Hiệu Ứng Tương Phản Là Gì?
Hiệu ứng tương phản là một hiệu ứng tâm lý trong đó thành kiến vô thức xảy ra khi hai sự vật được đánh giá so với nhau, thay vì được đánh giá riêng lẻ. Khi chúng ta bắt đầu so sánh mọi thứ với nhau, nhận thức của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta có xu hướng đánh giá những sự vật, sự việc tương quan với nhau hơn là dựa trên đặc tính thực của chúng.
Hiệu ứng tương phản là một thành kiến nhận thức làm sai lệch nhận thức của chúng ta về một thứ gì đó khi chúng ta so sánh nó với một thứ khác bằng cách nhấn mạnh sự khác biệt hoặc tương phản giữa chúng. Sự so sánh này có thể rõ ràng hoặc ẩn ý, đồng thời hoặc tại các thời điểm riêng biệt và có thể áp dụng cho các đặc điểm khác nhau từ các thể chất hay phẩm chất cụ thể như màu sắc và mùi vị đến các phẩm chất trừu tượng hơn như giá cả và sức hấp dẫn. Hiệu ứng này xảy ra khi có ý thức và cả trong vô thức vì chúng ta thậm chí có thể không nhận thức được rằng chúng ta đang thực hiện một phép so sánh.
>>> Tham Khảo Hiệu Ứng Tâm Lý: Ít Hơn Luôn Tốt Hơn (Less-Is-Better Effect)
Các Loại Hiệu Ứng Tương Phản
Trong một số trường hợp, hiệu ứng tâm lý tương phản được phân loại là thuộc một trong hai loại chính:
Hiệu Ứng Tương Phản Tích Cực
Hiệu ứng tương phản tích cực xảy ra khi một thứ gì đó được cho là tốt hơn so với những gì nó thường được nhìn nhận (hay giá trị thực của nó) bởi vì nó được so sánh với thứ gì đó tồi tệ hơn. Ví dụ: hiệu ứng tương phản tích cực có thể khiến bìa sách trông thú vị hơn bình thường nếu nó được đặt cạnh một cuốn sách có bìa nhàm chán.
Hiệu Ứng Tương Phản Tiêu Cực
Hiệu ứng tương phản tiêu cực xảy ra khi một thứ gì đó được coi là tệ hơn hay kém hơn so với những gì nó thường được nhìn nhận (hay giá trị thực của nó) bởi vì nó được so sánh với thứ gì đó tốt hơn. Ví dụ: hiệu ứng tương phản tiêu cực có thể khiến một chiếc ô tô có vẻ rẻ tiền hơn bình thường nếu nó đỗ cạnh một chiếc ô tô đắt tiền.
Sự phân loại này thường chỉ được sử dụng khi đặc điểm được đề cập có thể được đánh giá là “tốt hơn” hoặc “xấu hơn”. Điều này có thể áp dụng với các đặc tính của con người, chẳng hạn như khi mọi người đánh giá các đặc điểm như sức hấp dẫn, sự xinh đẹp, trí thông minh, sự giàu có, sự duyên dáng, v.v và nó khá phức tạp. Tuy nhiên, cách phân loại này không áp dụng trong trường hợp các đặc điểm không thể được phân loại là “tốt hơn” hoặc “xấu hơn”, chẳng hạn như độ đậm nhạt của màu sắc hoặc mức độ âm thanh.
>>> Tham Khảo Hiệu Ứng Tâm Lý: Pygmalion Effect
Ví Dụ Về Hiệu Ứng Tương Phản
Một ví dụ đơn giản về hiệu ứng tương phản xuất hiện trong các hình ảnh, trong đó hình vuông màu xám được đặt trên nền sáng trông sẽ tối hơn hình vuông màu xám được đặt trên nền tối, mặc dù thực tế là cả hai đều có cùng màu. Hay cùng một đoạn thẳng 5cm thì đoạn được đặt cùng một đoạn thẳng khác dài 7cm trông sẽ ngắn hơn đoạn được đặt cạnh một đoạn khác dài 3cm.
Một ví dụ khác về hiệu ứng tương phản xuất hiện trong nghệ thuật văn học được gọi là sự xen kẽ, trong đó hai yếu tố, chẳng hạn như nhân vật, hành động, sự kiện hoặc ý tưởng, được đề cập lần lượt với mục đích nhấn mạnh sự khác biệt giữa chúng.
Hơn nữa, hiệu ứng tương phản có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ về ảnh hưởng của hiệu ứng tương phản bao gồm: Hoa quả thường bị nhạt đi nếu trước đó bạn ăn một món ăn khác có vị ngọt đậm hơn. Tương tự, bạn cũng sẽ thấy nhạt miệng nếu uống một thứ nước có vị ngọt hơn trước rồi sau đó uống đến nước có vị nhạt. Hay ví dụ khi chúng ta xem hình của diễn viên với vóc dáng hoàn hảo và khuôn mặt xinh đẹp, chúng ta có thể cảm thấy tự ti vì thấy mình kém hấp dẫn hơn. Nhưng nếu bạn xem hồ sơ của những ứng viên cùng ứng tuyển vào một vị trí giống bạn mà hồ sơ của bạn nổi bật hơn họ, bạn sẽ thấy tự tin hơn, thấy mình giỏi hơn dù thực tế năng lực của bạn không thay đổi. Học sinh đôi khi cảm thấy thiếu tự tin vào khả năng học tập của mình khi các em học trong một lớp có nhiều học sinh có thành tích cao.
Lưu ý: ở ví dụ cuối cùng, về việc học sinh cảm thấy kém tự tin khi ở trong một lớp có nhiều học sinh có thành tích cao có liên quan đến một hiện tượng xã hội liên quan được gọi là hiệu ứng cá lớn - ao nhỏ (big fish – little pond). Hiện tượng này thường được thảo luận trong bối cảnh của hiệu ứng tương phản. Điều này xảy ra khi mọi người tự đánh giá hiệu suất của mình cao hơn và tốt hơn hiệu suất thực của họ trong một khu vực (miền) mà xung quanh họ là những người có hiệu suất kém hơn, ngược lại khi họ ở trong khu vực với những người có hiệu suất cao hơn họ.
Mô Hình Tâm Lý Của Hiệu Ứng Tương Phản
Do có nhiều tình huống và cách thức mà mọi người có thể trải nghiệm hiệu ứng tương phản, nên không có cơ chế duy nhất nào được sử dụng để giải thích hiện tượng này. Tuy nhiên, tất cả các giải thích về hiệu ứng tâm lý này đều liên quan đến cách thức mà hệ thống nhận thức của chúng ta sử dụng trực giác các phép so sánh khi nó xử lý và đánh giá thông tin.
Một mô hình tâm lý đáng chú ý được sử dụng để giải thích hiệu ứng tương phản được gọi là Mô hình bao gồm / loại trừ (Inclusion/ Exclusion Model). Theo mô hình này, khi chúng ta đánh giá một thực thể nhất định dựa trên các tính năng của nó, chúng ta có hai biểu hiện tâm lý: đầu tiên là thực thể mục tiêu (target entity) mà chúng ta đánh giá và hai là những tiêu chuẩn tương phản với (chống lại) những đánh giá của chúng ta dành cho thực thể mục tiêu, thường là đến từ các thực thể nền (background entity).
Ví dụ, bạn đang muốn mua chiếc xe A (thực thể mục tiêu) rất đắt so với túi tiền của bạn. Ngay lúc này, bạn đi vào gara ô tô và thấy những chiếc xe khác (thực thể nền) còn đắt hơn nhiều so với A. Lúc này, thông tin tiêu cực với bạn là giá rất cao của A đã bị loại trừ khỏi suy nghĩ của bạn do sự ngầm so sánh giá của A với các thực thể nền đắt đỏ hơn. Ngược lại, đây lại là cách mà thực thể mục tiêu là xe A được nhìn nhận tích cực hơn so với thông thường qua con mắt của chủ gara bán ô tô vì bằng cách so sánh với sản phẩm nền, A có vẻ có giá hợp lý hơn và kích thích bạn mua xe hơn.
Ngoài ra còn rất nhiều các mô hình tâm lý khác được kết hợp với nhau hoặc sử dụng riêng lẻ để giải thích hiệu ứng này.
>>> Tham Khảo Hiệu Ứng: Bystander Effect - Người Ngoài Cuộc
Cách Làm Giảm Ảnh Hưởng Của Hiệu Ứng Tương Phản
Để thực hiện điều này, bạn có thể sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, bạn có thể:
Tăng Khoảng Cách Giữa Các Tùy Chọn
Việc tăng khoảng cách giữa các thực thể mà bạn đang đánh giá, xét về các yếu tố như thời gian và không gian, có thể làm giảm mức độ mà bạn gặp phải hiệu ứng tương phản giữa chúng.
Thêm Nhiều Tùy Chọn
Việc bổ sung thêm nhiều tùy chọn đôi khi có thể làm giảm mức độ mà bạn nhận thấy sự tương phản giữa các tùy chọn ban đầu mà bạn đang cân nhắc bởi vì nó làm cho việc so sánh chúng trở nên khó khăn hơn.
Giải Thích Lý Do Tại Sao Sự So Sánh Không Liên Quan
Giải thích cho bản thân tại sao sự so sánh mà bạn đang thực hiện là không liên quan. Chẳng hạn như bằng cách tập trung vào giá tuyệt đối của một sản phẩm hơn là giá tương đối của nó có thể giúp giảm hiệu ứng tương phản.
Cách Sử Dụng Hiệu Ứng Tương Phản Tích Cực
Bạn có thể sử dụng hiệu ứng tâm lý này trong kinh doanh, trong đời sống và đặc biệt, bạn có thể dùng chúng để cải thiện tâm trạng của mình. Chẳng hạn, bạn có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của một vấn đề mà bạn gây ra bằng cách so sánh nó với các vấn đề nghiêm trọng hơn đã xảy ra trong quá khứ. Hoặc để giúp đỡ người khác, ví dụ trong trường hợp họ làm gì đó có lỗi với bạn nhưng bạn muốn họ không còn bị day dứt hay dằn vặt, bạn có thể kể rằng bạn đã từng gặp chuyện tồi tệ hơn trong quá khứ và nó không đáng sợ như vậy.
>>> Tham Khảo: Hiệu Ứng Tắc Kè Hoa (Chameleon Effect)
Nguồn:
Beapplied - What Is Contrast Effect? And How It Impacts Recruitment
Effectiviology - The Contrast Effect: When Comparison Enhances Differences
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn