Với vai trò là cha mẹ, đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao con bạn luôn đòi bật đèn ngủ và buổi tối, tại sao con thường muốn ngủ cùng bố mẹ thay vì ngủ một mình trong căn phòng tối om? Hay vì sao con không chịu tự dậy đi vệ sinh một mình vào ban đêm nếu không có ánh sáng? Tại sao cho dù con bạn không hề có bất kì trải nghiệm tiêu cực nào với bóng tối thì trẻ vẫn sợ chúng? Dưới đây là 11 điều cha mẹ nên biết về chứng sợ bóng tối của con.
Nỗi Sợ Bóng Tối Cực Kỳ Phổ Biến
Tất cả trẻ em đều trải qua một số loại sợ hãi trong suốt thời thơ ấu và nỗi sợ bóng tối đặc biệt phổ biến. Nỗi sợ bóng tối thường bắt đầu từ 3 đến 6 tuổi, khi trẻ đủ lớn để sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình nhưng lại chưa phát triển đầy đủ khả năng phân biệt tưởng tượng với thực tế.
Sợ Hãi Là Một Cơ Chế Phòng Vệ
Sợ hãi là phản ứng tự nhiên của bộ não chúng ta để bảo vệ bản thân trước một mối đe dọa được nhận thức. Trong suốt cuộc đời, nỗi sợ hãi là điều bình thường nhưng nó có xu hướng sống động hơn trong thời thơ ấu. Mặc dù nỗi sợ hãi tột độ có thể làm tổn hại đến tinh thần của trẻ, nhưng những mức độ sợ hãi lành mạnh có thể khuyến khích trẻ thực hiện các hành động để giữ an toàn. Ví dụ nỗi sợ chết đuối, bị bỏng hoặc bị bắt cóc có thể khiến con bạn tránh những tình huống không an toàn tiềm ẩn. Vì vậy nếu con bạn sợ bóng tối, bé sẽ thường cảnh giác hơn để không bị ngã trong bóng tối hay không đi vào những khu vực tối ít người qua lại, v.v
DNA Đóng Vai Trò Quan Trọng
Bạn đã bao giờ có một nỗi sợ hãi khủng khiếp về một điều gì đó mặc dù nó không bao giờ thực sự gây hại cho bạn? Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số nỗi sợ hãi của chúng ta có thể được truyền qua DNA từ tổ tiên - những người đã từng có trải nghiệm tồi tệ với những gì chúng ta sợ hãi - chẳng hạn sợ như rắn hoặc độ cao. Mặc dù không có cách nào để biết chắc chắn, nhưng có khả năng nỗi sợ bóng tối của một em bé là bản năng vì ông bà tổ tiên của em bé từng mang nỗi sợ này.
Ngăn Cản Tầm Nhìn – Kích Thích Trí Tưởng Tượng
Bóng tối đáng sợ hơn bởi nó ngăn cản khả năng nhìn thấy bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đang rình rập. Bóng tối khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương và dễ bị tiếp xúc với bất cứ thứ gì xung quanh mà chúng ta không thể nhìn thấy. Khi những đứa trẻ đi ngủ, tâm trí chúng có ít phiền nhiễu hơn để bận tâm hơn người lớn, vì vậy thay vào đó, trí tưởng tượng của chúng sẽ bay bổng. Kết quả là một cái bóng trong góc tối có thể nhanh chóng được tưởng tượng thành một con “quái vật” tiến đến tóm lấy trẻ.
Phim Ảnh Và Các Ấn Phẩm Truyền Thông
Mặc dù hầu hết các vụ trộm trên thực tế xảy ra vào ban ngày khi chủ nhà đi làm, nhưng các bộ phim thường miêu tả những kẻ xấu đột nhập vào ban đêm. Những hình ảnh này có thể khiến con bạn đánh đồng bóng tối với hoạt động đáng sợ của những kẻ bất hảo hoặc tội phạm. Để giúp ngăn trí tưởng tượng trở thành kẻ thù của con trẻ, hãy hạn chế con bạn tiếp xúc với các chương trình truyền hình hoặc những bản tin đáng sợ.
Chế Độ Ăn Uống Lành Mạnh
Nghe có vẻ lạ khi bữa tối của con bạn có thể ảnh hưởng đến mức độ nỗi sợ hãi của chúng, nhưng tâm trí và cơ thể có mối liên hệ với nhau và có những loại thực phẩm có khả năng thúc đẩy giấc ngủ và giảm lo lắng. Tránh các bữa khuya và những đồ ăn nhẹ có đường hoặc đồ ăn chế biến sẵn vào buổi tối. Thay vào đó, hãy thử những thứ như hạt hạnh nhân (có chứa tryptophan và magiê) giúp thư giãn cơ bắp. Trà hoa cúc với một ít mật ong cũng có thể làm dịu, tạo cảm giác thoải mái và kích thích ngủ ngon.
Biến Giờ Đi Ngủ Thành Trải Nghiệm Tích Cực
Nếu con bạn sợ bóng tối, chúng có thể có thái độ tiêu cực về giờ đi ngủ và liên kết giờ ngủ với sự sợ hãi và lo lắng. Vì vậy, bạn có thể “cải biến” giờ ngủ thành trải nghiệm êm dịu và tích cực, gắn kết giấc ngủ với các thói quen ban đêm của con để biến giờ đi ngủ thành điều con mong đợi. Tí dụ bạn có thể ngồi bên tâm sự với con, kể chuyện và đọc sách cùng con, hát ru và âu yếm con để có thể giúp trẻ con bình tĩnh hơn trong bóng tối và khiến giờ đi ngủ trở thành một trải nghiệm tích cực.
Đừng Mang Bóng Tối Ra Dọa Dẫm Con
Khi bạn nhận ra con mình sợ bóng tối, có khả năng bạn sẽ muốn sử dụng nó để làm lợi thế cho mình (như một cách để dọa dẫm con và tạo ra một thế lực khiến con sợ hãi và phục tùng). Ví dụ, bạn sẽ dọa con là “Hãy hoàn thành bài tập về nhà của con nếu không ông kẹ sẽ tóm được con vào ban đêm!” “Ngủ đi hoặc mẹ sẽ cho con quái vật trong tủ quần áo bắt con đi!” “Nếu con không ngủ thì bố sẽ mang con ra ngoài đường khi trời tối om cho ba bị bắt!” Hoặc đôi khi, bạn không có ý định dọa dẫm con mà chỉ đùa chúng như giả vờ hù chúng rằng “Buổi tối hay có ma lắm!”. Mặc dù những kiểu đùa này có vẻ buồn cười và vui vẻ đối với bạn, nhưng chúng sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi không lành mạnh ở con bạn, vì vậy hãy tránh lợi dụng nỗi sợ hãi của chúng để đạt được mục đích của bạn.
Cảm Giác Sợ Hãi Có Thật
Khi con bạn có những nỗi sợ hãi dữ dội và hơi “phi lý” một chút (theo suy nghĩ của người lớn) điều này có thể khiến cha mẹ cảm thấy khó hiểu, thất vọng và thậm chí là bực tức. Bạn biết rằng không có con quái vật gì sống dưới gầm giường của trẻ, nhưng mỗi đêm bạn đều phải vật lộn vài giờ đồng hồ để dỗ chúng đi ngủ. Thế nhưng, đừng vì bực bội mà phủ định hay cố gắng hạ thấp những nỗi sợ của con bạn. Hãy cho con biết rằng bạn hiểu cảm giác của con, rằng con có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi và bạn sẽ lắng nghe con, giúp con vượt qua.
Giúp Bé Đối Mặt Với Nỗi Sợ Hãi
Bạn nên khuyến khích con mình đối mặt với nỗi sợ hãi, nhưng hãy cho phép chúng chậm rãi làm điều đó dần dần và có sự hỗ trợ. Con bạn không thể hết sợ ngay lập tức được. Hãy kiên nhẫn với con, trang bị cho chúng những đồ gia dụng và đồ ngủ thoải mái như một bộ chăn ga có nhân vật hoạt hình mà con yêu thích, thú nhồi bông hoặc đèn ngủ dễ thương. Đổ đầy nước vào một bình xịt rỗng và nói với con rằng đó là “thuốc đuổi quái vật” – như một biện pháp tâm lý làm điểm tựa cho con. Hỏi con xem họ có muốn bạn đến kiểm tra vào ban đêm không và để con quyết định thời gian và tần suất để giúp con cảm thấy an tâm.
Nhận Sự Giúp Đỡ Từ Các Chuyên Gia
Việc con bạn hơi sợ bóng tối là điều hoàn toàn tự nhiên và hầu hết trẻ em đều có thể vượt qua nỗi sợ hãi của chúng theo thời gian. Tuy vậy, đối với một số trẻ em và thanh thiếu niên, nỗi sợ hãi có thể biến thành ám ảnh và ảnh hưởng đến cách các bé hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn lo lắng về mức độ sợ bóng tối của con bạn (hoặc bất kỳ nỗi sợ hãi nào khác), hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.