Khi lựa chọn điều trị tâm lý, thân chủ sẽ thường có thắc mắc, đâu là bước đầu tiên của quá trình trị liệu. Bước đầu tiên này có thể là ngay lập tức trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sẽ cần một số thực hiện một số bước trước khi tiến tới điều trị, trong đó có việc các nhà chuyên môn thực hiện đánh giá tâm lý của thân chủ.
Từ “đánh giá” nghe có vẻ đáng sợ, nhưng ở bước này các nhà chuyên môn chỉ đơn thuần tìm hiểu về những gì bạn đã và đang trải qua thông qua các bài kiểm tra và đánh giá nhất định.
Vậy, Đánh Giá Tâm Lý Là Gì?
Để tránh nhầm lẫn, hãy nhớ rằng cụm từ “đánh giá tâm lý” trong bài viết này đề cập đến sự đánh giá khó khăn về tâm lý, không phải đánh giá bệnh lý tâm thần. Bởi lẽ, đánh giá của bác sĩ tâm thần sẽ xem xét nhiều hơn về khía cạnh vật lý và sinh học trong khi đánh giá tâm lý sẽ xem xét các khía cạnh tâm lý của cá nhân hoặc xã hội.
Đánh giá tâm lý là quá trình mà nhà chuyên môn đánh giá tình trạng của thân chủ để xem thân chủ có đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.
Nếu coi việc trị liệu tâm lý như một cuộc chiến thì đánh giá tâm lý chính là quá trình mà nhà tâm lý vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của kẻ địch. Đối với các nhà tâm lý học, một đánh giá tâm lý giúp xác định chính xác bản chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe tâm thần. Nhà chuyên môn có thể sẽ sử dụng các công cụ đánh giá khác nhau để hiểu rõ về tâm lý của thân chủ. Điều quan trọng cần nhớ là sẽ không có bất kỳ phán xét nào về thân chủ trong quá trình này. Thay vào đó, các nhà chuyên môn sẽ giúp bạn xác định và quản lý các vấn đề hoặc các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị điều trị.
Hiểu một cách đơn giản, hãy coi những loại đánh giá này giống như như các xét nghiệm y tế bởi thực tế chúng đều có cùng một mục đích. Ví dụ: nếu bạn có các triệu chứng đau nhức ở cơ thể, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang để hiểu rõ hơn nguyên nhân của những gì bạn đang gặp phải, điều này sẽ giúp xác định kế hoạch điều trị hiệu quả. Tương tự với đánh giá tâm lý, các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng các công cụ này để đo lường và quan sát hành vi của bạn nhằm chẩn đoán và điều trị các vấn đề cụ thể.
Khi Nào Thân Chủ Nên Đánh Giá Tâm Lý?
Đánh giá tâm lý có thể giúp xác định nguyên nhân của các triệu chứng sức khỏe tâm thần. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần, có lẽ đã đến lúc bạn nên hẹn lịch gặp với một nhà trị liệu tâm lý.
Các dấu hiệu cho thấy ai đó có thể cần đánh giá tâm lý, bao gồm:
- Thay đổi tâm trạng đột ngột
- Mất trí nhớ không rõ nguyên nhân
- Xa lánh xã hội
- Khó tập trung
- Khóc không kiểm soát
- Thay đổi trong giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống
- Các vấn đề ở trường hoặc nơi làm việc
- Mất động lực hoặc hứng thú với các hoạt động, đặc biệt là những hoạt động đã từng được yêu thích
- Tăng độ nhạy cảm với tiếng ồn, hình ảnh hoặc bị chạm vào
- Hoang tưởng
- Mức độ lo lắng cao
- Cảm thấy bị ngắt kết nối với những gì đang xảy ra xung quanh bạn
- Những cơn giận dữ bất ngờ
- Trầm cảm
- Các hành vi không bình thường khác
Mặc dù những triệu chứng này không phải lúc nào cũng đáng lo ngại, nhưng bạn nên đánh giá tâm lý nếu một số triệu chứng bất thường hoặc các triệu chứng mới xảy ra. Nếu bạn đang phải đấu tranh với những suy nghĩ tự hại, hãy liên hệ với các chuyên gia ngay lập tức.
Phương Pháp Đánh Giá Tâm Lý
Có nhiều phương pháp được các nhà chuyên môn sử dụng trong quá trình đánh giá tâm lý. Có thể sử dụng một hoặc nhiều hơn một các phương pháp trong quá trình đánh giá.
Các phương pháp đánh giá chủ yếu bao gồm:
Phỏng Vấn Lâm Sàng (Clinical interview)
Trong một cuộc phỏng vấn lâm sàng, các chuyên gia sức khỏe tâm thần trao đổi với thân chủ để tìm hiểu về các triệu chứng của họ. Thân chủ sẽ tuân theo một định dạng phỏng vấn bán tiêu chuẩn được gọi là Phỏng vấn lâm sàng có cấu trúc về Rối loạn DSM (Structured Clinical Interview for DSM Disorders - SCID).
Một hình thức đánh giá khác là Phỏng vấn Chẩn đoán Lâm sàng (CDI), là một cuộc trao đổi không có cấu trúc giữa chuyên gia và thân chủ. Các câu hỏi CDI khá rộng, trong khi các câu hỏi SCID thì cụ thể hơn.
“Các đánh giá tâm lý đã được nghiên cứu để có thể đánh giá chính xác tình trạng thân chủ dựa trên sự những gì mà thân chủ trao đổi. Nói cách khác, sự trung thực về cảm xúc và trung thực với cách cảm xúc ảnh hưởng đến chính mình sẽ là chìa khóa cho sự chính xác của bài phỏng vấn lâm sàng” - Tiến sĩ Karmen Smith LCSW DD.
>>>> Tham khảo: Tâm lý học lâm sàng
Đánh Giá Về IQ (Assessment of intellectual functioning - IQ)
Các bài kiểm tra IQ được thiết kế để đo lường chức năng nhận thức. Chúng có thể cung cấp thêm thông tin về các khả năng thị giác - không gian, trí nhớ, sự tập trung, giao tiếp, năng lực trí tuệ, v.v.
Có 2 loại bài kiểm tra IQ chính: kiểm tra trí thông minh (Intelliegence test) và đánh giá tâm lý thần kinh (neuropsychological assessments).
Đánh Giá Về Hành Vi (Behavioral Assessment)
Đánh giá hành vi là một sự phân tích có cấu trúc và chi tiết về hành vi. Thông thường, nhà chuyên môn sẽ sử dụng một số công cụ để thu thập thông tin về các hành vi. Điều này có thể bao gồm các cuộc phỏng vấn, quan sát và bảng câu hỏi. Phương pháp đánh giá hành vi có thể được sử dụng trong đánh giá tâm lý ở mọi độ tuổi khác nhau.
Đánh Giá Về Nhân Cách (Personality Assessment)
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng bài kiểm tra nhân cách để tìm hiểu thêm các thông tin về thân chủ, nhờ đó họ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Một bài kiểm tra tính cách thường được sử dụng, chính là mô hình năm yếu tố (FFM), giúp xác định 5 đặc điểm tính cách cơ bản:
- Hướng ngoại (Extraversion)
- Nhạy cảm (Neuroticism)
- Dễ chịu (Agreeableness)
- Tận tâm (Conscientiousness)
- Cởi mở trải nghiệm (Openness to experience)
Các bài kiểm tra khác thường được các nhà tâm lý học sử dụng bao gồm Minnesota Multiphasic Personality Inventory (MMPI), Thematic Apperception Test (TAT), và Rorschach test.
Buổi Đánh Giá Diễn Ra Như Thế Nào?
Đánh giá sức khỏe tâm thần có thể bao gồm nhiều phần khác nhau, bao gồm:
- Bảng các câu hỏi
- Danh sách kiểm tra
- Khảo sát
- Phỏng vấn
- Quan sát hành vi
Thông thường, mức độ đánh giá sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, mối quan tâm hoặc triệu chứng và những điều họ cần đánh giá.
Nói chung, thân chủ có thể mong đợi các phần của quá trình đánh giá tâm lý kéo dài từ 20 đến 90 phút, tùy thuộc vào lý do đánh giá và bài test nào được thực hiện. Một hoặc nhiều buổi gặp nhà tâm lý điều có thể xảy ra và một số phần của bài đánh giá có thể được hoàn thành trực tuyến hoặc trực tiếp.
>>>> Tham khảo: Các bài kiểm tra. đánh giá tâm lý
Tuy nhiên, có những thứ bạn nên chuẩn bị bao gồm:
Khám Sức Khỏe Thể Chất
Trong một số trường hợp, bệnh thể chất có thể gây ra các triệu chứng phản ánh một số tình trạng sức khỏe tâm thần. Khám sức khỏe thể chất có thể giúp xác định xem rối loạn thể chất (chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp) hay vấn đề về tâm lý là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Xét Nghiệm
Trong quá trình đánh giá tâm lý, bạn có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc chụp cắt lớp não. Các xét nghiệm này được thiết kế để loại trừ bất kỳ điều kiện vật lý nào. Bạn cũng có thể được yêu cầu trả lời các câu hỏi về việc sử dụng chất kích thích để xác nhận những gì bạn đang gặp phải không phải là tác dụng phụ của các loại chất này.
Bệnh Sử Về Sức Khỏe Tâm Thần
Thân chủ có thể sẽ được hỏi về thời gian xuất hiện của các triệu chứng, bệnh sử về sức khỏe tâm thần của cá nhân và của gia đình cũng như bất kỳ phương pháp điều trị tâm thần hoặc tâm lý nào mà bạn có thể đã tiếp nhận được trong quá khứ.
Lịch Sử Cá Nhân
Các chuyên gia có thể đặt câu hỏi về lối sống và lịch sử cá nhân để xác định nguồn căng thẳng lớn nhất trong cuộc sống của thân chủ. Họ sẽ hỏi về bất kỳ tổn thương lớn nào trong quá khứ. Chẳng hạn, thân chủ có thể được hỏi về tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, nghĩa vụ quân sự hoặc thời thơ ấu.
Đánh Giá Tinh Thần
Trong trường hợp này, thân chủ có thể sẽ được hỏi chi tiết hơn về các triệu chứng của mình. Phần đánh giá này sẽ tập trung cụ thể vào suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của thân chủ. Điều quan trọng là phải biết thân chủ đã cố gắng tự kiểm soát các triệu chứng như thế nào, do đó, nhà tâm lý sẽ quan sát ngoại hình và hành vi để hiểu được sức khỏe tâm thần tổng thể của thân chủ.
Đánh Giá Nhận Thức
Đánh giá nhận thức có điểm khác so với đánh giá tinh thần. Mục đích của đánh giá nhận thức là đánh giá khả năng suy nghĩ rõ ràng, khả năng ghi nhớ thông tin và sử dụng lý luận hợp lý của bạn.
Lời Kết
“Trong quá trình đánh giá tâm lý, nhà tâm lý học sẽ đặt câu hỏi về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn. Ở phía thân chủ cũng có thể đặt các câu hỏi về tiên lượng và thời gian điều trị. Thân chủ và nhà trị liệu có thể thảo luận về kết quả và hợp tác với nhau trong kế hoạch điều trị, nhờ đó, các đánh giá tâm lý có thể cho thấy sự tiến bộ trong và sau khi điều trị.” – Tiến sĩ Karmen Smith LCSW DD.Sources.
Viện Tâm lý Việt - Pháp cung cấp dịch vụ đánh giá - tham vấn và trị liệu tâm lý cho các đối tượng ở mọi độ tuổi. Dịch vụ đánh giá tâm lý được thực hiện bởi chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực. Sau khi thân chủ được đánh giá tâm lý, các kết quả được chuyên gia phân tích và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp với mong muốn của thân chủ.
Đăng ký dịch vụ đánh giá - tham vấn - trị liệu tâm lý tại đây, hoặc liên hệ trực tiếp qua hotline 0977.729.396.
Nguồn: Karmen Smith LCSW, DD - What is a “Psych Evaluation?” (Talkspace)
Spitzer R. The Structured Clinical Interview for DSM-III-R (SCID). Arch Gen Psychiatry. 1992;49(8):624. doi:10.1001/archpsyc.1992.01820080032005. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1637252/. Accessed October 2, 2022.
Sharma E, Srinath S, Jacob P, Gautam A. Clinical practice guidelines for assessment of children and adolescents. Indian J Psychiatry. 2019;61(8):158. doi:10.4103/psychiatry.indianjpsychiatry_580_18. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6345125/. Accessed October 2, 2022.
McCrae R, John O. An Introduction to the Five-Factor Model and Its Applications. J Pers. 1992;60(2):175-215. doi:10.1111/j.1467-6494.1992.tb00970.x. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1635039/. Accessed October 2, 2022.