Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận nghiện game là một rối loạn tâm thần với dấu hiệu đặc trưng là khả năng kiểm soát trò chơi kém; ưu tiên việc chơi game trên các sở thích khác và các hoạt động hàng ngày; tiếp tục gia tăng thời lượng chơi game bất chấp các hiệu quả tiêu cực xảy ra.
Đôi Nét Về Nghiện Game
Thị trường trò chơi điện tử (game) có thể coi là một ngành công nghiệp tỷ đô. Theo thống kê, trên thế giới có hơn 2 tỷ người chơi game vào năm 2020; trong đó, trung bình mỗi người chơi khoảng 6 giờ/tuần. Thật không may, đối với một số người, sở thích chơi game có thể leo thang thành chứng rối loạn gây nghiện và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của họ.
Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận nghiện game là một rối loạn tâm thần. Theo đó, nghiện game, hay còn gọi là rối loạn chơi game (gaming disorder) được định nghĩa là một dạng hành vi chơi game đặc trưng bởi khả năng kiểm soát trò chơi kém; ưu tiên việc chơi game trên các sở thích khác và các hoạt động hàng ngày; tiếp tục gia tăng thời lượng chơi game bất chấp các hiệu quả tiêu cực xảy ra.
Cũng giống như các rối loạn liên quan đến chất gây nghiện, những người nghiện game liên tục ngồi trước máy tính (hoặc điện thoại) và tham gia vào game mà bỏ bê các hoạt động khác. Họ thường dành 8 - 10 giờ mỗi ngày hoặc hơn cho hoạt động chơi game, thậm chí còn có thể chơi game trong thời gian dài liên tục mà không ăn và/hoặc không ngủ. Các nghĩa vụ hàng ngày, chẳng hạn như bài tập ở trường học, công việc, hoặc việc nhà đều bị họ bỏ qua.
Khi Nào Chơi Game Trở Thành Vấn Đề Về Sức Khỏe Tâm Thần?
Không phải bất cứ người nào dành nhiều thời gian chơi game cũng mắc chứng nghiện game. Một người có thể dành nhiều giờ đồng hồ để chơi game, nhưng sau đó họ có thể dừng lại mà không gặp nhiều khó khăn, trường hợp này không được coi là nghiện game. Ngược lại, một người có thể nghiện game nếu họ không thể ngừng việc chơi game, mặc dù họ biết mình nên làm như vậy. Họ có thể biết rằng việc chơi game đang khiến họ bỏ bê gia đình, bạn bè, công việc và học tập, thế nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì hành vi này.
Bên cạnh đó, việc cá nhân “cần” chơi game để cảm thấy vui vẻ và họ sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ khi không chơi cũng được coi là một trong những dấu hiệu của nghiện game. Khi bị ngăn cản chơi game hoặc bắt đầu “cai nghiện” game, cá nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, hung hăng và “thèm” chơi game trở lại. Trường hợp này cũng giống như chứng nghiện rượu hay lạm dụng thuốc, bởi game cũng có thể kích hoạt giải phóng các “hormone hạnh phúc” trong não bộ - tương tự như các chất kích thích gây nghiện.
>>> Tham Khảo: Hormone Ảnh Hưởng Đến Tâm Lý Con Người Như Thế Nào?
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc những người xung quanh mắc chứng nghiện game, hãy tìm gặp nhà tâm lý để có kết luận chính xác.
Dấu Hiệu Và Triệu Chứng
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5) cho rằng những người nghiện game thường xuyên tham gia vào các trò chơi một cách liên tục, dẫn đến suy giảm chức năng về mặt thể chất hoặc đau khổ đáng kể về mặt tinh thần. Theo đó, một người được chẩn đoán là nghiện game cần có ít nhất là 5 trong số 9 triệu chứng dưới đây, kéo dài trong khoảng 12 tháng:
1. Bận tâm về các trò chơi trên Internet (chẳng hạn như suy nghĩ về các “ván” game đã chơi hay tính toán cho lần chơi tiếp theo); và chơi game trở thành một hoạt động chủ yếu mỗi ngày;
2. Xuất hiện các triệu chứng “cai nghiện” game (ví dụ: cáu kỉnh, lo lắng, buồn bã…) nhưng không có biểu hiện rõ ràng về mặt cơ thể như việc cai các chất dược lý (chẳng hạn như cai thuốc);
3. Nhu cầu về thời gian chơi game ngày càng tăng;
4. Nỗ lực kiểm soát việc chơi game nhưng không thành;
5. Mất quan tâm đến các hoạt động yêu thích trước đây do chơi game;
6. Chơi game quá nhiều mặc dù hiểu được các hệ quả có thể gặp về tâm lý - xã hội;
7. Nói dối gia đình, nhà trị liệu hay những người khác về thời lượng chơi game;
8. Chơi game để thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực;
9. Hủy hoại hoặc mất các mối quan hệ quan trọng, sự nghiệp, học hành hay cơ hội công việc do chơi game.
Việc nghiện chơi game trên Internet có có nghiêm trọng hay không tùy thuộc vào mức độ gián đoạn các hoạt động thường ngày. Những người nghiện game nhẹ hơn có thể có ít triệu chứng hơn và ít bị gián đoạn cuộc sống hơn. Ngược lại, những người nghiện game nghiêm trọng sẽ dành nhiều thời gian trên máy tính/điện thoại và các mối quan hệ hoặc cơ hội nghề nghiệp hay việc học hành của họ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc những người xung quanh mắc chứng nghiện game, hãy tìm gặp nhà tâm lý để có kết luận chính xác.
Các Vấn Đề Tâm Lý - Xã Hội Liên Quan Tới Nghiện Game
Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe thể chất (chẳng hạn như mất ngủ, béo phì, tiểu đường…), những người mắc chứng nghiện game có tình trạng sức khỏe tâm thần kém hơn. Các nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy tỷ lệ những người nghiện game có ý định tự tử ở mức cao, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Một số rối loạn tâm thần có liên quan tới nghiện game bao gồm:
• RỐI LOẠN LO ÂU (Anxiety disorder): Người mắc rối loạn này thường xuyên lo lắng, hốt hoảng hay sợ hãi tới mức độ bị ám ảnh; họ có các phản ứng thái quá trước những sự vật, sự việc kích thích nỗi lo lắng ấy, và họ không thể kiểm soát phản ứng của mình trong nhiều trường hợp. Điều này diễn ra trong một khoảng thời gian dài và gây ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động hàng ngày.
• RỐI LOẠN TRẦM CẢM (Depression): Người mắc rối loạn này có các triệu chứng bao gồm buồn bã dai dẳng và mất hứng thú trong cuộc sống trong thời gian dài. Chứng trầm cảm khiến họ có thể gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, và đôi khi, họ có thể cảm thấy rằng cuộc sống này không đáng sống.
• RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder - ADHD): Người mắc rối loạn này xuất hiện các triệu chứng giảm chú ý (chẳng hạn như dễ sao nhãng khi học tập) và/hoặc tăng động, xung động (chẳng hạn như vận động quá mức trong tình huống không phù hợp hay thường xuyên làm phiền người khác). Các triệu chứng trên khiến họ dễ gặp các vấn đề về cảm xúc và suy giảm chức năng xã hội.
• RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ (Obsessive compulsive disorder - OCD): Người mắc rối loạn này thường xuyên có những ý nghĩ ám ảnh; để thoát khỏi những suy nghĩ đó, họ cảm thấy bản thân phải lặp đi lặp lại các hành vi cưỡng chế (chẳng hạn như rửa/làm sạch tay, kiểm tra mọi thứ, đếm thầm trong đầu…). Các hành vi này có thể cản trở đáng kể đến các hoạt động hàng ngày và tương tác xã hội của họ.
Ngoài ra, nghiện game cũng có thể dẫn tới các hệ quả nghiêm trọng về mặt xã hội. Sự cô lập xã hội trong thời gian dài và sử dụng công nghệ do chơi game khiến những người mắc chứng nghiện game có kỹ năng giao tiếp kém, dễ gặp các vấn đề với bạn bè hay mọi người xung quanh. Họ cũng có có nguy cơ đạt thành tích học tập và hoặc thành tựu nghề nghiệp thấp hơn những người khác.
Đặc biệt, những người nghiện thể loại game hành động sẽ dễ trở nên hung hăng và/hoặc có khuynh hướng giải quyết những xung đột bằng bạo lực. Việc chơi game bạo lực có thể khiến họ trở nên trơ lỳ với các hành vi gây hấn, tạo ra cho họ niềm tin lệch lạc rằng chỉ có bạo lực mới có thể giải quyết được vấn đề.
>>> Tham Khảo: Tác Hại Của Việc Chơi Game Hành Động Đối Với Sự Chú Ý, Lo Âu & Giấc Ngủ Ở Sinh Viên Đại Học
Điều Trị Nghiện Game
Liệu Pháp Nhận Thức - Hành Vi (CBT)
Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT) là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng nghiện game. Nhà tâm lý sẽ giúp cá nhân kiểm soát kích thích, học cách phản ứng thích hợp, xây dựng chiến lược tự giám sát và điều chỉnh nhận thức, tư duy phê phán liên quan đến chứng nghiện game. Liệu pháp CBT có vai trò như một biện pháp ngắn hạn để giảm thiểu các triệu chứng nghiện game và triệu chứng trầm cảm do nghiện game gây ra.
Chương Trình Can Thiệp PIPATIC
PIPATIC là một chương trình trị liệu tâm lý cá nhân tích hợp dành cho những người từ 12 - 18 tuổi mắc chứng nghiện game. PIPATIC bao gồm 6 nội dung can thiệp: giáo dục tâm lý và tạo động lực; điều trị chứng nghiện; điều trị cá nhân; điều trị liên cá nhân; điều trị gia đinh; thiết lập lối sống mới. Chương trình này kéo dài 6 tháng với các buổi học từ 22 - 45 phút mỗi tuần, được dẫn dắt bởi nhà tâm lý học lâm sàng với các bài tập nhằm mục đích giảm thiểu các triệu chứng nghiện game và cải thiện sức khỏe. Đặc biệt, chương trình PIPATIC yêu cầu cần có sự hợp tác từ gia đình trong quá trình điều trị. Phương pháp này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có hiệu quả đáng kể, tuy nhiên, nó chỉ dành riêng cho đối tượng là thanh thiếu niên.
Hỗ Trợ Từ Gia Đình, Bạn Bè Và Những Người Xung Quanh
Những người mắc chứng nghiện game thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khi bắt đầu “cai nghiện”, do vậy, họ rất cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Gia đình hoặc bạn bè có thể giúp đỡ họ bằng cách lắng nghe và trò chuyện với thái độ bình tĩnh và tích cực. Đặc biệt, với các bậc phụ huynh có con mắc chứng nghiện game, cần hạn chế sự trừng phạt mà hãy kiên nhẫn và khuyến khích giúp con từ từ giảm thiểu các hành vi không lành mạnh.
>>> Tham Khảo: Hiểu Vì Sao Trẻ Thích Chơi Game Để Có Cách Cai Nghiện Game Giúp Trẻ
Nếu bạn cảm thấy mình hoặc người thân đang có những triệu chứng của nghiện game, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] Cyber Psychology: Internet/Gaming addiction. https://ait.libguides.com/c.php?g=699144&p=5024839
[2] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (Chủ biên).
[3] Video game disorder and mental wellbeing among university students: a cross-sectional study. https://www.panafrican-med-journal.com/content/article/41/89/full/
[4] Symptoms, Mechanisms, and Treatments of Video Game Addiction. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10065366/
[5] 3 Ways to Help Someone With a Video Game Addiction. https://www.goodrx.com/well-being/behavioral-addiction/help-with-video-game-addiction
[6] Video Game Addiction and Violence: Is There A Connection?. https://beachsideteen.com/video-game-addiction-violence/
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn