Củng Cố Tích Cực (Positive Reinforcment) Là Gì?

Định Nghĩa

Khái niệm củng cố tích cực gắn liền với công việc của nhà tâm lý học hành vi B. F. Skinner. Là một phần trong công việc của mình trong suốt những năm 1930 và 1940, Skinner đã xem xét những cách mà hành vi có thể được thay đổi bằng cách đối xử với một người dựa trên những gì họ đã làm. Lý thuyết này còn được biết đến như một dạng điều kiện hóa từ kết quả (Operant Conditioning).

Củng cố tích cực đề cập đến việc đưa ra các kích thích mong muốn hoặc nhằm thỏa mãn đối tượng sau khi đối tượng thực hiện một hành vi. Theo đó, củng cố tích cực được coi như trao phần thưởng để khuyến khích hơn nữa hành vi đó hoặc thay đổi hành vi đã tồn tại từ trước.

Củng cố tích cực có thể ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, từ trong phòng thí nghiệm cho đến thế giới bên ngoài, từ học tập và ứng xử ở nơi làm việc cho đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Củng Cố Tích Cực Hoạt Động Như Thế Nào?

Như đã nói ở trên, các kích thích mong muốn hoặc nhằm thỏa mãn đối tượng sau khi đối tượng thực hiện một hành vi nhất định nhằm củng cố chính hành vi đó, làm cho hành vi đó có nhiều khả năng xảy ra hơn trong tương lai. Điều này có thể được sử dụng để dạy các hành vi mới hoặc củng cố những hành vi hiện có.

Theo đó, điều kiện hóa từ kết quả chính là lý thuyết làm nền tảng cho kỹ thuật củng cố tích cực của Skinner. Về bản chất, ý tưởng của củng cố tích cực là con người có thể sửa đổi hành vi bằng cách kiểm soát các hậu quả xảy ra theo sau nó. Skinner cho rằng học tập là một quá trình tích cực. Skinner tin rằng những suy nghĩ và động cơ bên trong không cần thiết trong việc giải thích hành vi. Thay vào đó, ông tin rằng lời giải thích này có thể đến từ những nguyên nhân bên ngoài và có thể quan sát được (Staddon & Cerutti, 2003).

Nếu một hành vi có kết quả tích cực theo sau nó (kết quả tích cực này chính là sự củng cố), thì hành vi đó có nhiều khả năng xảy ra lại trong tương lai; ngược lại, nếu một hành vi có kết quả tiêu cực (kết quả tiêu cực này có thể là sự trừng phạt), thì hành vi đó sẽ ít có khả năng xảy ra hơn (Staddon & Cerutti, 2003).

Tham khảo bài viết về kỷ luật tích cực.

Phân Loại

Có bốn loại công cụ củng cố tích cực có thể được sử dụng để khuyến khích các hành vi, mỗi loại có tính hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh (Kamery, 2004).

Củng Cố Tích Cực Tự Nhiên (Natural Positive Reiforcement)

Là những yếu tố xảy ra trực tiếp do kết quả của hành vi. Ví dụ: một người cố gắng làm việc với hiệu quả ngày càng cao tại nơi làm việc và đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, nỗ lực bền bỉ để có thể được tăng lương và thăng chức trong công việc.

Củng Cố Tích Cực Xã Hội (Social Positive Reiforcement)

Loại củng cố này có liên quan đến việc bày tỏ sự ghi nhận đối với hành vi nhằm thỏa mãn đối tượng. Ví dụ, một giáo viên hoặc phụ huynh có thể khen ngợi một đứa trẻ, hoặc một người sử dụng lao động có thể biểu dương một nhân viên vì đã làm việc xuất sắc (Kamery, 2004).

Củng Cố Tích Cực Hữu Hình (Tangible Positive Reinforcement)

Loại này có liên quan đến phần thưởng thực tế, vật chất cho hành vi mà đối tượng thực hiện. Chúng có thể bao gồm kẹo, đồ ăn vặt, đồ chơi, tiền hoặc một số đồ vật mà đối tượng rất mong muốn có được. Mặc dù những phần thưởng mang tới hiệu quả tốt, việc lạm dụng chúng có thể ngược lại, làm mất tác dụng ngay cả khi chúng chưa được sử dụng (Kamery, 2004).

Củng Cố Tích Cực Với Token 

Là các điểm hoặc mã được sử dụng cho việc thực hiện các hành động nhất định. Token sau đó có thể được đổi lấy thứ gì đó có giá trị. Ví dụ, một giáo viên có thể cho điểm cho một học sinh hoàn thành bài tập đúng hạn, điểm này có thể được sử dụng để đổi lấy phần thưởng (Kamery, 2004).

Tham khảo: Giáo dục tích cực

Một Số Ví Dụ Về Củng Cố Tích Cực 

Huấn Luyện Động Vật

Một ứng dụng dụng kinh điển của củng cố tích cực là huấn luyện hành vi của động vật. Châm ngôn chung về huấn luyện động vật đó là khen thưởng những hành vi tích cực và bỏ qua những hành vi mà người huấn luyện không mong muốn.

Việc sử dụng củng cố tích cực như một cách huấn luyện động vật có từ thời kỳ đầu trong nghiên cứu tâm lý, đặc biệt là các công trình của B. F. Skinner.

Skinner đã nghĩ ra một phương pháp khen thưởng hành vi tích cực được gọi là Skinner box (Dezfouli & Balleine, 2012). Về cơ bản, chiếc hộp này bao gồm một bộ phận tăng cường - một đòn bẩy hoặc nút, khi được nhấn theo một cách nhất định, sẽ mang lại phần thưởng như thức ăn hoặc nước - và một bộ theo dõi.

Bằng cách này, động vật có thể học cách thực hiện một nhiệm vụ theo một cách cụ thể để nhận được phần thưởng. Đây là một ví dụ về sự củng cố tích cực hữu hình (Dezfouli & Balleine, 2012).

Trong Môi Trường Công Việc

Củng cố tích cực cũng có thể được sử dụng tại nơi làm việc để khuyến khích các hành vi mong muốn. Ví dụ, người sử dụng lao động có thể thưởng cho nhân viên khi đạt hoặc vượt chỉ tiêu doanh số.

Loại củng cố tích cực này thường được gọi là hệ thống "trả lương liên quan đến hiệu suất" hoặc "trả cho hiệu suất".

Trong một ví dụ khác, một nhân viên đến làm việc đúng giờ mỗi ngày có thể nhận được một thẻ quà tặng vào cuối mỗi tháng như một cách để củng cố tính kỷ luật.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể cho nhân viên thêm những ngày nghỉ có lương như một cách để củng cố sự chuyên cần (Ackerman, 2022).

Điều quan trọng cần lưu ý là không nên nhầm lẫn việc tăng cường tích cực với hối lộ. Hối lộ xảy ra khi ai đó được cho một thứ gì đó để đổi lấy việc làm điều gì đó mà nếu không họ sẽ không làm, trước khi nó xảy ra.

Trong khi đó, sự củng cố tích cực xảy ra sau khi hành vi đã được thực hiện. Ví dụ, một nhân viên đã đến làm việc đúng giờ mỗi ngày không nên là do họ được nịnh nọt để làm như vậy - họ làm vậy là bởi họ muốn đủ điều kiện để được củng cố tích cực dưới hình thức phần thưởng (Ackerman, 2022).

Đối Với Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

Việc sử dụng mạng xã hội tăng vọt trong những năm gần đây và sự củng cố tích cực có thể là một trong những lý do giải thích sự nhảy vọt này. Các nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram đều tận dụng lượt thích, người theo dõi và các hình thức củng cố tích cực khác để giữ chân người dùng.

Ví dụ: một người đăng ảnh trên Instagram có khả năng nhận được lượt thích từ bạn bè và người theo dõi của họ. Điều này sẽ khuyến khích người đó tiếp tục đăng ảnh, vì họ đã được củng cố tích cực cho hành vi đăng ảnh. 

Tương tự, một người tweet thường xuyên và nhận được nhiều phản hồi cũng như lượt retweet có khả năng sẽ tiếp tục tweet, vì họ đang được củng cố cho hành vi của mình.

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các nền tảng truyền thông xã hội đều sử dụng sự củng cố tích cực theo cách giống nhau. Snapchat không sử dụng lượt thích hoặc lượt theo dõi như một hình thức củng cố tích cực. Thay vào đó, ứng dụng sử dụng dạng “vết” - tức là số ngày liên tiếp mà hai người đã kết nối với nhau. Điều này khuyến khích người dùng kết nối với nhau thường xuyên hơn để duy trì sự xuất hiện của họ trong cuộc sống của đối phương (Ackerman, 2022).

Trong Lớp Học

Củng cố tích cực là một phương pháp phổ biến trong dạy học. Một nghiên cứu về việc sử dụng củng cố tích cực trong lớp học cho thấy nó có thể cải thiện đáng kể hành vi và kỹ năng xã hội của học sinh, ngay cả sau khi củng cố tích cực kết thúc (Diedrick, 2010).

Ví dụ, một giáo viên có thể tặng sao vàng cho những học sinh đến lớp đúng giờ. Điều này sẽ khuyến khích học sinh trở lại làm việc một cách nhất quán.

Những người khác có thể hào phóng với những lời khen ngợi hoặc những đánh giá tốt, hoặc phát kẹo, đồ chơi khi học sinh cư xử phù hợp. Sự củng cố tích cực này thậm chí có thể hiệu quả hơn trong lớp học khi kết hợp với áp lực đồng đẳng từ bạn bè do thông thường, trẻ em muốn làm những điều đúng đắn và có thể trở nên xấu hổ nếu bị bắt gặp làm điều gì đó sai trái trước mặt bạn bè và bạn bè cùng trang lứa.

Vì vậy, khi ở trong lớp học có những học sinh khác đang quan sát, trẻ em sẽ trở nên dễ tiếp nhận phần thưởng hơn bình thường (Ackerman, 2022).

Tham khảo về hướng dẫn kỷ luật tích cực trong lớp học.

Tính Hiệu Quả

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc củng cố tích cực thực sự có hiệu quả. Kỹ thuật củng cố tích cực cũng được thực hành rộng rãi trong cả nghiên cứu và cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ, những người huấn luyện chó thường thưởng đồ ăn vặt cho chó như một cách để khuyến khích những hành vi mà họ muốn. Tương tự như vậy, cha mẹ và giáo viên đã phát hiện ra rằng sự củng cố tích cực có thể cực kỳ mạnh mẽ như một phương pháp dạy trẻ em cách cư xử phù hợp (Ackerman, 2022).

Điều quan trọng nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của củng cố tích cực, là cần có những kích thích nhằm thỏa mãn đối tượng càng sớm càng tốt sau khi hành vi mong muốn được thực hiện.

Khoảng cách thời gian giữa hành vi và phần thưởng càng dài, mối liên hệ giữa hành vi và yếu tố củng cố càng yếu đi và càng có nhiều khả năng có các hành vi khác can thiệp vào.

Củng cố tích cực được coi là đơn giản hơn các phương pháp đào tạo khác vì nó không gây ra kết quả tiêu cực cho các hành vi không mong muốn.

Điều này có thể cải thiện tinh thần và động lực của người học (Kamery, 2004). Nhìn chung, các học giả đồng ý rằng, khuyến khích các hành vi sẽ dễ hơn là ngăn cản các hành vi, có nghĩa là sự củng cố thường là một công cụ mạnh mẽ hơn là trừng phạt.

Kết Lại

Củng cố tích cực là một công cụ hữu ích mà mỗi chúng ta cần học và hiểu cách thực hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất trong mỗi hoàn cảnh và cá nhân khác nhau. 

Nguồn: Simply Psychology - What Is Positive Reinforcement?

Tham khảo: Hỗ trợ hành vi tích cực trong giáo dục

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/