5 LÝ DO HỌC SINH KHÔNG HỨNG THÚ HỌC ONLINE – NHỮNG GỢI Ý CHO CÁC THẦY CÔ GIÁO

Dù cho là “học từ xa”, “học online”, “học trực tuyến” hay bất kì thuật ngữ nào đi chăng nữa, thì sự thật là các trường học đang phải đối diện với những thay đổi lớn trong đại dịch COVID-19. Trong khi một số học sinh đang dần quen với cách học này, thì có những trẻ lại cảm thấy dường như không thể thích nghi, một số thì vắng mặt, số khác vào phòng online đầy đủ nhưng học không hiệu quả. Vậy, điều gì đang ngăn cản học sinh tham gia các tiết học trực tuyến?

Nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh thực sự gắn bó với lớp sẽ thể hiện sự kiên trì, bất chấp hoàn cảnh không thuận tiện này. Trẻ thường tham gia một cách chăm chú và tò mò. Chúng tìm thấy ý nghĩa trong những gì được học, dù cho lớp học có diễn ra ngoài đời thật hay online. Dưới đây là 5 rào cản có thể xảy ra đối với việc học online của học sinh, cũng như một số cách Giáo viên có thể hỗ trợ.



1. Điều kiện sinh hoạt bất lợi

Trong bối cảnh đại dịch, suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, cuộc sống của học sinh có lẽ đã thay đổi đáng kể từ ngày trường học đóng cửa. Nhiều gia đình đang phải “chiến đấu” với những lo lắng về tài chính, bệnh tật, mất mát, không có nơi ở và thiếu thốn lương thực, thực phẩm; hoặc có thể họ dễ bị tổn thương theo những cách khác.

Học sinh có thể không kết nối được với internet, không có thiết bị để sử dụng, hoặc không có không gian phù hợp để học tập. Một vài học sinh có thể không online được vào những thời điểm cụ thể.

Trong lớp học trực tiếp, giáo viên có thể cảm nhận được học sinh nào đang phải trải qua những khó khăn ở nhà. Giáo viên có thể hẹn gặp riêng học sinh đó để hỏi thăm và hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy trực tuyến, thật khó để có những cuộc trò chuyện đó, đặc biệt là với những học sinh không tham gia lớp học một cách đầy đủ.

Gợi ý cho Giáo viên: Nếu bạn có một học sinh đang thay đổi một cách tích cực đáng kể về mặt hành vi, hãy củng cố điều đó bằng cách gọi điện cho học sinh hoặc gia đình để hỏi thăm và khen ngợi trẻ.

2. Học sinh đang phải ứng phó với căng thẳng và tổn thương.

Căng thẳng và những tổn thương có thể làm gián đoạn quá trình nhận thức, giảm các chức năng điều khiển của cơ thể, và ảnh hưởng tới khả năng quản lý, điều hòa cảm xúc. Tất cả những điều đó gây khó khăn cho quá trình học hỏi, suy nghĩ và tham gia lớp học một cách hiệu quả ở học sinh.

Trong bối cảnh phải lo lắng về tình hình bất ổn của đại dịch Covid-19, nhiều học sinh đang phải đối mặt với những khó khăn về cảm xúc chưa từng có. Và chúng có thể không được tiếp cận với mạng lưới hỗ trợ, hoặc không được trang bị đầy đủ các kỹ năng để ứng phó với tình hình.

Gợi ý cho Giáo viên: Hãy thử kết hợp giảng dạy kỹ năng cảm xúc xã hội (SEL) trong các tiết học online. Điều này có thể giúp học sinh của bạn – và cả bạn – học được cách quản lý cảm xúc. Các thầy cô giáo cũng có thể hỗ trợ gia đình bằng cách cung cấp cho họ thông tin về những hình thức hỗ trợ sức khỏe tâm thần, cảm xúc cho con trẻ trong mùa dịch.

3. Khó khăn khi tiếp cận các nguồn học liệu

Việc đảm bảo cho tất cả học sinh truy cập được các tài liệu học tập dễ dàng, nhanh chóng, có thể là một thách thức lớn của giáo viên. Nếu không cảm thấy thoải mái với những phần mềm hay cách thức mà giáo viên đang sử dụng, học sinh có thể sẽ né tránh. Vậy nên, thực sự cần có thời gian để thiết lập các tiêu chuẩn và thực hành với một hệ thống giảng dạy mới - đặc biệt là khi hệ thống này có liên quan đến công nghệ. Thật khó để đo lường mức độ tương tác và tích cực tham gia của học sinh, khi mà giáo viên cũng cần phải tìm hiểu và dần làm quen với cách thức hoạt động của những hệ thống mới này.

Trong một số trường hợp, các bài học được giảng dạy theo cách mới, khiến một số trẻ có thể không theo được. Ví dụ, những học sinh khó khăn trong xử lý thông tin thính giác, có thể gặp vấn đề với các bài học qua video. Những học sinh cần hỗ trợ trực quan, có thể gặp khó khăn với các hướng dẫn và tài liệu nặng về văn bản, chữ nghĩa.

Gợi ý cho Giáo viên: Khám phá các phương pháp tốt để dạy và học trực tuyến, cùng với những bài tập thú vị, hãy đảm bảo rằng các bài học của bạn phù hợp với nhiều học sinh nhất có thể.

4. Học sinh cần sự hỗ trợ một cách hệ thống và thường xuyên

Nhiều học sinh thường dựa vào sự hỗ trợ của thầy cô ở lớp đối với các bài tập. Tuy nhiên, học online đã đặt ra thử thách cho học sinh về việc cần độc lập hơn và có trách nhiệm với việc học hơn. Nhiều bậc cha mẹ đã hết lòng giúp đỡ trẻ, và dường như họ khá vất vả khi cố gắng cân bằng giữa công việc của mình và việc học ở nhà của con.

Một khi học sinh không theo kịp bài trên lớp hay bỏ lỡ một vài bài tập, chúng có thể cảm thấy khó khăn khi cố gắng bắt kịp lại với tiến độ chung. Thậm chí, chúng có thể từ bỏ, hoặc có những biểu hiện không hợp tác trong học tập.

Gợi ý cho giáo viên: Hãy kiểm tra trước và thống nhất với lớp về các quy định liên quan đến điểm số cũng như việc không hoàn thành các bài tập. Bên cạnh đó, hãy tìm cách để giảm bớt căng thẳng về thời gian và khối lượng kiến thức học sinh phải ghi nhớ. Bạn có thể hướng dẫn cho học sinh của mình các phương pháp học tập, quản lý thời gian, xử lý bài tập, chẳng hạn như chia bài tập thành nhiều phần nhỏ.

5. Kỳ vọng của thầy cô giáo

Điều quan trọng các giáo viên cần làm đó là nói rõ ràng về những kỳ vọng liên quan đến các hành vi và sự tham gia lớp học đối với học sinh. Với cách thức giảng dạy online, các tiêu chí về sự tham gia tích cực trong tiết học có thể khác đi đôi chút; cũng có thể khác nhau đối với từng cá nhân học sinh.

Ví dụ, các lớp học online trực tiếp có thể vô tình đặt ra những thách thức cho các học sinh có sự khác biệt trong cách học tập và suy nghĩ. Những học sinh thường gặp khó khăn trong việc tập trung, có rắc rối về các giác quan, hoặc dễ bị lo âu về việc phải “có mặt online”, có thể có những hành vi mà các giáo viên sẽ cho rằng trẻ đang không hợp tác, hoặc không tham gia tích cực trong giờ học. Các hành vi như nghịch ngợm cái gì đó, tắt camera, hoặc đi lại xung quanh trong giờ học có thể trông giống như những biểu hiện của việc thiếu hợp tác. Nhưng đối với một số học sinh, đó là điều quan trọng với trẻ, giúp chúng có thể ứng phó với vấn đề và tiếp thu bài giảng.

Sau cùng, chúng ta phải nhận ra rằng, mỗi học sinh học tập bằng những cách thức khác nhau. Với vai trò là giáo viên, chúng ta không nên mong đợi sự tương tác trong lớp học sẽ giống như các tiết giảng dạy truyền thống, hoặc giống nhau đối với tất cả học sinh.


Nguồn: 5 reasons students aren’t engaging in distance learning. Understood.

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/

0977.729.396