Với những nhu cầu mới xuất hiện như vừa đề cập, các nhà tâm lý học đường dường như sẽ phải đóng vai trò là người đi đầu trong việc hỗ trợ ban lãnh đạo định hướng lại các nguồn lực thiết yếu, hướng đến trọng tâm hỗ trợ cho toàn trường. Thông tin trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp những gợi ý cho việc đáp ứng nhu cầu cảm xúc-xã hội và hành vi cho một số lượng lớn học sinh quay trở lại trường sau thời gian dài giãn cách.
Những gợi ý trong việc thực hiện hiệu quả các hỗ trợ cảm xúc – xã hội và hành vi
Nghiên cứu ban đầu cho thấy hơn 20% học sinh có các triệu chứng lo lắng và trầm cảm chỉ sau 1 tháng giãn cách xã hội (Xie và cộng sự, 2020). Nhiều học sinh đang được hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc hành vi đã không thể tiếp cận các dịch vụ cần thiết trong vài tháng qua, do đó vấn đề có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn. Nhiều học sinh đã phải trải qua những căng thẳng chưa từng có. Trong bối cảnh bình thường, các nhà nghiên cứu dự đoán khoảng 20% trẻ em trải qua một số vấn đề về cảm xúc-xã hội và hành vi (social–emotional and behavioral - SEB) trong suốt quá trình chúng đi học (Costello và cộng sự, 2003) – nhưng giờ đây chúng tôi dự đoán những tỷ lệ này có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba sau COVID.
Do số lượng học sinh có nhu cầu cao, nên việc chỉ cung cấp các hỗ trợ SEB hoặc sức khỏe tâm thần theo mô hình tham vấn truyền thống 1:1 hoặc với nhóm nhỏ, không phải là một lựa chọn phù hợp. Nếu làm như vậy, các chuyên gia sức khỏe tâm thần học đường có nguy cơ nhanh chóng trở nên quá tải và kiệt sức dẫn đến không thể cung cấp những hỗ trợ hiện có một cách tốt nhất. Các nhà tâm lý học đường phải cân nhắc các cách tốt nhất để cùng phối hợp với các lực lượng giáo dục khác nhằm cung cấp các hỗ trợ phổ quát, toàn trường. Do sự hạn chế nhân sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong mỗi trường học, nên chúng ta cần thúc đẩy hình thành đội nhóm với một chuỗi hỗ trợ liên tục trên toàn trường, có trọng tâm hướng đến các khó khăn về cảm xúc-xã hội và hành vi. Một số nhà tâm lý học đường và lãnh đạo trường học đã sử dụng các hệ thống, như hệ thống hỗ trợ đa tầng (MTSS), hỗ trợ và can thiệp hành vi tích cực (PBIS) và giáo dục kỹ năng cảm xúc-xã hội (SEL). Trong khi đó những chuyên viên tâm lý học đường khác cũng sẽ phải dần thay đổi vai trò và chức năng để đáp ứng những nhu cầu thực tiễn này.
Để làm được như vậy, các nhà tâm lý học đường có thể sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình, giúp nhà trường đánh giá các hoạt động hỗ trợ toàn trường hiện có. Họ cũng có thể tham gia vào việc xác định một mạng lưới nguồn lực có thể sử dụng được một cách tốt nhất, đồng thời nhận diện các nhu cầu mới xuất hiện. Trọng tâm của các hoạt động này là việc xác định được một bộ quy trình chung, mà những người trực tiếp hỗ trợ học sinh có thể áp dụng ngay ngày đầu tiên khi học sinh trở lại trường. Ví dụ, giáo viên có thể cần đến các công cụ giúp thiết lập lại các quy định trong lớp, nhằm thúc đẩy sự an toàn về thể chất và tinh thần, cũng như xây dựng các chiến lược làm việc với học sinh để giúp chúng phát triển các kỹ năng ứng phó, giải quyết vấn đề tích cực trong các tình huống khó khăn, thử thách ở nhà và trường học. Các trường học cũng có thể kết hợp với những giáo viên can thiệp cá nhân hoặc trợ lý của trường, những người trước đây đã hỗ trợ cá nhân đối với các học sinh có nguy cơ, nhằm biên soạn các bài học và hướng dẫn cho toàn lớp.
Tương tự như vậy, các trường học có thể cũng cần triển khai các hệ thống theo dõi và chăm sóc sức khỏe, hạnh phúc cho giáo viên, nhân viên, để đảm bảo rằng họ đều được trang bị những điều kiện tốt nhất, sẵn sàng hỗ trợ cho học sinh. Mặc dù nhiều hệ thống trong số này có thể mất vài năm để triển khai thành công, nhưng các nhà tâm lý học đường có thể nỗ lực bằng cách “trao quyền” cho các nhà giáo dục và lãnh đạo trường học, chia sẻ với họ các tài nguyên về giáo dục cảm xúc-xã hội (SEL), thường xuyên tư vấn cho các giáo viên, nhân viên, cũng như đảm bảo tính nhất quán trong thực hành, truyền tải thông điệp trên phạm vi toàn trường.
Phòng ngừa toàn trường trước khi đánh giá, sàng lọc về SEB diện rộng
Khi trường học mở cửa trở lại, việc hiểu được các chức năng cảm xúc-xã hội, và hành vi (SEB) của học sinh sẽ rất quan trọng. Sàng lọc phổ quát được sử dụng để xác định các dấu hiệu sớm của các vấn đề về SEB; các hỗ trợ can thiệp cần được thực hiện trước khi vấn đề của học sinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Các hành vi của học sinh thường được đánh giá, sàng lọc thông qua các thang đánh giá ngắn, và dựa trên đề xuất của giáo viên. Các phương thức đánh giá này cho biết tần suất và cường độ của hành vi được quan sát ở học sinh so với các bạn cùng lứa tuổi, nhằm xác định được những nguy cơ về các vấn đề SEB trong hiện tại hoặc tương lai. Tương tự như đánh giá và sàng lọc các vấn đề về học tập, thì sàng lọc SEB cũng có thể trở thành bước đầu tiên trong mô hình hỗ trợ đa tầng trong trường học. Khi được xác định là có nguy cơ, học sinh sẽ được kết nối với các dịch vụ và hỗ trợ cần thiết.
Vào thời điểm học sinh trở lại trường, rất có thể các chuyên viên tâm lý và nhà trường sẽ cần sử dụng các đánh giá sàng lọc về SEB, để xác định nhu cầu của cá nhân học sinh. Tuy nhiên, các trường được khuyến cáo không sử dụng phương pháp này ngay. Bởi rất có thể tỷ lệ học sinh có nguy cơ gặp phải các vấn đề về SEB cao hơn đáng kể ở hầu hết các trường. Điều này có thể sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực sức khỏe tâm thần sẵn có của trường học, và sẽ gây trở ngại cho việc cung cấp các dịch vụ chuyên sâu, dành cho các đối tượng đang có khó khăn. Việc chỉ phụ thuộc vào một bài đánh giá SEB cũng sẽ không đủ để giải thích cho các vấn đề khó khăn liên quan đến SEB mà học sinh có thể gặp phải trong suốt vài tuần hay vài tháng đầu tiên sau khi quay lại trường học. Do mức độ nguy cơ gặp phải các vấn đề về SEB cao trong toàn trường, nên có thể ngay cả những học sinh trước đây không được xác định là có nguy cơ SEB, thì cũng có khả năng biểu hiện các khó khăn và sẽ cần hỗ trợ. Do đó, kết quả sàng lọc SEB có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích hơn vào thời điểm một hoặc hai tháng sau khi học sinh đã quen với việc đi học trở lại. Điều này cũng giúp hiểu rõ hơn về hoạt động của học sinh sau một thời gian điều chỉnh và thích ứng trở lại với trường học.
Thay vào đó, các trường được khuyến khích xem xét các phương pháp tiếp cận can thiệp cấp độ toàn lớp và toàn trường, để từ đó có thể hỗ trợ các kỹ năng cảm xúc-xã hội và hành vi của học sinh. Nhiều học sinh có thể gặp khó khăn với các kỹ năng ứng phó và giải quyết vấn đề, vì bị tác động bởi các yếu tố gây căng thẳng ở nhà và trường học. Các nhà tâm lý học đường được khuyến khích giúp giáo viên đưa ra các biện pháp phòng ngừa trên toàn lớp, nhằm giải quyết các nhu cầu hỗ trợ và phát triển SEB của tất cả học sinh. Điều này bao gồm các phương pháp đảm bảo cho học sinh cảm thấy an toàn về thể chất và cảm xúc khi ở trường. Chắc chắn rằng, việc quay trở lại trường học cùng với việc phải giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang- những điều mà trước đây không hề tồn tại, sẽ phải cần một khoảng thời gian để thích nghi và điều chỉnh. Các nhà tâm lý học đường có thể cùng giáo viên hướng dẫn cho học sinh những kiến thức tâm lý-giáo dục về những tác động của một sự kiện đau buồn như COVID-19 lên các hoạt động của cá nhân mỗi học sinh. Các kiến thức này có thể bao gồm các phương pháp phát triển kỹ năng điều hòa cảm xúc và thúc đẩy hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ ở học sinh.
Các nhà tâm lý học đường và giáo viên, nhân viên cũng được khuyến khích thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ với học sinh và thực hiện các chiến lược hoạt động để tăng thói quen tích cực của trẻ (ví dụ: kết nối xã hội, các phương pháp tự chăm sóc bản thân) đồng thời giảm thiểu các phản ứng tiêu cực (ví dụ: sợ hãi, lo lắng). Những kỹ năng nền tảng này sẽ cần thiết để thúc đẩy hoạt động lành mạnh của học sinh, giúp đảm bảo dữ liệu sàng lọc cuối cùng có thể được sử dụng theo đúng mục đích ban đầu, sau khi thời gian thích nghi lại với trường học đã đi qua.
Nguồn: Providing Effective Social–Emotional and Behavioral Supports After COVID-19 Closures: Universal Screening and Tier 1 Interventions. NASP
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn