Recap Webinar “Sống Ở Nước Ngoài & Tâm Lý Người Trẻ" Cùng TS. Giáo Dục Chi Nguyễn & Chuyên Gia Tâm Lý Diệu Anh Từ Viện Tâm Lý Việt - Pháp

Buổi trò chuyện đầu năm với chủ đề “Sống Ở Nước Ngoài & Tâm Lý Người Trẻ" được tổ chức bởi Viện Tâm lý Việt - Pháp cùng 02 diễn giả là ThS. NCS. Nguyễn Thị Diệu Anh và TS. Giáo dục Chi Nguyễn - The Present Writer đã diễn ra tốt đẹp vào tối ngày 23/2/2024 theo giờ Việt Nam. Sự kiện được diễn ra trực tuyến với sự tham gia của gần 100 người trên nền tảng Zoom và livestream trên Facebook, đang học tập và làm việc tại các quốc gia như Pháp, Úc, New Zealand, Nga, Nhật Bản,...

Trong sự kiện, 02 diễn giả, dưới góc độ của một nhà tâm lý và một người học tập, làm việc lâu năm tại nước ngoài, đã cùng phối hợp chia sẻ những kiến thức và thông tin hữu ích tới khán giả. Ví dụ, khi TS. Chi Nguyễn chia sẻ về những khó khăn chung và riêng mà du học sinh có thể gặp phải (áp lực thích nghi với ngôn ngữ học thuật, áp lực tài chính - học bổng) hay người lao động tại nước ngoài có thể quan tâm (cạnh tranh với người bản xứ, lo toan về giấy tờ làm việc,...) từ trải nghiệm, quan sát cá nhân của mình, thì NCS. Diệu Anh nhìn nhận những khó khăn theo đặc điểm tâm lý từng thế hệ. Các du học sinh phần lớn đang nằm trong nhóm “Gen Z", họ sẽ có những đặc điểm khác với nhóm 8X, 9X như sự cởi mở với các nền văn hoá khác nhau và khả năng hòa nhập tốt hơn do điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm, cũng như áp lực đồng trang lứa (peer pressure) luôn hiện hữu dưới cái nhãn “du học sinh". Trong khi đó, những người lao động tại nước ngoài phần lớn nằm trong nhóm còn lại, có thể gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, hoà nhập với văn hoá và ngôn ngữ khác.

Trước những khó khăn như vậy, du học sinh và người làm việc tại nước ngoài có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần như thế nào? Khi nào thì họ cần tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhà tâm lý? Theo Chuyên gia Tâm lý Diệu Anh, bất cứ ai trong các sự kiện, biến cố lớn trong đời, không chỉ riêng những người con xa xứ, đều có thể gặp khó khăn tâm lý. Dù sự kiện đó mang lại phản ứng tích cực hay trung tính, chúng có thể kích hoạt những vấn đề sẵn có trong bản thân chúng ta. Điều đó khiến cho một số du học sinh hay người lao động tại nước ngoài có những trải nghiệm tiêu cực và không thể lường trước trong thời gian chuẩn bị.

Bắt đầu là những biểu hiện buồn chán, lười biếng tạm thời, và có thể tiến triển thành những triệu chứng nghiêm trọng hơn như mất động lực, hoang mang, cảm xúc lên xuống thất thường, hay thậm chí là những ý nghĩ tu. tu?... Theo Chuyên gia tâm lý Diệu Anh, ngay từ những biểu hiện “nhẹ", du học sinh đã có thể tìm tới sự trợ giúp của nhà tâm lý. Nhà tâm lý có thể giúp chúng ta bóc tách vấn đề, nhận thức rõ hơn về những gì ta không thể thay đổi và những gì nằm trong khả năng mà ta có thể thay đổi, giúp cải thiện sức khoẻ và cuộc sống tại đây. 

Cũng giống như nhiều vấn đề sức khoẻ khác, chúng ta không hề muốn để sự việc trở nên nghiêm trọng rồi mới bắt đầu giải quyết. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, Chuyên gia Tâm lý Diệu Anh gợi ý về “7 Miếng Bánh Pizza Cho Tinh Thần" (The Healthy Mind Platter) với các khía cạnh khác nhau mà mọi người có thể đầu tư để củng cố sức khoẻ thể chất & tâm thần. 7 miếng bánh bao gồm:

🍕 Ngủ đủ: Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vai trò của giấc ngủ trong việc cải thiện và duy trì sức khỏe tâm thần.

🍕 Thời gian tập trung (focus time): Đó có thể là thời gian học tập, làm việc, hay thời gian tập trung hoà nhập, tìm những người bạn mới khi bắt đầu du học.

🍕 Kết nối: Hiện nay, hoạt động kết nối với người thân, bạn bè tại quê nhà đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều qua các nền tảng nhắn tin và gọi điện trực tuyến.

🍕 Tập thể dục: Có lẽ chúng ta đều đã biết tác dụng của hoạt động thể chất với sức khoẻ toàn diện.

🍕 Chơi: Độ tuổi nào cũng cần có thời gian chơi! Đó có thể là khoảng thời gian chúng ta làm các hoạt động theo sở thích, chơi game online, hoặc những hoạt động vui chơi khác với bạn bè.

🍕 Time-in: Thời gian để chúng ta phản tư, lắng nghe cơ thể và tập trung vào bên trong của mình. Đôi khi có những vấn đề tâm lý đã bị dồn nén bởi ý chí, nhưng đã biểu hiện qua các triệu chứng thực thể như đau đầu, đau bụng,... mà chúng ta có thể không rõ nguyên nhân ngay cả khi đã tìm đến bác sỹ. Bằng việc dành thời gian chấp nhận những cảm xúc ta đang có hoặc cho phép bản thân được “yếu đuối", ta có thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề tốt hơn.

🍕 Downtime: Thời gian để chúng ta nghỉ ngơi và không làm gì cả - không tính thời gian ngủ.

Bên cạnh các hoạt động chăm sóc bản thân nêu trên, Chuyên gia Tâm lý Diệu Anh cũng lưu ý thêm rằng bất kỳ chúng ta phải luôn ý thức được mình luôn có một mạng lưới hỗ trợ tâm lý ở xung quanh, và ta luôn có thể tìm đến sự trợ giúp của người khác.

Phần cuối chương trình, hai diễn giả đã nhận được những câu hỏi thú vị từ người tham dự. Với trải nghiệm sống tại nơi có mùa đông khắc nghiệt, TS. Chi Nguyễn đưa ra những lời khuyên dành cho những người có kế hoạch/đang sinh sống tại các vùng tương tự để tránh tinh thần bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ việc tạo ra những thay đổi nhỏ trong nơi ở như lựa chọn đèn tông vàng hay tạo ra khung cảnh ấm cúng trong nhà, cho tới việc thay đổi cách nhìn về mùa đông lạnh lẽo âm u, ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong trải nghiệm du học/làm việc xa nhà ngay cả khi không có điều kiện vật chất và môi trường tốt. Bên cạnh đó, là một người mẹ, TS. Chi Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên hữu ích cho những người mẹ phải làm việc xa con cái. Đầu tiên, mẹ cần có sự trao đổi rõ ràng với con về việc đi làm xa, để con hiểu việc mẹ sẽ làm và thời gian mẹ không ở cạnh là bao lâu. Khi con hỏi tại sao bố mẹ phải đi, TS. Chi Nguyễn cho rằng cha mẹ không nên nói với con rằng cha mẹ đi làm để “kiếm tiền nuôi con", tạo cảm giác tội lỗi lên trẻ rằng “vì mình mà cha mẹ không được ở cạnh mình". Cha mẹ có thể bày tỏ nguyện vọng của bản thân với trẻ, giúp trẻ hiểu cha mẹ hơn. Cũng như vậy, cha mẹ có thể thảo luận với con về các hoạt động kết nối trong thời gian không ở gần nhau. Từ đó, cha mẹ có thể dành những khoảng thời gian chất lượng bên con dù là qua màn hình. 

Kết thúc chương trình, Viện Tâm lý Việt - Pháp gửi lời cảm ơn chân thành tới hai diễn giả đã có những chia sẻ sâu sắc và hữu ích tới các khán giả của sự kiện. Ban Tổ chức cũng cảm ơn sự tham gia và các ý kiến đóng góp của hơn 100 khán giả xuyên suốt sự kiện, giúp cho chương trình diễn ra thành công tốt đẹp.

Để không bỏ lỡ các sự kiện, chương trình sắp diễn ra tại Viện Tâm lý Việt - Pháp, đừng quên theo dõi fanpage Viện và thường xuyên ghé thăm website của Viện tại đây nhé: https://tamlyvietphap.vn/tin-tuc/tin-tong-hop-c2420-article.html

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.