HẠNH PHÚC: MỤC TIÊU TRONG CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐẤT NƯỚC

Ở nhiều mức độ khác nhau, một số quốc gia đã chính thức công nhận hạnh phúc như một mục tiêu trong các chính sách phát triển đất nước cũng như phát triển giáo dục của họ. Các quốc gia này bao gồm Bhutan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Vanuatu.



Bhutan

Bhutan nổi tiếng trên toàn thế giới vì họ đã ưu tiên mục tiêu hạnh phúc trong tầm nhìn phát triển quốc gia. Đất nước này cũng sử dụng khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH) như một cách tiếp cận tổng thể để đo lường tiến độ phát triển, thay vì sử dụng các chỉ số kinh tế thuần túy (United Nations General Assembly, 2013). Hiến pháp năm 2008 của Bhutan ủng hộ việc theo đuổi GNH, xác định vai trò của chính phủ là “Đảm bảo hòa bình, an ninh, phúc lợi và hạnh phúc của người dân” (Royal Government of Bhutan, 2008). GNH dựa trên bốn trụ cột, được tiếp tục phát triển thành 09 lĩnh vực cần phát triển hạnh phúc: sức khỏe, sức khỏe tâm lý, thời gian, giáo dục, đa dạng văn hóa, quản lý nhà nước tốt, sức sống của cộng đồng, đa dạng sinh thái, mức sống.

Dựa trên các lĩnh vực này, Chỉ số GNH đã được phát triển bao gồm 33 chỉ số vào năm 2010. Chỉ số này được tạo ra để thay thế cho các thước đo phát triển thông thường. Nó cung cấp một thước đo đa chiều về hạnh phúc (các mục tiêu phát triển ở Bhutan), ít tập trung vào cá nhân và tập trung nhiều hơn vào hạnh phúc tập thể (Ura và cộng sự, 2012). Trong số 33 chỉ số, có 04 chỉ số được phân loại vào khía cạnh sức khỏe tâm lý (sự hài lòng trong cuộc sống, cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực và tâm linh), và 04 chỉ số phân loại vào lĩnh vực giáo dục (biết đọc biết viết, có đi học, có kiến ​​thức và các giá trị) (Ibid)

Kế hoạch chi tiết về giáo dục của Bhutan (2014-2024) hướng tới thúc đẩy tầm nhìn “Giáo dục vì GNH”, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của “văn hóa trường học tích cực” – công nhận cả kết quả học tập cũng như sự phát triển toàn diện của người học dựa trên các giá trị GNH (Ministry of Education [Bhutan], 2014). Trọng tâm của chính sách “Giáo dục cho GNH” là việc đề cao tầm quan trọng của tính bền vững và bảo vệ môi trường. Việc xây dựng “trường học xanh” đã được liệt kê là một phần trong sứ mệnh của chính sách này (Ministry of Education [Bhutan], 2012). Mô hình “Trường học xanh vì một Bhutan xanh” đề cập đến ý tưởng về việc coi môi trường tự nhiên như một “môi trường tích hợp để học tập”, với mục đích kép là “bảo tồn và học tập với môi trường” (Drakpa và Dorji, 2013, tr. 314). Khái niệm về trường học xanh này được xác định rõ hơn bởi 08 yếu tố/khía cạnh. Tất cả chúng đều có liên quan đến các tiêu chí khác nhau trong Mô hình Trường học Hạnh phúc của UNESCO: Môi trường xanh, Trí tuệ xanh, Học tập xanh, Xã hội xanh, Văn hóa xanh, Tinh thần xanh, Thẩm mỹ xanh, và Đạo đức xanh.

Nhật Bản

Các chính sách giáo dục của Nhật Bản phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với vấn đề hạnh phúc và phúc lợi. Ví dụ, Luật Giáo dục Trường học năm 2007, được coi là một sự thay đổi lớn trong định hướng giáo dục ở Nhật Bản. Luật này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thái độ tích cực đối với việc học tập, thúc đẩy tính độc đáo của cá nhân, phát triển mạnh mẽ lòng thấu cảm và tự lực, nuôi dưỡng quyền công dân toàn cầu đồng thời bảo tồn văn hóa và truyền thống địa phương (MEXT, 2011). Ngoài ra, các hướng dẫn phát triển chương trình giảng dạy quốc gia còn hướng tới thúc đẩy nguyên tắc “Zest for Living”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển cân bằng, đề cập đến năng lực học tập, tính cách được rèn giũa và sự chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Các tỉnh Akita và Fukui đã ưu tiên khái niệm hạnh phúc trong các chính sách và kế hoạch của họ. Ví dụ: “Kế hoạch chiến lược nuôi dưỡng kỹ năng đặt câu hỏi của học sinh theo 3 cấp độ” của tỉnh Akita nhằm giúp học sinh đạt được mục tiêu học tập thông qua các mối quan hệ và sự hợp tác để giải quyết vấn đề, thông qua phát triển các mối quan hệ tôn trọng khi tham gia các hoạt động tình nguyện, qua việc chia sẻ kinh nghiệm và tương tác với mọi người từ nhiều nền văn hóa khác nhau (UNESCO, 2014). Tương tự, ở tỉnh Fukui, kế hoạch cơ bản 5 năm về giáo dục của tỉnh hướng tới thúc đẩy việc cung cấp các trợ giúp về mặt thể chất và tâm lý, nhằm đảm bảo trường học không có bắt nạt và trẻ em sẽ được nuôi dưỡng tốt. Nó cũng nhằm mục đích tạo ra một văn hóa tin cậy trong trường học, thu hút sự tham gia của gia đình và cộng đồng địa phương, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia thể thao và các hoạt động ngoài trời (Cục Giáo dục tỉnh Fukui, 2011).

Hàn Quốc

Bạo lực học đường và bắt nạt gia tăng đang là mối quan tâm ngày càng lớn ở Hàn Quốc và dường như những điều này cũng có thể liên quan đến áp lực đối với người học trong việc đạt được thành tích học tập. Một phân tích được thực hiện vào năm 2013 cho thấy 32,2% học sinh từ 9 đến 17 tuổi đã báo cáo bị bắt nạt, trong khi 21,5% học sinh đã báo cáo rằng chúng đi bắt nạt học sinh khác.

Nhận thấy những dấu hiệu không hạnh phúc đáng báo động của học sinh, sinh viên, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một chính sách rõ ràng nhằm thúc đẩy hạnh phúc trong giáo dục. Kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức vào năm 2013, chính phủ đã thúc đẩy khái niệm “Giáo dục Hạnh phúc”, với khẩu hiệu “Giáo dục Hạnh phúc cho tất cả mọi người, năng lực sáng tạo sẽ định hình tương lai”. Theo đó, chính sách và kế hoạch giáo dục quốc gia hàng năm đã được đưa ra (Bộ Giáo dục [Hàn Quốc], 2014). Theo đó, chính sách giáo dục quốc gia năm 2013 bao gồm một trong những mục tiêu quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu giáo dục để hình thành ước mơ và tài năng của học sinh (Bộ Giáo dục [Hàn Quốc], 2013a). Theo chính sách này, chính phủ đã khởi xướng các biện pháp để giải quyết tình trạng không hạnh phúc ở học sinh, chẳng hạn như tăng cường giáo dục thể chất, nỗ lực giảm thiểu các căng thẳng liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học.

Bốn chính sách giáo dục chủ đạo trong Kế hoạch Giáo dục của Bộ Giáo dục (MoE) cho năm 2014 hướng tới tìm cách cải thiện hạnh phúc trong giáo dục, thông qua: (1) Hệ thống “Học kỳ miễn phí”, thay vì các kỳ thi, học sinh có thể tận hưởng các hoạt động học tập trải nghiệm và “tuần lễ khám phá nghề nghiệp”; (2) Chương trình giảng dạy tích hợp giữa Khoa học và Nghệ thuật tự do, nhằm nuôi dưỡng những tài năng sáng tạo; (3) Tập trung vào giá trị nhân văn, nghệ thuật, thể thao và xây dựng tính cách thông qua các hoạt động và câu lạc bộ; và (4) Chính sách “Trường học an toàn không bạo lực”, nhằm đảm bảo sức khỏe tâm thần của học sinh thông qua việc cung cấp hệ thống tham vấn, tư vấn ẩn danh, hướng đến giáo dục cá nhân hóa để ngăn chặn bắt nạt trên mạng và phát hiện sớm những học sinh có nguy cơ trầm cảm (Ministry of Education [Republic of Korea], 2014).

Các nỗ lực chính sách nhằm thúc đẩy hạnh phúc và phúc lợi của học sinh cũng đã được khởi xướng ở cấp tỉnh, đặc biệt là ở khu vực Daegu. Chính sách giáo dục của Daegu, mang tên “Nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng và hạnh phúc” có bốn chiến lược chính: (1) Nuôi dưỡng 05 năng lực chính của học sinh (xã hội, đạo đức, học tập, thể chất và cảm xúc), (2) Giáo dục dựa trên năng lực, (3) Tạo ra một môi trường giáo dục an toàn và dễ chịu, và (4) Thiết lập một cộng đồng giáo dục dựa trên sự tin tưởng và hạnh phúc (Daegu Metropolitan Office of Education, 2013). Theo đó, Văn phòng Giáo dục Thành phố Daegu đã phát triển các chương trình và hoạt động khác nhau bao gồm “Chương trình thời gian tương tác vui vẻ giữa học sinh và giáo viên”, nhằm thúc đẩy sự giao tiếp và tôn trọng giữa học sinh và giáo viên thông qua việc cho phép họ tham gia vào các hoạt động, sự kiện cùng nhau.

Văn phòng Giáo dục cũng đã thành lập các phòng tham vấn học đường, trong đó các chuyên viên chuyên trách, có khả năng thấu cảm với học sinh, giúp học sinh giải quyết bất kỳ vấn đề khó khăn nào mà các em có thể gặp phải (Daegu Metropolitan Office of Education, 2013).

Singapore

Nhận thức được mức độ căng thẳng cao mà học sinh Singapore phải đối mặt tại trường học, Bộ Giáo dục nước này đã thực hiện một số biện pháp. Ví dụ, kể từ năm 2012, Singapore đã tìm cách giảm bớt tình trạng "cạnh tranh không lành mạnh" bằng cách không còn công bố tên của những học sinh có thành tích cao nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học; không còn chấm điểm học lực của các trường THCS dựa trên kết quả học tập của học sinh trong các kỳ thi; và giảm phần thưởng cho các cơ sở giáo dục dựa trên thành tích học tập (Ang, 2012).

Những cải cách còn bao gồm việc sửa đổi sự công nhận trong trường – có tính đến cả những thành tích không liên quan đến học tập, và do đó khuyến khích học sinh trở nên toàn diện và năng động hơn; cắt giảm nội dung tiết học để dành thời gian cho việc học sâu và ứng dụng kĩ càng hơn; tiến hành xem xét lại các kỳ thi và phương pháp đánh giá để “giảm bớt sự phụ thuộc vào học vẹt và khuyến khích học tập, thử nghiệm độc lập” (Ministry of Education [Singapore], 2016a).

Bộ Giáo dục cũng đã giới thiệu về Giáo dục cảm xúc xã hội (SEL), một phương pháp tiếp cận giúp phát triển toàn diện cho người học, nhằm thúc đẩy các mối quan hệ tích cực (Yeo, 2011). Bộ Giáo dục nước này đã công nhận rằng, “môi trường học đường an toàn và quan tâm”, nơi có các mối quan hệ tích cực giữa học sinh và giáo viên, là yếu tố quan trọng đối với việc giảng dạy và tạo điều kiện cho SEL cũng như thúc đẩy kết quả học tập tốt (Ministry of Education [Singapore], 2015). Tại Singapore, SEL dựa trên 4 nguyên tắc chỉ đạo: (1) Tích hợp các giá trị cốt lõi của Singapore vào chương trình giảng dạy; (2) Đảm bảo rằng các năng lực xã hội và cảm xúc được hướng dẫn theo 05 lĩnh vực: tự nhận thức, nhận thức xã hội, quản lý bản thân, quản lý các mối quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm; (3) Làm cho môi trường học đường trở thành một yếu tố thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các năng lực này; và (4) Đảm bảo rằng người học thể hiện được tính cách và trách nhiệm công dân tốt dựa trên việc đạt được những năng lực này cũng như các giá trị cốt lõi của bản thân (Ministry of Education [Singapore], 2015).

Các nguyên tắc chỉ đạo xây dựng chương trình dạy học về Giáo dục nhân cách và Giáo dục công dân bao gồm việc lấy học sinh làm trung tâm, lấy giá trị làm trung tâm; cân bằng về phát triển các tính cách cá nhân và quyền công dân, mở rộng phạm vi từ bản thân ra thế giới; và cả việc quan tâm đến kinh nghiệm sống của học sinh. Đặc biệt có liên quan đến các tiêu chí trong Mô hình Trường học hạnh phúc của UNESCO chính là các nguyên tắc dạy và học, bao gồm việc công nhận rằng giáo viên là những tấm gương, những hình mẫu, vì vậy thái độ và tính cách của họ phải phản ánh các giá trị cốt lõi tốt đẹp. Nguyên tắc này dựa trên quan điểm cho rằng các giá trị không chỉ được dạy, mà còn được thể hiện sống động thông qua các trải nghiệm thực tế, thừa nhận rằng chất lượng của mối quan hệ thầy trò và một môi trường quan tâm sẽ rất cần thiết cho sự phát triển nhân cách của học sinh, thừa nhận sự cần thiết của giáo viên trong việc sử dụng các phương pháp tiếp cận hấp dẫn, sự hợp tác tích cực của phụ huynh trong trường học.

Các chương trình học xác định các phương pháp giảng dạy dựa trên những quá trình nhất định, cho phép phát triển các năng lực mong muốn, bao gồm các phương pháp như: kể chuyện, đóng vai, học tập trải nghiệm, đối thoại và học tập hợp tác (Ministry of Education [Singapore], 2012). Các giáo án cũng bao gồm những sáng kiến về chủ đề ​​Giá trị trong hành động, cung cấp trải nghiệm học tập theo cho phép người học có thể đóng góp một cách có ý nghĩa cho cộng đồng (Thaiyalan, 2015). Các chương trình học có cách tiếp cận đánh giá thú vị, theo đó học sinh được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình đánh giá, sử dụng tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Các tiêu chí đánh giá được truyền đạt rõ ràng cho học sinh để các em có thể tự theo dõi sự tiến bộ của bản thân và biết tự đặt ra các mục tiêu cho bản thân (Ministry of Education [Singapore], 2012).

Vanuatu

Năm 2006, Chỉ số Quốc gia hạnh phúc của tổ chức New Economics Foundation đã xếp hạng Vanuatu là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, với các thước đo dựa trên 3 chỉ số hạnh phúc: sự hài lòng về cuộc sống, tuổi thọ và dấu chân sinh thái - ecological footprint (NEF, 2006). Năm 2012, quốc gia này đã thí điểm “Các chỉ số đánh giá thay thế cho Hạnh phúc của Melanesia”, nhằm phản ánh các giá trị của Melanesia dựa trên một cuộc khảo sát bao gồm 3 lĩnh vực: khả năng tiếp cận tài nguyên, thực hành văn hóa và sức sống cộng đồng. Cuộc khảo sát về thực trạng hạnh phúc, bao gồm cả các yếu tố cá nhân và hộ gia đình, đã xem xét một số khía cạnh quan trọng của hạnh phúc tập thể, đó là giáo dục, tôn trọng, gắn kết văn hóa và bảo vệ môi trường (MNCC, 2012).

Các khái niệm về phúc lợi và hạnh phúc đã được phản ánh trong các chính sách giáo dục và chính sách phát triển quốc gia của Vanuatu. Ví dụ, Chiến lược ngành Giáo dục Vanuatu (2007-2016) vạch ra tầm nhìn về một “hệ thống giáo dục quan tâm, cung cấp cho mọi người trẻ các kỹ năng, giá trị và sự tự tin suốt đời, giúp họ tự chủ, đóng góp vào sự phát triển của Vanuatu; hợp tác với tất cả các bên liên quan để hình thành nên các trường học có hệ thống quản lý tốt” (Live and Learn, 2011). Tương tự, Tuyên bố chương trình giảng dạy quốc gia năm 2010 của Vanuatu nêu rõ mục đích của chương trình giảng dạy là tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng giúp các em “có cuộc sống hạnh phúc và hòa bình” (Ministry of Education [Vanuatu], 2010, p. 2). Tuyên bố đề cập trực tiếp đến 04 trụ cột của học tập, và đặc biệt là “Học cách cùng chung sống”, đồng thời liệt kê các năng lực liên quan đến hạnh phúc như: tôn trọng, sáng tạo, giao tiếp, tự tin, biết nhận diện và thể hiện cảm xúc.

Các tài nguyên giảng dạy và học tập quốc gia của Vanuatu cũng phản ánh mong muốn nuôi dưỡng hạnh phúc của học sinh. Ví dụ, hướng dẫn giảng dạy môn lịch sử dành cho giáo viên, được phát triển bởi Hội đồng Văn hóa Quốc gia Vanuatu vào năm 2005, gợi ý rằng đối với mỗi lớp học, giáo viên nên thu hút học sinh tham gia làm các bài tập hay hoạt động như “câu hỏi toàn diện”, “thảo luận” và “suy nghĩ sâu” để nâng cao sự hiểu biết và khả năng tư duy phản biện của học sinh (Vanuatu National Cultural Council, 2005). Hướng dẫn này cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự tham gia của học sinh vào các quá trình học tập, cho phép học sinh tương tác trong các nhóm. Hướng dẫn được thiết kế theo cách khuyến khích học sinh sáng tạo và gợi ý giáo viên nên "khích lệ học sinh suy nghĩ sáng tạo"; cần lưu ý rằng "không có câu trả lời đúng hoặc sai, học sinh có thể đưa ra những lý do chính đáng cho các quyết định của mình” (Ibid, tr. 42).

LỜI KẾT

Các thông tin về 05 quốc gia kể trên - Bhutan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Vanuatu – đã cho thấy hạnh phúc và phúc lợi đã được ghi nhận ra sao trong các chính sách phát triển đất nước và giáo dục trong nhiều bối cảnh khác nhau. Mặc dù mỗi quốc gia này có thể có những lý do khác nhau cho việc ưu tiên định hướng hạnh phúc, nhưng chính sách của họ có một số điểm tương đồng.

Đầu tiên, tất cả các quốc gia này đều nắm bắt được quan niệm về tầm quan trọng của hòa bình và sự bền vững đối với hạnh phúc. Các chính sách của các quốc gia này cũng giống nhau ở chỗ, họ tìm cách sử dụng giáo dục để đạt được các mục tiêu quốc gia hoặc phát triển các giá trị quốc gia. Ví dụ, chính sách “Giáo dục cho GNH” của Bhutan, các chính sách của Singapore thúc đẩy SEL và Giáo dục công dân nhằm củng cố các giá trị cốt lõi của quốc gia; và ở Vanuatu, giáo dục phục vụ cho việc duy trì văn hóa và cộng đồng địa phương. Tương tự, chính sách “Zest for Living” của Nhật Bản và chính sách “Giáo dục hạnh phúc” của Hàn Quốc đều tìm cách cải thiện cuộc sống của học sinh với mục đích chung là tạo ra các xã hội hạnh phúc hơn.

Các chính sách của 5 quốc gia cũng đều có chung hiểu biết rằng, việc thúc đẩy hạnh phúc và phúc lợi đòi hỏi hệ thống giáo dục phải vượt ra khỏi các lĩnh vực học tập, tính đến cả các lĩnh vực xã hội, cảm xúc và thể chất. Do đó, tất cả các quốc gia này đều nhận thức được rằng: giáo dục nên mang tính "toàn diện" để nâng cao hạnh phúc cho người học.

Nguồn: Happy schools! A framework for learner well-being in the Asia-Pacific. UNESCO Bangkok

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.