Than Phiền Về Công Việc: Lợi Hay Hại?

Liệu than phiền về công việc có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn hay đem lại cho bạn những bất lợi?

Thực tế, bất kì công việc nào cũng có căng thẳng và những khó khăn cần vượt qua. Chúng ta đối mặt với nó hàng ngày và bằng một cách tự nhiên khi trở về nhà, chúng ta giải tỏa sự thất vọng này với bất kỳ ai thân thiết nhất hoặc có sự đồng cảm nhất, và dường như ta sẽ cảm thấy rất tốt hơn khi làm việc này. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng liệu cách làm này có thực sự lợi ích hay tiềm ẩn hại nhiều hơn lợi? Liệu rằng than phiền về công việc có giúp chúng ta tìm được một lối thoát và giải tỏa sự thất vọng, hay nó sẽ khiến chúng ta thêm căng thẳng?

Có nhiều tranh luận về vấn đề này. Nhiều người lo sợ rằng nếu họ dồn nén những cảm xúc tiêu cực về sự căng thẳng trong công việc của mình, họ có thể dễ dàng bộc lộ những cảm xúc đó vào sai thời điểm hoặc sai địa điểm - như là ở trong văn phòng của sếp hay ở trước mặt đồng nghiệp - vì vậy thì việc trút bỏ sự thất vọng với một người biết lắng nghe trong bối cảnh riêng tư tại nhà của mình là một sự thay thế lành mạnh và thiết thực hơn. Những người khác cảm thấy rằng than phiền là một cách để lan tỏa sự tiêu cực và tập trung vào những mặt tích cực hay đánh lạc hướng bản thân để có được sự yên bình.

May mắn thay, các nhà nghiên cứu đã phân tích những câu hỏi này và có thể làm sáng tỏ tác động của việc than phiền, sự căng thẳng trong công việc và cách đối phó với căng thẳng để bạn có thể tìm hiểu sự thật và xem xét điều gì thực sự tốt nhất cho bản thân.

Lợi Ích

Dưới đây là một vài lý do vì sao phàn nàn về công việc với một người thân yêu trong gia đình có thể là một ý tưởng tốt.

Giúp Bạn Cảm Thấy Tốt Hơn Ở Thời Điểm Than Phiền

Một chút ít sự phàn nàn về đồng nghiệp, sếp, khách hàng và sự tẻ nhạt trong công việc hàng ngày có thể khiến bạn cảm thấy phấn chấn hơn. Bạn có lẽ sẽ thấy thoải mái sau khi trút bỏ tất cả những muộn phiền mà mình đã phải kìm nén trong cả một ngày hoặc cả một tuần. Có được sự giải thoát đó có thể khiến bạn rất hài lòng. Nếu như việc phàn nàn gây ra những hậu quả tiêu cực sau đó, chúng có thể không đáng chú ý bằng những cảm giác tích cực sau một buổi than phiền đầy thỏa mãn.

Giúp Chúng Ta Cảm Thấy Được Động Viên

Có một ai đó lắng nghe và xác thực cảm xúc của bạn có thể khiến bạn cảm thấy gần gũi hơn và giúp bạn bớt căng thẳng khi biết rằng chúng ta vẫn còn có những người trong cuộc sống của mình, người hiểu được những gì ta đang trải qua và quan tâm tới ta.

Than phiền về công việc có thể giúp một nhóm cảm thấy gắn bó hơn, đặc biệt là nếu tất cả mọi người đều phải đối mặt với căng thẳng trong công việc giống như nhau. Đôi khi, chúng ta chỉ muốn được ai đó ôm thật chặt và nói với ta rằng chúng ta đang làm rất tốt, nhất là nếu bản thân không nhận được nhiều phản hồi tích cực về công việc đó. 

Có Thể Đem Lại Những Giải Pháp

Thảo luận vấn đề với người khác luôn hứa hẹn sẽ đưa chúng ta tới những giải pháp mà bản thân có thể không nghĩ đến, và điều này đặc biệt đúng với những căng thẳng trong công việc. Có nhiều trường hợp khi mà một đồng nghiệp có thể đưa ra cách giải quyết mà chúng ta chưa tìm thấy ngay. Cũng có đôi lúc, người ngoài quan tâm tới vấn đề đó có thể tìm thấy câu trả lời mà ta không nghĩ tới vì bản thân đang quá đắm chìm trong suy nghĩ để tìm cách giải quyết.

Đôi khi mọi người phàn nàn để nhận được sự cảm thông hoặc hỗ trợ, nhưng khi họ phàn nàn để tìm ra giải pháp, kiểu trao đổi này có thể mang lại kết quả trong thế giới thực, và điều đó sẽ làm giảm thiểu sự căng thẳng về lâu dài.

Giảm Rủi Ro Khi Mất Kiên Nhẫn

Rất nhiều người cảm thấy rằng họ có thể sẽ mất kiên nhẫn nếu bản thân phải kìm nén tất cả những cảm xúc. Đây là một mối lo ngại có phần xác đáng. Không ai muốn đi lại xung quanh một cách bực bội đến mức mất bình tĩnh hoặc nói điều sai trái vào những thời điểm không thích hợp, vì vậy phàn nàn và trút bỏ sự thất vọng sẽ giống như một hướng đi thực dụng hơn rất nhiều.

Xem Thêm: Các Mối Quan Hệ Tích Cực Nơi Làm Việc 

Tác Hại

Có những tác hại trong việc phàn nàn có thể khiến bạn cảm thấy thêm thất vọng. Bởi những lý do dưới đây, than phiền về công việc thật sự không đáng để trở thành một thói quen. 

Lan Tỏa Sự Tiêu Cực

Sự tiêu cực, giống như một loại virus cảm xúc, nó rất dễ lây lan. (Điều đáng ngạc nhiên là lòng vị tha và sự tích cực cũng giống như vậy.) Điều này có nghĩa là nếu bạn phàn nàn quá mức, bạn có thể lây truyền tâm trạng không vui của bản thân, đồng nghĩa với việc những người xung quanh bạn có thể trở nên tiêu cực hơn và đáp lại bạn với những cảm xúc tương tự.

Bài học rút ra ở đây là bạn nên cẩn thận với việc bản thân than phiền nhiều tới mức nào và bạn than phiền với ai.

Kích Thích Sự Tiêu Cực Trong Não Bộ

Điều này nghe có vẻ nghiêm trọng, và sự thật đúng là như vậy. Mọi suy nghĩ hoặc hành vi theo thói quen có thể trở nên dễ lặp lại hơn và việc than phiền cũng không khác gì việc đi theo một lộ trình nhất định để làm việc hay học thuộc bảng chữ cái: bạn càng làm điều đó thì nó càng dễ để trở thành thói quen hơn. Nếu bạn thường xuyên phàn nàn về công việc thì việc nhận thấy điều tiêu cực (và khó nhận thấy điều tích cực hơn) ở các vấn đề trong cuộc sống cũng sẽ dễ dàng hơn.

Cũng giống như lời khuyên khuôn sáo của cha mẹ là không nên làm mặt xấu nếu không "nó sẽ trở thành như vậy", thái độ của bạn trở thành khuôn mẫu suy nghĩ theo thói quen nhất sẽ dẫn tới nguy cơ thực sự, vì vậy việc biến chúng thành sự tích cực thay vì tiêu cực có thể giúp bạn thành công.

Có Thể Hủy Hoại Danh Tiếng

Bạn có thể cảm thấy gần gũi với đồng nghiệp của mình hơn nếu bạn chia sẻ sự hỗ trợ qua một buổi than phiền với họ, nhưng việc luôn luôn phàn nàn có thể sẽ ám ảnh bạn. Có khả năng bạn sẽ bị mang tiếng là một người tiêu cực hoặc “không phải là đồng đội”. Đổi lại, bạn cũng có thể gây thù hằn với người khác, điều này thường làm xấu đi trải nghiệm của bạn trong công việc - chính nơi làm bạn cảm thấy thất vọng ngay từ đầu.

Sự tích cực giả tạo cuối cùng có thể bị hao mòn, đặc biệt là nếu nó được thể hiện theo một cách ép buộc, nhưng việc cẩn thận trước sự tiêu cực của bản thân không bao giờ là một ý tưởng xấu cả.

Than Phiền Không Có Tác Dụng

Trong khi phàn nàn giống như là một cách giải tỏa lành mạnh vào thời điểm đó, nó có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn về lâu dài. Thực tế, đó là bởi nó có thể làm bạn trở nên tức giận nhiều hơn.  

Suy nghĩ rằng bạn cần giải tỏa sự tức giận nếu không nó sẽ tích tụ lại và cần được giải phóng thực sự chỉ là một chuyện hoang đường. Hãy để bản thân bình tĩnh lại, tập trung sự chú ý và thể hiện sự tức giận của bản thân theo những cách không quá khích đều sẽ hiệu quả và ít gây tổn hại hơn.

Hại Đến Sức Khỏe

Bởi vì than phiền khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng đầu óc, phàn nàn theo thói quen làm cho ta có cùng loại nguy cơ như căng thẳng mãn tính. Khi tâm trí nhận ra một mối đe dọa (như là khi chúng ta nhớ lại về những điều tồi tệ đang xảy ra tại nơi làm việc), phản ứng căng thẳng của cơ thể sẽ được kích hoạt và một loạt các thay đổi sẽ xảy ra giúp chúng ta đối mặt hoặc chạy trốn. Nếu phản ứng thể chất này được kích hoạt thường xuyên và lặp đi lặp lại, nó có thể đem lại nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất cũng như cảm xúc.

Xem Thêm: Chương Trình Hỗ Trợ Nhân Viên - EAP

Vậy Bạn Nên Làm Gì?

May mắn thay, có những chiến lược đối phó chủ động ngoài việc than phiền mang lại hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu căng thẳng mà không để lại những hậu quả tiêu cực.

Viết Lại Những Lời Than Phiền Vào Nhật Ký

Việc trút bầu tâm sự với một người bạn có thể không tốt cho cả hai người nếu nó vượt quá giới hạn, nhưng viết về cảm xúc của bạn vào trong nhật ký lại hoàn toàn khác. Nhật ký giúp bạn xử lý cảm xúc và hiểu được bản thân đang cảm thấy những gì, chúng cũng có thể giúp bạn buông bỏ cảm xúc dễ dàng hơn. Nghiên cứu đã cho thấy việc viết nhật ký đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe và tinh thần.

Theo như cách viết nhật ký, viết về lòng biết ơn có thể mang lại lợi ích bổ sung, đó là tạo thói quen tinh thần để nhận thấy những điều tích cực trong cuộc sống và nhận ra sự biết ơn. Đây là một kiểu suy nghĩ gần như trái ngược với việc phàn nàn, bởi vậy nó có thể giúp bạn kích thích não bộ theo một cách tốt hơn rất nhiều. (Thêm vào đó, theo thời gian, bạn sẽ tạo ra một bản ghi về tất cả những điều trong cuộc sống khiến bạn hạnh phúc, và bạn có thể đọc lại nó bất cứ lúc nào). 

Than Phiền Một Chút, Sau Đó Chuyển Hướng

Nếu bạn có thói quen phàn nàn, bạn nên "phát hiện ra chính mình" đang làm điều đó và sau đó đánh lạc hướng bản thân khỏi việc nói về điều khiến bạn thất vọng thành điều khiến bạn hài lòng. Hoặc bạn có thể bắt đầu với việc giải tỏa sự thất vọng trong thời gian ngắn để giảm bớt căng thẳng nhưng sau đó cố tình chuyển hướng bản thân sang những chủ đề tích cực hơn. Đôi khi một chút những điều khiến bạn cảm thấy thoải mái có thể giúp bạn dễ dàng chuyển sang những thói quen mới ít được hình thành hơn.

Than Phiền Với Đúng Người

Không phải sự phàn nàn nào cũng là xấu. Nếu bạn than phiền (một cách tế nhị) với một người thực sự có thể giúp bạn thì bạn có thể cải thiện tình hình của chính mình. Ví dụ như, nếu bạn gặp phải một tình huống khiến bạn căng thẳng liên tục, nói chuyện với bộ phận nhân sự sẽ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề thay vì chỉ đơn giản là bạn phải chịu đựng nó.

Lần tới khi bạn muốn than phiền, hãy tự hỏi bản thân: Liệu điều gì có thể được giải quyết? Mình có đang phàn nàn với đúng người không?

Phàn Nàn, Sau Đó Hãy Khắc Phục Vấn Đề

Nếu bạn thấy mình phàn nàn về điều gì đó mà bạn có thể thay đổi, có lẽ bạn chính là "người phù hợp" để bản thân tìm tới, điều này mang ý nghĩa là bạn cũng có thể biến buổi than phiền của mình thành một buổi động não và khám phá xem bạn có khả năng thay đổi điều gì. Sau đó, hãy để bản thân dùng sự thất vọng này làm động lực để thực hiện những thay đổi tích cực khi bạn có thể.

Thực Hành Chánh Niệm

Những người có thể ở trong trạng thái tỉnh thức lâu hơn - nghĩa là ít căng thẳng hơn về các sự kiện trong quá khứ hoặc lo lắng về những điều tương lai - cũng sẽ ít than phiền hơn. Điều này làm cho chánh niệm trở thành một thói quen lành mạnh để bạn thực hành.

Bạn có thể thực hành chánh niệm theo nhiều cách khác nhau, nhưng một cách đơn giản để bắt đầu là tập trung vào hơi thở của bản thân trong lần tới khi bạn thấy mình đang căng thẳng về quá khứ hoặc tương lai - lắng nghe khi bạn hít vào và thở ra, tập trung vào cách bạn cảm nhận không khí trong lồng ngực. Bạn có thể thử thêm các bài tập chánh niệm từ đó.

Luyện Tập Những Thói Quen Giải Tỏa Căng Thẳng Khác

Hãy tìm những thói quen giải tỏa căng thẳng có hiệu quả đối với bạn để giúp bạn cảm thấy bớt buồn phiền trước những thách thức mà bản thân phải đối mặt trong công việc. Chúng có thể đem lại cho bạn sự kiện cường và hạnh phúc trong cuộc sống. 

Nguồn: Complaining About Work and Creating Stress - VeryWell Mind.

Có Thể Bạn Muốn Đọc: 

>>>> Khai Vấn Tại Nơi Làm Việc

>>>> Nhận Biết Và Hỗ Trợ Nhân Viên Có Vấn Đề Về Sức Khỏe Tâm Thần

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/

0977.729.396