FREUDIAN SLIPS: TÂM LÝ CỦA SỰ LỠ LỜI/NÓI NHẦM

Khái niệm Freudian slip (trượt lưỡi Freud), hay còn gọi là parapraxis, có ý nghĩa gần tương tự với hành động lỡ lời hoặc nói nhầm.

Những lần lỡ lời này diễn ra khi trong đầu bạn định nói một thứ nhưng lúc nói ra lại thành một thứ hoàn toàn khác. Lỡ lời Freud xảy ra phổ biến nhất khi giao tiếp có lời, nhưng vẫn có thể xuất hiện cả trong lúc đánh máy hay viết, hoặc thậm chí là cả trong trí nhớ (và việc quên điều gì đó).

Theo thuyết phân tâm học, bạn có thể từ những lần lỡ lời này mà truy dấu ngược lại để biết những khao khát và ham muốn vô thức, chẳng hạn như:

- Những thứ bạn thực sự muốn nói nhưng lại không thể bộc lộ ra
- Những cảm xúc chính bạn cũng chưa nhận ra nhưng trỗi dậy và len lỏi vào thế giới có ý thức của bạn

Lỡ lời Freud thường xuất hiện rất nhiều, nhưng câu hỏi ở đây là chúng có thực sự luôn liên quan tới những khao khát và thôi thúc thầm kín hay không, hay hiện tượng này thực sự có thể được giải thích một cách đơn giản hơn?



NGUỒN GỐC

Một trong những người đầu tiên nói về lỡ lời Freud là Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học. Tuy nhiên, lúc đó ông không dùng chính tên mình để miêu tả hiện tượng này.

Ông đã thảo luận kĩ về khái niệm này dưới cái tên tiếng Đức “Fehlleistungen” (những hành động sai lầm) trong cuốn sách được viết năm 1901 của mình, “The Psychopathology of Everyday Life.” Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra các ví dụ khác về hiện tượng này xuất hiện trước Freud, chẳng hạn như trong vở kịch “Hamlet” của Shakespeare.

Theo Freud, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là vì những thứ vô thức được bộc lộ ra ngoài thành những hành động có ý thức, và điều này khiến bạn nói ra những điều có thể khác với điều bạn nghĩ.

Các khoảng trống và lỗi trong kí ức như vậy xảy ra khi những suy nghĩ và khao khát bị chính bạn chủ động kìm nén (suppress) hoặc vô thức kìm nén (repress) trỗi dậy.

Ngày nay, lỡ lời Freud có thể dùng để chỉ mọi loại nói nhầm, không nhất thiết là phải liên quan đến các vấn đề phân tâm nào cả.

Chẳng hạn khi một đứa trẻ lỡ mồm gọi cô giáo là “mẹ”, chỉ đơn giản là bé đang trong giai đoạn chuyển giao, từ ở nhiều với mẹ thành gần như cả ngày ở với cô giáo; hay khi cha mẹ đang căng thẳng và gọi nhầm một đứa con của mình bằng tên một đứa con khác (hay tên chú chó trong nhà), lí do chỉ đơn giản là vì họ bận bịu và mệt mỏi.

CÁC LOẠI LỠ LỜI KHÁC NHAU VÀ VÍ DỤ

Trong cuốn sách “Freuds Theory and Its Use in Literary and Cultural Studies” (Học thuyết của Freud và tính áp dụng trong các nghiên cứu văn học và văn hoá), giáo sư Henk de Berg đã phân loại các loại lỡ lời Freud ra thành những nhóm sau đây:

Lãng quên do kìm nén vô thức

Đó có thể là lỡ lời do kí ức trỗi dậy gây ra chứ không chỉ đơn thuần là nói nhầm. Theo học thuyết phân tâm, khi bạn trải qua một điều gì đó khiến mình xấu hổ, sợ hãi hay đau đớn, tâm trí bạn sẽ phản ứng bằng cách đẩy những kí ức về sự kiện đó ra xa. Nếu sau này bạn tình cờ gặp một điều gì đó tương tự như sự kiện này, có thể bạn sẽ lỡ lời ở sự kiện mới này.

Chẳng hạn bạn bị chó cắn lúc còn bé. Chú chó này bản tính khá hiền lành, tuy nhiên vào một ngày nọ bạn chọc tức nó và không để ý tới những tiếng gầm gừ cảnh báo, để rồi cuối cùng bị nó cắn. Bạn phải khâu mấy mũi, nhưng ngoài việc lờ mờ thiếu tin tưởng với những con chó to, bạn không nhớ gì về sự kiện này hay tên của con chó cả, giả sử tên nó là Nottingham.

Vậy thì, khi gặp người đồng nghiệp mới, Carl Nottingham, bạn sẽ cảm thấy không tài nào có thể nhớ nổi họ của anh ấy. Bạn không gặp khó khăn gì trong việc nhớ tên “Carl” nhưng liên tục không thể nào nhớ được họ của anh ta.

Theo trường phái phân tâm, có thể tâm trí của bạn đang tránh né các kí ức về họ của Carl vì nó có thể khơi dậy kí ức về chú chó Nottingham và những trải nghiệm đáng sợ khi bị nó cắn.

Lãng quên bắt nguồn từ ham muốn

Lỡ lời Freud cũng có thể xảy ra khi bạn muốn hoặc không muốn làm điều gì đó.

Có thể bạn cứ liên tục để nhầm chỗ danh sách việc cần làm của mình và khó mà tìm thấy nó lúc cần? Học thuyết phân tâm có lẽ sẽ giải thích rằng bạn liên tục làm mất danh sách này để trì hoãn không phải làm những công việc chẳng mấy vui vẻ kia.

Hay thử một ví dụ khác nhé. Vào một ngày sau khi tan làm, bạn đứng tán gẫu với một người đồng nghiệp cực kì cuốn hút và hấp dẫn, người mà sau đó đã chở bạn về nhà. Sau khi tiếp tục nói chuyện, bạn crush người đó và giờ bạn chỉ nghĩ tới chuyện làm sao để được gặp họ lần nữa.

Khi xuống xe để vào nhà, bạn vô tình để quên ví và điện thoại ở trên ghế. Lúc không thấy đồ của mình, bạn đã gọi cho người kia để có thể lấy lại đồ.

Trong trường hợp này, có lẽ bạn không hề nghĩ rằng: “Mình sẽ để quên đồ trong xe để có thể gặp lại người này.” Tuy nhiên, những lý luận phân tâm có thể sẽ giải thích rằng mong muốn của bạn đã khiến bạn vô thức “quên” đồ, để sau đó bạn có thể có cơ hội nói chuyện lần nữa với người đó.

Nói nhầm

Khi nhắc tới lỡ lời Freud, phần lớn mọi người sẽ nghĩ tới trường hợp này: những lần nói nhầm vô nghĩa.

Còn nhớ anh bạn Carl Nottingham chứ? Thay vì chỉ quên họ của anh ta, lần này bạn liên tục nhớ nhầm họ của anh ấy. Nào là Twickingham, Birmingham, Nortonsen, đến mức sự nhầm lẫn của bạn trở thành một trò đùa trong văn phòng.

Bạn không cố ý để điều này xảy ra. Chỉ là não của bạn đang cố gắng dung hoà giữa những suy nghĩ có ý thức và những nỗi sợ vô thức.

NHỮNG LẦN LỠ LỜI FREUD HÉ LỘ THÔNG TIN GÌ?

Chính bản chất ngẫu hứng, bất ngờ và không có tính toán trước của những lần lỡ lời Freud khiến ta rất khó có thể tìm hiểu về chúng trong môi trường nghiên cứu.

Nếu việc lỡ lời này thực sự có liên quan tới những ham muốn vô thức đúng như Freud nói, các nhà nghiên cứu sẽ cần phải khám phá vùng tâm trí vô thức của con người để có thể tìm ra bằng chứng cho sự tồn tại của những ham muốn kia.

Theo học thuyết phân tâm, những lần lỡ lời xảy ra khi bạn không thể kìm nén những suy nghĩ vô thức của mình trong một khoảnh khắc. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng cần tìm hiểu thêm về sự xung đột nội tâm này.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa có nhiều phương pháp để đo lường được suy nghĩ vô thức hay xung đột nội tâm. Chính vì vậy, chúng ta vẫn chưa tìm được bất cứ bằng chứng xác thực nào nói rằng lỡ lời Freud là kết quả trực tiếp của bất cứ ham muốn hay thôi thúc vô thức nào trong tâm trí mình.

Vào năm 1992, một nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu nhiều hướng giải thích cho hiện tượng này. Thông qua biện pháp thôi miên, họ đã quan sát thấy những xung đột nội tâm tạo ra bởi những thói quen và cảm xúc không mong muốn.

Nghiên cứu này cho rằng dường như lỡ lời Freud thực sự có liên quan tới những suy nghĩ vô thức, từ đó khuyến khích rằng vấn đề này nên được nghiên cứu sâu hơn sau này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra rất nhiều giới hạn trong công trình của họ, đặc biệt là những khó khăn trong việc thực sự tìm ra được kết quả có ý nghĩa. Hơn nữa tính tới thời điểm hiện tại, nghiên cứu trên cũng đã có tuổi thọ hơn 2 thập kỉ.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn lưu ý rằng, mối liên hệ giữa cảm giác tội lỗi về tính dục và lỡ lời Freud là có thật. Những người cảm thấy tội lỗi về tính dục nhiều hơn thường mắc những lỗi trượt lưỡi Freud nhiều hơn, có lẽ bị gây ra bởi xung đột nội tâm do không biết nên tránh né hay tiếp cận những người họ thích. Tuy nhiên để nhấn mạnh thêm một lần nữa, những kết quả này vẫn chưa chắc chắn.

MỘT SỐ CÁCH GIẢI THÍCH KHÁC

Nếu lỡ lời Freud không bắt nguồn từ sự trỗi dậy của những ham muốn thầm kín nhất, điều gì đã gây ra hiện tượng này? Bạn có thể cân nhắc một số lời giải thích sau đây:

Mất tập trung

Hãy thử vừa viết lách vừa nghe ai đó nói về một chuyện chẳng liên quan. Bạn có thể cũng sẽ viết nhầm vài lời nói của họ xuống giấy đó.

Có thể trong lúc đang tán gẫu với bạn của mình, tâm trí của bạn lại nghĩ tới việc tí nữa đi hẹn hò nên mặc gì và bạn trả lời họ một cách lơ đãng. Hoặc bạn còn nhớ người đồng nghiệp chở bạn về ban nãy không? Có thể bạn quên ví và điện thoại đơn giản là vì bạn mải ngắm nghía người bạn cuốn hút này, tới mức quên kiểm tra đồ đạc khi xuống xe.

Líu lưỡi/ Nói nhầm

Bất cứ loại ngôn ngữ nào cũng rất phức tạp. Khi thành người lớn, bạn đã biết hàng ngàn từ trong thứ tiếng bạn nói. Vậy nên đôi khi nhầm lẫn cũng là chuyện thường tình.

Như bất kỳ hệ thống não bộ nào khác, mạng lưới quản lý lời nói đôi khi cũng xảy ra lỗi. Điều này là hết sức bình thường. Ví dụ, bạn có lẽ vẫn còn nhớ những lúc mình nói nhầm vần của từ sau vào vần từ trước, dẫn tới những từ vô nghĩa. Ví dụ khi định nói từ “phân tâm” bạn lại nói nhầm thành “tân phâm” chẳng hạn.

Sức mạnh của sự gợi ý

Khi bạn cố xua đuổi một suy nghĩ nào đó ra khỏi tâm trí của mình, thường thứ đó sẽ bật lại ngay trong suy nghĩ của bạn.

Chính việc cố không nghĩ về cái gì đó có thể khiến bạn càng nghĩ về nó nhiều hơn. Hãy cùng thử làm một thí nghiệm sau đây.

Giả dụ bạn đang cần đi vệ sinh và có người nói rằng: “Cố đừng nghĩ về thác nước nhé.” Có thể nói gần như chắc chắn là bạn sẽ lập tức nghĩ về cái thác nước kia, và thậm chí là lan sang cả những hình ảnh về một cơn mưa rào hay vòi tắm hoa sen.

Bằng cách này, khi bạn đang suy nghĩ về điều gì đó, có thể điều đó sẽ tìm được cách len lỏi vào trong cuộc nói chuyện của bạn. Giống như khi có ai đó nói “đừng lo nữa” lại làm bạn càng lo thêm vậy.

LỜI KẾT

Nếu bạn đã từng có những lần lỡ lời Freud thì cũng đừng lo lắng quá nhiều. Hầu hết mọi người đều không ít lần bị như vậy. Kể cả khi bạn lỡ lời nói điều gì đó không hay/ gây xấu hổ trước đám đông, thì dù có để ý, họ cũng cũng sẽ quên khá nhanh.

Nếu bạn có lỡ gọi nhầm tên người yêu bằng tên bố mẹ mình, thì không có nghĩa là tâm trí vô thức của bạn có gì đó quái dị hay kinh khủng. Thường chỉ đơn giản là vì bạn đang nghĩ tới chuyện gì đó khác thôi.

Nguồn: Whats the Deal with Freudian Slips? – Healthline

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/