Đối với một số người không có chủ ý tách rời cảm xúc, thì hiện tượng này xảy ra như một kết quả của những sự kiện khiến người đó không thể cởi mở và trung thực về cảm xúc của chính họ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự tách rời cảm xúc, và khi thì nó là điều tốt, khi nào nó trở thành điều đáng lo ngại.
Sự Tách Rời Cảm Xúc (Emotional Detachment) Là Gì?
Sự tách rời cảm xúc được mô tả là hiện tượng khi bạn hoặc những người khác có thái độ thờ ơ hoặc ngắt kết nối với cảm xúc. Nó có thể bắt nguồn từ việc không muốn hoặc không có khả năng kết nối với người khác.
Sự tách rời cảm xúc được chia thành hai loại. Trong một số trường hợp, bạn có thể phát triển sự tách rời cảm xúc như một phản ứng đối với một tình huống khó khăn hoặc căng thẳng. Trong các trường hợp khác, nó có thể là kết quả của một tình trạng tâm lý tiềm ẩn.
Tách rời cảm xúc có thể hữu ích nếu bạn sử dụng nó đúng mục đích, chẳng hạn như bằng cách thiết lập ranh giới với những người hoặc những nhóm nhất định. Ranh giới có thể giúp bạn duy trì khoảng cách lành mạnh với những người đòi hỏi nhiều về cảm xúc của bạn để chú ý tới họ.
Nhưng, nó cũng có thể gây hại khi bạn không thể kiểm soát nó - dẫn đến tình trạng tê liệt hay còn gọi là sự cùn mòn về mặt cảm xúc (emotional blunting), và nó thường là một triệu chứng hoặc vấn đề mà bạn nên cân nhắc trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần để giải quyết.
Triệu Chứng
Những người bị tách rời hoặc loại bỏ cảm xúc có thể gặp các triệu chứng như:
Khó xây dựng hoặc duy trì các mối quan hệ cá nhân
Thiếu chú ý khi ở xung quanh người khác
Khó yêu thương hoặc tình cảm với một thành viên trong gia đình
Né tránh mọi người, hoạt động hoặc địa điểm
Giảm khả năng thể hiện cảm xúc
Khó đồng cảm người khác
Không dễ dàng chia sẻ cảm xúc
Khó xây dựng sự cam kết trong mối quan hệ
Không ưu tiên người khác khi họ nên được ưu tiên
Cách Xác Định Sự Tách Rời Về Mặt Cảm Xúc
Sự tách rời cảm xúc có thể hình thành từ từ theo thời gian hoặc nó có thể xảy ra nhanh hơn để đối phó với một tình huống cấp bách. Mặc dù mỗi người là khác nhau, nhưng có một số dấu hiệu và triệu chứng cần theo dõi bao gồm:
Không có khả năng cảm nhận cảm xúc hoặc luôn cảm thấy trống rỗng
Không có hứng thú với các hoạt động
Hạn chế và ít tham gia vào các mối quan hệ
Thể hiện ít hoặc không có sự đồng cảm với người khác
Khắc nghiệt hoặc không tử tế với người khác
Nếu bạn nghi ngờ bản thân có thể đang phát triển sự tách rời cảm xúc, bạn nên cân nhắc nói chuyện với các chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp xác định các triệu chứng của bạn và đề xuất các lựa chọn điều trị tiềm năng.
Phân Loại
Sự tách rời cảm xúc có thể phát triển do nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, có thể bao gồm:
Liên tục tiếp xúc với các tin xấu hoặc thông tin gây khó chịu
Sang chấn tâm lý
Lạm dụng
Tác dụng phụ của thuốc
Chịu ảnh hưởng bởi cha mẹ hoặc các kỳ vọng trong cộng đồng
>>>> Tham khảo: Lạm Dụng Đối Với Nam Giới
Điều Gì Gây Ra Sự Tách Rời Cảm Xúc?
Tách rời cảm xúc có thể là bởi cá nhân có chủ ý. Một số người có thể chọn cách vô cảm trong một tình huống hoặc vô cảm với một người nào đó.
Ở những trường hợp khác, nó có thể là kết quả của chấn thương, lạm dụng,... Trong những trường hợp này, các sự kiện trước đây có thể khiến bạn khó cởi mở và khó trung thực với bạn bè, người thân hoặc những người quan trọng khác.
Chủ Động Tách Rời Cảm Xúc
Một số người chọn cách chủ động loại bỏ bản thân khỏi một tình huống xúc động. Bạn có thể chọn không tham gia với một ai đó hoặc một nhóm người trong một tình huống mà bạn không muốn thể hiện cảm xúc. Trong những hoàn cảnh như vậy, tách rời cảm xúc trở thành một cách giúp bạn phòng vệ trước những tình huống có thể kích hoạt phản ứng cảm xúc tiêu cực ở bạn.
Lạm Dụng
Đôi khi, sự tách rời cảm xúc có thể là kết quả của những sự kiện đau thương, chẳng hạn như bị ngược đãi hoặc bỏ bê khi còn nhỏ. Những đứa trẻ sống trong cảnh bị lạm dụng hoặc bỏ bê có thể phát triển sự tách rời cảm xúc như một cách để sinh tồn.
Trẻ em cần rất nhiều sự kết nối cảm xúc từ cha mẹ hoặc người chăm sóc. Nếu một điều gì đó mà bọn trẻ mong đợi rất nhiều nhưng lại không đến, chúng có thể ngừng mong đợi điều đó. Khi nó xảy ra, trẻ có thể bắt đầu tắt dần cảm xúc của mình, như trong trường hợp mắc chứng rối loạn phản ứng gắn bó (Reactive Attachment Disorder - RAD). RAD là tình trạng trẻ em không thể hình thành mối quan hệ gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc. Và rối loạn này có thể dẫn đến tâm trạng chán nản, không có khả năng thể hiện hoặc chia sẻ cảm xúc cũng như các vấn đề về hành vi.
Những Nguyên Nhân Khác
Tách rời cảm xúc hay “tê liệt” thường là triệu chứng của các tình trạng rối loạn tâm lý. Đôi khi bạn có thể cảm thấy xa cách với cảm xúc của mình nếu bạn có:
Sang chấn
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn trầm cảm
Rối loạn nhân cách
Thuốc
Một số loại thuốc có thể làm giảm việc thể hiện cảm xúc. Khoảng thời gian tách rời cảm xúc này có thể kéo dài chừng nào bạn còn dùng các loại thuốc này. Các bác sĩ có thể giúp bạn tìm một giải pháp thay thế khác hoặc giúp tìm đúng liều lượng nếu thuốc ảnh hưởng đến bạn theo cách này.
Cách Nhận Biết Sự Tách Rời Về Cảm Xúc
Sự tách rời cảm xúc không phải là một tình trạng chính thức như rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm. Thay vào đó, nó thường được coi là một yếu tố của tình trạng bệnh lý lớn hơn.
Các điều kiện có thể bao gồm rối loạn nhân cách hoặc rối loạn phản ứng gắn bó.
Sự tách rời cảm xúc cũng có thể là kết quả của chấn thương cấp tính hoặc lạm dụng.
Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể nhìn thấy khi nào bạn không dành tình cảm cho người khác. Họ cũng có thể nói chuyện với bạn, với một thành viên trong gia đình hoặc một người quan trọng khác về hành vi của bạn.
Điều Trị
Điều trị tách rời cảm xúc phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Nếu các triệu chứng tách rời cảm xúc là do sang chấn tâm lý, các chuyên gia tâm lý có thể đề nghị thực hiện trị liệu tâm lý bằng các liệu pháp, còn được gọi là liệu pháp trò chuyện. Phương pháp điều trị này có thể giúp bạn học cách vượt qua những tác động quá khứ bị lạm dụng. Bạn cũng có thể học những cách mới để xử lý những trải nghiệm và những lo lắng trước đây khiến bạn khó chịu và dẫn đến sự tách rời cảm xúc.
Tuy nhiên, đối với một số người, sự tách rời về cảm xúc không phải là vấn đề. Trong trường hợp đó, bạn có thể không cần tìm cách điều trị.
Kết Lại
Sự tách rời cảm xúc (emotional detachment) xảy ra khi một người ngắt kết nối với cảm xúc của họ. Điều này có thể là cố ý, hoặc không cố ý.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xử lý cảm xúc hoặc bạn sống với người gặp khó khăn tương tự, hãy liên hệ với Viện Tâm lý Việt-Pháp để nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý hàng đầu trong lĩnh vực.
Nguồn: Emotional Detachment: What It Is and How to Overcome It - HealthLine
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn