Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, cản trở sự hỗ trợ lẫn nhau; gây ra những thiệt hại về tài chính lẫn tinh thần, làm con người bị cô lập, căng thẳng, nguy cơ lo âu, và trầm cảm.
Những yếu tố này có thể tăng tỉ lệ tự sát ở nhiều người, bao gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch và các chuyên gia y tế.
Trong lúc này, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần của bản thân cũng như chia sẻ với người thân là vô cùng quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân đang có ý nghĩ tự sát, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những cơ sở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần uy tín nhé.
Đại dịch COVID-19 dẫn tới những nhiều biến động trong xã hội, khiến tỉ lệ tự sát cao hơn. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiện nay nhiều người đang gặp các vấn đề về tâm lý hơn vì tình hình dịch bệnh kéo dài. Một cuộc khảo sát toàn quốc của McKinsey từ 27/03 tới 29/03/2020 cho thấy 63% người Mỹ cảm thấy lo âu, trầm cảm, hoặc bị cả hai và tới 80% người Mỹ cảm thấy buồn bã ở mức độ từ vừa phải tới nghiêm trọng. Thêm nữa, cứ 4 người thì có 1 người ăn uống không kiểm soát trong tuần vừa qua.
Sau đây là những yếu tố trong đại dịch có thể tăng mức độ rủi ro của việc tự sát:
Sự cô lập và thiếu tiếp xúc xã hội
Giãn cách xã hội là cần thiết để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, nhưng nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tâm thần một số người. Với những người đã sẵn có ý nghĩ tự sát, bị giảm bớt tương tác xã hội có thể tăng tỉ lệ thực hiện hành vi tự sát.
Đăng trên Journal of Affective Disorders (Tạp chí nghiên cứu các chứng rối loạn cảm xúc), một nghiên cứu vào năm 2018 đã chỉ ra rằng sự cô lập và cô đơn là những yếu tố then chốt làm gia tăng các suy nghĩ và hành vi tự sát.
Vì vậy, những người sống một mình có thể có khả năng có suy nghĩ và hành vi tự sát cao hơn hẳn khi đang giãn cách xã hội hoặc cách ly. Thêm vào đó, những người vì đại dịch mà cảm thấy cô đơn cũng có thể có tỉ lệ tự sát cao hơn.
Căng thẳng về tài chính
Quy định “ai ở đâu, ở yên đấy” đã khiến nhiều người mất việc. Rất có thể giờ đây họ đang chật vật để tìm việc hay tìm những nguồn thu nhập khác. Sự căng thẳng về tài chính có thể tăng tỉ lệ tự sát ở nhóm đối tượng này.
Thêm nữa, chúng ta sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế cận kề. Thị trường chứng khoán làm nhiều người thua lỗ, rất nhiều công ty có thể sẽ không thể vực dậy được sau khi các quy định giãn cách được gỡ bỏ.
Các bài học từ lịch sử cho thấy kinh tế khó khăn thường đi kèm với tỉ lệ tự sát gia tăng. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy tỉ lệ tự sát có xu hướng tăng cao trong thời kì khủng hoảng.
Không thể tham gia các hoạt động cộng đồng
Các hoạt động cộng đồng là chỗ dựa tinh thần của rất nhiều người, nhưng phần lớn chúng đều đã bị huỷ bỏ.
Các hoạt động tín ngưỡng tập thể cũng vậy. Với nhiều người, đây là một phần quan trọng để duy trì tốt được sức khoẻ tâm thần.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí JAMA Psychiatry năm 2016 đã chỉ ra rằng người tham gia các hoạt động tín ngưỡng hàng tuần thường có tỉ lệ tự sát thấp hơn năm lần. Giờ đây khi các hoạt động cộng đồng và tín ngưỡng đã bị ngăn cấm, nhiều người có thể cảm thấy bị cô lập. Từ đó, tỉ lệ tự sát có thể tăng cao hơn.
Các rào cản trong việc điều trị sức khoẻ tâm thần
Một số chuyên gia sức khoẻ tâm thần vẫn tiếp tục việc hỗ trợ online, nhưng không phải ai cũng vậy. Vì dịch bệnh, nhiều trung tâm điều trị sức khoẻ tâm thần giờ đây không còn tiếp tục nhận khách hàng.
Các nhóm, các chương trình hỗ trợ, hay các trung tâm nhận bệnh nhân ngoại trú cũng đều dừng hoạt động vì dịch bệnh, bao gồm các nhóm hỗ trợ người mắc chứng nghiện chất, như là chương trình Alcoholics Anonymous (Người nghiện rượu ẩn danh).
Ngoài ra, việc gặp được bác sĩ tâm thần cũng trở nên khó khăn hơn, khiến nhiều người có thể khó lấy thêm thuốc được kê đơn.
Quá nhiều thông tin về dịch bệnh
Đài báo hiện nay liên tục đưa tin về tình hình dịch bệnh. Dù điều này đúng là cần thiết, nó vẫn có thể ảnh hưởng xấu tới tinh thần nhiều người. Những báo cáo về “số người chết” hay những “ca lây nhiễm cộng đồng” có thể lập tức tạo ra cảm giác lo âu và bồn chồn.
Những tin tức gây căng thẳng và đau buồn có thể làm các vấn đề sức khoẻ tâm thần sẵn có như chứng trầm cảm và lo âu thêm trầm trọng, và làm gia tăng việc lạm dụng chất gây nghiện.
Tỉ lệ tự sát ở nhóm nhân viên y tế
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bác sĩ, đặc biệt là các nữ bác sĩ, có tỉ lệ tự sát cao hơn. Sự căng thẳng trong công việc có thể tăng rủi ro mắc phải các vấn đề sức khoẻ tâm thần.
Giờ đây, tình hình đại dịch lại càng khiến các nhân viên y tế có tỉ lệ tự sát cao hơn nữa. Tinh thần của họ luôn chịu gánh nặng vì nhiều lí do, như thiếu đồ dùng bảo hộ, liên tục thấy đồng nghiệp đổ bệnh, hay lo sợ mình sẽ bị dính virus.
Không chỉ những bác sĩ mới cảm thấy áp lực trong thời gian này. Một nghiên cứu về các nhân viên y tế ở Vũ Hán đã chỉ ra rằng y tá và lực lượng tuyến đầu chống dịch nói chung đều dễ gặp phải biến động tâm lý trong đại dịch, bao gồm chứng lo âu và trầm cảm.
Cách để kiểm tra tình hình sức khoẻ tâm thần của những người thân yêu
Nếu bạn đang lo lắng cho người thân hay bạn bè, hãy liên hệ và hỏi thăm tình hình của họ. Khi làm vậy, trước tiên hãy công nhận với họ rằng thời điểm hiện tại đúng là rất căng thẳng, rồi sau đó khuyến khích họ chia sẻ những trải nghiệm, cảm xúc trong tình hình dịch bệnh.
Nếu bạn nghi rằng họ đang có suy nghĩ tự sát, đừng ngần ngại hỏi họ. Bạn nên thẳng thắn đặt những câu hỏi như “Liệu cậu có những suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân không?” hay “Có phải cậu có suy nghĩ về việc tự sát không?”.
Nếu trong tình huống người kia chắc chắn sắp tự sát, hãy liên hệ cảnh sát địa phương để can thiệp và đảm bảo họ an toàn. Tình huống được coi là chắc chắn sắp tự sát bao gồm người kia có ý định thực hiện kế hoạch tự sát hoặc có những hành vi tự sát như là uống thuốc ngủ/ dọa nhảy lầu.
Nếu nguy hiểm chưa cận kề, hãy khuyến khích họ gặp các chuyên gia sức khoẻ tâm thần để được giúp đỡ. Hãy cho họ biết rằng họ xứng đáng được cảm thấy tốt hơn và bạn sẵn sàng giúp họ tìm được sự hỗ trợ cần thiết.
Nếu bạn còn thắc mắc xem mình nên làm gì, hãy liên hệ những cơ sở, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để hỏi về tình hình của họ và những điều nên làm.
Khi đang lo lắng cho một người thân yêu, việc chăm sóc chính bản thân cũng không kém phần quan trọng. Chính bạn cũng có thể tìm tới các chuyên gia sức khoẻ tâm thần hoặc chia sẻ với một người bạn tin tưởng để giúp mình giải toả được những cảm xúc trong lòng.
Các nguồn lực hỗ trợ
Nếu bạn đang có suy nghĩ muốn tự sát, hãy liên hệ các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý tin cậy. Hoặc gọi điện cho số Hotline của Viện tâm lý Việt – Pháp để được tư vấn hỗ trợ: 0977.729.396
Lời kết
Nếu bạn đang có suy nghĩ tự sát, bạn nên tìm tới các chuyên gia để được giúp đỡ. Còn nếu bạn nghi ngờ người thân của mình muốn tự sát, hãy cùng họ tìm tới sự hỗ trợ của các chuyên gia. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trị liệu tâm lí, sử dụng thuốc, hoặc cả hai có thể giúp cải thiện được vấn đề muốn tự sát. Trong các tình huống nguy cấp, ta có thể phải cân nhắc việc người muốn tự sát được nhập viện.
Nguồn: Why COVID-19 May Be Increasing the Risk of Suicide, Verywell Mind
Phan Anh dịch
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: