Case-Study Là Gì?
Case-study là nghiên cứu tâm lý học theo trường hợp cụ thể và chuyên sâu về một người, một nhóm đối tượng hoặc một sự kiện. Trong một case-study, hầu hết khía cạnh lịch sử và cuộc sống của đối tượng được phân tích để tìm kiếm các mô hình và nguyên nhân của hành vi. Các case-study có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tâm lý học, y học, giáo dục, nhân chủng học, khoa học chính trị và công tác xã hội.
Mục đích của một case-study là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về một cá nhân hoặc một nhóm để thông tin có thể được khái quát hóa cho nhiều người khác. Tuy nhiên, các case-study thường mang tính chủ quan cao, và đôi khi rất khó để tổng quát hóa kết quả cho nhóm đối tượng lớn hơn.
Các Loại Case-Study
Case-Study Tập Thể (Collective Case Studies)
Những nghiên cứu tâm lý học này liên quan đến việc nghiên cứu một nhóm cá nhân. Các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu một nhóm người trong một bối cảnh nhất định hoặc xem xét toàn bộ cộng đồng. Ví dụ, các nhà tâm lý học có thể khám phá cách tiếp cận các nguồn lực trong một cộng đồng đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần chung của những người sống ở đó như thế nào.
Case-Study Mô Tả (Descriptive Case Studies)
Những nghiên cứu này liên quan đến việc bắt đầu với một lý thuyết được mô tả từ trước. Sau đó, các nhà khoa học sẽ quan sát các đối tượng nghiên cứu và thu thập thông tin để so sánh với lý thuyết đó.
Xem thêm: Phân tích chuỗi hành vi
Case-Study Giải Thích (Explanatory Case Studies)
Chúng thường được sử dụng để điều tra các mối quan hệ nhân quả. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc xem xét các yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra một số vấn đề đã xảy ra.
Case-Study Khám Phá (Exploratory Case Studies)
Chúng đôi khi được sử dụng sự khởi đầu cho các nghiên cứu lớn hơn, chuyên sâu hơn. Nó cho phép các nhà nghiên cứu thu thập thêm thông tin trước khi phát triển các câu hỏi và giả thiết nghiên cứu của họ.
Case-Study Cụ Thể (Instrumental Case Studies)
Những nghiên cứu về tâm lý con người được thực hiện khi cá nhân hoặc nhóm cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn và sâu hơn những gì họ quan sát được ban đầu.
Case-Study Nội Tại (Intrinsic Case Studies)
Loại case-study này là khi nhà nghiên cứu có những sự quan tâm mang tính cá nhân trong trường hợp đó. Ví dụ, các quan sát của Jean Piaget về những đứa con của chính mình là những ví dụ điển hình về cách một case-study nội tại có thể đóng góp vào sự phát triển của một lý thuyết tâm lý.
Ba loại case-study chính thường được sử dụng là tập thể, công cụ và nội tại. Các case-study nội tại rất hữu ích để tìm hiểu về các trường hợp độc nhất. Các case-study cụ thể giúp xem xét một cá nhân để tìm hiểu thêm về một vấn đề rộng lớn hơn. Một case-study tập thể có thể hữu ích khi xem xét một số trường hợp đồng thời.
Tham khảo: Nguồn gốc tâm lý học
Các Phương Pháp Nghiên Cứu Một Case Study
Phương Pháp Nghiên Cứu Theo Thời Gian (Prospective Case-Study)
Đây là những phương pháp trong đó một cá nhân hoặc một nhóm người được quan sát ở thời điểm hiện tại kéo dài đến một khoảng thời gian trong tương lai để xác định kết quả. Ví dụ, một nhóm cá nhân có thể được theo dõi trong một khoảng thời gian dài để quan sát sự tiến triển của một căn bệnh cụ thể.
Phương Pháp Hồi Cứu (Retrospective Case-Study)
Đây là phương pháp liên quan đến việc xem xét thông tin trong quá khứ. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu với một kết quả - chẳng hạn như một căn bệnh - và sau đó quay ngược lại để xem xét thông tin về cuộc sống của cá nhân đó để xác định các yếu tố nguy cơ có thể góp phần khởi phát bệnh.
Ngoài ra, việc tìm kiếm dữ liệu khi tiến hành một case-study cũng vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số nguồn mà các nhà nghiên cứu có thể sử dụng trong quá trình thu thập thông tin về một cá nhân hoặc một nhóm:
Hồ sơ lưu trữ: Hồ sơ điều tra dân số, hồ sơ khảo sát và danh sách tên.
Quan sát trực tiếp: Chiến lược này liên quan đến việc quan sát đối tượng, thường là trong bối cảnh tự nhiên của chính đối tượng đó. Việc sử dụng một nhóm quan sát viên thường phổ biến hơn việc sử dụng các quan sát viên đơn lẻ.
Tài liệu: Thư từ, báo chí, hồ sơ hành chính v.v
Phỏng vấn: là một trong những phương pháp quan trọng nhất để thu thập thông tin trong các case-study. Một cuộc phỏng vấn có thể bao gồm các câu hỏi khảo sát có cấu trúc hoặc các câu hỏi mở.
Quan sát của người tham gia: Khi nhà nghiên cứu đóng vai trò là người tham gia vào các sự kiện và quan sát các hành động và kết quả, nó được gọi là quan sát của người tham gia.
Hiện vật: Các công cụ, đồ vật, dụng cụ và các hiện vật khác thường được quan sát trong quá trình quan sát trực tiếp đối tượng.
Tham khảo: Làm thế nào để trở thành nhà nghiên cứu tâm lý học?
Lợi Ích Và Hạn Chế Của Case-Study
Case-study có cả điểm mạnh và điểm yếu. Các nhà nghiên cứu phải xem xét những điểm này trước khi quyết định xem loại hình nghiên cứu này có phù hợp với nhu cầu của họ hay không.
Lợi Ích
Cho phép các nhà nghiên cứu điều tra những thứ thường bất khả thi hoặc rất khó để tái tạo trong phòng thí nghiệm.
Cho phép các nhà nghiên cứu thu thập nhiều thông tin hơn
Cơ hội thu thập thông tin về các trường hợp hiếm gặp hoặc bất thường
Phát triển các giả thuyết được khám phá trong nghiên cứu thực nghiệm
Hạn Chế
Có thể không có khả năng khái quát hóa cho một phạm vi lớn bởi chúng chỉ là những nghiên cứu điển hình về một đối tượng hay một nhóm đối tượng cụ thể.
Không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả
Có thể không đảm bảo về mặt khoa học và có nguy cơ thiên vị
Các nhà nghiên cứu có thể chọn thực hiện một case-study nếu họ quan tâm đến việc khám phá một hiện tượng độc đáo được phát hiện gần đây. Những hiểu biết thu được từ hình thức nghiên cứu này có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển các ý tưởng bổ sung và nghiên cứu các câu hỏi về các nghiên cứu về tâm lý học khác trong tương lai.
Các case-study có thể được sử dụng để phát triển các giả thuyết trong nghiên cứu thực nghiệm sau này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là những hiểu biết thu được từ các case-study không thể được sử dụng để xác định mối quan hệ nguyên nhân và kết quả giữa các biến.
Tham khảo: 7 trường phái tâm lý học
Ví Dụ Về Case-Study
Anna O
Anna O. là bút danh của một phụ nữ tên là Bertha Pappenheim, một bệnh nhân mắc chứng kích động (hysteria). Cô là bệnh nhân của bác sĩ Josef Breuer. Hai nhà tâm lý học là Freud và Breuer đã thảo luận về trường hợp của cô ấy và nhận thấy rằng việc chia sẻ về các vấn đề của bản thân cô ấy có thể giúp Anna giảm các triệu chứng của mình. Trường hợp của Anna đã góp một phần quan trọng vào sự phát triển của liệu pháp trò chuyện như một cách tiếp cận để điều trị sức khỏe tâm thần.
Phineas Gage
Phineas Gage là một nhân viên đường sắt đã trải qua một tai nạn khủng khiếp, trong đó một vụ nổ đã khiến một thanh kim loại xuyên qua hộp sọ của anh ta, làm tổn thương các phần quan trọng của não. Gage đã hồi phục sau tai nạn của mình nhưng lại mang những thay đổi nghiêm trọng cả về tính cách và hành vi.
Genie
Genie là một cô gái trẻ phải chịu sự ngược đãi, bỏ rơi và cô lập xã hội nghiêm trọng. Năm 13 tuổi, cô được chính quyền sắp xếp cho cô vào bệnh viện nhi Los Angeles, nhưng lại không biết bất kỳ ngôn ngữ nào để giao tiếp. Case-study của Genie cho phép các nhà nghiên cứu xem xét liệu có thể dạy ngôn ngữ cho một người khi họ đã bỏ qua những giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ hay không cũng như quá trình não tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên vào đầu tháng 1 năm 1978, mẹ của Genie đột nhiên quyết định ngăn cản bất kỳ cuộc thử nghiệm và quan sát khoa học nào về Genie và từ đó trở đi, có rất ít thông tin về khả năng giao tiếp của cô ấy.
Những trường hợp như vậy chứng minh cách case-study có thể được sử dụng để nghiên cứu những điều mà các nhà nghiên cứu không thể khôi phục hay tái tạo trong môi trường thực nghiệm. Như trong trường hợp của Genie, sự ngược đãi khủng khiếp của cô đã khiến cô ấy không có cơ hội học ngôn ngữ ở những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của mình. Đây rõ ràng không phải là thứ mà về mặt đạo đức, các nhà nghiên cứu có thể tái lập lại. Do đó, việc tiến hành một case-study về Genie sẽ cho phép các nhà nghiên cứu có cơ hội nghiên cứu các hiện tượng không thể tái tạo.
Chúng Ta Có Thể Tự Tạo Nên Một Case-Study?
Bạn hoàn toàn có thể tạo nên một case-study nhưng hãy cẩn thận với các quy định cũng như các hướng dẫn cụ thể mà bạn cần phải tuân thủ.
Lời Kết
Case-study có thể là mô hình nghiên cứu tâm lý học hữu ích, nhưng chúng cần được tiến hành một cách khôn ngoan. Chúng được sử dụng hiệu quả nhất trong các tình huống mà việc tiến hành một thử nghiệm sẽ khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Chúng cũng rất hữu ích để xem xét các tình huống độc đáo và cho phép các nhà nghiên cứu thu thập nhiều thông tin về một cá nhân hoặc một nhóm người cụ thể.
Nguồn: Verywellmind - What Is a Case Study?