Tình Trạng Bạo Lực Học Đường & Kỳ Thị Với Học Sinh LGBT+

Bạo lực học đường là vấn nạn phổ biến trong trường học. Trong đó, nhóm học sinh LGBT+ hoặc không có những đặc điểm tuân theo chuẩn mực giới có nguy cơ cao là nạn nhân của bạo lực học đường so với các nhóm học sinh khác. Nguyên nhân chủ yếu tới từ định kiến sai lệch, thái độ tiêu cực và kỳ thị với cộng đồng LGBT+.

Một môi trường học tập lành mạnh phải là một môi trường nơi mọi học sinh cảm thấy an toàn, được chấp nhận và ủng hộ, không chịu phân biệt dựa trên xuất thân, ngoại hình, hay xu hướng tính dục. Phụ huynh và nhà trường cần nhận diện những hành vi kỳ thị/phân biệt đối xử hay bắt nạt nhắm tới cộng đồng LGBT+ tại trường học, từ đó có các giải pháp phòng ngừa và hoạt động nâng cao nhận thức hiệu quả.

1. Nhận Biết Các Hành Vi Kỳ Thị/Phân Biệt Đối Xử Với Cộng Đồng LGBT+

Tình trạng kỳ thị đồng tính, tiếng Anh là homophobia, được biểu hiện qua thái độ ác cảm, tiêu cực, và các định kiến đối với các hoạt động tình dục đồng giới hay cộng đồng người LGBT+. Những người kỳ thị đồng tính thường tập trung vào sự khác biệt về tính dục để công kích, khiến cho nhiều người LGBT+ bị tổn thương thông qua hành vi bắt nạt, lạm dụng, hay các hành vi bạo lực khác. Một số người kỳ thị đồng tính do những nỗi sợ, hiểu lầm vô căn cứ, niềm tin đến từ văn hoá, tín ngưỡng, nhận thức tiêu cực của cộng đồng về người LGBT+.

Bên cạnh các hành vi nghiệm trọng, thể hiện rõ tính bạo lực với người LGBT+ như quấy rối, bắt nạt, thậm chí là cưỡng bức, còn một số hành động đơn giản như việc có thành kiến, thái độ kỳ thị, chọc ghẹo hay việc dùng những từ xúc phạm một cách “vô duyên", và các hành vi gây hấn thụ động khác.

Theo Vietnam Youth Alliance, một số ví dụ về các hành vi kỳ thị người thuộc nhóm LGBT+ thường gặp như là:

  • Không phản bác, ngăn chặn các hành vi, quan điểm kỳ thị đồng tính vì sợ bị cho là người đồng tính;

  • Cho rằng cộng đồng LGBT+ “làm quá”, “tỏ ra thượng đẳng" khi đấu tranh cho quyền của người LGBT+;

  • Cho rằng kỳ thị đồng tính không phải là một vấn đề quan trọng; Không thừa nhận sự tồn tại của các vấn đề trong cộng đồng LGBT+;

  • Bác bỏ, phủ nhận, hay có những nhận xét tiêu cực, coi thường xu hướng tính dục/bản dạng giới của một người, sử dụng các từ ngữ với hàm ý miệt thị như “xăng pha nhớt", “bê đê", “đồng bóng", “bệnh hoạn",...

  • Bênh vực, ủng hộ, bào chữa cho hành vi kỳ thị đồng tính của người khác, bao gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,...;

  • Có hành vi bắt nạt, chèn ép, phân biệt đối xử những người có quan hệ đồng giới;...

Mọi hành vi kỳ thị cộng đồng LGBT+ đều dẫn tới sự cô lập, tạo khoảng cách giữa người LGBT+ với cộng đồng. Trong các trường hợp tệ hơn, các hành vi kỳ thị có thể dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực. 

Một số hệ quả từ việc kỳ thị người LGBT+ có thể kể đến như:

  • Đe dọa sự tính mạng của người đồng tính khi bị “trừng phạt", đánh đập, xâm hại;

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có nguy cơ gây sang chấn tâm lý;

  • Gia tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích, tham gia vào các hoạt động tình dục nguy hiểm, và tự sát;

  • Hạn chế cơ hội được nhận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, các phúc lợi xã hội;

  • Đẩy người LGBT+ vào các tình thế phải bỏ việc, bỏ học, buộc thôi việc làm;

  • Khiến cho những người thuộc cộng đồng LGBT+ ngần ngại, gặp khó khăn trong việc công khai tính dục[1].

2. Vấn Nạn Bạo Lực Học Đường Và Kỳ Thị Ở Trẻ/Học Sinh Trong Nhóm LGBT+

Theo Báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới (BLHĐTCSG) tại Việt Nam được thực hiện bởi UNESCO công bố vào năm 2016 [2], những học sinh ở độ tuổi 10-19 tự coi là LGBT+ (bao gồm cả các học sinh không theo chuẩn mực giới) có nguy cơ gặp phải các hình thức BLHĐTCSG hơn đáng kể so với các bạn học khác. Trong nghiên cứu, 71% học sinh LGBT+ đã trải qua bạo lực thể chất, 72.2% bạo lực lời nói, 65.2% bạo lực tâm lý xã hội, 26% bạo lực tình dục và 20% bạo lực liên quan đến công nghệ thông tin.

Vào tháng 11/2022, trên mạng xã hội đã liên tục chia sẻ, bàn luận về thông tin từ Hiệu trưởng trường THPT D.V.T. (TP.HCM) yêu cầu giáo viên sắp xếp cho các học sinh “có vấn đề giới tính” ngồi cách biệt với các học sinh khác [3]. Yêu cầu của Hiệu trưởng này được cho là có hàm ý cho rằng các học sinh trong nhóm LBGT+ “có vấn đề", cần cô lập các em trong môi trường học đường. Hay từ 2016, một trường học tại TP.HCM đã không nhận học sinh đồng tính [4] gây nhiều phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.

Cùng rất nhiều bài báo, phóng sự liên quan, ta có thể thấy sự kỳ thị, bắt nạt đối với học sinh, trẻ vị thành niên trong nhóm LGBT+ đã đến từ không chỉ bạn bè đồng trang lứa mà còn từ phía thầy cô, nhà trường. Trên thực tế, cho dù nhận thức của người lớn về cộng đồng LGBT+ đã được cải thiện trong thời gian qua, với nhiều người thuộc thế hệ cũ vẫn cần thời gian để chấp nhận và thích nghi với những kiến thức mới về giới, cũng như đảm bảo môi trường học tập an toàn, bình đẳng giữa mọi học sinh.

Từ nỗi sợ và lo lắng về cộng đồng LGBT+ do chưa có kiến thức, việc nhiều nhà trường đưa ra các quy định cấm cản, hạn chế, hay cô lập học sinh trong nhóm LGBT+ không chỉ ảnh hưởng tới các em nằm trong nhóm LGBT+ mà còn khiến phần lớn học sinh gặp hạn chế trong việc khám phá bản thân, tìm tới các nguồn lực hỗ trợ từ thầy cô giáo, và tránh né việc đưa ra các vấn đề về giới trong trường học, như quy định mặc áo dài ở nữ sinh, việc sử dụng phòng vệ sinh ở học sinh chuyển giới,...

Ảnh: Facebook UNESCO Office in Viet Nam

3. Cần Giáo Dục/Nâng Cao Nhận Thức Về Cộng Đồng LGBT+ Ra Sao?

3.1. Với Học Sinh, Trẻ Em & Trẻ Vị Thành Niên

Nhiều phụ huynh cho rằng việc giáo dục và nâng cao nhận thức về giới, xu hướng tính dục, hay bản dạng giới là không phù hợp với độ tuổi trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Trên thực tế, ở bất kỳ độ tuổi nào, ta cũng có thể có những thắc mắc và tò mò về giới: Thế nào là cư xử như một người đàn ông “đích thực"? Vì sao mình lại chỉ có cảm xúc đặc biệt với những người bạn cùng giới?... Và việc được giáo dục và có nhận thức về các khái niệm như bản dạng giới, xu hướng tính dục,... từ sớm không ảnh hưởng tới cách trẻ định danh bản thân. Bởi xu hướng tính dục là thứ mà chúng ta không được lựa chọn khi sinh ra, và không bị tác động do môi trường hay cách cha mẹ nuôi dạy. 

Việc khám phá tính dục ở bản thân có thể là một hành trình dài hạn. Do đó, việc trẻ tò mò và có những trải nghiệm tính dục ở tuổi dậy thì là điều HẾT SỨC BÌNH THƯỜNG. Trẻ có thể có nhu cầu tìm kiếm sự trợ giúp cũng như giải đáp các thắc mắc về giới. Điều này nhà trường và phụ huynh có thể hỗ trợ thông qua các cuốn sách, các cuộc trò chuyện, các buổi toạ đàm, chương trình phòng ngừa, và các dự án xã hội.

3.2. Với Phụ Huynh

Không nhiều phụ huynh ngày nay được lớn lên và tiếp xúc với những khái niệm về giới, cũng như không quen biết ai thuộc cộng đồng LGBT+. Cùng những định kiến cần thời gian để thay đổi và xoá bỏ, rất nhiều phụ huynh đã nuôi dạy con, trong vô thức hoặc công khai kỳ thị, hoặc có thái độ ghét bỏ với người LGBT+. Điều đó khiến cho trẻ đang trong giai đoạn khám phá (questioning) hoặc nằm trong nhóm LGBT+ e ngại, sợ hãi, hoài nghi về bản thân, không dám chia sẻ, gần gũi với cha mẹ.

Rất nhiều người LGBT+ đã trở nên tách biệt với người nhà, che giấu bản dạng giới mà mình mong muốn để không phải chịu sự “trừng phạt" từ gia đình, người thân. Với nhiều gia đình, việc chấp nhận có con cái, người thân nằm trong cộng đồng LGBT+ là điều không hề dễ dàng. Việc con công khai mình là người LGBT+ có thể được nhiều phụ huynh hiểu đó là lời “đoạn tuyệt" từ con khỏi gia đình. Tuy nhiên, khi ý thức được những khó khăn tâm lý và định kiến mà cộng đồng LGBT+ phải trải qua, cha mẹ nên nhớ rằng điều con muốn khi công khai tính dục không phải để “chống lại" và làm “ô danh" gia đình, điều con muốn là sự chấp nhận và yêu thương từ chính những người quan trọng nhất.

Việc giáo dục cho con để hiểu về cộng đồng LGBT+ và có những trải nghiệm an toàn, lành mạnh ở tuổi vị thành niên là điều không hề dễ dàng. Phụ huynh có thể cùng con tìm đọc những cuốn sách, nghiên cứu, bài báo về chủ đề LGBT+ và giáo dục về giới; có những buổi thảo luận và trò chuyện cởi mở về vấn đề liên quan con đọc được, quan sát tại trường học, nơi ở,... Các hoạt động chung giữa cha mẹ và con không chỉ cung cấp cho con kiến thức mà cả sự cảm thông, đồng thời giúp phụ huynh hỗ trợ kịp thời khi con rơi vào trường hợp xấu - bị bắt nạt, kỳ thị tại trường học liên quan tới giới hoặc LGBT+.

3.3. Với Giáo Viên, Nhân Viên Tại Trường Học

Một số hoạt động mà giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học có thể thực hiện nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh, bình đẳng tới mọi học sinh như là:

  • Nhận biết các hành vi, ứng xử thể hiện việc kỳ thị, cô lập người LGBT+ và đưa ra các biên pháp xử lý phù hợp theo quy định nhà trường;

  • Quan sát, can thiệp các hành vi bạo lực học đường liên quan tới cộng đồng LGBT+, cũng như bạo lực tại nơi làm việc ở các nhân viên, giáo viên LGBT+;

  • Tổ chức các chương trình phòng ngừa, tập huấn để giáo dục tâm lý, nâng cao nhận thức, phòng tránh bạo lực học đường và các hành vi phân biệt đối xử với người LGBT+ dành cho đối tượng học sinh và cả giáo viên, cán bộ nhà trường;

  • Phối hợp với phụ huynh của các học sinh trong các vụ việc liên quan tới bạo lực / kỳ thị học sinh LGBT+, với mục tiêu nâng cao nhận thức cho học sinh có hành vi kỳ thị, cũng như có các hoạt động hỗ trợ tâm lý phù hợp cho học sinh LGBT+;

  • Có nguồn lực hỗ trợ tâm lý phù hợp với nhóm học sinh thuộc cộng đồng LGBT+.

Kết Luận

Những người thuộc cộng đồng LGBT+ không hề xa lạ hay sống tách biệt với mọi người. Để giúp trẻ vị thành niên có cơ hội khám phá bản thân và phát triển lành mạnh, thái độ cởi mở của gia đình, nhà trường, và một môi trường học tập an toàn, bình đẳng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Các thảo luận và phong trào ủng hộ cho quyền của người LGBT+ có thể xa vời và nằm ngoài mối quan tâm của nhiều người. Nhưng bắt đầu từ tình yêu thương dành cho con trẻ, phụ huynh và thầy cô có thể bắt đầu hành trình thay đổi nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBT+.

Tham khảo:

[1] Bạn có đang vô thức kỳ thị đồng tính? Vietnam Youth Alliance.

[2] Reaching out: preventing and addressing school-related gender-based violence in Viet nam, volume 1 (vie) UNESCO Office in Hanoi [51], UNESCO Office Bangkok and Regional Bureau for Education in Asia and the Pacific [1092]

[3] Nhà trường càng kỳ thị LGBT, học sinh càng mù mờ về giới. Dân Việt.

[4] Làm gì để trả lại sự công bằng cho học sinh LGBT? baophapluat.vn

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.