Hoạt Động 1: Say Boo to Bullying
Hoạt động này có thể hiểu là Nói không với bạo lực học đường. Chúng ta đều biết “Boo” là từ vô cùng nổi tiếng trong ngày Halloween, trước đây chúng được dùng để “hù”, khiến những người hàng xóm bất ngờ trước buổi tiệc giữa các gia đình trong dịp lễ này.
Sau khi nói “boo” với nhau, mọi người sẽ ngầm hiểu là những con ma Halloween đang lởn vởn ở ngoài cửa nhà hàng xóm đã bị dọa sợ và bị đuổi đi (booed), từ đó mọi người có thể yên tâm tận hưởng bữa tiệc.
Kết hợp phong tục truyền thống đó một cách sáng tạo, việc nói “boo” với bạo lực và bắt nạt học đường có nghĩa là xóa bỏ chúng khỏi môi trường học tập. Bằng việc cho học sinh thiết kế những biểu ngữ, những hình nộm mang thông điệp “Say Boo to Bullying”, chúng ta có thể tuyên truyền rộng rãi trong nhà trường về các vấn nạn bạo lực học đường đồng thời mang đến thông điệp tích cực để ngăn chặn chúng.
Hoạt Động 2: Unwrap Assumptions
Hoạt động tâm lý học đường có thể hiểu theo tiếng Việt là Xác nhận giả định. Giáo viên tạo một nhân vật bất kì bằng bìa (cầu thủ, diễn viên múa, bác sĩ,…) và dùng giấy cuộn nhân vật lại như một “xác ướp”. Dưới mỗi một lớp giấy có ghi những giả định về nhân vật để gợi ý cho các bạn học sinh dần dần đoán được nhân vật ấy. Cứ sau mỗi lần cởi bỏ một lớp giấy (unwrap), các giả định (assumption) lại càng nhiều lên. Cho đến cuối khi lớp giấy bọc được cởi bỏ hoàn toàn và nhân vật lộ diện, giáo viên có thể dựa vào đó để khuyến khích học sinh cũng nên tự mình tháo những vỏ bọc e dè đang che lấp chính mình – để trở nên cởi mở, hòa đồng và tận hưởng cùng bạn bè nhiều hơn.
Hoạt Động 3: Candy Corn Feelings
Đây là một hoạt động nhóm vô cùng thú vị. Cả lớp sẽ chia thành các nhóm và mỗi nhóm sẽ được phát ba bộ mảnh giấy. Bộ thứ nhất có hình khuôn mặt biểu cảm cảm xúc, mảnh thứ hai là một câu nói mà rất phù hợp với biểu cảm của khuôn mặt và mảnh thứ ba là tên gọi chính xác của cảm xúc như vui, buồn, tức giận, thích thú,… Bằng cách xếp đúng ba mảnh thành một nhóm, các học sinh sẽ có được hình thù một chiếc kẹo ngô (candy corn) hoàn chỉnh. Việc lắp ghép như vậy sẽ giúp các bạn học sinh nhận biết và thấu hiểu các cảm xúc của mình cũng như người khác một cách tốt hơn.
Áp dụng SEL (giáo dục cảm xúc xã hội) vào quá trình dạy học: Tham khảo bài viết tại đây.
Hoạt Động 4: What’s On The Inside
“Bên trong có gì?”
Thông thường vào lễ hội Halloween, mọi người sẽ hóa trang để tham gia buổi lễ và tạo bất ngờ cho nhau. Đôi khi, bộ trang phục còn thể hiện một thông điệp nào đó. Nhìn những lớp hoá trang, chúng ta rất khó đoán được là ai nếu như không trò chuyện hay tiếp xúc với họ. Hoạt động tâm lý học đường sẽ khuyến khích học sinh cởi bỏ các lớp trang phục và tìm hiểu về nhau nhiều hơn cũng như chia sẻ về bản thân nhiều hơn, từ đó giúp các học sinh cởi bỏ định kiến và trở nên hòa nhập hơn. Nếu như có thể giúp các em học sinh tháo gỡ những nhận định ban đầu của chúng về các bạn học như “Ôi, bạn này có vẻ hơi khó gần”, “Bạn kia nghịch ngợm quá, không đáng yêu gì cả” để trẻ hiểu và đến gần nhau hơn thì sẽ là một điều rất ý nghĩa.
Hoạt Động 5: Color by Coping Skill
Đây là một hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng ứng phó (coping skill) cho học sinh. Các học sinh sẽ được phát cho các bức tranh xinh xắn có chủ đề Halloween với các ô màu sắp xếp ngẫu nhiên. Để hoàn thành bức tranh, các em phải tô màu hết các ô đó. Vậy các em sẽ lấy màu từ đâu? Chúng ta sẽ có một bảng hướng dẫn kỹ năng ứng phó tương đương với các màu sắc cho trước, ví dụ như “hãy tập hít thở sâu hoặc tập yoga” tương ứng với màu xanh lá cây, “hãy làm một điều tốt với người bạn của em” tương ứng với màu vàng. Mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ thì các em mới được lấy chiếc bút màu tương ứng với nhiệm vụ đó. Và với việc muốn lấy được nhiều màu sắc để hoàn thành bức tranh, các học sinh sẽ liên tục được luyện tập kĩ năng ứng phó và đây là cơ hội tốt để các em làm quen và vận dụng chúng trong cuộc sống sau này.
Hoạt Động 6: Halloween Safety
Halloween là một dịp rất tốt để hướng dẫn các em cách giữ cho bản thân an toàn. Các giáo viên sẽ chuẩn bị các tấm thẻ tình huống và hỏi các em đây là tình huống an toàn hay không. Ví dụ tấm thẻ có nội dung:
“Jimmy tự đi chơi trò Cho kẹo hay bị ghẹo (trick or treat) một mình vào ban đêm” là an toàn hay không?
“James ăn một chiếc socola đã bị bóc vỏ do người lạ mang tới” là an toàn hay không?
“Khi có một người lạ đến và muốn dẫn Lean đi chơi trick or treat thì em đã từ chối và nói sẽ đi cùng bố của mình” là an toàn hay không?
Từ đó giúp các em biết cách phòng tránh và tự bảo vệ bản thân mình.
Hoạt Động 7: Halloween Affirmation Encouragement Tear
Hoạt động này có thể hiểu đơn giản là Lời khẳng định tích cực. Mỗi em học sinh sẽ được cho xem một quả bí ngô Halloween trông có vẻ hơi “buồn bã”. Để giúp quả bí ngô “vui vẻ” trở lại và cổ vũ nó, các em sẽ nghĩ ra những lời khen thật tích cực và dán lên quả bí ngô để giúp đỡ nó. Càng viết được nhiều lời khen tích cực, các em sẽ được rèn luyện suy nghĩ lạc quan, cởi mở và tự tin hơn.
Tham khảo: Củng cố tích cực
Hoạt Động 8: Halloween Pumpkin Emoji Feelings Posters
Đây là hoạt động dán nhãn cảm xúc. Các em sẽ được phát cho một tập hình dán (sticker) bí ngô với các cảm xúc khác nhau như vui, buồn, thích thú,… Sau đó trong suốt khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến ngày halloween, mỗi ngày, các em sẽ chọn một tấm sticker đại diện cho cảm xúc trong ngày của mình và dán lên tờ lịch của ngày hôm đó. Đến ngày halloween, các em sẽ cùng xem lại các cảm xúc của mình cũng như kể lại các trải nghiệm mang lại những cảm xúc đó. Hoạt động này giúp các em học sinh nhận biết và tôn trọng và dũng cảm đối mặt với cảm xúc của mình, dù là niềm vui hay nỗi buồn.
Tham khảo: Giáo dục về hạnh phúc
Hoạt Động 9: PUMPKIN Friendship Character
Hoạt động tâm lý học đường này bao gồm 7 đặc điểm quan trọng của tình bạn được ghi nhớ qua 7 chữ cái của từ PUMPKIN. Chúng bao gồm:
Patience – sự kiên nhẫn
Understanding – sự hiểu biết lẫn nhau
Mutual respect – sự tôn trọng lẫn nhau
Protection – sự bảo vệ
Kindness – sự tốt bụng
Integrity – sự thẳng thắn
Non Judgement – không phán xét
Chúng là một câu chuyện về một người bạn bí ngô với những phẩm chất về tình bạn tuyệt vời, sau đó sử dụng lần lượt các đặc điểm này để trò chuyện, xây dựng hoạt động nhóm cho học sinh để củng cố các đặc điểm tính cách và giúp các em hiểu thêm về những phẩm chất tốt này.
Nguồn:
Counselor Keri - Halloween-Themed Counseling Activities
School Counselor World (Pinterest) - Halloween counseling activities