Mô Hình 3 Chữ P (UNESCO) Và Các Tiêu Chí Xây Dựng Trường Học Hạnh Phúc

Dự án Trường học hạnh phúc lần đầu tiên tổ chức bởi UNESCO Bangkok năm 2014 đã thực hiện các cuộc khảo sát và hội thảo với các trường học, bao gồm các khách thể là học sinh, giáo viên, phụ huynh và hiệu trưởng, nhằm xác định các yếu tố tạo nên một trường học hạnh phúc. Việt Nam cũng tham gia vào quá trình này.

Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một khung hướng dẫn gồm 22 tiêu chí cho một trường học hạnh phúc, nằm trong 3 yếu tố chính, hay còn gọi là 3 chữ P: People (Con người), Process (Hệ thống) và Place (Môi trường).

P – PEOPLE (CON NGƯỜI) 

Những khách thể tham gia nghiên cứu đánh giá rằng các mối quan hệ và tương tác giữa con người với nhau là yếu tố có vai trò quan trọng nhất. Nói cách khác, đặt trong bối cảnh 3 chữ P, thì P – People (con người) được coi là đặc biệt quan trọng. Chữ P này bao gồm 6 tiêu chí được trình bày dưới đây.

  1. Tình bạn và các mối quan hệ trong trường học

Những người được hỏi đặc biệt nhấn mạnh đến tình bạn và các mối quan hệ, như là một yếu tố quan trọng giúp cho trường học và việc học tập trở nên vui vẻ, đảm bảo sự hòa nhập của mọi người. Một quan điểm từ người tham gia đến từ Indonesia cho biết: trường học hạnh phúc là một trường học có “tích hợp thời gian tương tác xã hội và/hoặc thời gian học tập xã hội, nhằm khuyến khích học sinh xây dựng tình bạn bền chặt và các mối quan hệ tri thức”. Học sinh nhìn nhận điều này liên quan đến mối quan hệ với bạn cùng lớp, khác lớp, và mối quan hệ của chúng với giáo viên. Đối với giáo viên, không chỉ có mối quan hệ với học sinh, việc xây dựng trường học hạnh phúc còn liên quan đến nhu cầu xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và tích cực với ban lãnh đạo, đồng thời thu hút được sự tham gia của phụ huynh và toàn bộ các thành viên khác trong nhà trường.

Một số chiến lược tiềm năng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ này có thể kể đến:

  • Khuyến khích sự tham gia của phụ huynh bằng cách làm cho trường học trở nên dễ tiếp cận hơn, “cởi mở”, công khai hơn với cộng đồng

  • Triển khai các hình thức câu lạc bộ hoặc các nhóm học sinh đa dạng khối lớp

  • Cùng thực hiện những hoạt động với các nhà trường khác

  1. Thái độ tích cực và những đặc trưng tính cách của giáo viên

Điều này được học sinh, phụ huynh và chính giáo viên đặc biệt nhấn mạnh. Một học sinh nam tại 1 trường THPT công lập Philippines chia sẻ rằng, “các thầy cô giáo không được nghiêm khắc hoặc gây áp lực cho học sinh trong các kỳ thi, dự án hoặc hoạt động. Em biết rằng một số thầy cô có thể khiến học sinh học mà không cần gây áp lực; thái độ của các thầy cô là rất quan trọng đối với học sinh chúng em”.

Các chiến lược được sử dụng để thúc đẩy thái độ tích cực và những đặc trưng tính cách của giáo viên có thể bao gồm:

  • Tạo cảm giác như một “gia đình” khi học sinh ở trường.

  • Ưu tiên các tiêu chuẩn về nhân cách, thái độ và đạo đức nhà giáo trong việc tuyển dụng và đánh giá giáo viên

  • Thiết lập một hệ thống cho phép học sinh phản hồi, đánh giá đối với giáo viên

  1. Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt

Học sinh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường… đều thấy rằng, trường học cần phải là nơi chấp nhận các nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh khác nhau, cho dù là khía cạnh văn hóa, dân tộc, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, khuynh hướng tính dục, hay các khuyết tật và khó khăn về thể chất, học tập. Mọi người cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ việc cạnh tranh và thiên vị giữa các học sinh, điều này có thể đạt được thông qua việc khuyến khích tăng cường làm việc theo nhóm. Đảm bảo tôn trọng sự đa dạng và khác biệt liên quan đến các tiêu chí như nội dung học tập hữu ích, phù hợp và hấp dẫn, cách tiếp cận dạy và học thú vị và hấp dẫn cũng như thái độ tích cực và những đặc trưng tính cách của giáo viên.

Các chiến lược sau đây là một vài gợi ý về cách có thể thúc đẩy tiêu chí này:

  • Thúc đẩy kiến ​​thức về các nền văn hóa đa dạng cả trong và ngoài trường học

  • Khuyến khích hoạt động đóng vai và thảo luận nhằm tạo ra sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau

  • Thúc đẩy sự hiểu biết về người khác thông qua việc giảng dạy các tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau

  • Đưa những học sinh có nhu cầu đặc biệt tham gia vào các hoạt động học tập hợp tác

  1. Các giá trị và thực hành tích cực, hợp tác

Điều này đề cập đến các khái niệm về lòng tốt, sự đồng cảm, lòng khoan dung, sự quan tâm và đối xử bình đẳng trong trường học.

Các mục tiêu hoạt động sau đây có thể giúp khuyến khích những giá trị này:

  • Truyền tải các giá trị, thái độ và thực hành tích cực

  • Giới thiệu những phương pháp học tập có thể ứng dụng được trong nhiều môn học

  1. Phúc lợi và hạnh phúc của giáo viên

Một đánh giá gần đây về tình trạng thực tế và quyền của giáo viên ở 8 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, mặc dù đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng lương của giáo viên vẫn thấp so với lương của các ngành nghề khác (UNESCO, 2015). Ngoài ra, theo như Ủy ban các chuyên gia của ILO/UNESCO đã nhấn mạnh trong các phiên làm việc 3 năm một lần về việc áp dụng các khuyến nghị liên quan đến cán bộ giảng dạy (viết tắt là CEART), rằng giáo viên ở nhiều quốc gia đang làm việc trong bối cảnh nhận được ít sự công nhận của xã hội, đào tạo chuyên môn còn yếu và thiếu những cơ hội phát triển nghề nghiệp liên tục (ILO và UNESCO, 2012).

Nhiều giáo viên trả lời cuộc khảo sát Trường học hạnh phúc cho biết, phúc lợi và hạnh phúc cho giáo viên tốt là điều cần thiết để làm cho trường học trở thành nơi hạnh phúc hơn. Tập trung vào việc cải thiện điều kiện và phúc lợi của giáo viên có thể giúp đảm bảo thái độ và phẩm chất tích cực của họ. Các giáo viên tham gia cuộc khảo sát cũng báo cáo rằng họ cảm thấy cần phải có sự quản lý tích cực của nhà trường, đảm bảo sự công nhận và khen thưởng tốt hơn, cũng như khiến cho giáo viên có cảm nhận tốt về những thành tích đạt được - nữ giáo viên tại 1 trường công lập ở Myanmar chia sẻ.

Kết quả khảo sát cho thấy nhiều tiêu chí liên quan đến giáo viên có mối quan hệ với nhau: các điều kiện, phúc lợi cho giáo viên tốt có thể cải thiện thái độ của giáo viên, từ đó giúp giáo viên tích cực tham gia đào tạo để nâng cao kỹ năng, năng lực; dẫn đến giáo viên sẽ sử dụng nhiều cách tiếp cận dạy học phong phú, đa dạng hơn.

Việc quan sát và tôn vinh các giáo viên cùng những đóng góp của họ cho nhà trường và xã hội là một trong những hoạt động có thể thực hiện để phát triển tiêu chí này.

  1. Kỹ năng và năng lực của giáo viên

Trong khi nhiều người tham gia khảo sát đề cao tầm quan trọng của việc giáo viên có kỹ năng và năng lực tốt, thì các giáo viên lại nhấn mạnh rằng, cơ hội phát triển nghề nghiệp mới là đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện hạnh phúc trong trường học. Họ cảm thấy các cơ hội đào tạo, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy đổi mới và sáng tạo, sẽ cho phép họ học cách làm cho việc dạy học trở nên thú vị, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với chi phí phát triển nghề nghiệp cao, những cơ hội như vậy không phải lúc nào cũng sẵn có thông qua các kênh chính thức. Trong khi ở một góc độ nào đó, rõ ràng là các cơ hội để phát triển nghề nghiệp là cần thiết khi xét trên phạm vi quốc gia, thì cũng có thể nhận thấy rằng, các sáng kiến ​​được thực hiện bởi cấp quản lý ở phạm vi trường học cũng có thể rất có lợi, đặc biệt là trong trường hợp ngân sách nhà nước phân bổ cho việc phát triển nghề nghiệp còn hạn chế (UNESCO, 2015c, tr. 4).

Nâng cao kỹ năng và năng lực của giáo viên thông qua mạng lưới hỗ trợ trong trường học và các hoạt động hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp là một việc làm cần thiết.

>>> Tham Khảo: Vì Sao Cần Xây Dựng Trường Học Hạnh Phúc?

P -  PROCESS (HỆ THỐNG)

Quá trình giảng dạy và học tập là một khía cạnh cơ bản cần quan tâm để làm cho trường học trở thành nơi hạnh phúc hơn. Khảo sát cho thấy, các phương pháp dạy và học mà giáo viên sử dụng có vai trò quyết định liệu việc học có thú vị hay không, bên cạnh đó một số phương pháp còn có thể giúp học sinh đạt được các kỹ năng và năng lực khác nhau ngoài thành tích học thuật. Hơn nữa, phương pháp giảng dạy và học tập mà giáo viên sử dụng cũng ảnh hưởng đến việc người học có cảm thấy tự do thể hiện bản thân, sáng tạo và chủ động tham gia vào việc học hay không. Bởi những áp lực về thành tích học tập trong thực tế hiện nay, nên các tiêu chí trong phần P-Process này đòi hỏi các tiêu chí đánh giá đa dạng khác nhau, bao gồm cả các kỹ năng và năng lực nằm ngoài kỹ năng học tập.

  1. Khối lượng kiến thức hợp lý và công bằng

Một trong số các yếu tố được đề cập thường xuyên nhất khiến trường học không hạnh phúc, là những đánh giá về khối lượng bài tập về nhà và thi cử không hợp lý, không công bằng đối với học sinh. Thật vậy, báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy mức độ gia tăng căng thẳng đáng kể do áp lực phải đạt điểm cao trong các kỳ thi ở học sinh. Áp lực này bắt nguồn từ cả hệ thống giáo dục và gia đình. Mọi người đang dựa trên một tiêu chuẩn nhận thức rằng, kết quả kiểm tra, thi cử là phương tiện tốt nhất để đo lường quá trình học tập và sự thành công của một học sinh.

Những người tham gia nghiên cứu cũng đã chỉ ra các cách đánh giá thay thế, có lợi cho sức khỏe của người học hơn, đó là chuyển trọng tâm từ việc đánh giá các kỹ năng nhận thức thuần túy sang đánh giá các giá trị và các kỹ năng, năng lực phi học thuật (non-academic skills). Những người được hỏi cũng nêu ra nhu cầu đối với các trường phổ thông và đại học trong việc sử dụng các tiêu chí phi học thuật để đánh giá khi tuyển sinh. Việc tích hợp các yếu tố như tính cách, giá trị, điểm mạnh và năng lực của học sinh được cho là đặc biệt quan trọng ở bậc đại học. Việc này có thể giúp chuyển trọng tâm đánh giá từ việc chỉ cần đạt điểm cao trong các kỳ thi hay có điểm số ấn tượng, hướng tới việc đánh giá dựa trên "toàn bộ con người" một cách toàn diện hơn.

Một số hoạt động có thể kể đến:

  • Giảm các bài kiểm tra và kỳ thi

  • Thay thế bài tập về nhà bằng các hoạt động tùy chọn

  • Coi trọng các lĩnh vực khác ngoài học tập, sử dụng các tiêu chí đánh giá khác thay thế

  • Sử dụng cả các tiêu chí phi học thuật trong đánh giá tuyển sinh.

  1. Tinh thần đồng đội và hợp tác

Các câu trả lời trong cuộc khảo sát đã nêu bật tầm quan trọng của làm việc theo nhóm và tinh thần hợp tác trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc. Các việc cần làm bao gồm: tạo cho học sinh cảm giác được thuộc về, khuyến khích học sinh học tập cùng nhau, bởi “hợp tác cho phép người học làm việc cùng nhau, cũng như chia sẻ cùng nhau trách nhiệm, tài liệu, vai trò và các cơ hội học tập’ (UNESCO, 2004, tr 22).

2 chiến lược sau đây được đề xuất từ các kết quả nghiên cứu:

  • Giao các bài tập nhóm để học sinh có cơ hội hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề

  • Sử dụng đa dạng các hoạt động học tập làm việc theo nhóm

  1. Phương pháp dạy học vui vẻ và hấp dẫn

Khách thể tham gia khảo sát đã nhấn mạnh sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận học tập một cách hấp dẫn, làm cho quá trình dạy học thú vị hơn đối với không chỉ học sinh mà còn cả giáo viên. Những cách tiếp cận như vậy không nhất thiết phải làm cho việc học dễ dàng hơn, cũng không nhất thiết phải cho phép người học nhàn nhã, mà ngược lại, những cách tiếp cận đó cần phải hướng đến giúp thúc đẩy tình yêu học tập thực sự, giúp người học thành công hơn khi ở trường. 

>>> Tham Khảo: Dạy Hạnh Phúc Cho Học Sinh Tại Trường

  1. Sự tự do, sáng tạo và gắn kết của người học

Đại diện của các trường chia sẻ tại Hội thảo Trường học Hạnh phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi những sai lầm như một phần của quá trình học tập và phát triển, thay vì coi chúng là những sự xấu hổ. Nhiều nhà giáo dục đã coi sai lầm là một phần thiết yếu của quá trình "thực hành có chủ ý", nhờ đó các vấn đề khó khăn được xác định để khắc phục, cải thiện và làm chủ. Theo chia sẻ của một nữ hiệu trưởng tại một trường quốc tế ở Ấn Độ, một trường học hạnh phúc là một trường học đảm bảo “quyền tự do ngôn luận và chia sẻ các trách nhiệm với nhau một cách không đe dọa, chấp nhận các sai lầm”.

Để làm được điều đó, các nhà trường có thể:

  • Coi việc mắc lỗi như một phần của quá trình học tập

  • Dạy học sinh cách đặt các câu hỏi

  1. Cảm nhận về thành tích và sự hoàn thành nhiệm vụ

Nhiều học sinh trong cuộc khảo sát cho biết, trường học hạnh phúc phải là nơi học sinh có được những cảm nhận về thành tích cũng như sự hoàn thành các nhiệm vụ. Điều này không liên quan đến việc đạt điểm cao trong các kỳ thi hay bài tập, mà nó liên quan đến việc nhận được sự công nhận và khích lệ từ giáo viên, phụ huynh, cũng như mọi người trong trường. Thật vậy, phản hồi tích cực và sự công nhận của mọi người xung quanh có thể có giá trị rất cao trong mắt học sinh, giúp thúc đẩy các em cải thiện thành tích học tập. Những nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, dù là nhỏ, cũng nên được tôn vinh.

Sau đây là một số ví dụ về các cách để tôn vinh những nỗ lực của học sinh.

  • Đưa ra các phản hồi tích cực và sự công nhận công khai

  • Cho học sinh tham gia sáng tạo và chia sẻ về những ước mơ của mình

  • Tặng các giải thưởng, phần thưởng thông qua các cuộc thi của trường

  1. Các hoạt động ngoại khóa và các sự kiện của trường

Tất cả các trường tham gia Hội thảo Trường học Hạnh phúc đều đồng ý rằng, các hoạt động ngoại khóa và sự kiện của trường có thể là một trong những chiến lược quan trọng nhất để làm cho trường học trở thành những nơi hạnh phúc. Các hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp nâng cao khả năng học tập, mà còn đặc biệt có lợi trong việc rèn luyện và phát huy những điểm mạnh về tính cách, chẳng hạn như lòng tốt, sự kiên trì và tinh thần đồng đội.

Nhìn chung, những người tham gia hội thảo đều cảm thấy rằng các hoạt động ngoại khóa nên do học sinh chủ trì, hoặc do học sinh và giáo viên phối hợp tổ chức. Từ góc độ học sinh, những hoạt động này được coi là điều khiến chúng hạnh phúc nhất ở trường. Tuy nhiên, nhiều học sinh cảm thấy rằng, áp lực chuẩn bị cho kỳ thi đã hạn chế thời gian của chúng dành cho các hoạt động này.

Một số chiến lược nhằm tích hợp các hoạt động vào trải nghiệm học tập bao gồm:

- Tổ chức các hoạt động sau giờ học như một giải pháp thay thế cho việc phụ đạo cá nhân

- Tổ chức các sự kiện để thúc đẩy ý thức tập thể toàn trường.

- Thu hút học sinh thông qua các câu lạc bộ truyền thông.

  1. Hình thành các nhóm học tập giữa học sinh và giáo viên

Những người trả lời khảo sát cho rằng, học sinh và giáo viên cần phải học cùng nhau như thể một nhóm, thông qua một “hành trình” chung hoặc hướng tới một mục tiêu chung, từ đó tạo cho họ ý thức làm chủ chung trong quá trình dạy và học. Theo một học sinh nam tại trường công lập ở Trung Quốc, "mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh như thể tình bạn sẽ đảm bảo cho cả hai đều có cơ hội bình đẳng để học hỏi lẫn nhau".

Một chiến lược thích hợp cho việc này được đề xuất đó là việc thay sách giáo khoa bằng các giáo án cộng tác, có sự phối kết hợp của cả 2 bên.

  1. Nội dung học tập hữu ích, có liên quan và hấp dẫn

Nhiều người tham gia cuộc khảo sát và hội thảo cảm thấy rằng nội dung học ở trường không hữu ích hoặc không liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người học. Theo giải thích của em Nguyễn Ngọc Vân Thảo, 14 tuổi, đến từ Trường Thực nghiệm (Việt Nam), có một khoảng cách giữa nội dung được học và nội dung có thể ứng dụng hữu ích trong cuộc sống hàng ngày

Bạn nghĩ gì về một học sinh được điểm mười trong bài thi môn giáo dục công dân về tính trung thực, nhưng thực tế đã gian lận trong kỳ thi để đạt điểm cao? Hoặc chúng ta học sinh học để bảo vệ môi trường, một số học sinh đạt điểm cao trong các bài kiểm tra sinh học, nhưng lại xả rác ra đường!

Ở cấp quốc gia, điều này đòi hỏi chương trình giảng dạy phải được thiết kế để phản ánh các vấn đề đang tồn tại và có liên quan mật thiết đến đời sống, cung cấp các hướng dẫn cho giáo viên làm thế nào để những vấn đề này phù hợp với cuộc sống thực. Điều này dẫn đến những yêu cầu về việc tích hợp học tập trải nghiệm vào các môn học, có sự liên hệ thực tế sâu sắc. Đồng thời, chúng ta cũng cần đảm bảo các tiêu chí đánh giá một cách phù hợp. Giáo viên phải đánh giá các giá trị, kỹ năng và năng lực liên quan đến các chủ đề, nội dung học tập ở trường - thông qua các cuộc thảo luận giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh, hoặc thông qua quan sát của những đối tượng này.

Hai chiến lược giúp đảm bảo nội dung học tập hữu ích, hấp dẫn và phù hợp bao gồm:

  • Khi xây dựng chương trình, cần đảm bảo rằng nội dung học tập có thể được áp dụng vào thực tế một cách hữu ích

  • Thúc đẩy các hoạt động học liên ngành, liên môn đa dạng, phong phú

  1. Sức khỏe tinh thần và quản lý căng thẳng

Giáo dục về bản chất là đa chiều, và phải được xem như một phương tiện không chỉ giúp phát triển các kỹ năng học tập, trí tuệ, mà còn nhằm phát triển năng lực thể chất và tâm lý.

Một số chiến lược được sử dụng để nâng cao sức khỏe tinh thần và kỹ năng quản lý căng thẳng của học sinh bao gồm:

  • Có các nhà tâm lý học đường hoặc tham vấn tâm lý trong trường

  • Thực hiện các chương trình thúc đẩy hạnh phúc của nhà trường

  • Sử dụng thiền chánh niệm (mindfulness meditation)

  • Sử dụng những phương thức dạy học trực quan khi hướng dẫn các cách thức quản lý căng thẳng

P – PLACE (MÔI TRƯỜNG)

  1. Môi trường an toàn, không có bắt nạt

Những khách thể tham gia khảo sát xác định rằng, một môi trường không an toàn, dễ bị bắt nạt, là yếu tố dễ dẫn đến những bất hạnh trong trường học. Họ cũng cho rằng bạo lực, bắt nạt học đường gia tăng là do hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau của học sinh, và do sự cạnh tranh thứ hạng của học sinh trong thành tích học tập. Ngoài ra, những người được hỏi cũng cảm thấy rằng, một môi trường không an toàn sẽ tạo cho học sinh cảm giác bị cô lập, sợ hãi, lo lắng và cô đơn.

Hai chiến lược sau đây đang được nhiều trường học sử dụng nhằm cải thiện môi trường học tập:

  • Thúc đẩy sự tương tác và hợp tác của học sinh thông qua các hoạt động học tập và vui chơi chung

  • Đặt các băng ghế dài tại mọi nơi trong trường (buddy bench) và hướng dẫn để học sinh dễ dàng gặp gỡ, kết bạn\

  1. Môi trường học tập ấm áp và thân thiện

Theo kết quả khảo sát, một môi trường học tập thân thiện và ấm áp là yếu tố quan trọng thứ hai trong việc nuôi dưỡng hạnh phúc trong trường học. Những khách thể trả lời cũng bày tỏ nhu cầu tương tác nhiều hơn giữa mọi người trong trường với nhau, nhu cầu có một môi trường lớp học thân thiện với người học, có sử dụng âm nhạc và hình ảnh trong học tập.

Các chiến lược để thúc đẩy môi trường học tập thân thiện và ấm áp hơn trong trường học có thể kể đến các hoạt động như:

  • Nêu cao tầm quan trọng và chú ý hơn đến lời chào và nụ cười

  • Bỏ bớt các bức tường xung quanh lớp học

  • Thay thế chuông/trống trường bằng âm nhạc

  • Sử dụng các màn hình trình chiếu trực quan, sáng tạo, nhiều màu sắc và có ý nghĩa

  1. Không gian học tập và vui chơi có tính mở và “xanh”

Những người trả lời khảo sát cảm thấy rằng, các trường học hạnh phúc nên có những không gian và trang thiết bị thuận lợi để tạo ra một môi trường học tập tích cực, bao gồm cơ sở hạ tầng tốt, khu vực vệ sinh và các thiết bị công nghệ thông tin-kỹ thuật. Đặc biệt, những người được hỏi nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian xanh ngoài trời cho học tập và vui chơi, để người học có thể dành thời gian bên ngoài lớp học, kết nối với thiên nhiên. Theo một nữ giáo viên trường tư thục đến từ Philippines, trường học hạnh phúc là nơi có "môi trường thuận lợi cho việc học tập và xã hội hóa, có nhiều ánh sáng tự nhiên và cây xanh, cùng với cơ sở hạ tầng được bảo trì tốt".

Các chiến lược giúp đáp ứng tiêu chí này bao gồm:

  • Tạo ra những không gian thư giãn và sáng tạo

  • Thành lập và xây dựng vườn trường

  • Tận dụng không gian ngoài trời cho việc học tập và vui chơi

  1. Tầm nhìn và ban lãnh đạo trường học

Trong số các trường tham gia hội thảo, một số trường có tầm nhìn, phương châm hoặc khẩu hiệu riêng, có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc, hoặc có liên quan đến khái niệm Trường học hạnh phúc.

Đưa mục tiêu thúc đẩy hạnh phúc trường học trở thành mục tiêu ưu tiên trong tầm nhìn, chiến lược của nhà trường, là một trong những việc mà các trường học tham gia hội thảo đã thực hiện.

>>> Tham Khảo: Hạnh Phúc: Mục Tiêu Của Các Chính Sách Phát Triển Giáo Dục

  1. Kỷ luật tích cực

Những hình phạt về thể chất và tinh thần, được những người tham gia khảo sát coi là một trong những yếu tố nhiều khả năng khiến trường học trở thành những nơi không hạnh phúc. Một kiểu trừng phạt về mặt cảm xúc được học sinh chia sẻ, đó là khi giáo viên so sánh các học sinh với nhau, bất kể về thành tích, hành vi hay ngoại hình. Thay vì có tác dụng thúc đẩy học sinh, những so sánh như vậy đã khiến học sinh mất tự tin vào bản thân. Tương tự như vậy, các hình phạt cho những lỗi sai của học sinh, có xu hướng làm suy yếu khả năng tự tin và năng lực học tập của các em. Theo ghi nhận của một nam giáo viên trường tư thục đến từ Philippines, "Trẻ em bị “trừng phạt” vì mắc lỗi, nhưng bản thân việc mắc lỗi lại chính là quá trình học". Tuy vậy, với những vấn đề đang tồn tại như bạo lực học đường và vi phạm pháp luật, rõ ràng, các trường học vẫn cần phải có một số hình thức kỷ luật. Một số người tin rằng, việc hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng tự nhận thức và tự điều chỉnh, có thể là một giải pháp. Họ cho rằng các biện pháp can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ hiệu quả hơn việc áp dụng các hình thức trừng phạt thông thường, và cho rằng kỷ luật nên được xem như một quá trình học tập lâu dài (Short và cộng sự, 1993).

Các chiến lược sau đây đưa ra các ví dụ về ‘kỷ luật tích cực’ có thể được sử dụng trong trường học.

  • Thay thế hình phạt bằng các hoạt động mang tính xây dựng thúc đẩy sự điều chỉnh cảm xúc

  • Hướng dẫn về các kỹ năng kiểm soát cho học sinh

  1. Sức khỏe tốt, vệ sinh và dinh dưỡng tốt

Những người trả lời khảo sát đã chia sẻ về tầm quan trọng của một môi trường học đường sạch sẽ và lành mạnh, cũng như việc cải thiện chế độ dinh dưỡng. Tại Hội thảo Trường học hạnh phúc, dinh dưỡng được nhấn mạnh là yếu tố đặc biệt quan trọng, cùng với các sáng kiến ​​kết hợp nâng cao nhận thức về môi trường với sức khỏe và vệ sinh.

Một số chiến lược, hoạt động thực tế có thể bao gồm:

  • Đảm bảo có thực phẩm lành mạnh trong căng tin trường học

  • Có chuyên gia về dinh dưỡng trường học

  • Tổ chức dọn dẹp, vệ sinh toàn trường

  1. Quản lý trường học một cách dân chủ

Quản lý trường học dân chủ, trong đó quan điểm của tất cả các thành viên liên quan đều được xem xét, là điều quan trọng để xây dựng một trường học hạnh phúc. Những người được hỏi nhấn mạnh sự cần thiết của việc học sinh có thể đặt câu hỏi về những gì chúng cảm thấy "nghiêm ngặt và bất hợp lý" trong các quy định của trường; đồng thời cũng cần để giáo viên và học sinh được đóng góp ý kiến ​​về việc quản lý chung của trường. Như một nữ sinh viên đại học tại Việt Nam giải thích, "sinh viên nên tham gia hầu hết các hoạt động trong trường, bao gồm bày tỏ ý kiến ​​của mình về nội quy, đồng phục và các bài giảng của trường".

Nguồn: Happy Schools! A Framework for Learner Well-being in the Asia-Pacific. UNESCO Bangkok

>>> Tham Khảo: Định Nghĩa Về Hạnh Phúc

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/