Việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể gây ra cảm giác lo lắng, trầm cảm, cô lập và hội chứng FOMO. Dưới đây là một số gợi ý thay đổi thói quen và cải thiện tâm trạng của bạn.
Vai Trò Của Mạng Xã Hội Đối Với Sức Khỏe Tâm Thần
Con người là sinh vật sống bầy đàn; điều đó có nghĩa là chúng ta không thể tách khỏi xã hội. Chúng ta luôn cần sự đồng hành của những người khác để phát triển trong cuộc sống; các mối quan hệ có tác động rất lớn đến sức khỏe tinh thần cũng như hạnh phúc của chúng ta.
Kết nối xã hội với những người khác có thể giúp ngăn sự cô đơn, giảm bớt căng thẳng, lo lắng và trầm cảm; đồng thời, nâng cao giá trị bản thân, mang lại sự thoải mái trong tâm lý, và thậm chí kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, thiếu kết nối trong xã hội có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần cũng như chính cảm xúc của bạn.
Ngày nay, chúng ta dựa vào các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat, YouTube và Instagram để kết nối với nhau. Mỗi nền tảng đều có lợi ích riêng, nhưng chúng không bao giờ thay thế được kết nối của con người trong thế giới thực.
Những kết nối thực đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người để kích hoạt các hormone làm giảm bớt căng thẳng và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh và tích cực hơn.
Thật trớ trêu đối với một công nghệ được thiết kế để mang mọi người đến gần nhau hơn, việc dành quá nhiều thời gian để tương tác trên mạng xã hội thực sự có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và bị cô lập nhiều hơn - nó làm trầm trọng các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm.
Nếu bạn đang dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà vẫn có cảm giác buồn bã, không hài lòng, thất vọng hoặc cô đơn, có thể đã đến lúc bạn cần kiểm tra lại thói quen của mình và tìm cách cân bằng chúng một cách lành mạnh hơn.
Các Khía Cạnh Tích Cực Của Mạng Xã Hội
Mạng xã hội sẽ không mang lại lợi ích tâm lý như việc kết nối thực, nhưng chúng ta vẫn có nhiều cách biến nó thành một công cụ giúp duy trì kết nối và hỗ trợ sức khỏe cho mỗi cá nhân.
Mạng xã hội sẽ cho phép bạn:
Giao tiếp và luôn cập nhật, nắm bắt thông tin từ người thân và bạn bè trên khắp thế giới.
Tìm những người bạn mới, những cộng đồng mới hay mạng lưới những người có cùng sở thích và đam mê.
Tham gia, thúc đẩy và nâng cao nhận thức về những vấn đề nghiêm trọng.
Tìm kiếm hoặc cung cấp những hỗ trợ về cảm xúc khi cảm thấy khó khăn.
Tìm những kết nối xã hội cần nếu bạn sống ở xa, ở khu vực bị hạn chế hoặc bị gạt ra khỏi một nhóm xã hội.
Tìm một lối đi riêng cho sự sáng tạo và sự thể hiện của chính bản thân.
Khám phá những nguồn thông tin hữu ích cho việc học và làm việc.
Các Khía Cạnh Tiêu Cực Của Mạng Xã Hội
Mạng xã hội là một công nghệ tương đối mới, nên có rất ít nghiên cứu để xác định các hậu quả ngắn hạn hay dài hạn, tốt hay xấu, của việc sử dụng chúng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các phương tiện truyền thông xã hội và nguy cơ tăng trầm cảm, lo lắng, cô đơn, tự làm hại bản thân và thậm chí là ý định tự tử.
Phương tiện truyền thông xã hội có thể thúc đẩy trải nghiệm tiêu cực như:
Mạng xã hội khiến chúng ta cảm thấy bị thao túng về cảm xúc
Nó không phản ánh toàn bộ cuộc sống hoặc cách sống của bạn. Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng những người khác có xu hướng chỉ chia sẻ những mặt tốt trong cuộc sống của họ, hiếm khi những thứ xấu được phô bày. Điều đó không làm giảm bớt những cảm giác ghen tị và không hài lòng khi bạn xem qua những bức ảnh được chụp bằng máy của một người bạn về kỳ nghỉ ở bãi biển của họ hoặc về sự thăng tiến mới của họ tại nơi làm việc.
Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)
Mặc dù nó tồn tại lâu trước cả khi mạng xã hội ra đời, Facebook và Instagram dường như khiến cảm giác sợ bỏ lỡ trở nên trầm trọng hơn. Chúng ta sẽ nghĩ rằng những người khác đang có nhiều niềm vui hơn hoặc sống cuộc sống tốt hơn của chính mình. Niềm tin rằng mình đang bỏ lỡ một số điều nhất định có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn, gây ra sự lo lắng và thậm chí còn thúc đẩy việc sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. FOMO có thể buộc bạn nhấc điện thoại vài phút một lần hoặc bắt bạn trả lời từng cảnh báo — ngay cả khi điều đó mang lại rủi ro khi bạn đang lái xe, hoặc khiến bạn bỏ lỡ giấc ngủ vào ban đêm hay ưu tiên tương tác trên mạng xã hội qua các mối quan hệ trong thế giới thực.
Sự xa cách
Một nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania cho thấy việc sử dụng nhiều Facebook, Snapchat và Instagram sẽ làm tăng cảm giác cô đơn. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy việc giảm sử dụng mạng xã hội thực sự có thể khiến bạn bớt cảm thấy cô đơn và bị cô lập, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Trầm cảm và lo âu
Con người cần tiếp xúc trực diện để được khỏe mạnh về mặt tinh thần. Không gì làm giảm căng thẳng và thúc đẩy tâm trạng của bạn hiệu quả hơn việc giao tiếp bằng mắt với một người quan tâm đến bạn. Bạn càng ưu tiên tương tác trên mạng xã hội hơn các mối quan hệ cá nhân, bạn càng có nhiều nguy cơ làm trầm trọng các rối loạn tâm trạng như lo âu và trầm cảm.
Bắt nạt trên mạng
Khoảng 10% thanh thiếu niên cho biết họ phải chịu cảnh bắt nạt trên mạng xã hội và nhiều người dùng khác phải chịu những bình luận xúc phạm. Các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter có thể là điểm nóng phát tán những tin đồn, lời nói dối và lạm dụng gây tổn thương mà có thể để lại vết sẹo tình cảm lâu dài.
Khả năng tự nhìn nhận
Chia sẻ những bức ảnh tự sướng và tất cả những suy nghĩ thầm kín nhất của bạn trên mạng xã hội có thể khiến bạn tự nhìn nhận bản thân là trung tâm của những tiêu cực và khiến bạn xa cách với những mối liên hệ ngoài đời thực.
Điều Gì Thúc Đẩy Việc Sử Dụng Mạng Xã Hội Của Bạn?
Ngày nay, hầu hết chúng ta truy cập mạng xã hội thông qua các thiết bị thông minh. Mặc dù nó rất thuận tiện để giữ liên lạc, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn có thể liên tục truy cập mạng xã hội. Khả năng kết nối mạng nhanh chóng bất kể ngày đêm có thể gây ra các vấn đề về kiểm soát xung động, các cảnh báo và thông báo liên tục. Chúng ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn, làm phiền giấc ngủ và khiến bạn trở thành nô lệ của mạng xã hội.
Các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để thu hút sự chú ý của bạn, giúp bạn luôn trực tuyến và khiến bạn liên tục kiểm tra màn hình của mình để biết các thông báo. Đó là cách các công ty kiếm tiền. Nó khá giống ép buộc đánh bạc hay nghiện nicotin, rượu hoặc ma túy.
Việc sử dụng mạng xã hội cũng có thể tạo ra cảm giác thèm muốn về mặt tâm lý. Khi bạn nhận được một lượt thích, một lượt chia sẻ hoặc một phản ứng mà bạn mong muốn đối với một bài đăng, dopamine - hóa chất thúc đẩy cảm giác được khen thưởng - được giải phóng trong não, và chúng ta sẽ có cảm giác giống như khi ta thắng xổ số, được ăn ngon hoặc khi hút thuốc. Bạn càng được “thưởng” nhiều, bạn càng muốn dành nhiều thời gian trên mạng xã hội.
Nguyên Nhân Khác Dẫn Đến Sử Dụng Mạng Xã Hội Không Lành Mạnh
Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)
Hội chứng này có thể khiến bạn thèm sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Có lẽ bạn lo lắng rằng bạn sẽ không thể bắt chuyện với bất cứ ai ở trường hoặc nơi làm việc nếu bạn bỏ lỡ những tin tức hoặc những câu chuyện phiếm mới nhất trên mạng xã hội?
Hoặc có thể bạn cảm thấy rằng các mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn không tương tác các bài đăng của người khác? Bạn cũng có thể đang lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ lời mời từ người khác hoặc lo lắng về chính khoảng thời gian mà người vui vẻ hơn mình.
Tham khảo thêm về hội chứng này trong bài viết phân tích tại đây.
Lá chắn bảo vệ
Nhiều người sử dụng mạng xã hội như một “lá chắn bảo vệ”. Bất cứ khi nào chúng ta gặp một tình huống xã hội và cảm thấy lo lắng, khó xử hoặc cô đơn, chúng ta quay sang sử dụng điện thoại của mình và đăng nhập vào mạng xã hội. Rõ ràng, nó có thể giúp bạn giảm bớt lo lắng, nhưng nó chỉ khiến bạn không chấp nhận tương tác mặt đối mặt mà thôi.
Đánh lạc hướng bản thân
Mạng xã hội có thể che giấu các vấn đề tiềm ẩn như căng thẳng hoặc buồn chán. Nếu bạn dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội khi cảm thấy thất vọng, cô đơn, bạn có thể đang sử dụng nó như một cách tự đánh lạc hướng bản thân khỏi những cảm giác khó chịu hoặc đang tự cố gắng xoa dịu tâm trạng của mình.
Vòng Luẩn Quẩn Của Việc Sử Dụng Mạng Xã Hội Không Lành Mạnh
Mạng xã hội có thể đưa người sử dụng vào một chu kỳ tiêu cực:
Khi bạn cảm thấy cô đơn, chán nản, lo lắng hoặc căng thẳng, bạn sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn như một cách để giảm bớt sự buồn chán.
Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn sẽ làm tăng FOMO, cảm giác kém cỏi, không hài lòng và bị cô lập. Những cảm giác này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của bạn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.
Những triệu chứng ngày càng trầm trọng này khiến bạn sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, và do đó, vòng lặp tiêu cực vẫn tiếp tục.
Các Dấu Hiệu Cho Thấy Mạng Xã Hội Đang Ảnh Hưởng Tới Sức Khỏe Tâm Thần
Thời gian mỗi người dành cho mạng xã hội là khác nhau. Tần suất bạn sử dụng mạng xã hội cho thấy mức độ tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của bạn.
Ví dụ: Việc sử dụng mạng xã hội của bạn có thể có vấn đề nếu nó khiến bạn bỏ bê các mối quan hệ trong đời thực, khiến bạn mất tập trung vào công việc hoặc trường học, hoặc khiến bạn cảm thấy ghen tị, tức giận hay chán nản.
Tương tự, nếu bạn có động cơ sử dụng mạng xã hội chỉ vì buồn chán, cô đơn hoặc muốn đăng điều gì đó để khiến người khác ghen tị hoặc khó chịu, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên đánh giá lại thói quen sử dụng mạng xã hội của mình.
Các dấu hiệu cho thấy mạng xã hội đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của bạn, bao gồm:
Dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn là với bạn bè trong thế giới thực
Nhiều người coi việc tương tác trên mạng xã hội như ngoài đời thực, nên họ dành nhiều thời gian hơn cho nó. Thậm chí, ngay cả khi đang đi chơi với bạn bè, họ vẫn liên tục lướt mạng xã hội.
So sánh bản thân với người khác một cách bi quan trên mạng xã hội
Bạn có lòng tự trọng thấp hoặc thường nghĩ tiêu cực về hình ảnh chính mình.
Trải qua đe dọa trực tuyến
Bạn lo lắng rằng bạn không kiểm soát được những điều mọi người đăng về bạn.
Bị phân tâm ở trường hoặc nơi làm việc
Bạn cảm thấy áp lực khi đăng nội dung thường xuyên về bản thân, nhận các nhận xét hoặc lượt thích trên bài đăng của mình hay mong muốn phản hồi bài đăng của bạn bè một cách nhanh chóng và nhiệt tình .
Không có thời gian để tự suy ngẫm
Mỗi giây phút rảnh rỗi đều được lấp đầy bằng việc sử dụng mạng xã hội. Điều đó khiến bạn còn rất ít thời gian để suy ngẫm về chính bản thân mình, về hành động của mình.
Thực hiện hành vi rủi ro để nhận được lượt thích, lượt chia sẻ hoặc phản ứng tích cực trên mạng xã hội
Làm những thứ nguy hiểm, đăng tải những thứ đáng xấu hổ hay thậm chí đe dọa người khác trên mạng xã hội.
Bị các vấn đề về giấc ngủ
Bạn thường online mạng xã hội vào ban đêm, ngay trước khi đi ngủ. Và điều đầu tiên vào buổi sáng mà bạn làm là kiểm tra các hoạt động trên mạng xã hội.
Các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm tồi tệ hơn
Bạn cảm thấy lo lắng, chán nản hoặc cô đơn hơn sau khi sử dụng mạng xã hội.
Thay Đổi Thói Quen Sử Dụng Mạng Xã Hội Để Cải Thiện Sức Khỏe Tâm Thần
Bước 1: Giảm Thời Gian Online
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Pennsylvania cho thấy việc giảm thời gian sử dụng mạng xã hội xuống 30 phút mỗi ngày giúp giảm đáng kể mức độ lo lắng, trầm cảm, cô đơn, các vấn đề về giấc ngủ và FOMO.
Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải cắt giảm thời gian sử dụng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu chú ý hơn đến việc sử dụng mạng xã hội của bạn có thể mang lại kết quả có lợi cho tâm trạng và sự tập trung của bạn.
Giảm sử dụng mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc giảm thời gian sử dụng các thiết bị kết nối mạng.
Bạn có thể thử các mẹo sau:
Sử dụng một ứng dụng để theo dõi lượng thời gian bạn dành cho mạng xã hội mỗi ngày. Sau đó, đặt mục tiêu đối với lượng thời gian bạn muốn giảm xuống.
Tắt điện thoại của bạn vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như khi bạn đang lái xe, đang họp, tập thể dục, ăn tối, hay khi dành thời gian ra ngoài với bạn bè, hoặc chơi với con cái. Đặc biệt, bạn không nên mang theo điện thoại vào phòng tắm.
Không mang điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn lên giường. Tắt các thiết bị và để chúng trong phòng khác qua đêm để sạc.
Tắt thông báo trên mạng xã hội. Thật khó để cưỡng lại âm thanh thông báo của điện thoại khi có tin nhắn mới. Tắt thông báo có thể giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát thời gian và sự tập trung.
Giới hạn số lần kiểm tra điện thoại. Nếu bạn hay kiểm tra điện thoại vài phút một lần, hãy cai nó bằng cách giới hạn kiểm tra 15 phút một lần. Sau đó tăng dần lên thành 30 phút, một giờ, hai giờ,... Có những ứng dụng có thể tự động giới hạn khi bạn sử dụng thiết bị để truy cập.
Thử xóa các ứng dụng mạng xã hội khỏi điện thoại để bạn chỉ có thể kiểm tra Facebook, Twitter và những thứ tương tự từ máy tính bảng hoặc máy tính của mình.
Bước 2: Thay Đổi Để Tập Trung
Nếu bạn đang truy cập mạng xã hội để tìm thông tin cụ thể, kiểm tra tình trạng của một người bạn ở xa hoặc chia sẻ ảnh mới của gia đình, thì chắc chắn những trải nghiệm đó sẽ rất khác biệt so với khi bạn sử dụng mạng xã hội vì buồn chán, hoặc muốn xem mình nhận được bao nhiêu lượt thích từ một bài đăng cũng như xem xem mình có bỏ lỡ điều gì không.
Vì vậy, ở lần sử dụng mạng xã hội kế tiếp, hãy thử dừng lại một chút và làm rõ mục đích sử dụng mạng xã hội của bản thân.
Hãy thử nghĩ đến các cách thay thế cho mạng xã hội khi bạn cảm thấy buồn chán, ví dụ như đi uống cà phê. Nếu cảm thấy áp lực, hãy thử đi bộ hoặc tập các bài tập thể dục. Bạn cũng có thể tìm một sở thích mới.
Bạn có thể chống lại các dấu hiệu FOMO bằng cách tập trung vào những gì bạn có, thay vì những gì bạn thiếu. Lập danh sách tất cả những điều tích cực trong cuộc sống của bạn và đọc lại khi bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ điều gì đó tốt hơn.
Và hãy nhớ rằng: Không ai có cuộc sống hoàn hảo như trên mạng xã hội. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự đau lòng, thiếu tự tin và thất vọng, ngay cả khi chúng ta chọn không chia sẻ điều đó trên mạng xã hội.
Bước 3: Dành Nhiều Thời Gian Hơn Cho Bạn Bè Ở Đời Thực
Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời để tạo điều kiện cho các kết nối ngoài đời thực.
Hãy dành thời gian mỗi tuần để giao lưu offline với bạn bè và gia đình. Cố gắng biến nó thành một buổi họp mặt thường xuyên, nơi bạn sẽ luôn không dùng điện thoại.
Bạn cũng nên thử liên hệ với một người bạn cũ và sắp xếp để gặp mặt họ. Nếu cả hai đều có cuộc sống bận rộn, hãy đề nghị làm việc vặt hoặc tập thể dục cùng nhau.
Tham gia một câu lạc bộ. Tìm một sở thích, nỗ lực sáng tạo, chơi thể thao mà bạn yêu thích hoặc tham gia một nhóm những người có cùng chí hướng gặp gỡ thường xuyên.
Ngay cả khi bạn nhút nhát, bạn vẫn có thể có bạn bè. Rất nhiều người bị động trong việc kết bạn mới, vì vậy hãy là người chủ động làm điều đó. Mời đồng nghiệp đi ăn trưa, rủ hàng xóm hoặc bạn cùng lớp đi uống cà phê là một cách dễ dàng thực hiện.
Bước 4: Bày Tỏ Lòng Biết Ơn
Cảm nhận và bày tỏ lòng biết ơn về những điều quan trọng trong cuộc sống sẽ là cách giải tỏa rất tốt với những bất mãn khi lướt mạng xã hội.
Hãy dành thời gian để suy ngẫm. Hãy thử viết nhật ký về lòng biết ơn. Theo dõi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời và tích cực trong cuộc sống của bạn.
Thực hành chánh niệm. FOMO hay khi so sánh bản thân với người khác sẽ khiến bạn chìm trong những thất vọng. Bằng cách thực hành chánh niệm, bạn có thể học cách sống nhiều hơn trong thời điểm hiện tại, giảm bớt tác động của FOMO và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Trở Thành Một Tình nguyện viên. Giúp đỡ người khác hay cứu động vật không chỉ giúp bạn kết nối với cộng đồng mà còn giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn hơn.
Xem Thêm:
>>>> Sự Gia Tăng Của Trị Liệu Tâm Lý Trên Mạng Xã Hội
>>>> Sử Dụng Mạng Xã Hội Có Tác Động Tới Tâm Lý Hay Không?
Làm Sao Để Giảm Thiểu Ảnh Hưởng Xấu Của Mạng Xã Hội Đối Với Sức Khỏe Tâm Thần Ở Trẻ Nhỏ Và Tuổi Vị Thành Niên
Mạng xã hội làm trầm trọng thêm những vấn đề về căng thẳng và lo lắng, bắt nạt, trầm cảm và các vấn đề về lòng tự trọng. Nếu bạn lo lắng về việc sử dụng mạng xã hội của con mình, bạn có thể chỉ cần tịch thu các thiết bị thông minh, nhưng điều đó có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn, ví dụ, ngăn cách trẻ với bạn bè của chúng và những khía cạnh tích cực của mạng xã hội.
Thay vào đó, có những cách khác để giúp con bạn sử dụng Facebook, Instagram và các nền tảng khác một cách có trách nhiệm hơn.
Giám sát và hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của con bạn. Bạn càng biết nhiều về cách con mình tương tác trên mạng xã hội, bạn càng có thể giải quyết tốt hơn mọi vấn đề.
Sử dụng các ứng dụng kiểm soát. Những ứng dụng này sẽ giúp phụ huynh hạn chế việc sử dụng điện thoại của chúng vào những thời điểm nhất định trong ngày. Bạn cũng có thể điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trên các nền tảng khác nhau để hạn chế khả năng chúng tiếp xúc với những người xấu.
Nói chuyện với con bạn về các vấn đề cơ bản. Các vấn đề với việc sử dụng mạng xã hội thường có thể che giấu các vấn đề sâu sắc hơn. Con của bạn có gặp khó khăn trong việc hòa nhập ở trường không? Họ có bị mắc chứng nhút nhát hay lo lắng xã hội không? Các vấn đề ở nhà có khiến họ căng thẳng không?
Ngắt "mạng xã hội". Bạn có thể cấm mạng xã hội cho đến khi con bạn hoàn thành bài tập về nhà vào buổi tối, không để điện thoại trên bàn ăn hoặc trong phòng ngủ của chúng và lên kế hoạch cho các hoạt động gia đình không cho phép sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị khác. Để ngăn ngừa các vấn đề về giấc ngủ, hãy luôn nhấn mạnh rằng tắt điện thoại ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
Dạy con bạn mạng xã hội không phản ánh chính xác cuộc sống của con người. Dạy chúng không nên so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội vì các hình ảnh đã được chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đăng.
Khuyến khích tập thể dục và sở thích không liên quan đến thiết bị thông minh. Đưa con bạn tránh xa mạng xã hội bằng cách khuyến khích chúng theo đuổi các hoạt động thể dục thể thao và sở thích có sự tương tác trong thế giới thực. Tập thể dục rất tốt để giảm lo lắng và căng thẳng, nâng cao lòng tự trọng và cải thiện tâm trạng. Con bạn càng tham gia các hoạt động tương tác ngoài đời thực nhiều hơn, sự phụ thuộc vào mạng xã hội càng giảm.
Tác giả: Lawrence Robinson and Melinda Smith, M.A.
Nguồn: Social Media and Mental Health. HelpGuide (2021)