Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh gốc, v.v. Các nhà tâm lý học đang khám phá cách công nghệ mới này có thể đơn giản hóa hoặc giúp đỡ họ trong lĩnh vực tâm lý học - đồng thời sử dụng và triển khai các công cụ AI tổng hợp nhằm nỗ lực mang lại những hiểu biết sâu sắc về hành vi con người.
Trong lĩnh vực này, ChatGPT và các mô hình AI khác đang thay đổi cách các nhà tâm lý học giảng dạy, tiến hành nghiên cứu cũng như chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Tiến sĩ Jessica Jackson - nhà tâm lý học lâm sàng - cho biết mặc dù lo ngại về sự phát triển liên tục của các thế hệ AI là chính đáng, đặc biệt là với lệnh cấm do chính các nhà phát triển công nghệ đề xuất vào năm ngoái, nhưng các nhà tâm lý học vẫn cần chấp nhận AI như một thực tế và làm việc cùng thay vì bài xích lại chúng.
Các nhà tâm lý học cho biết, mặc dù có rất nhiều lý do để thận trọng với các thuật toán trị liệu, nhưng chúng cũng mang đến cơ hội đáng kể trong việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Công nghệ Sức khỏe Tâm thần của APA – ông Jackson - cho biết: “Nếu mọi người không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị các vấn đề tâm thần, chúng tôi cũng không thể ngăn họ đăng nhập vào máy tính và trò chuyện với chatbot. Chúng tôi không thể kiểm soát điều này, vậy làm cách nào chúng tôi có thể hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các công cụ AI để giúp chúng tôi nắm bắt và tối ưu hóa nó?”
Các nhà tâm lý học đưa góc nhìn hành vi vào quá trình phát triển và triển khai các công nghệ mới, xây dựng những nghiên cứu cung cấp hiểu biết về cách mọi người nhìn nhận năng lực, độ tin cậy, đạo đức của AI, v.v.
Tiến sĩ Kai Chi (Sam) Yam - giáo sư tâm lý học kiêm trưởng khoa Tổ chức và Quản lý tại Đại học Quốc gia Singapore - cho biết: “Hầu hết các công việc trong lĩnh vực tương tác giữa con người và công nghệ đều rất nặng về công nghệ và rất ít về con người. Các nhà tâm lý học hiện đang làm việc để lấp đầy khoảng trống về mặt con người trong phương diện đó.”
Cuối cùng, lĩnh vực này có thể mang lại sự khám phá đa dạng về các công nghệ mới giúp các nhà phát triển, người dùng và cơ quan quản lý nắm bắt được sự phức tạp vốn có của chúng.
Ông Adam Miner - Trợ lý giáo sư lâm sàng về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford, người nghiên cứu về AI trong chăm sóc sức khỏe - cho biết: “Có những sự đánh đổi phức tạp về tiềm năng của AI. Nó sẽ không hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. May mắn thay, các nhà tâm lý học đã quen với việc cân nhắc những sự đánh đổi phức tạp trong nghiên cứu và công việc lâm sàng của họ, vì vậy chúng tôi sẵn sàng đáp ứng thách thức này.”
AI trong giáo dục đại học
Tiến sĩ Johannes Eichstaedt - nhà tâm lý học điện toán và trợ lý giáo sư tại Đại học Stanford - cho biết: “Một cách để định lượng tác động của AI đối với một nghề nghiệp - cả trong phương diện giúp đỡ hỗ trợ và cả với những đối tượng có nguy cơ bị thay thế - là chia nhỏ công việc thành một nhóm nhiệm vụ và kỹ năng. Đối với các nhà nghiên cứu, nhiều nhiệm vụ trong số đó ngày càng có thể được tự động hóa.”
Eichstaedt nói: “Sự thật, dù chúng tôi có muốn thừa nhận hay không, đó là phần lớn những gì chúng tôi làm trong quá trình khoa học đều khá công thức”.
Các công cụ AI tổng quát chuyên dụng, chẳng hạn như Genei, có thể hỗ trợ tìm kiếm tài liệu, tóm tắt tài liệu và văn bản học thuật. ChatGPT có thể tạo các mục cho thang đo, phát hiện chủ đề trong dữ liệu văn bản định tính và viết mã Python và R để phân tích thống kê.
Kurt Gray – Giáo sư tiến sĩ tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Bắc Carolina - cho biết: “Điều quan trọng là tìm ra cách làm cho GPT hoạt động giống như một trợ lý nghiên cứu hoặc giống như một người tham gia nghiên cứu.”
Nghiên cứu mới đây của Gray cho thấy rằng giải pháp sử dụng GPT để thay thế những người tham gia trong một số loại thử nghiệm nhất định không chỉ khả thi mà còn có thể tiết kiệm thời gian và nguồn lực quý giá cho những người thử nghiệm (Trends in Cognitive Sciences, Vol. 27, No. 7, 2023). Ví dụ ông và các cộng sự đã thử nghiệm GPT trên 500 tình huống phán xét đạo đức và nhận thấy rằng câu trả lời của nó có tương quan gần như hoàn hảo (0,95) với câu trả lời của con người. Họ gợi ý rằng AI có thể được sử dụng trong các nghiên cứu thí điểm để tinh chỉnh các giải pháp hoặc như một lớp bằng chứng bổ sung để nâng cao kết quả từ con người. Tất nhiên việc lấy ý kiến trực tiếp từ con người là cần thiết, nhưng sẽ có những thời điểm các nhà nghiên cứu cần hiểu rằng việc “hỏi AI” cũng là một việc hợp lý.
Trong giảng dạy tâm lý học, AI có thể đơn giản hóa một loạt nhiệm vụ tốn thời gian, từ soạn thảo slide, đề cương và câu hỏi thi cho đến tư vấn cho học viên về các kỹ thuật trị liệu. Tuy nhiên công nghệ này cũng đang thay đổi môi trường học tập căn bản, khiến nhiều nhà giáo dục lo lắng về cách phát hiện gian lận và đảm bảo mức độ thực sự học tập của học sinh.
Eichstaedt nói: “Đó là mối quan tâm chính đáng, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà những công cụ này nằm trong tầm tay, vì vậy những gì chúng ta dạy cuối cùng sẽ phải thay đổi và đạt đến một cấp độ cao hơn. Ví dụ, học sinh có thể tập trung nhiều hơn vào các chức năng nhận thức cấp cao hơn - chẳng hạn như tìm một ví dụ hấp dẫn hoặc quyết định cách xây dựng một lập luận - thay vì lo lắng về thứ tự các câu trong một đoạn văn.”
Do tính phổ biến của AI, hầu hết các tổ chức giáo dục đại học đang cố gắng đón nhận nó thay vì cấm nó. Tuy nhiên một số nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy cách tiếp cận đó có thể gây ra những hậu quả khó lường trước được. Yam và các đồng nghiệp của ông đã giao ngẫu nhiên cho các sinh viên đại học tự viết một bài luận về một chủ đề mà họ mới biết tới hoặc sử dụng ChatGPT để viết bài luận về chủ đề này. Những người sử dụng ChatGPT sau đó cho biết họ ít quan tâm đến chủ đề này hơn và có ít động lực nội tại hơn để nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này.
Yam cho biết: “Khi một sinh viên đại học sử dụng ChatGPT để viết một bài luận cho một chủ đề nhất định, họ sẽ cảm thấy chủ đề đó kém thú vị hơn. Chúng tôi thấy điều này khá đáng lo ngại, vì việc cho phép sử dụng ChatGPT thực sự có thể làm suy yếu động lực học tập nội tại.”
Ứng dụng chatbot trong trị liệu tâm lý
Trong lĩnh vực lâm sàng, các nhà tâm lý học cũng đang tiến hành sử dụng AI một cách thận trọng. AI cho thấy tiềm năng rõ ràng trong việc tự động hóa các tác vụ quản lý như tài liệu và ghi chú. Các công cụ như ChatGPT cũng có thể giúp học viên thực hành đưa ra các biện pháp can thiệp tâm lý cho bệnh nhân mô phỏng. Miner cho biết, các công cụ tạo lập ngôn ngữ tự nhiên có thể cung cấp thông tin chi tiết để giúp các bác sĩ lâm sàng hoàn thiện công việc của họ.
Ông nói: “Các bác sĩ lâm sàng không muốn AI bảo họ phải làm gì, nhưng AI có thể giúp chúng ta tìm ra những lỗ hổng trong quá trình đào tạo hoặc những lĩnh vực cần cải thiện. Ví dụ, một bác sĩ lâm sàng có thể phản ứng khác với một bệnh nhân đề cập đến việc tự làm hại bản thân trong 5 phút cuối của phiên điều trị so với một bệnh nhân đề cập đến việc tự làm hại bản thân trong 5 phút đầu tiên. Dựa trên các tập dữ liệu lớn về tương tác giữa nhà trị liệu và khách hàng, có thể biết được đâu là ví dụ tích cực về cách phản hồi. (npj Mental Health Research, Vol. 1, 2022)
Câu hỏi mở lớn nhất là liệu AI có thể bằng cách nào đó giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần ở cả Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Chatbot có thể cung cấp liệu pháp điều trị một cách an toàn và hiệu quả không?
Tiến sĩ Scott Wallace - nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc đổi mới lâm sàng tại Remble (một công ty công nghệ sức khỏe tâm thần cung cấp hỗ trợ chatbot và các công cụ khác) - cho biết: “Các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Mỹ đang phổ biến đến mức nghiêm trọng. Với cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, chúng ta không thể bỏ qua những đổi mới đầy hứa hẹn trước khi khám phá đầy đủ cách AI có thể mở rộng khả năng tiếp cận và cải thiện dịch vụ chăm sóc.”
Chatbots có thể hỗ trợ giải quyết các thách thức hàng ngày, chẳng hạn như xung đột với bạn đời, khó ngủ và căng thẳng liên quan đến công việc hoặc trường học. Wallace cho biết việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra lời khuyên có cơ sở dựa trên nghiên cứu có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà trị liệu trong việc cung cấp dịch vụ.
Chatbot về sức khỏe tâm thần có thể hữu ích nhưng cũng có thể gây hại. Chẳng hạn, các công ty cung cấp liệu pháp AI mà không có sự đồng ý rõ ràng hay các dịch vụ AI duy trì sự thiên vị bằng các thuật toán của họ (Obermeyer, Z., et al., Science, Vol. 366, No. 6464, 2019).
Jackson nói: “Việc loại bỏ các nhà tâm lý học ra khỏi quá trình phát triển sẽ gây hại. Hiện tại, không có cầu nối thực sự giữa công nghệ và tâm lý học, vì vậy những người đang xây dựng những công cụ công nghệ không phải lúc nào cũng nhận thức được các vấn đề đạo đức đang diễn ra.”
Một cách tương đối an toàn để bắt đầu sử dụng các công cụ AI trong trị liệu là duy trì sự giám sát lâm sàng đối với bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân có thể sử dụng ứng dụng để thực hành liệu pháp nhận thức hành vi hoặc kỹ năng trị liệu hành vi biện chứng giữa các buổi học.
Wallace cho biết: “Bằng cách tích hợp AI một cách toàn diện và cẩn trọng để hỗ trợ các chuyên gia thay vì thay thế họ, chúng ta có thể phát huy sức mạnh của con người đồng thời hưởng lợi từ những hiểu biết sâu sắc dựa trên dữ liệu công nghệ.”
Các tác nhân thay thế
Khi AI tiếp tục thâm nhập sâu hơn trong đời sống, nhu cầu tìm hiểu về cách chúng tác động đến các cá nhân, các mối quan hệ và xã hội đột nhiên tăng cao.
Eichstaedt nói: “Sớm thôi, chúng ta sẽ có những AI siêu thông minh - về mặt kỹ thuật - chúng hiểu biết hầu hết mọi thứ tốt hơn so với phần lớn mọi người. Chúng có thể kèm cặp cho con cái chúng ta, nhưng AI được thiết kế không bao giờ có những cảm xúc để khuyến khích, động viên hoặc có sự từng trải. Về mặt lý thuyết, những phẩm chất đó có thể được tinh chỉnh, nhưng điều đó đòi hỏi sự quan tâm đáng kể đến bối cảnh xã hội, tiến trình phát triển và bản sắc mà chúng sẽ được áp dụng.”
Trong môi trường tôn giáo, Yam và Tiến sĩ tâm lý học Joshua Jackson (thuộc Đại học Chicago) đã chỉ ra rằng con người nhận thấy robot có năng lực ngang nhau nhưng kém đáng tin cậy hơn con người (Journal of Experimental Psychology: General, Vol. 152, No.12, 2023). Yam, Gray và các cộng sự cũng phát hiện ra rằng ở nơi làm việc, nỗi sợ bị thay thế bởi AI có liên quan đến sự kiệt sức và thiếu nghiêm túc trong công việc (Journal of Applied Psychology, Vol. 108, No. 5, 2023). Theo khảo sát Work in America năm 2023 của APA, khoảng 40% công nhân Mỹ lo lắng rằng AI cuối cùng sẽ thay thế một phần hoặc toàn bộ các nhiệm vụ công việc của họ.
“Vấn đề lớn xung quanh AI là chúng chính là những tác nhân thay thế. Chúng tôi thiết kế các tác nhân nhân tạo này để thay thế sức lao động của con người, nhưng khi đối mặt với điều đó, cách hành động của chúng tôi còn nhiều thứ chưa chắc chắn.” Gray nói.
Sẽ có gì đổi mới trong tương lai? Eichstaedt chỉ ra các công cụ AI tạo ra đa phương thức mới, chẳng hạn như Gemini của Google có thể chuyển đổi liền mạch giữa hình ảnh, văn bản và các loại dữ liệu khác. Để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của AI và tạo ra những hiểu biết sâu sắc có thể nhanh chóng được áp dụng, Yam cho biết nghiên cứu thực địa - cũng như các biện pháp hợp tác liên ngành - sẽ là chìa khóa.
Ví dụ, các kỹ sư công nghệ thường công bố các phát hiện thông qua hội nghị, trong khi các nhà tâm lý học hướng đến việc xuất bản các bài báo, làm sao để họ tìm thấy nhau?
Peter Hancock - GS. TS. Tâm lý học tại Đại học Central Florida - người đã nghiên cứu sự tương tác giữa con người và máy móc trong nhiều bối cảnh cho biết: “Chúng ta thậm chí có thể thấy các trường phái mới hướng đến việc tìm hiểu lý do, cơ sở lý luận và năng lực của hệ thống AI". “Machine psychology” có thể áp dụng các phương pháp mô phỏng và phân tích được sử dụng từ lâu để quan sát kỹ lưỡng tâm trí con người nhằm thu thập những hiểu biết sâu sắc về cách AI xử lý thông tin.
Bất chấp những rủi ro của trí tuệ nhân tạo, một số nhà tâm lý đang tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng và lạc quan về tiềm năng của AI trong việc cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và hơn thế nữa.
Wallace nói rằng có những thách thức mới, nhưng dậm chân tại chỗ không phải là cách làm tốt. Ông tin rằng các nhà khoa học có thể biến AI thành động lực cho sự tiến bộ trong việc trị liệu tâm lý. Các nhà tâm lý học cần dũng cảm đi những bước đầu tiên.
Đọc thêm:
The psychology of social robots and artificial intelligence
Gray, K., et al., The Handbook of Social Psychology, 6th ed., In press
How to use ChatGPT as a learning tool
Abramson, A., Monitor on Psychology, June 2023
Advancing psychology in national artificial intelligence strategy
APA, 2023
Bài viết được dịch từ nguồn: What psychologists need to know about the evolution of generative AI, một bài viết trong series Trends in 2024 của APA.
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn