Để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta rất cần đến sự đồng cảm và chia sẻ. Khả năng đồng cảm tạo ra sự kết nối, giúp bạn có thể nhận ra đâu là vấn đề của mình, sau đó bạn thấy mình cũng được chia sẻ. Muốn có sự đồng cảm, chúng ta phải thấu hiểu hoàn cảnh của người khác và biết chia sẻ cảm xúc của người ấy trong hoàn cảnh đó.
Nối tiếp thành công của 2 chương trình “Thế giới cổ tích và những bài học hay” và "Dấu chân sinh thái", Trường Nguyễn Siêu tiếp tục hợp tác với Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp tổ chức một buổi giao lưu với chủ đề "Đồng cảm" dành cho các bạn học sinh khối lớp 5. Buổi giao lưu diễn ra vào ngày 06/11/2020 có sự góp mặt của diễn giả- TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh.
TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh- diễn giả của buổi giao lưu với chủ đề "Đồng cảm"
Buổi giao lưu giúp các con khơi gợi và trau dồi lòng đồng cảm với người, vật xung quanh, hiểu được cảm xúc của bản thân, xác định được cảm xúc và biết cách giãi bày và thể hiện sự đồng cảm qua các hành động chân thành.


TS Thụy Anh giao lưu cùng các bạn học sinh khối 5 trường Nguyễn Siêu

Sự đồng cảm không chỉ ở lòng trắc ẩn và mong muốn được chia sẻ với những cảnh ngộ bất hạnh, mà đó là sự tinh tế của cong người trong việc cảm nhận bản thân mình và thế giới xung quanh để có thể hài hòa cùng với môi trường thiên nhiên và xã hội. Năng lực đồng cảm quan trọng không kém những kỹ năng khác, vì đó là gốc của lòng nhân ái, tính nhân văn của một con người khi trưởng thành. Một con người cần có sự đồng cảm với người khác trong nỗi buồn, biết chia sẻ nỗi đau, mất mát và thiệt thòi, nhưng sự đồng cảm và chia sẻ với người khác trong các cảm xúc tích cực cũng không kém quan trọng.