Hiện thực cuộc sống sau đại dịch COVID-19 đã thay đổi, giờ đây chất chứa đầy đau thương và mất mát. Mọi hoạt động xã hội, từ kế hoạch đi du lịch, đám cưới, cho tới các cuộc họp hay sự kiện trường lớp đều đã bị huỷ bỏ. Chúng ta buộc phải đối diện với những nỗi đau riêng của bản thân lẫn cả những nỗi đau chung của cả xã hội, khi tương lai phía trước thì mù mịt làm ta thấy bất lực và vô vọng.
Trả lời phỏng vấn trên podcast “Unlocking Us” của Brené Brown, chuyên gia nghiên cứu David Kessler cho biết: “Tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với nỗi đau chung của cả thế giới”.
Sự xáo trộn trong lịch trình và nhịp sống thường lệ đã góp phần làm gia tăng cảm giác bứt rứt, bất an và buồn bã trong chúng ta. Bên cạnh sự mất mát của hàng ngàn sinh mạng, ta còn mất đi những thói quen hàng ngày, từ việc không còn được gặp đồng nghiệp cho đến cả những hoạt động mà trước ta tưởng chừng tầm thường mà giờ đây mới nhận ra được giá trị.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN TA TIẾC THƯƠNG
Khi nhắc tới nỗi tiếc thương (grief), ta thường hay nghĩ tới nỗi đau mất người thân. Tuy vậy, nó có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nữa, như là nỗi đau ly hôn hay nỗi đau mất việc. Sau đây là một số nguyên nhân có thể dẫn tới cảm giác đau buồn trong đại dịch COVID:
- Mất việc
- Lo âu về tài chính
- Mất đi cảm giác an toàn
- Lo lắng cho người thân
- Giãn cách xã hội, cách ly và cảm giác bị cô lập
- Sinh hoạt và thói quen bị đảo lộn
- Các kế hoạch, sự kiện đặc biệt bị huỷ bỏ
- Mâu thuẫn với gia đình về cách bảo vệ (sức khoẻ) bản thân
- Lo lắng về việc thanh toán các loại hoá đơn (tiền nhà, tiền điện nước, …)
- Buồn bã trước sự đau khổ của cả thế giới trong đại dịch
- Sợ hãi khi nghĩ về tương lai
Nỗi đau cho tương lai
Bên cạnh việc phải đương đầu với nếp sống thường ngày bị đảo lộn, nhiều người còn đang phải trải qua những nỗi đau mang tính dự đoán khi nghĩ về những mất mát đang chờ đợi trong tương lai.
Nỗi đau mang tính dự đoán xảy ra trước một mất mát lớn, thường xuất hiện sau khi một người đã đổ bệnh lâu ngày. Người bệnh và gia đình có thể sẽ cảm thấy đau buồn khi ai cũng đang chuẩn bị tinh thần cho cái chết cận kề.
Những người đang phải trải qua nỗi đau cho tương lai này có thể sẽ trải qua một số cảm xúc như: buồn rầu vì những mất mát sắp đến, sợ hãi tương lai, cáu gắt, giận dữ trước tình cảnh của mình, hay cảm giác cô độc và cô đơn.
Trong thời kì đại dịch COVID, nỗi sợ trước những ảnh hưởng ngắn hạn và lâu dài của dịch bệnh có thể khiến ta dễ đau buồn và lo âu hơn.
ĐAU BUỒN KHI NGƯỜI THÂN RA ĐI ĐỘT NGỘT
Ngoài những nỗi đau mang tính dự đoán, nhiều người cũng đang phải chịu sự đau xót khi đột nhiên mất đi người thân.
Khi dịch bệnh chưa bùng phát, ta được nương tựa vào người khác, được cùng người thân bạn bè khóc thương, chia buồn, và ôn lại những kí ức đẹp về người đã khuất. Đại dịch đã khiến việc tụ họp để ở bên nhau khó khăn hơn bội phần.
Chính vì không được chia buồn cùng nhau, ta lại càng khó đối phó với nỗi đau của mình. Thêm vào đó, những vấn đề liên quan tới sự biến đối chóng mặt của các chủng virus khiến cảm xúc dễ bị chồng chất lên nhau. Sau đây là một số cảm xúc bạn có thể phải trải qua nếu đã mất đi người thân vì đại dịch COVID-19:
Cảm thấy có lỗi
Bạn có thể cảm thấy hối hận vì đã không thể ở bên người mình yêu thương trong giây phút cuối đời của họ. Tuy những cảm xúc này có thể khiến bạn đau buồn, hãy cố nhớ rằng bạn đã không có lựa chọn khác trong tình huống đó.
Thiếu cái kết trọn vẹn
Thông thường, ta sẽ có cơ hội được nói lời từ biệt trước khi đưa tiễn người thân ra đi. Tuy nhiên trong thời dịch, điều này lại trở nên khó khăn hơn.
Các chỉ thị giãn cách xã hội khiến mọi người không thể tổ chức tang lễ như ý muốn hay thực hiện đầy đủ các nghi thức tín ngưỡng. Nhiều gia đình chỉ có thể có một đám tang nhỏ và không được mời người ngoài.
Những gia đình có người mắc COVID thậm chí còn không có đám tang vì bị cách ly.
Không được ở bên những người thân để chia buồn sau mất mát có thể khiến ta khó chấp nhận hiện thực của sự mất mát.
Mất đi truyền thống
Bất kể tôn giáo hay tín ngưỡng nào cũng có những truyền thống, nghi lễ dành cho người đã khuất để bày tỏ lòng thành kính và giúp xoa dịu nỗi đau của người ở lại. Những nghi lễ này có ý nghĩa tâm linh quan trọng với nhiều người. Việc không được thực hiện chúng có thể làm cảm giác đau buồn và mất mát tăng thêm.
Cảm thấy đơn độc
Cảm giác bị cô lập là một trong những nỗi đau buồn lớn nhất chúng ta phải đối mặt trong đại dịch COVID-19.
Chỉ nỗi đau buồn đã đủ làm ta thấy đơn độc. Việc phải cách ly hay giãn cách xã hội sẽ càng khoét sâu cảm giác này thêm. Sự mất mát, đặc biệt là những mất mát đột ngột, có thể làm ta thấy có quá nhiều thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát và đem lại cảm giác lo âu, sợ hãi, và đau buồn.
Vừa không được gặp người khác để san sẻ nỗi buồn, chúng ta còn buộc phải một mình trải qua nỗi đau của bản thân. Thay vì được nhận sự an ủi, sẻ chia, giờ đây ta không thể nào nhận được sự hỗ trợ từ các mối quan hệ trong những giờ khắc đen tối nhất của cuộc đời.
DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐANG ĐAU BUỒN
Hãy nhớ rằng, cảm giác đau buồn là một phản ứng hoàn toàn bình thường trước những mất mát; trong cuộc đời ai rồi cũng sẽ phải trải qua nó. Sự đau buồn có một số biểu hiện phổ biến như cảm giác sốc, tê liệt cảm xúc, buồn bã, tức giận, lo âu; nhưng cũng có một số dấu hiệu khó nhận biết hơn, đặc biệt là trong những nỗi đau về tương lai.
Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang trải qua nỗi đau trong đại dịch:
- Khó tập trung làm những công việc bình thường
- Ngủ nhiều/ít hơn hẳn mức bình thường
- Giận dữ và khó chịu
- Đau đầu và đau bụng
- Năng lượng cạn kiệt, mệt mỏi
- Buồn lại những nỗi đau cũ
- Sử dụng ăn, uống, mua sắm online, và những việc tương tự để đối phó với sự lo âu
- Lảng tránh suy nghĩ hoặc bàn luận các chủ đề về đại dịch
May thay, con người nhìn chung có khả năng chống chọi với nỗi đau khá hiệu quả. Một khi cơn khủng hoảng tâm lý nhất thời đã hết, mọi người thường sẽ chấp nhận được hiện thực để thích nghi và tìm phương án đối phó với mất mát.
7 PHƯƠNG PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI NỖI TIẾC THƯƠNG
Bất kể bạn đang trải qua mất mát gì, hãy nhớ rằng cảm xúc của bạn là hoàn toàn hợp lí và bạn không chỉ có một mình. Nếu bạn chưa chắc làm thế nào để đối mặt được với nỗi đau, sau đây là một số cách có thể giúp bạn.
Chăm sóc bản thân
Chăm sóc bản thân là một nhiệm vui hàng đầu ngay sau khi gặp mất mát. Hãy đảm bảo bạn ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ. Đừng quá bắt ép bản thân phải giữ sinh hoạt như lúc bình thường khi đang đối mặt với khủng hoảng.
Dành cho bản thân thời gian
Hãy cho bản thân thời gian để đối diện với cảm xúc của chính mình. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua được nỗi đau của những mất mát. Bạn sẽ cần thời gian để chấp nhận sự thật. Nhưng khi làm được, bạn sẽ có thể khẳng định rằng tuy người mình thương yêu không còn ở bên nhưng kỉ niệm và niềm vui với họ sẽ sống mãi trong bạn.
Luôn nhớ rằng cảm xúc của bạn là hoàn toàn hợp lí
Sau khi mất đi người thân, không có cảm xúc nào là đúng hay sai hết. Sự bàng hoàng và cú sốc sau một sự ra đi ngột thường khiến cảm xúc tê liệt. Ngoài ra, sự buồn bã, hối hận, hay những cơn giận dữ và trầm cảm cũng có thể xuất hiện. Việc bạn không được ở bên người thân trong giây phút cuối đời sẽ càng khiến bạn khó tin được họ đã thực sự ra đi.
Trong khi thế giới đang đảo điên vì dịch bệnh, sự đau buồn bạn trải qua có thể sẽ khác bình thường. Hãy cố nhớ, nỗi đau là một cảm xúc mang tính cá nhân và mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau.
Năm giai đoạn của sự tiếc thương nêu bởi Elisabeth Kubler-Ross và David Kessler không phải lúc nào cũng xảy ra một cách tuần tự. Mặc dù việc hiểu từng giai đoạn như thế nào cũng có lợi, ta vẫn nên nhớ rằng cảm xúc của mình không nhất thiết sẽ tuân theo trình tự thời gian. Sau khi đã tới một giai đoạn mới, bạn có thể sẽ lại quay lại với những giai đoạn cũ, hoặc nhảy vọt bỏ qua một vài giai đoạn.
Điều quan trọng là hãy cho bản thân thời gian để có thể đối diện với cảm xúc của bản thân theo nhịp độ bạn thấy phù hợp. Bạn cần thời gian để thực sự chấp nhận những mất mát. Điều này càng trở nên đúng hơn khi nhịp sống hàng ngày của bạn bị đảo lộn.
Kể cả nếu bạn không mất người thân vì đại dịch thì cũng đừng phủ nhận cảm xúc của mình. Đừng đem mất mát ra so sánh; bạn có thể không mất đi người thân, nhưng các chuyên gia như David Kessler nhấn mạnh rằng những mất mát bạn đang trải qua là hoàn toàn hợp lí và chính đáng. Bạn đã mất một điều gì đó, và vì vậy bạn có quyền được buồn đau và cảm nhận những gì bạn đang cảm thấy.
Liên hệ với gia đình và bạn bè
Dịch bệnh khiến mọi người khó có thể ở gần nhau để san sẻ nỗi buồn sau những mất mát. Các quy định giãn cách xã hội và cách ly yêu cầu người dân không được tụ họp đông người, kể cả khi có đám tang.
Giữa lúc đau buồn, bạn có thể muốn đóng mình và đẩy mọi người ra xa. Tuy nhiên hãy cố để cho mọi người được phép giúp đỡ bạn. Thử tìm cách để tưởng nhớ những gì mình đã mất. Nếu người thân của bạn đã ra đi, hãy viết một bức thư về cuộc đời và sức ảnh hưởng họ để lại cho bạn.
Bạn còn có thể nhờ gia đình và bạn bè cùng chia sẻ những kỉ niệm hay câu chuyện về người đã khuất. Không ai đáng phải trải qua sự tiếc thương một mình cả. Dù có thể không gặp được nhau trực tiếp, bạn vẫn có thể kết nối với mọi người online qua FaceTime hoặc Zoom.
Đại dịch có thể khiến bạn không thể trực tiếp ở bên người thân cùng nhau chia buồn, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể kết nối cảm xúc với những người sẽ giúp đỡ ta trong thời điểm khó khăn này.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu bạn đang gặp khó khăn khi phải chịu đựng sự đau buồn, gặp một chuyên gia sức khoẻ tâm thần có thể giúp được bạn. Nhiều chuyên gia tâm lý giờ đây cung cấp dịch vụ trị liệu online để tuân thủ các quy định về giãn cách. Trong trường hợp bạn đã/ đang gặp chuyên gia tâm lí từ trước, hãy thảo luận với họ về việc chuyển qua trị liệu online để tránh dịch bệnh.
Việc liên hệ với các chuyên gia là vô cùng quan trọng khi bạn gặp quá nhiều khó khăn trong việc đối phó với đau buồn, vì bạn có thể đang trải qua chứng đau buồn phức tạp (complicated grief). Khoảng 7% những người trải qua sự tiếc thương có thể gặp phải chứng đau buồn phức tạp. Triệu chứng bao gồm không thể dứt được suy nghĩ về những mất mát, liên tục lảng tránh những thứ khiến mình nhớ về mất mát, và tậm chí là suy nghĩ về tự sát/ tự hại.
Tìm hiểu một số kĩ năng xử lý khủng hoảng
Trong trường hợp bạn không thể gặp các chuyên gia tâm lý để giải toả nỗi đau trong lòng, bạn vẫn có thể tự thực hành các kĩ năng xử lý khủng hoảng. Một số biện pháp như thiền, chánh niệm, viết nhật kí, hay hiện hình hoá (visualization) có thể giúp bạn đối diện với lo âu, căng thẳng, và bực tức hiệu quả hơn.
Bạn có thể thử một cách là viết ra trải nghiệm của mình khi đại dịch ập đến. Một phần nỗi đau và sự lo lắng của bạn có thể bắt nguồn từ những mất mát quá mơ hồ hoặc quá phức tạp khiến bạn khó tháo gỡ. Bạn có thể cho tiếng lòng của mình được giải thoát bằng cách viết về những thứ đang xảy ra, những điều mà bạn quan sát thấy, thế giới đã thay đổi ra sao, và những việc đó làm bạn thấy thế nào.
Hãy ghi chú lại những điều đã xảy ra và cả cách mà bạn đã đối mặt với khó khăn. Để ý và công nhận điểm mạnh và nỗ lực của bản thân có thể khiến bạn kiên cường hơn trước những xáo trộn của cảm xúc.
Cập nhật tình hình bản thân cho mọi người
Mặc dù gặp mặt online sẽ không bao giờ thay thế được trực tiếp bên nhau, những cuộc gọi hay vài dòng nhắn tin vẫn có thể giúp ta nối gần khoảng cách. Nếu bạn đang trải qua đau khổ, hãy tạo thói quen liên hệ với người thân yêu mỗi ngày. Ngược lại, nếu bạn muốn giúp đỡ một người vừa đi qua mất mát, hãy cố giữ liên lạc với họ bằng mọi cách có thể.
Nhắn tin là một cách hay để làm người khác biết mình đang nghĩ đến họ, nhưng một cuộc gọi có thể khiến mối quan hệ trở nên gần gũi hơn. Hãy cố gắng lắng nghe và không đánh giá phê bình.
Bạn cũng có thể hỗ trợ người đang gặp khó khăn bằng cách giúp gọi/ trả lời điện thoại, gửi những món quà nhỏ để thể hiện sự quan tâm, mang thức ăn cho họ, hoặc đi chợ giúp họ.
Các hội nhóm hỗ trợ online có thể giúp lấp đầy khoảng cách giữa những người bị cách ly/giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng ta nên cẩn trọng khi tham gia. Các nghiên cứu khoa học đã công nhận tác dụng tích cực của các nhóm hỗ trợ trong một số trường hợp, nhưng đồng thời khuyến cáo người tham gia cẩn thận để tránh bị choáng ngợp trước quá nhiều thông tin, hoặc thậm chí bị chuyền thêm sự đau buồn từ cảm xúc của những cùng nhóm.
Lời kết
Đau buồn trước mất mát là một phản ứng bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm nhiều khía cạnh của quá trình đau buồn bị đảo lộn. Mặc dù bạn có thể chưa phải trực tiếp trải qua mất mát, đừng vội cho rằng thứ mình trải qua chưa phải là nỗi đau.
Dù bạn vừa mất việc, gặp khó khăn về tài chính, cảm thấy cô đơn, hay lo lắng về tình hình bệnh dịch, những xáo trộn cảm xúc vì đại dịch đều có thể dẫn tới cảm giác đau buồn và mất mát. Cách chúng ta đối diện với cảm xúc trong lòng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như việc ta kiên cường tới đâu hay ta nhận được nhiều sự hỗ trợ từ người khác tới mức nào.
Hãy khoan dung với bản thân và những người xung quanh, cho bản thân quyền được thương tiếc những mất mát trong thời điểm khó khăn này.
Nguồn: Understanding Grief in the Age of the COVID-19 Pandemic, Verywell Mind
Phan Anh dịch
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: