Những chia sẻ của chúng tôi cùng TS. Hoàng Thị Vân – nữ chuyên gia tâm lý tại đầu cầu TP. HCM của Viện Tâm lý Việt – Pháp ngay trước ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Cuộc nói chuyện “đậm đặc” những vấn đề chuyên môn, phản ánh phần nào tâm huyết của chị với lĩnh vực tâm lý lâm sàng và tâm vận động.
01.
Chào chị Vân ạ! Chị đã dành rất nhiều thời gian học từ bậc ĐH đến Tiến sĩ, bao gồm cả các chương trình liên đại học tại Việt Nam và Bỉ. Con số 20 năm làm việc với nhiều hoạt động khác nhau như thực hành tâm lý lâm sàng, nghiên cứu tâm lý nhận thức và phát triển, hỗ trợ đào tạo tâm lý học đường và gần đây là can thiệp tâm vận động, thật là con số đáng nể. Nhìn lại về hành trình mình đã đi qua, chị thấy đâu là những cột mốc quan trọng nhất với mình, và vì sao ạ?
Cảm ơn bạn về câu hỏi này. Tôi thật sự may mắn khi được học tập và thực hành trong lĩnh vực tâm lý hơn hai thập niên qua. Nếu nhìn lại hành trình đã đi qua, tôi luôn cảm thấy hài lòng về những chọn lựa và sự dấn thân của mình từ lúc học ĐH. Cụ thể như, mặc dù học ngành TLGD tại ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhưng ngay từ năm thứ 2, tôi đã nhận thấy việc giảng dạy TLGD không hoàn toàn phù hợp với mình, rằng tôi có thiên hướng thực hành lâm sàng hơn. Do đó, tôi đã dần dần tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, tự đến các trung tâm, cơ sở khác nhau để quan sát thực tế. Nhờ đó, tôi nhanh chóng tìm được công việc phù hợp ở Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 ngay khi vừa hoàn thành chương trình ĐH.
Xác định cái mình cần và dám đi con đường khác cũng là điều giúp tôi tiến triển. Thật vậy, cách đây 20 năm, khi đa số các bạn tôi bắt đầu học ThS Tâm lý thì tôi chủ động tìm đến các chương trình đào tạo liên ĐH mà các Giảng viên, các Giáo Sư người Bỉ và VN đảm nhiệm vì thấy nó hữu ích cho công việc mà tôi đang làm. Phải khẳng định là Trị liệu Hệ thống và Rối loạn học tập là hai chương trình đào tạo thật sự chất lượng và thiết thực, tôi rất vui khi được khám phá các kiến thức mới, tham gia thực hành và nghiên cứu khoa học, rồi dần dần ứng dụng nó trong công việc. Không những vậy, việc tham gia 2 dự án này còn giúp tôi có cơ hội mở ra những cánh cửa khác ngoài tưởng tượng của tôi, đó là làm Nghiên cứu sinh ở Bỉ và sau đó là thực hiện dự án đào tạo Tâm lý học đường ở TP.HCM, đồng thời hoàn tất chương trình Tâm vận động trong mối quan hệ ở Bỉ. Hiện nay, tôi rất vui khi có thể ứng dụng các kiến thức đó ở trong nước.
02.
Đối với công chúng Việt Nam, có vẻ như thuật ngữ “Tâm vận động (TVĐ) trong mối quan hệ” chưa được nhiều người biết đến. Chị có thể giới thiệu sơ lược về phương pháp này được không?
TVĐ một hình thức trị liệu tâm lý thông qua yếu tố trung gian là cơ thể, vì cơ thể và tâm trí được xem là một thể thống nhất không thể tách rời, tác động qua lại lẫn nhau. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, rồi những năm tháng sau khi chào đời và xuyên suốt cuộc đời, cơ thể của chúng ta luôn lưu giữ lại các trải nghiệm về cảm giác-vận động, cảm xúc và tình cảm, nhận thức và xã hội. Nếu mọi việc thuận lợi, các chức năng cơ thể và đời sống tâm lý của cá nhân phát triển hài hòa. Ngược lại, do những trải nghiệm đau đớn, bất lợi hay thiếu hụt… trẻ có thể gặp trở ngại trong sự phát triển các chức năng như trương lực cơ, vận động thô-tinh, nhận thức, ngôn ngữ… ở các mức độ khác nhau. Các khiếm khuyết này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ, việc học, hoạt động nghề nghiệp và sự an lạc của cá nhân trẻ cũng như người lớn.
Phương pháp can thiệp TVĐ trong mối quan hệ Aucouturier mà tôi và nhiều bạn ở VN được đào tạo được xây dựng bởi Ông Bernard Aucouturier, người Pháp, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về Tâm - Thể - Trí. Trong phương pháp này, hứng thú với các trò chơi vận động cảm giác được nhìn nhận là yếu tố thiết yếu xây dựng nên sự thống nhất của cơ thể và các quá trình biểu tượng hóa, cũng như việc thể hiện các biểu tượng đó.
Theo Ông Aucouturier, lộ trình đi từ niềm vui được vận động, được vui chơi đến niềm vui tư duy là con đường giúp trẻ phát triển. Nhờ tham gia vào các trò chơi và hoạt động sáng tạo mà trẻ phát huy các nguồn lực của mình, đó cũng là cách giúp trẻ xây dựng sự an toàn nội tâm và phát triển các năng lực khác cần thiết là tiền đề cho việc giao tiếp và học tập.
Chuyên viên TVĐ là người đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ từng bước vượt qua các khó khăn và tìm thấy sự thống nhất bản thể của mình. Khi trẻ được là chính mình, cảm thấy an lạc, tự tin, trẻ sẽ sẵn sàng mở ra các cánh cửa để khám phá thế giới bên trong và bên ngoài.
03.
Hoạt động này được ghi nhận là hữu ích để hỗ trợ tâm lý cho những đối tượng nào và vấn đề tâm lý nào vậy ạ?
Phương pháp TVĐ trong mối quan hệ được xem là hữu ích cho mọi đứa trẻ, đặc biệt là trẻ có các khó khăn trong sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, tập trung chú ý, điều chỉnh hành vi – cảm xúc, trẻ quá lo âu hay các trẻ phổ tự kỷ… Ở Bỉ thì các trẻ khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển và người lớn tuổi cũng có thể được can thiệp TVĐ. Chúng ta biết là trẻ chơi mà học và học mà chơi. Trong hoạt động TVĐ, các trò chơi an toàn nội tâm giúp trẻ vừa vui thích vừa học điều gì đó. Mọi đứa trẻ cần sự phát triển hài hòa và các trẻ có khó khăn trở ngại, sẽ được nâng đỡ qua các trò chơi an toàn nội tâm đó. Cần lưu ý rằng trẻ không đến phòng TVĐ để học chữ, học nói… như nhiều phụ huynh nói riêng hay người lớn nói chung thường nghĩ và mong đợi.
04.
Chị từng làm việc – học tập nhiều năm ở cả Việt Nam và Bỉ. Chị ấn tượng điều gì nhất về môi trường làm việc ngành tâm lý ở Bỉ so với ở Việt Nam? Điều gì khiến chị lựa chọn trở về Việt Nam sau hơn mười mấy năm sống ở Bỉ.
Ở Bỉ nói riêng và các nước phát triển nói chung, ngành Tâm lý đã phát triển từ lâu, nên họ có sự chuyên biệt rõ rệt. Các chuyên gia tâm lý thường làm việc chuyên sâu dựa trên chuyên môn được đào tạo và đam mê của mình, với các đối tượng khác nhau. Nhưng cùng lúc, họ có thể phối hợp với các chuyên gia khác trong cùng ekip hoặc bên ngoài. Họ có chứng chỉ hành nghề và là thành viên của hiệp hội, vừa giúp họ có các quyền lợi để phát triển chuyên môn và vừa được bảo vệ khi cần. Đạo đức nghề nghiệp luôn được đề cao trong thực hành trị liệu tâm lý. Hoạt động giám sát lâm sàng cũng thuận lợi hơn ở VN rất nhiều. Đây là những điểm còn cần nhiều thời gian để cải thiện ở nước ta.
Vì sao tôi quyết định trở về VN làm việc ư? Vì tôi muốn được trở về nơi tôi có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để thực hành. Có thể hình dung, cây cối sẽ phát triển thuận lợi trong môi trường thổ nhưỡng phù hợp, ví dụ như hoa sen cần đất bùn, cây cà phê cần đất đỏ bazan… Tôi thấy mình cần được làm việc trong môi trường văn hóa – xã hội mà mình đã lớn lên. Thêm nữa, thực hiện các buổi trị liệu tâm lý và TVĐ để đồng hành với các thân chủ tại Việt Nam trên hành trình tìm sự an lạc cũng là cách tôi cảm ơn các Thầy Cô đã đào tạo và truyền nhiệt huyết cho tôi bao năm qua.
05.
Chị thường làm việc với những thân chủ là trẻ em hay người lớn? Ba khó khăn tâm lý của những thân chủ gần nhất mà chị đã hỗ trợ khám, trị liệu là gì ạ?
Tôi có thể làm việc với thân chủ là trẻ em hoặc người lớn có các khó khăn tâm lý. Riêng hoạt động TVĐ thì tôi chỉ can thiệp cho trẻ em, từ nhỏ đến 10-11 tuổi. Tuy nhiên, dù là trị liệu tâm lý hay can thiệp TVĐ, dựa trên tiếp cận hệ thống, tôi không làm việc đơn lẻ mà thường kết hợp tiếp xúc - trao đổi, đồng hành cùng trẻ và gia đình.
Ba khó khăn tâm lý của các thân chủ gần nhất mà tôi đang hỗ trợ thăm khám và trị liệu là các ca có vấn đề về tập trung chú ý; kiểm soát cảm xúc và trầm cảm.
06.
Từ những ca mà chị đã hỗ trợ, chị có điều gì muốn nhắn nhủ với các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi trẻ em, trẻ vị thành niên hay người trưởng thành không?
Điều tôi thấy đáng lo lắng khi không ít người lớn chú trọng việc học của trẻ hơn việc giúp trẻ phát triển hài hòa và có cảm giác an lạc thật sự. Nhất là những trẻ có những khó khăn về nhận thức – cảm xúc và hành vi. Có nhiều trẻ đã thể hiện một số khó khăn đáng lo ngại từ vài năm trước, nhưng người lớn thấy không quan trọng nên không đưa trẻ đi thăm khám hay điều trị. Chỉ đến khi trẻ học chậm, không theo được bạn bè, hay có phản ứng – yêu cầu từ nhà trường, họ mới đưa trẻ đến thăm khám. Lo lắng chính của họ vẫn là kết quả học tập của trẻ, chứ không phải là vấn đề tâm lý mà trẻ gặp phải, gây ảnh hưởng đến việc học và đời sống tâm-thể-trí của trẻ. Theo một số phụ huynh, họ cần con mình hoàn thành yêu cầu của trường lớp liên quan đến việc học, và chấp nhận bỏ qua việc điều chỉnh những hành vi rối nhiễu hay cảm giác bất an của trẻ. Do đó, họ sẽ ưu tiên cho con đi học thêm để trẻ theo kịp bài vở hơn là chăm sóc đời sống tinh thần của trẻ. Có phụ huynh thì thấy con chưa ổn nên muốn con được học lại một năm nhưng điều này không phải luôn được đáp ứng.
Thiết nghĩ, thật phi lý khi trẻ em không được ở lại lớp nếu năng lực hay kết quả học tập của các em chưa đủ điều kiện. Mỗi đứa trẻ có quỹ đạo phát triển và chín muồi khác nhau, có trẻ cần nhiều thời gian hơn, nhưng với nhiều người lớn đó là điều bất thường. Đứa trẻ được lên lớp và tiếp tục bơi trong nỗi buồn, lo sợ và sự thiếu tự tin từ năm này sang năm khác.
Qua công việc tôi thấy không chỉ các trẻ em mà các bạn trẻ rồi người lớn cũng chịu áp lực từ gia đình, nhà trường, cơ quan và xã hội. Không những thế, chính họ cũng tự gây áp lực cho mình vì nhiều lý do. Nhiều người tự hỏi không hiểu sao mình đã có thể hành hạ bản thân một cách vô lý như thế. Tôi thật sự rất mong mỗi cá nhân quan tâm nhiều hơn đến đời sống nội tâm của mình, phát triển tình yêu thương, tính vị tha và lòng trắc ẩn tự thân để có thể hiểu và thương người khác cũng như hiểu và thương chính mình.
07.
Chị có lời khuyên nào tới các bạn trẻ quan tâm tới lĩnh vực tâm lý học không ạ?
Nếu có thể, tôi động viên các bạn trẻ nên tham gia các chương trình đào tạo chất lượng một cách nghiêm túc, kết hợp cả lý thuyết và thực hành trước khi hành nghề.
Sự chân thành và đạo đức nghề nghiệp là kim chỉ nam trong quá trình thực hành, dù bất cứ ngành nghề nào. Ngoài ra, bản thân chuyên viên tâm lý cũng là công cụ trị liệu, họ phải ổn mới có thể tỏa ra năng lượng an lành khi làm việc với thân chủ, do đó việc chăm sóc sức khỏe tâm – thể – trí, biết điểm mạnh, biết các giới hạn của mình cả về năng lực và thời gian là điều cần thiết để có thể làm việc hiệu quả. Bản thân tôi vẫn luôn nhắc nhở mình và học hỏi mỗi ngày.
Xin cảm ơn chị Vân. Nhân ngày 20/10, xin chúc chị thật nhiều sức khỏe, năng lượng và sự an yên!