Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính (HPD) Là Gì?

Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi cảm xúc quá mức và hành vi tìm kiếm sự chú ý. Cá nhân mắc rối loạn này luôn biểu hiện các cảm xúc quá mức và tìm kiếm sự chú ý từ người khác, và cảm thấy cực kỳ khó chịu khi bị người khác phớt lờ.

Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính Là Gì?

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic personality disorder - HPD) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi cảm xúc quá mức và hành vi tìm kiếm sự chú ý. Rối loạn này thường khởi phát ở giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành và thể hiện rõ ràng trong các tình huống khác nhau.

Cá nhân mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thể cực kỳ khó chịu khi cảm thấy ai đó đang phớt lờ họ, điều này có thể dẫn đến phản ứng cảm xúc không ổn định hoặc cực đoan. Do đó, rối loạn nhân cách kịch tính có thể khiến việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh với bạn bè, gia đình và đối tác trở nên vô cùng khó khăn.

Dấu Hiệu Và Triệu Chứng

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cá nhân có thể được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách kịch tính nếu người đó luôn biểu hiện các cảm xúc quá mức và tìm kiếm sự chú ý từ người khác, khởi phát từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành và thể hiện trong các bối cảnh khác nhau qua năm (hoặc nhiều hơn) trong số những biểu hiện sau:

1. Cảm thấy không thoải mái trong những tình huống mà cá nhân không phải là trung tâm của sự chú ý.

2. Tương tác giữa cá nhân với những người khác thường đặc trưng bởi hành vi quyến rũ hoặc khêu gợi về tình dục không phù hợp.

3.  Thể hiện cảm xúc nông cạn và thay đổi nhanh chóng.

4. Thường xuyên sử dụng ngoại hình để thu hút sự chú ý về bản thân.

5. Có kiểu nói chuyện mơ hồ một cách thái quá và thiếu chi tiết.

6. Thể hiện sự kịch tính hóa, kiểu diễn kịch, hay phóng đại các cảm xúc quá mức.

7. Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc hoàn cảnh xung quanh.

8. Thấy các mối quan hệ gần gũi hơn so với thực tế.

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn nhân cách kịch tính, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Làm Thế Nào Để Nhận Biết Ai Đó Mắc Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính?

Đặc điểm của người có rối loạn nhân cách kịch tính là “luôn có các cảm xúc quá mức và luôn tìm kiếm sự chú ý”. Họ thường xuyên tìm kiếm sự chú ý và công nhận từ người khác, và sẽ cảm thấy buồn bã, đau khổ nếu mình không phải ở vị trí trung tâm. Họ cũng rất dễ bị kích thích về cảm xúc, thường biểu hiện cảm xúc một cách quá mức, chẳng hạn như khóc lóc không ngừng khi nghe chuyện buồn của một người không quen biết. Do vậy mà họ có thể phản ứng với những kích thích nhỏ bằng những cơn cảm xúc vô lý hoặc phóng đại. Nhìn chung, cuộc sống của họ giống như một vở kịch mà trong đó, họ là nhân vật chính, và các sự kiện diễn ra phải được kịch tính hóa với các cao trào cảm xúc.

Những người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thể được nhận diện bởi kiểu ăn mặc và hành vi mang tính khêu gợi, họ thích tán tỉnh người khác ngay cả khi họ không thực sự cảm thấy hứng thú với người đó. Họ cũng dễ xung động và khó trì hoãn mong muốn được thỏa mãn của bản thân.

Kiểu nhận thức đặc trưng của những người mắc rối loạn này là kiểu nhận thức mơ hồ (impressionistic cognitive style) - họ nhìn nhận mọi thứ một cách chung chung, trừu tượng và không bao giờ xem xét một cách chi tiết, cụ thể, thực tế hay lý trí. Những người này nhìn thế giới thông qua bộ lọc của riêng họ, với các màu sắc cảm xúc sống động theo cảm nhận chủ quan của họ, nhưng không bao giờ dựa trên chi tiết. Đó cũng là lý do những người xung quanh thường mô tả họ là có vẻ ngoài quyến rũ nhưng bên trong thì nông cạn, rỗng tuếch.

Phân Biệt Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính Và Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới

Có nhiều điểm tương đồng giữa rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD), chẳng hạn như cảm xúc thay đổi một cách nhanh chóng, cảm xúc mạnh mẽ hay hành vi xung động. Mặc dù đều đặc trưng bởi hành vi tìm kiếm sự chú ý, thao túng và thay đổi cảm xúc nhanh chóng, nhưng rối loạn nhân cách ranh giới có thể được phân biệt bằng các hành vi hủy hoại bản thân, tức giận phá vỡ các mối quan hệ thân thiết và cảm giác trống rỗng sâu sắc kéo dài đi kèm với rối loạn nhận dạng. Bên cạnh đó, việc thay đổi cảm xúc ở những cá nhân mắc rối loạn nhân cách kịch tính không có cường độ mạnh mẽ như ở những người mắc rối loạn nhân cách ranh giới.

>>> Tham Khảo: Những Điều Cần Biết Về Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới (BPD)

Điều Trị Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính

Sử Dụng Thuốc

Hiện nay, chưa có loại thuốc cụ thể nào được cấp phép cho việc điều trị rối loạn nhân cách kịch tính. Dù vậy, các bác sĩ lâm sàng có thể kê một số các loại thuốc để điều trị rối loạn cảm xúc có thể đi kèm với rối loạn nhân cách kịch tính, chẳng hạn như thay đổi tâm trạng, tức giận, dễ khóc, lo âu và trầm cảm.

LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.

Trị Liệu Tâm Lý

Liệu pháp tâm lý đã được chứng minh là có hiệu quả trong quá trình điều trị rối loạn nhân cách kịch tính - giúp giảm thiểu triệu chứng và cải thiện mối quan hệ của cá nhân: 

  • Trị liệu Phân tâm học tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ trị liệu tin tưởng và từ đó giúp cá nhân khám phá các xung đột và cơ chế phòng vệ đằng sau những hành vi của họ.

  • Trị liệu Nhận thức - Hành vi giúp đưa ra kế hoạch để khuyến khích các hành vi tương tác phù hợp và ức chế các hành vi tìm kiếm sự chú ý; bên cạnh đó giúp cá nhân thách thức các nhận thức không hợp lý (chẳng hạn như niềm tin cho rằng mình phải là trung tâm).

>>> Tham Khảo: Nguồn Gốc Của Liệu Pháp Trị Liệu Nhận Thức - Hành Vi (CBT)

Tuy nhiên, liệu pháp nhóm và liệu pháp gia đình thường không được khuyến khích sử dụng, bởi một số triệu chứng của rối loạn nhân cách kịch tính - chẳng hạn như cường điệu và tìm kiếm sự chú ý - có thể bị kích hoạt hoặc trở nên tồi tệ hơn trong bầu không khí nhóm.

Các Phương Pháp Hỗ Trợ

Các bài tập, kỹ thuật như chánh niệm, yoga hay thái cực quyền cũng có thể giúp ích cho những người mắc rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách kịch tính nói riêng. Các hoạt động này có thể giúp cá nhân kiểm soát cảm xúc của bản thân, đồng thời giảm thiểu các xung động và phản ứng cảm xúc mãnh liệt.

Làm Thế Nào Nếu Người Thân Yêu Của Bạn Mắc Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính?

Việc sống chung với người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thể gây ra nhiều khó khăn cho bạn. Bạn có thể thấy khó hiểu hay xấu hổ trước những những hành vi tán tỉnh của họ. Bạn thậm chí có thể cảm thấy kiệt sức vì họ liên tục tìm kiếm sự xác nhận và khen ngợi từ bên ngoài. Điều quan trọng là cần đảm bảo một môi trường an toàn và thoải mái nhất có thể cho tất cả mọi người. Một số phương pháp ứng phó trong trường hợp người thân của bạn mắc rối loạn nhân cách kịch tính bao gồm:

  • Tìm hiểu rõ ràng và cụ thể về tình trạng của họ, các yếu tố có thể “kích hoạt” những phản ứng cảm xúc của họ. Hãy nhớ rằng, đối với người thân của bạn, những hành vi không phù hợp của họ thường là những phản ứng vô thức - có thể họ không nhận ra hành động của mình sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể.

  • Thiết lập và duy trì ranh giới. Hãy đặt ra một ranh giới rõ ràng và thể hiện cảm xúc của bạn về hành vi của đối phương (ví dụ: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi bạn có những hành động không phù hợp với bạn bè tôi. Làm ơn đừng làm như vậy nữa"). Điều quan trọng là phải chỉ rõ cho họ hậu quả nếu thực hiện hành vi đó (ví dụ: “Nếu bạn còn làm như vậy, tôi sẽ không rủ bạn đi chơi cùng chúng tôi nữa").

  • Quản lý cảm xúc của bản thân và tránh tham gia vào các hành vi tìm kiếm sự chú ý của họ. Khi người thân hoặc bạn bè của bạn phản ứng thái quá trước các tình huống cụ thể, bạn không cần phải làm theo họ. Nếu bạn phản ứng lại với các hành vi kịch tính của họ bằng những cảm xúc có cường độ mạnh mẽ, rất có thể xung đột sẽ càng gia tăng. Ngược lại, nếu bạn phớt lò họ, họ có thể sẽ cố gắng hơn nữa để thu hút sự chú ý của bạn. Để giữ bình tĩnh trong lúc này, hãy thực hiện một số kỹ thuật thư giãn và giảm căng thẳng.

>>> Tham Khảo: 5 Cách Hiệu Quả Để Luyện Tập Chánh Niệm

  • Dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp khi phải chăm sóc người thân của mình, hãy lùi lại một bước và tập trung vào sức khỏe của bản thân. Bạn có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với họ trong một khoảng thời gian ngắn và dành thời để tận hưởng những sở thích của riêng mình.

Bên cạnh đó, chiến thuật “tảng đá xám” thường được mọi người sử dụng khi ứng phó với những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) - một rối loạn có nhiều điểm tương đồng với rối loạn nhân cách kịch tính, trong đó bao gồm cả hành vi tìm kiếm sự chú ý. Theo chiến thuật này, cá nhân sẽ giữ thái độ bình tĩnh và trung lập, cố gắng không giao tiếp khi đối phương cố gắng tìm kiếm sự chú ý và phản ứng từ họ. Mục đích của phương pháp này là khiến người mắc rối loạn nhân cách kịch tính mất hứng thú trong quá trình tương tác hoặc thu hút sự chú ý.

Một điều cần lưu ý là những người mắc rối loạn nhân cách kịch tính đôi khi vẫn có thể hoạt động tốt trong các tình huống xã hội thông thường. Do đó, điều quan trọng là bạn bè, gia đình của họ cần phải kịp thời nhận diện các triệu chứng của rối loạn nhân cách kịch tính và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến các khía cạnh cuộc sống (chẳng hạn như các mối quan hệ thân mật và công việc), và cân nhắc việc cùng họ đến gặp các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của rối loạn nhân cách kịch tính, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tham khảo:

[1] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (chủ biên)

[2] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5-TR. 

[3] What Is Histrionic Personality Disorder (HPD)?. https://www.verywellmind.com/histrionic-personality-disorder-2795445

[4] How to deal with someone who has histrionic personality disorder. https://www.medicalnewstoday.com/articles/ignoring-someone-with-histrionic-personality-disorder#:~:text=Ignoring%20someone%20with%20HPD,-Share%20on%20Pinterest&text=Someone%20may%20choose%20to%20ignore,believe%20someone%20is%20ignoring%20them.

[5] Histrionic Personality Disorder: Causes, Symptoms, Treatment. https://www.helpguide.org/articles/personality-disorders/histrionic-personality-disorder-causes-symptoms-treatment.htm

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/