Từ Bộ Nhớ Ngắn Hạn (STM)

Sự dịch chuyển tìm cách giải thích sự quên của trí nhớ ngắn hạn và gợi ý rằng lý do là bởi các ký ức không còn sẵn có.

Thuyết dịch chuyển cung cấp một lời giải thích rất đơn giản về sự lãng quên, đó là do dung lượng hạn chế của nó, được Miller đề xuất là 7+/- 2 (items), STM chỉ có thể chứa một lượng nhỏ thông tin.

Khi STM 'đầy', thông tin mới sẽ thay thế hoặc 'đẩy' thông tin cũ ra và thế chỗ. Thông tin cũ bị thay thế sẽ bị lãng quên trong STM.

Người ta cũng cho rằng thông tin đã tồn tại lâu nhất trong kho lưu trữ ngắn hạn cũng sẽ bị thay thế bởi thông tin mới đầu tiên, tương tự như cơ chế của một chiếc băng chuyền, khi hộp mới được đặt lên sẽ đẩy các hộp cuối cùng rớt khỏi băng tải. 

Và theo đó, có nhiều quan điểm đồng tình rằng sự dịch chuyển là nguyên nhân dẫn đến việc mất thông tin khỏi trí nhớ ngắn hạn đến từ các nghiên cứu sử dụng phương pháp 'hồi tưởng tùy ý' (free recall).

Ví dụ, một nghiên cứu điển hình sử dụng quy trình: những người tham gia nghe một danh sách các từ được đọc với tốc độ ổn định, thường là hai giây cho mỗi từ; sau đó họ được yêu cầu nhớ lại càng nhiều từ càng tốt. Họ có thể tự do nhớ lại các từ theo bất kỳ thứ tự nào, do đó có thuật ngữ 'hồi tưởng tùy ý'.

Những phát hiện từ các nghiên cứu sử dụng hồi tưởng tùy ý là khá đáng tin cậy và chúng tạo ra các kết quả có tính chất giống nhau trong mỗi trường hợp. Nếu bạn lấy từng từ trong danh sách và tính xác suất những người tham gia nhớ lại từ đó (bằng cách lấy trung bình mức nhớ từ của tất cả những người tham gia) và vẽ biểu đồ này dựa trên vị trí của mục đó trong danh sách, kết quả là đường cong vị trí nối tiếp (Hình 1).

Hình 1. Biểu diễn đơn giản hóa đường cong vị trí nối tiếp để hồi tưởng ngay lập tức

Sự hồi tưởng được đánh giá là tốt khi nó gắn với hiệu ứng ưu tiên hoặc gắn với các mục (items) ở gần cuối danh sách - hay còn gọi là hiệu ứng gần. 

Lý thuyết dịch chuyển có thể giải thích hiệu ứng gần một cách dễ dàng. Một vài từ cuối cùng được trình bày trong danh sách vẫn chưa được thay thế khỏi bộ nhớ ngắn hạn và do đó chúng trở thành ký ức có sẵn để dễ dàng nhớ lại.

Hiệu ứng tính ưu tiên có thể được giải thích bằng cách sử dụng mô hình đa bộ nhớ của Atkinson & Shiffrin (1968). Mô hình này đề xuất rằng thông tin được chuyển vào bộ nhớ dài hạn bằng cách diễn tập lại.

Những từ đầu tiên trong danh sách được luyện tập thường xuyên hơn bởi vì tại thời điểm chúng được trình bày, chúng không phải cạnh tranh với những từ khác về dung lượng hạn chế của bộ nhớ ngắn hạn. Điều này có nghĩa là những từ đầu tiên trong danh sách có nhiều khả năng hơn được chuyển vào bộ nhớ dài hạn.

Vì vậy, hiệu ứng ưu tiên phản ánh các từ có sẵn để hồi tưởng từ bộ nhớ dài hạn. Còn các từ ở giữa danh sách, từng nằm trong bộ nhớ ngắn hạn cho đến khi chúng bị đẩy ra ngoài - hoặc bị thay thế bởi các từ ở cuối danh sách.

Tham Khảo: 5 giai đoạn của trí nhớ 

Đánh Giá Về Lý Thuyết

Lý thuyết dịch chuyển cung cấp một giải thích rõ ràng hơn về cách mà sự lãng quên có thể diễn ra trong mô hình của Atkinson & Shiffrin (1968). Tuy nhiên, rõ ràng là bộ nhớ ngắn hạn có nhiều vấn đề phức tạp hơn so với những gì được nhắc đến trong mô hình của Atkinson và Shiffrin.

Thí nghiệm “nối tiếp vị trí” của Murdock (1962) đã củng cố ý tưởng về sự lãng quên do dịch chuyển thông tin khỏi bộ nhớ ngắn hạn, mặc dù nó cũng có thể là do sự phân rã; thực sự rất khó để biết nguyên nhân chính xác là gì.

Lý Thuyết Về Sự Can Thiệp

Nếu bạn hỏi các nhà tâm lý học trong những năm 1930, 1940 hoặc 1950 rằng điều gì gây ra chứng quên thì có lẽ bạn sẽ nhận được câu trả lời là "Sự can thiệp”.

Người ta cho rằng trí nhớ có thể bị gián đoạn hoặc bị can thiệp bởi những gì chúng ta đã học trước đó hoặc bởi những gì chúng ta sẽ học trong tương lai. Ý tưởng này gợi ý rằng thông tin trong bộ nhớ dài hạn có thể bị nhầm lẫn hoặc kết hợp với thông tin khác trong quá trình mã hóa, do đó làm biến dạng hoặc phá vỡ ký ức.

Thuyết can thiệp cho rằng quên xảy ra do các ký ức can thiệp và phá vỡ lẫn nhau, nói cách khác, quên xảy ra do sự gây nhiễu từ các ký ức khác (Baddeley, 1999). Có hai cách mà sự can thiệp của ký ức có thể gây ra sự lãng quên:

1. Can thiệp chủ động (pro=forward) xảy ra khi bạn không thể học một nhiệm vụ mới do một nhiệm vụ cũ đã được học. Khi những gì chúng ta đã biết cản trở những gì chúng ta đang học – những ký ức cũ phá vỡ những ký ức mới.

2. Can thiệp hồi tố (retro=backward) xảy ra khi bạn quên nhiệm vụ đã học trước đó do học nhiệm vụ mới. Nói cách khác, việc học sau cản trở việc học trước đó -  những ký ức mới phá vỡ những ký ức cũ.

Can thiệp chủ động và hồi tố được cho là có nhiều khả năng xảy ra hơn khi các ký ức tương tự nhau, ví dụ: nhầm lẫn số điện thoại cũ và mới. Chandler (1989) tuyên bố rằng những sinh viên học các môn học giống nhau vào cùng một thời điểm thường gặp phải sự can thiệp này.

Việc học trước đây đôi khi có thể cản trở việc học mới (ví dụ: chúng ta gặp khó khăn với ngoại tệ khi đi du lịch nước ngoài, do chúng ta đã quen với hệ thống tiền tệ trong nước). Ngoài ra, việc học mới đôi khi có thể gây nhầm lẫn với việc học trước đó. (Bắt đầu học tiếng Pháp có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta về từ vựng tiếng Tây Ban Nha đã học trước đó).

Trong thời gian ngắn, sự can thiệp vào bộ nhớ có thể xảy ra dưới dạng gây xao nhãng khiến chúng ta không có cơ hội xử lý thông tin đúng cách ngay từ đầu. (ví dụ: ai đó sử dụng máy khoan lớn ngay bên ngoài cửa lớp học.)

Nghiên Cứu Của Postman (1960)

Mục đích: Để tìm hiểu can thiệp hồi tố có ảnh hưởng đến việc học như thế nào. Nói cách khác, nghiên cứu những thông tin một đối tượng nhận được gần đây có cản trở khả năng nhớ lại điều gì đó mà đối tượng đã học trước đó hay không.

Phương pháp: Đây là một thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Những người tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng. Cả hai nhóm phải nhớ một danh sách các từ được ghép nối – ví dụ: cat - tree, book - tractor, jelly - moss,… Nhóm thử nghiệm cũng phải học một danh sách các từ trong đó từ nối thứ hai không có điểm chung với từ thứ nhất - ví dụ: cat – glass, book – revolver, jelly- time,... Nhóm đối chứng sẽ không được học danh sách thứ hai. Và tất cả những người tham gia được yêu cầu nhớ lại các từ trong danh sách đầu tiên.

Kết quả: Việc nhớ lại của nhóm đối chứng chính xác hơn so với nhóm thử nghiệm.

Kết luận: Điều này cho thấy rằng các items trong danh sách thứ hai đã cản trở khả năng nhớ lại danh sách thứ nhất của người tham gia thử nghiệm. Đây là một ví dụ rất đơn giản về can thiệp hồi tố.

Tham Khảo: Ký ức giả

Đánh Giá Lý Thuyết

Mặc dù can thiệp chủ động và hồi tố là những lý thuyết đáng tin cậy, nhưng chúng cũng có một số vấn đề.

Đầu tiên, lý thuyết can thiệp cho chúng ta biết rất ít về các quá trình nhận thức liên quan đến việc quên. Thứ hai, hầu hết các nghiên cứu về vai trò của lý thuyết can thiệp trong việc quên được thực hiện trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng danh sách các từ, một tình huống hiếm có khả năng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày (tức là giá trị sinh thái thấp). Do đó tính khái quát hóa từ những phát hiện ở mức thấp. 

Baddeley (1990) nói rằng các nhiệm vụ được giao cho các đối tượng quá gần nhau và trong cuộc sống thực; những loại sự kiện này cách xa nhau hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách điều tra các sự kiện 'có thật' và đã hỗ trợ cho lý thuyết về sự can thiệp. Tuy nhiên, chắc chắn rằng sự can thiệp đóng một vai trò trong sự quên, nhưng mức độ quên dựa trên sự can thiệp vẫn chưa rõ ràng (Anderson, 2000).

còn tiếp, xem phần 2.

Nguồn: Simply Psychology - The Psychology of Forgetting and Why Memory Fails

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/