Trong tâm lý học có rất nhiều khái niệm chuyên môn có cùng một mục đích là cải thiện sức khỏe tâm thần cho con người, điều này khiến mọi người nhầm lẫn và tò mò bản chất thực sự của chúng. Bài viết dưới đây sẽ phân tích sự khác nhau giữa Trị liệu tâm lý (Psychotherapy) và Phân tâm học (Psychoanalysis).
Trị Liệu Tâm Lý (Psychotherapy) Là Gì?
Trị liệu tâm lý, hay liệu pháp trò chuyện, là một cách để giúp đỡ những người khó khăn về cảm xúc hay mắc các rối loạn tâm lý. Trị liệu tâm lý có thể giúp loại bỏ hoặc kiểm soát các vấn đề gây khó chịu để người được trị liệu có cuộc sống tốt hơn và có thể tăng cường sức khỏe tâm thần cũng như chữa lành tâm hồn.
Liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, tác động của chấn thương, bệnh tật hoặc những mất mát như sự qua đời của một người thân và các rối loạn tâm thần cụ thể như trầm cảm hoặc lo âu. Mỗi liệu pháp tâm lý khác nhau lại hoạt động tốt hơn trong một số trường hợp hoặc vấn đề nhất định, đồng thời người được trị liệu có thể được yêu cầu sử dụng kết hợp với thuốc hoặc các liệu pháp khác.
Có thể trị liệu tâm lý ngắn hạn (trong một vài buổi) để giải quyết các vấn đề trước mắt, hoặc dài hạn (vài tháng hoặc nhiều năm) để giải quyết các vấn đề phức tạp và tồn tại trong thời gian dài. Thân chủ và nhà trị liệu sẽ cùng lên kế hoạch cho các mục tiêu điều trị: mục tiêu, thời gian, tần suất trị liệu,...
Một số liệu pháp tâm lý có thể kể đến như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp cam kết và chấp nhận (ACT), …
Phân Tâm Học (Psychoanalysis) Là Gì?
Phân tâm học là một tập hợp các lý thuyết tâm lý và phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ công trình và lý thuyết của Sigmund Freud. Giả định cơ bản của phân tâm học là tất cả mọi người đều sở hữu những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và ký ức trong vô thức và có thể đây chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ và rối loạn tâm lý.
Mục đích của liệu pháp phân tâm là giải phóng những cảm xúc và trải nghiệm bị kìm nén, tức là đối mặt với chúng từ vô thức và trở nên có ý thức. Cụ thể, liệu pháp xem xét trải nghiệm của thân chủ (thường là từ thời thơ ấu) có thể đóng góp như thế nào vào trải nghiệm và hành động ở hiện tại của họ. Chỉ khi đối mặt với những xung đột có ý thức trong tâm trí và có trải nghiệm về việc chữa lành thì người đó mới có thể thoát khỏi vấn đề của họ.
Do bản chất của các cơ chế phòng vệ và sự khó khăn trong tiếp cận hoạt động trong vô thức của mỗi người, những người trải qua liệu pháp này thường phải gặp nhà trị liệu của họ ít nhất một tuần một lần và quá trình trị liệu có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Một số kĩ thuật được sử dụng phổ biến bao gồm giải mã giấc mơ (dream interpretation), liên kết tự do (free association), …
Sự Khác Biệt Giữa Trị Liệu Tâm Lý (Psychotherapy) & Phân Tâm Học (Psychoanalysis)
Trước khi phân biệt chính xác hai khái niệm trên, hãy bắt đầu dựa trên Phép ẩn dụ về học bơi (Swimming Metaphor). Nếu một người không biết bơi rơi xuống một hồ nước sâu, họ sẽ phải đối mặt với hai vấn đề: làm sao để thoát khỏi nỗi sợ chết đuối và làm sao để học cách bơi. Lúc này, các chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ giúp đỡ ở cả hai vấn đề. Mục đích là sau khi người được trị liệu nhận ra và vượt qua cảm giác sợ hãi của bản thân họ (trong ví dụ này là sợ chết đuối), thì họ sẽ có khả năng và biết cách quản lý cuộc sống của mình hơn khi đối mặt với vấn đề một lần nữa (trong ví dụ trên là ngã xuống nước nhưng đã tự biết bơi).
Nhưng nhiều nhà trị liệu tâm lý đã phát hiện ra rằng một số thân chủ có những mong muốn và động cơ xung đột với nhau. Họ muốn thay đổi và cũng không muốn thay đổi. Họ đã tiếp nhận sự giúp đỡ nhưng sau đó lại từ chối, chống lại hoặc phớt lờ chúng. Nói cách khác, phép ẩn dụ học bơi có một tầng nghĩa khác cần phải được xem xét.
Tại sao một số người vẫn mắc kẹt trong hồ nước ngay cả khi họ đã nhận sự hỗ trợ, các công cụ và cả những thay đổi trong suy nghĩ? Câu hỏi này chính là nơi mà phân tâm học xuất hiện, và là nơi Freud tìm thấy điểm xuất phát của mình. Freud đã làm việc với những thân chủ không được giúp đỡ bằng các phương pháp trị liệu tâm lý truyền thống ngày nay. Ông phát hiện ra rằng việc lắng nghe và nói chuyện với những người này lúc đầu rất hữu ích, nhưng sự cải thiện ban đầu của họ mất dần và họ quay trở lại điểm xuất phát hoặc phát triển một vấn đề khác. Đây là bước ngoặt để Freud phát hiện ra rằng có một Sự chống đối thay đổi trong tâm trí vô thức của con người (psyche’s unconscious resistance to change). Sự chống đối đó là yếu tố mà hầu hết các liệu pháp tâm lý không thực sự giải quyết được. Đối với một số người, sự chống đối thay đổi (oppose change) mạnh hơn sự kích thích thay đổi (fuel change). Nếu quay lại phép ẩn dụ học bơi thì có thể hiểu rằng một số người đã cố tình mắc kẹt trong hồ nước - một cách vô thức.
Vậy tại sao một số người lại vô thức chống lại những “giải cứu” và “giúp đỡ” từ các biện pháp trị liệu tâm lý? Đầu tiên, bởi vì thay đổi có nghĩa là họ phải nhận thức và tiếp xúc với nỗi đau tinh thần. Điều này có thể liên quan đến nỗi sợ hãi về những điều chưa biết, nỗi đau mất mát, trách nhiệm và sự chăm chỉ đi kèm với việc tiến lên phía trước. Thứ hai, Freud tin rằng mọi người chống lại sự thay đổi bởi vì họ nhận ra có điều gì đó tích cực từ việc giữ nguyên và thậm chí họ có thể nhận được gì đó hữu ích khi gặp vấn đề tâm lý - ít nhất một cách vô thức. Tiếp tục với phép ẩn dụ học bơi, những người này phải đối mặt với việc họ không muốn học bơi, vì trong vô thức họ sợ đây là một công việc khó khăn và đòi hỏi sự chăm chỉ để tiến về phía trước. Hoặc cũng có thể họ chỉ muốn giữ nguyên vị trí vì nghĩ rằng nó phù hợp với họ, trong khi không ý thức được rằng mình đang chìm dần.
Phân tâm học, với tư cách là một lý thuyết và mô hình điều trị, được phát triển để giải quyết những yếu tố vô thức này. Nó giúp nhà phân tâm giải quyết các cấp độ vô thức trong tâm trí của thân chủ để những sự phản kháng với việc thay đổi mất đi sự kìm kẹp của nó với tâm trí và sức mạnh tinh thần, thể chất được phát triển mạnh mẽ hơn.
Điểm Khác Biệt
Tâm lý trị liệu liên quan đến cái mà chúng ta gọi là bản ngã, cái tôi hoặc cơ quan hoạt động giúp ta đưa ra quyết định hàng ngày. Ngược lại, phân tâm học đề cập đến vô thức - những trải nghiệm nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Thứ hai, mục tiêu của phân tâm học và tâm lý trị liệu cũng khác nhau. Tâm lý trị liệu cố gắng khôi phục mối quan hệ giữa con người với các chuẩn mực và quy định xã hội, trong khi phân tâm học có tác dụng củng cố mối quan hệ giữa các chủ thể với vô thức của chính họ.
Tham Khảo: Nghề Trị Liệu Tâm Lý
Kết Lại
Việc phân biệt hai khái niệm này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và tổng quát hơn về trị liệu tâm lý, từ đó nhận biết và hiểu rõ hơn cơ chế và mục tiêu của mỗi phương pháp đối với sức khỏe tâm thần con người.
Nguồn:
PsychCentral - How Psychoanalysis Differs from Psychotherapy
PsychologyToday - The Difference Between Psychoanalysis and Psychotherapy - Jennifer Kunst Ph.D.
Making sense of psychotherapy and psychoanalysis (https://www.bpc.org.uk/download/494/Mind-opt.pdf)
American Institute for Psychoanalysis - What is the difference between psychoanalysis and psychotherapy?