Giao tiếp phi ngôn ngữ là một trong những cách truyền tải thông tin mà không sử dụng đến ngôn ngữ. Dạng giao tiếp này có thể gắn với việc sử dụng nét mặt hoặc cử chỉ tay nhất định để đưa ra một quan điểm cụ thể hoặc có thể liên quan đến việc sử dụng (hoặc không sử dụng) giao tiếp bằng mắt, sự gần gũi về mặt vật lý và các tín hiệu phi ngôn ngữ khác để thể hiện.
Giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm một phần đáng kể trong quá trình chúng ta tương tác. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ giao tiếp phi ngôn ngữ cao gấp bốn lần so với giao tiếp bằng lời nói, với 80% những gì chúng ta giao tiếp liên quan đến hành động và cử chỉ so với chỉ 20% được truyền đạt bằng lời nói.
Mỗi ngày, chúng ta phản ứng với hàng nghìn tín hiệu và hành vi phi ngôn ngữ, bao gồm tư thế, nét mặt, ánh mắt, cử chỉ và giọng nói. Từ những cái bắt tay cho đến kiểu tóc, giao tiếp phi ngôn ngữ của chúng ta tiết lộ chúng ta là ai và tác động đến cách chúng ta liên hệ với người khác.
9 Kiểu Giao Tiếp Phi Ngôn Ngữ
Nghiên cứu về giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi bắt đầu từ cuốn sách “The Expression of the Emotions in Man and Animals” của Charles Darwin năm 1872. Kể từ thời điểm đó, rất nhiều nghiên cứu về hình thức, tác động và cách thể hiện của hành vi và giao tiếp phi ngôn ngữ.
Có những tín hiệu của giao tiếp phi ngôn ngữ có thể tinh tế đến mức chúng ta không nhận thức được chúng. Theo các nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được 9 loại giao tiếp phi ngôn ngữ gồm:
- Biểu cảm trên khuôn mặt
- Cử chỉ
- Ngôn ngữ học (chẳng hạn như âm lượng hoặc giọng điệu)
- Ngôn ngữ cơ thể và tư thế
- Không gian cá nhân
- Ánh mắt
- Xúc giác (chạm)
- Vẻ bề ngoài
- Hiện vật (đồ vật và hình ảnh)
Biểu Cảm Trên Khuôn Mặt (Facial Experssions)
Biểu cảm trên khuôn mặt tham gia rất nhiều trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Một nụ cười hoặc một cái cau mày cũng có thể truyền đi một thông điệp hoặc mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Hơn nữa, vẻ mặt là thứ đầu tiên chúng ta để ý, thậm chí chúng ta nhận biết vẻ mặt trước cả khi chúng ta nghe được những thông tin.
Có sự khác biệt đáng kể trong giao tiếp phi ngôn ngữ giữa các nền văn hóa, nhưng nét mặt thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự tức giận và sợ hãi đều giống nhau.
Cử Chỉ (Gestures)
Các chuyển động và tín hiệu có chủ ý được sử dụng rất nhiều với mục tiêu truyền đạt ý nghĩa mà không cần lời nói. Các cử chỉ thông thường bao gồm vẫy tay, chỉ tay và ra hiệu. Các cử chỉ khác nhau do sự khác biệt về văn hóa.
Ví dụ, ở Mỹ, đặt ngón trỏ và ngón giữa thành hình chữ “V” với lòng bàn tay hướng ra ngoài thường được coi là dấu hiệu của hòa bình hoặc chiến thắng. Tuy nhiên, ở Anh, Úc và các nơi khác trên thế giới, cử chỉ này có thể bị coi là một sự xúc phạm.
Giao tiếp phi ngôn ngữ thông qua cử chỉ còn ảnh hưởng đến mức một số thẩm phán đặt ra giới hạn về những cử chỉ nào được phép vào phòng xử án, nơi họ có thể gây ảnh hưởng đến ý kiến của bồi thẩm đoàn. Chẳng hạn, một luật sư có thể liếc nhìn đồng hồ để cho rằng lập luận của đối thủ là tẻ nhạt. Hoặc họ có thể trợn mắt khi nghe lời khai của một nhân chứng nhằm cố gắng làm giảm uy tín của người đó.
Ngôn Ngữ Học (Paralinguistics)
Ngôn ngữ học đề cập đến giao tiếp bằng giọng nói tách biệt với ngôn ngữ thực tế. Hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ này bao gồm các yếu tố như tông giọng, âm lượng, biến điệu và cao độ.
Ví dụ, khi nói với giọng điệu mạnh mẽ, người nghe có thể hiểu câu nói đó là sự tán thành và nhiệt tình. Khi được nói với giọng ngập ngừng có thể thể hiện sự không đồng tình và thiếu quan tâm.
Ngôn Ngữ Cơ Thể & Tư Thế
Tư thế và chuyển động của cơ thể cũng có thể cung cấp nhiều thông tin. Nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể đã phát triển đáng kể kể từ những năm 1970, với các phương tiện truyền thông đại chúng tập trung vào việc giải thích quá mức về các tư thế phòng thủ như khoanh tay và bắt chéo chân.
Mặc dù những giao tiếp phi ngôn ngữ này có thể biểu thị cảm xúc và thái độ nhưng ngôn ngữ cơ thể thường tinh tế và ít dứt khoát hơn những gì người ta tin trước đây.
Không Gian Cá Nhân (Proxemics)
Mọi người thường đề cập đến nhu cầu về “không gian cá nhân”. Khoảng cách chúng ta cần và chúng ta cảm nhận chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố, trong số đó có các chuẩn mực xã hội, đặc điểm văn hóa, các tình huống, sự đặc trưng về tính cách và mức độ quen thuộc.
Khoảng không gian cá nhân cần thiết cho mỗi người khi trò chuyện thông thường có thể thay đổi trong khoảng 0.5m đến 1.2m. Trong khi đó, khoảng cách cần thiết khi nói chuyện trước đám đông thường là khoảng 3m đến 3.6m.
Ánh mắt (Eye Gaze)
Đôi mắt đóng một vai trò trong giao tiếp phi ngôn ngữ, với những hành động như nhìn, nhìn chằm chằm và chớp mắt là những tín hiệu quan trọng. Ví dụ, khi bạn gặp người hoặc vật mà bạn thích, tốc độ chớp mắt của bạn sẽ tăng lên và đồng tử giãn ra.
Đôi mắt của mọi người có thể biểu thị nhiều loại cảm xúc, bao gồm sự thù địch, sự quan tâm và sự thu hút. Mọi người cũng thường sử dụng tín hiệu ánh mắt để đánh giá mức độ trung thực của một người. Giao tiếp bằng mắt bình thường và đều đặn thường được coi là dấu hiệu cho thấy một người đang nói sự thật và đáng tin cậy. Mặt khác, đôi mắt liếc ngang liếc dọc và không có khả năng duy trì giao tiếp bằng mắt thường được coi là dấu hiệu cho thấy ai đó đang nói dối.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy ánh mắt không dự đoán chính xác hành vi nói dối.
Xúc Giác (Haptics)
Giao tiếp thông qua chạm là một hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng khác. Sự đụng chạm có thể được sử dụng để truyền đạt tình cảm, sự quen thuộc, sự cảm thông và những cảm xúc khác.
Trong cuốn sách “Interpersonal Communication: Everyday Encounters”, tác giả Julia Wood viết rằng sự đụng chạm cũng thường được sử dụng để thể hiện cả địa vị và quyền lực. Những người có địa vị cao có xu hướng xâm chiếm không gian cá nhân của người khác với tần suất và cường độ lớn hơn những người có địa vị thấp hơn.
Sự khác biệt về giới tính cũng đóng một vai trò trong cách mọi người sử dụng sự đụng chạm để truyền đạt ý nghĩa. Phụ nữ có xu hướng sử dụng sự đụng chạm để truyền tải sự quan tâm. Mặt khác, đàn ông có nhiều khả năng sử dụng sự đụng chạm để khẳng định quyền lực hoặc kiểm soát người khác.
Đã có một lượng nghiên cứu đáng kể về tầm quan trọng của việc tiếp xúc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ví dụ, nghiên cứu kinh điển về khỉ của Harry Harlow đã chứng minh việc thiếu sự tiếp xúc sẽ cản trở sự phát triển như thế nào. Trong các thí nghiệm, những chú khỉ con được mẹ nuôi bằng dây đã trải qua những khiếm khuyết vĩnh viễn về hành vi và tương tác xã hội.
Vẻ Bề Ngoài
Sự phối hợp quần áo, kiểu tóc và các yếu tố ngoại hình khác của chúng ta cũng được coi là một phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ. Nghiên cứu về tâm lý màu sắc đã chứng minh rằng các màu sắc khác nhau có thể gợi lên những tâm trạng khác nhau. Ngoại hình cũng có thể làm thay đổi các phản ứng sinh lý, phán đoán và diễn giải.
Chỉ cần nghĩ đến tất cả những đánh giá tinh tế mà bạn nhanh chóng đưa ra về ai đó dựa trên vẻ ngoài của họ. Những ấn tượng đầu tiên này rất quan trọng, đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyên người tìm việc nên ăn mặc phù hợp khi phỏng vấn với các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngoại hình thậm chí có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mọi người kiếm được bao nhiêu tiền. Những người có vẻ bề ngoài hấp dẫn có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn và nhận được các phúc lợi phụ khác, bao gồm cả việc làm có chất lượng cao hơn.
Văn hóa có ảnh hưởng quan trọng đến cách đánh giá ngoại hình. Trong khi thân hình mảnh mai có xu hướng được coi trọng ở các nền văn hóa phương Tây, thì một số nền văn hóa châu Phi lại cho rằng thân hình đầy đặn có nghĩa là sức khỏe, sự giàu có và địa vị xã hội tốt hơn.
Hiện Vật (Artifacts)
Đồ vật và hình ảnh cũng là những công cụ có thể được sử dụng để giao tiếp phi ngôn ngữ. Ví dụ: trên một diễn đàn trực tuyến, bạn có thể chọn một hình đại diện để thể hiện danh tính của mình và để truyền đạt thông tin về việc bạn là ai và những điều bạn thích.
Mọi người thường dành nhiều thời gian để phát triển một hình ảnh cụ thể và xung quanh mình là những đồ vật được thiết kế để truyền tải thông tin về những điều quan trọng đối với họ. Ví dụ, đồng phục có thể được sử dụng để truyền tải một lượng lớn thông tin về một người.
>>>> Tham khảo: Lợi ích và hạn chế của đồng phục trong trường học
Một sĩ quan cảnh sát sẽ mặc một bộ đồng phục cụ thể và một bác sĩ sẽ mặc áo blouse màu trắng. Chỉ nhìn thoáng qua, những bộ trang phục này có thể cho người khác biết người đó làm nghề gì để kiếm sống. Điều đó khiến chúng trở thành một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ.
Tại Sao Giao Tiếp Phi Ngôn Ngữ Quan Trọng?
- Tăng cường các mối quan hệ: Giao tiếp phi ngôn ngữ thúc đẩy sự gần gũi và thân mật trong các mối quan hệ giữa các cá nhân.
- Thay thế cho lời nói: Báo hiệu thông tin mà một người có thể không nói thành tiếng được. Điều này có thể hữu ích trong những tình huống mà một người có thể không được lắng nghe (chẳng hạn như nơi làm việc ồn ào) hoặc trong những tình huống mà nhà tâm lý có thể xem xét các hành vi phi ngôn ngữ để tìm hiểu thêm về cảm giác của thân chủ.
- Củng cố ý nghĩa: Việc kết hợp giao tiếp phi ngôn ngữ với lời nói có thể giúp tăng thêm sự rõ ràng và củng cố các điểm quan trọng.
- Điều chỉnh cuộc trò chuyện: Các tín hiệu phi ngôn ngữ cũng có thể giúp điều chỉnh luồng trong cuộc trò chuyện và cho biết cả phần bắt đầu và kết thúc của một tin nhắn hoặc chủ đề.
Giao tiếp phi ngôn ngữ rất quan trọng vì nó có thể cung cấp thông tin có giá trị, củng cố ý nghĩa của lời nói, giúp truyền tải niềm tin và làm cho thông điệp của bạn trở nên rõ ràng hơn.
Cải Thiện Kỹ Năng Giao Tiếp Phi Ngôn Ngữ
- Chú ý đến hành vi của chính bạn: Hãy chú ý đến cử chỉ mà bạn sử dụng khi vui và khi buồn. Hãy suy nghĩ về cách bạn thay đổi giọng điệu tùy thuộc vào cảm xúc mà bạn đang cảm nhận. Nhận thức được xu hướng giao tiếp phi ngôn ngữ của chính bạn là bước đầu tiên để thay đổi.
- Quan sát giao tiếp phi ngôn ngữ từ người khác: Việc xem xét cách những người xung quanh bạn giao tiếp phi ngôn ngữ cũng có thể hữu ích. Nét mặt của họ nói lên điều gì? Họ sử dụng loại cử chỉ nào? Hiểu được các kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ của họ giúp bạn nhận ra tâm trạng, suy nghĩ và thái độ của họ nhanh hơn. Điều này cũng có thể giúp bạn nhận ra những hành vi phi ngôn ngữ của bản thân và áp dụng cho chính mình (chẳng hạn như đứng thẳng khi nói chuyện với người khác để thể hiện sự tự tin).
- Tìm kiếm những tín hiệu phi ngôn ngữ không phù hợp: Đã khi nào bạn nói rằng bạn ổn, sau đó đóng sầm cửa tủ để thể hiện rằng bạn đang buồn không? Điều này có thể khiến người xung quanh hiểu nhầm thông điệp bạn muốn truyền tải. Do đó, bạn sẽ cần nhận biết và thể hiện những tín hiệu phi ngôn ngữ phù hợp.
- Suy nghĩ trước khi hành động: Rèn luyện để bản thân dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động. Điều này có thể giúp bạn loại bỏ hoặc thay thế những hành vi phi ngôn ngữ mà bạn luôn mong muốn thay đổi.
- Hãy hỏi trước khi đánh giá: Một số loại giao tiếp phi ngôn ngữ có thể thay đổi dựa trên tính cách của một ai đó. Trước khi cho rằng ngôn ngữ cơ thể hoặc giọng điệu của một người chắc chắn có ý nghĩa gì đó, hãy hỏi họ. "Tôi nhận thấy rằng bạn không nhìn vào mắt tôi khi chúng ta nói chuyện. Bạn có đang không thoải mái với tôi không?" Hãy cho họ cơ hội giải thích cảm giác của họ.
Lời Kết
Bằng việc sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ, chúng ta có thể làm đa dạng hóa các cách thức truyền tải thông tin mà không sử dụng đến ngôn ngữ. Loại hình giao tiếp này rất phổ biến và được ứng dụng rộng rãi ngay cả trong trị liệu tâm lý.
Tham khảo: Types of Nonverbal Communication - Verywellmind
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn