Cảm giác lo lắng khi đến trường không phải là hiếm gặp ở trẻ em, nhưng làm thế nào cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề này?
Nhiều bậc cha mẹ dường như vẫn nhớ rõ về cảm giác lo lắng của bản thân khi đi học lúc còn nhỏ. Đó có thể là nỗi lo không kịp chuẩn bị bài kiểm tra, hoặc một số tình huống mâu thuẫn, bất đồng với bạn bè, khiến bản thân cảm thấy lo sợ khi phải chạm mặt nhau trong sân trường.
Trong những tình huống như vậy, có thể bạn đã cảm thấy căng thẳng đến nỗi cơ thể bắt đầu có những phản ứng, như thể đang có gì quặn thắt trong bụng mỗi khi nghĩ đến việc đi học. Trẻ em ngày nay cũng trải nghiệm điều tương tự, nhưng dường như mức độ cao hơn chúng ta trước đây.
Ngẫm lại thì, trẻ em ngày nay đang phải đứng trước những tác động của phương tiện truyền thông đối với các tương tác xã hội trong đời thực. Chúng phải đối mặt với những kỳ vọng học tập, những tình trạng bắt nạt học đường.
Trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa trở lại mặc dù vẫn còn nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em cũng có thể quên mất các kỹ năng xã hội và cảm thấy lo lắng về việc quay lại trường học sau hơn một năm học trực tuyến. Không có gì quá ngạc nhiên khi tỷ lệ lo âu ước tính ở trẻ em từ 6 đến 17 tuổi đã tăng lên theo thời gian - từ khoảng 5,5% năm 2003 lên 7,1% vào năm 2016.
Thêm vào đó, các bằng chứng khoa học cũng cho thấy có sự gia tăng các triệu chứng lo âu ở trẻ em và thanh niên trong thời điểm đại dịch COVID-19. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cho biết, 7,1% trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 17 được chẩn đoán có các triệu chứng lo âu. Trong đó 2% đến 5% trẻ em có các lo âu liên quan đến việc không muốn đến trường. Kết quả này dường như tiềm ẩn những sự lo lắng về trường học chưa được giải quyết thấu đáo ở trẻ.
Nói cách khác: Lo âu học đường không phải là hiếm gặp, nhưng làm thế nào để các bậc cha mẹ có thể giúp đỡ và hỗ trợ trẻ?

Chính xác thì lo âu học đường là gì?
Có khá nhiều dạng lo âu mà trẻ em có thể gặp phải, nhiều loại trong số đó có thể chuyển biến thành những lo âu ở trường học, bao gồm:
Lo âu chia tách: nỗi sợ hãi khi phải xa nhà hoặc xa những thứ gắn bó thân thiết nhất, cả hai tình huống này thường xảy ra khi trẻ phải đi học.
Lo âu xã hội: lo lắng khi tương tác, giao tiếp trong các tình huống xã hội, bao gồm cả những tình huống có thể xảy ra ở trường.
Lo âu lan tỏa: rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) có thể tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả trường học.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): OCD được đặc trưng bởi mong muốn mọi thứ phải theo một trật tự nhất định, mang tính nghi lễ và hoàn hảo. Có thể khi ở trường trẻ sẽ khó thực hiện và duy trì những việc này. Điều đó góp phần gây ra lo âu xã hội cho trẻ. Ví dụ một học sinh có thể lo sợ bị người khác trêu đùa do thói quen OCD của mình.
Ám sợ: một nỗi ám ảnh cụ thể nào đó có thể liên quan đến bất cứ thứ gì: rắn, độ cao, một số loại thực phẩm, hay trường học.
Tình trạng lo âu học đường có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh:
Đối với trẻ mẫu giáo, nó có thể liên quan nhiều đến sự lo lắng khi bị chia tách và nỗi sợ hãi khi phải xa bố mẹ hoặc những người chăm sóc. Điều này có thể dẫn đến những cơn giận dữ, bỏ học ở trường, hay việc khó cảm thấy thư giãn trong suốt cả ngày dài.
Ở độ tuổi tiểu học, lo âu học đường có thể liên quan đến bất kỳ dạng lo âu nào đã được liệt kê ở trên. Học sinh ở độ tuổi này có thể chưa phát triển hết các kỹ năng xã hội phù hợp với lứa tuổi, do đó trẻ có thể lo lắng về trường học, hoặc có thể dành quá nhiều thời gian lo lắng về các kỳ vọng thành tích, tới nỗi trẻ không còn muốn đến trường.
Học sinh THCS đang bắt đầu phát triển các mối quan hệ xã hội; điều này có thể dẫn đến sự gia tăng tình trạng bắt nạt và nhiều mối quan hệ bạn bè phức tạp, góp phần gây ra sự lo lắng của trẻ ở trường học.
Và khi lên cấp THPT, các em có thể sẽ phải giải quyết các vấn đề trong cuộc sống gia đình, các mối quan hệ trong đó có mối quan hệ bạn bè, bên cạnh đó là các trách nhiệm liên quan đến việc đi làm thêm, hay việc cố gắng đạt điểm cao trong kì thi vào đại học.
Đối với tất cả các lứa tuổi trên, lo âu học đường có thể dẫn đến việc học sinh không hợp tác trong tiết học, hoặc trốn học, bỏ học.
Dấu hiệu của lo âu học đường
Child Mind Institute, một tổ chức thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho trẻ em cho biết rằng chứng lo âu học đường có thể biểu hiện theo nhiều cách. Phụ huynh và giáo viên có thể nhận thấy học sinh của mình có những dấu hiệu như:
- Khó khăn tập trung chú ý
- Khó khăn với việc phải ngồi yên
- Có sự bám dính, phụ thuộc cao hơn các bạn khác
- Bị ốm (hoặc cảm thấy ốm yếu) thường xuyên, đôi khi có thể bị người khác hiểu là "giả" ốm.
- Nổi cơn thịnh nộ hoặc có các vấn đề về hành vi khác
- Tránh giao tiếp bằng mắt trong lớp
- Đứng lặng hoặc hoảng sợ khi được yêu cầu trả lời một câu hỏi trong giờ học
- Gặp khó khăn với nhiệm vụ học tập (lo âu thường có thể đi kèm với rối loạn học tập)
- Không nộp bài tập về nhà
- Thu mình khi ở trường thay vì giao tiếp với những bạn khác.
Đối với những trẻ có sự lo lắng kéo dài hoặc mức độ ngày càng nghiêm trọng, các triệu chứng thể chất có thể xuất hiện, chẳng hạn như:
- Buồn nôn
- Ăn không ngon
- Khó ngủ
- Nhức đầu
Lo âu học đường cũng có thể làm tăng các dấu hiệu trầm cảm và cô đơn ở học sinh đang gặp khó khăn.
Điều gì gây ra lo âu học đường?
Một số trẻ dễ bị lo lắng hơn những trẻ khác. Ví dụ, có một tỷ lệ di truyền tương đối cao (30% đến 67%) đối với chứng rối loạn lo âu, vì vậy một đứa trẻ sống trong gia đình có tiền sử về lo âu sẽ có thể bị di truyền những đặc điểm đó.
Thêm vào đó, một đứa trẻ trải qua những dạng lo âu khác (không phải học đường) cũng có nhiều khả năng mắc chứng lo âu học đường hơn.
Nhưng đôi khi, các tình huống ở trường cũng có khả năng làm tăng nguy cơ lo âu. Đó có thể là những tình huống như:
Bắt nạt. Một đứa trẻ bị bắt nạt có thể cảm thấy lo lắng về việc phải trở lại nơi mình từng bị bắt nạt.
Khó khăn trong các mối quan hệ liên cá nhân. Các chiến lược ứng xử và phát triển mối quan hệ, trong đó có quan hệ với bạn bè, dường như đã trở thành một phần tất yếu, cần thiết đối với học sinh cấp 2 và 3. Nhưng điều đó không làm cho những khó khăn trong tình bạn mất đi: những sự thay đổi bạn bè, các tình huống mâu thuẫn hay việc dừng chơi với nhau. Đối với một số trẻ, việc kết thúc mối quan hệ tình bạn hay xuất hiện những hiểu nhầm, có thể khiến các em nảy sinh những ý nghĩ lo lắng khi đến trường.
Khó khăn trong học tập. Đối với trẻ có rối loạn học tập (đặc biệt là có rối loạn nhưng chưa được chẩn đoán), trường học có thể là nơi khiến trẻ cảm thấy rất lo âu bởi chúng phải học cách thích ứng với môi trường chung. Thêm vào đó, trẻ có khó khăn học tập cũng không hiểu được tại sao mình không thể làm những việc như các bạn.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần kinh khác. Các tình trạng như tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm hoặc rối loạn phổ tự kỷ có thể khiến việc hòa nhập và thành công ở trường học trở nên khó khăn hơn nhiều. Điều này cũng khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng.
Các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ gì cho con?
Một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ của những trẻ mắc chứng lo âu học đường có thể làm là nhận biết các dấu hiệu. Nếu bạn nhận thấy con mìnnh có thể đang gặp khó khăn, hãy nói chuyện với chúng về điều đó. Có thể trẻ sẽ mở lòng và cùng bạn tìm ra giải pháp.
Bạn cũng có thể xây dựng các thói quen để giúp con chuẩn bị tốt hơn cho việc đi học mỗi ngày. Cha mẹ có thể cùng con xem qua bài tập về nhà, thưởng thức bữa sáng cùng nhau, hoặc cùng nghĩ ra một câu nói tự nhủ nào đó và thực hành trên đường đến trường.
Trong một vài tuần trước khi trở lại trường, bạn có thể giúp con đối mặt với lo âu bằng cách thảo luận về tất cả các tình huống khiến con lo lắng có thể xảy ra ở trường, và giúp con xem xét những cách tốt nhất để giải quyết các tình huống đó.
Sau khi tan học về, có lẽ sẽ hữu ích khi bạn sẵn sàng trò chuyện với con khi con cần. Cha mẹ có thể thử hình thành 1 thói quen cùng nhau ngồi xuống bàn, ăn nhẹ cái gì đó và cùng trò chuyện về một ngày ở trường của con. Cha mẹ có thể cùng con thảo luận về các tình huống đã xảy ra.
Nếu không thể tự giúp con vượt qua sự lo lắng ở trường, cha mẹ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ ngay với các đơn vị hỗ trợ chuyên nghiệp.
Ngay tại trường của con có thể có sẵn các nguồn lực trợ giúp và một chuyên gia sức khỏe tâm thần đủ điều kiện có thể giúp con xác định nguyên nhân gốc rễ của sự lo lắng, cũng như bắt đầu giải quyết vấn đề. Họ sẽ phát triển các kế hoạch, công cụ giúp ích cho con trong suốt quá trình hỗ trợ.
Giáo viên có thể hỗ trợ gì cho học sinh?
Hơn bất kỳ ai, các giáo viên là những người thường có nhiều lợi thế trong việc nhận diện các dấu hiệu lo âu học của học sinh. Điều đó giúp các thầy cô giáo có thể liên hệ sớm với cha mẹ của trẻ và thảo luận về các chiến lược phù hợp, hợp tác cùng cha mẹ để giúp trẻ ứng phó với sự lo lắng.
Giáo viên có thể hỗ trợ học sinh bằng cách trở thành một địa chỉ hỗ trợ an toàn để trẻ có thể tìm đến vào những thời điểm chúng đặc biệt cảm thấy khó khăn. Các thầy cô giáo có thể quy ước với học sinh những tín hiệu nhất định mà qua đó trẻ có thể báo cho các thầy cô biết rằng chúng đang cảm thấy lo lắng.
Với những trẻ nhỏ, giáo viên có thể cân nhắc việc tạo ra một “khu vực thư giãn" (“chill-out” area) để trẻ có thể đến khi chúng gặp khó khăn. Đơn giản đó có thể là một góc phòng được trang bị một chiếc ghế lười và sách.
Đối với trẻ lớn hơn cũng như thanh thiếu niên, giáo viên có thể giúp đỡ bằng cách trở thành một người lớn đáng tin cậy mà trẻ có thể trò chuyện cùng. Khi nhận thấy dấu hiệu lo lắng, bạn có thể cho học sinh biết rằng bạn sẵn sàng hỗ trợ nếu con đang gặp khó khăn.
Thái độ đồng cảm và sự tử tế có thể giúp hình thành một mối quan hệ tốt giữa giáo viên và học sinh. Cũng sẽ rất hữu ích khi các thầy cô khen ngợi học sinh và cho trẻ biết rằng bạn quan tâm, luôn sẵn sàng ở đó nếu chúng cần. Chỉ điều đơn giản đó thôi cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn.
Đôi lời tổng kết
Lo âu nói chung và lo âu học đường nói riêng là những vấn đề khá phổ biến đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Thậm chí thực trạng này còn có thể xảy ra nhiều hơn trong những năm tới, khi học sinh đã dần thích nghi với các thói quen học tập trong thời điểm Covid, nhưng sau đó chúng lại quay trở lại trường học khi đại dịch đã ổn định.
Chúng tôi muốn gửi đến các bậc cha mẹ và nhà trường thông điệp rằng: Bạn và trẻ chắc chắn sẽ không đơn độc. Các chuyên gia trị liệu, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia tư vấn/cố vấn trường học và ban lãnh đạo nhà trường đều có thể là những nguồn lực trợ giúp tuyệt vời.
Nguồn: How to Help When Your Child Is Anxious About Going Back to School, PsychCentral
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: