Giáo dục Cảm xúc - Xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển mỗi con người.
SEL là quá trình mà thông qua đó, tất cả mọi người từ trẻ em đến người trưởng thành ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và thái độ vào thực tế, nhằm phát triển bản sắc cá nhân lành mạnh, quản lý cảm xúc và đạt được các mục tiêu cá nhân, nhóm; cảm nhận và thể hiện sự thấu cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cũng như đưa ra được những quyết định có tính trách nhiệm, thể hiện được sự quan tâm.
Chương trình SEL thúc đẩy tính công bằng và hiệu quả trong giáo dục thông qua mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng, bằng việc thiết lập môi trường học tập, trải nghiệm tin cậy và hợp tác, các chương trình và hoạt động giảng dạy bài bản, ý nghĩa, hệ thống đánh giá thường xuyên, liên tục. SEL có thể hỗ trợ giải quyết nhiều hình thức bất bình đẳng khác nhau, hướng tới trao quyền cho học sinh, người trẻ và người trưởng thành cùng nhau tạo ra các trường học phát triển, cùng nhau đóng góp vì môi trường học đường an toàn, lành mạnh và công bằng.
Các Năng Lực Cốt Lõi Của SEL Là Gì? Môi Trường Và Đối Tượng Thích Hợp Cho Giáo Dục SEL?
Mô hình CASEL 5
CASEL 5 đề cập đến 5 lĩnh vực kỹ năng rộng lớn và có mối quan hệ mật thiết với nhau:
1. Tự nhận thức (self-awareness)
2. Quản lý bản thân (self-management)
3. Nhận thức xã hội (social awareness)
4. Kỹ năng trong các mối quan hệ (relationship skills)
5. Ra quyết định có trách nhiệm (responsible decision-making)
CASEL 5 có thể được dạy và áp dụng trong các bối cảnh văn hóa đa dạng và các giai đoạn phát triển khác nhau từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Nhiều địa phương và quốc gia đã sử dụng CASEL 5 để thiết lập các tiêu chuẩn và năng lực học tập cho học sinh từ mầm non đến phổ thông; nêu rõ những mục tiêu năng lực mà học sinh cần biết và có khả năng đạt được để thành công hơn trong học tập, gắn kết hơn với nhà trường và cộng đồng, phát triển sức khỏe thể chất, tâm thần cũng như có được công việc tốt sau này.
SEL Nên Được Giáo Dục Trong Môi Trường Nào?
Mô hình của CASEL áp dụng cách tiếp cận có hệ thống, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập môi trường học tập bình đẳng và phối hợp thực hiện giữa các lực lượng trong những môi trường: lớp học, trường học, gia đình và cộng đồng; nhằm nâng cao khả năng học tập và kỹ năng cảm xúc - xã hội cho tất cả học sinh. Các yếu tố nền tảng của một chương trình SEL hiệu quả bao gồm khâu thiết kế xây dựng các tiết học trên lớp dựa trên cơ sở thực chứng, cho đến việc thực hiện có chất lượng các chương trình này.
Sẽ rất tốt nếu có thể tích hợp SEL trong suốt chương trình giảng dạy và văn hóa của nhà trường, trong các chính sách, nội quy toàn trường trên nhiều phương diện, cũng như thông qua sự hợp tác liên tục với gia đình học sinh và các tổ chức xã hội.
Những sự phối hợp chặt chẽ như vậy sẽ giúp thúc đẩy tiếng nói, sự chủ động tham gia của học sinh, giúp thiết lập môi trường học đường hỗ trợ lẫn nhau với những mô hình kỉ luật tích cực, đồng thời nâng cao năng lực SEL của chính giáo viên, phụ huynh và các thành viên nhà trường, dựa trên các mối quan hệ đối tác chất lượng giữa trường học, gia đình và cộng đồng.
Trường Học Đóng Vai Trò Thế Nào Trong Việc Thúc Đẩy SEL?
Trong mối quan hệ với gia đình và cộng đồng, trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển cảm xúc – xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Điều này không chỉ có nghĩa là giảng dạy một tập hợp các kỹ năng nhằm ứng dụng SEL vào mọi khía cạnh của cuộc sống học đường hàng ngày (Meyers và cộng sự, 2018).
Thực hiện và duy trì một hệ thống SEL là một quá trình lâu dài, cần sự cải tiến thường xuyên. CASEL đã xác định 4 lĩnh vực trọng tâm giúp các nhà trường có thể tham gia vào việc triển khai SEL toàn trường, đảm bảo tính chất lượng, hiệu quả:
Xây dựng kế hoạch hỗ trợ và thực hiện SEL cơ bản.
Tăng cường năng lực SEL của các thành viên trong nhà trường (ban lãnh đạo, giáo viên, nhân viên): Tạo cơ hội và thúc đẩy những thành viên đang thực hành SEL với chính bản thân, những người biết hỗ trợ, quan tâm đến mọi người, nhằm làm gương cho các thành viên khác.
Thúc đẩy SEL đối với học sinh: Tạo cho tất cả học sinh toàn trường cơ hội tiếp cận các hoạt động SEL phù hợp, thường xuyên, nhất quán; tham gia và thực hành SEL đúng với sự phát triển của lứa tuổi và môi trường văn hóa của các em.
Thường xuyên cải tiến: Cải thiện các hoạt động, chương trình SEL một cách thường xuyên, liên tục theo những chu kỳ nhất định để tạo điều kiện thực hành các kỹ năng có hiệu quả trong mọi khía cạnh.
Tại Sao Nên Hướng Tới SEL Cho Toàn Trường?
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc các trường học khuyến khích giáo dục cảm xúc - xã hội là rất quan trọng đối với sự thành công trong học tập, xã hội, phát triển bản thân và nghề nghiệp của học sinh (Durlak và cộng sự, 2011). Ngoài ra, phương pháp tiếp cận SEL toàn trường, có hệ thống sẽ giúp:
Cải thiện môi trường học đường, từ đó giúp mang lại kết quả học tập và kỹ năng xã hội tốt hơn cho học sinh. Bài đánh giá của CASEL’s Collaborating District Initiative (CDI) - một sáng kiến về triển khai hệ thống SEL trong nhiều năm tại nhiều trường học – đã chỉ ra nhiều kết quả tích cực cho toàn trường (cải thiện môi trường và tăng tỉ lệ đến lớp) và cho học sinh (thành tích học tập, năng lực cảm xúc - xã hội tốt hơn, ít bị kỷ luật hơn) (CASEL, 2017).
Giúp nhà trường điều phối các dịch vụ và chương trình đa dạng (Elias và cộng sự, 2015; Oberle và cộng sự, 2016). Các trường học thường thực hiện nhiều chương trình trong và ngoài trường học nhằm mục đích phòng ngừa (ví dụ: phòng chống lạm dụng chất kích thích, phòng chống bắt nạt) và thúc đẩy thành tích cũng như hạnh phúc của học sinh. Tuy nhiên nếu sử dụng những chương trình phòng ngừa đơn lẻ và thiếu tính hệ thống, sẽ có khả năng làm mất đi sự chủ động và tự tin của giáo viên, nhân viên nhà trường, và làm giảm khả năng học tập của học sinh (Elias và cộng sự, 2015). Thay vào đó, hệ thống SEL sẽ cung cấp một khuôn khổ để phối hợp các chương trình hiện có thành một sáng kiến chung, với cơ sở hạ tầng, tầm nhìn và ngôn ngữ chung (Meyers và cộng sự, 2018).
Đảm bảo cho học sinh trải nghiệm SEL một cách nhất quán và chặt chẽ. Học sinh sẽ học và áp dụng các năng lực cảm xúc – xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn khi các hướng dẫn, các bài học có sự liên kết, nhất quán, củng cố lẫn nhau trong nhiều môi trường xung quanh trẻ: lớp học, nhà trường, gia đình, cộng đồng. Phương pháp tiếp cận có hệ thống đối với giáo dục cảm xúc – xã hội SEL hướng đến việc tập hợp tất cả các tác nhân có ảnh hưởng đến sự phát triển trong cuộc sống của học sinh, để giảng dạy cho trẻ, giúp trẻ học hỏi và giao tiếp với nhau.
Thúc đẩy khả năng thích ứng với các yếu tố văn hóa thông qua mối quan hệ mật thiết, chất lượng với gia đình và các lực lượng khác trong cộng đồng - những người đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển về mặt học tập, cảm xúc và xã hội của học sinh (Chartock, 2010; Delgado-Gaitan & Trueba, 1991; Hollins, 1996).
Nguồn: What is Social and Emotional Learning. CASEL
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn