Nơi làm việc giữ một vai trò trung tâm trong cuộc sống của nhiều người. Với hầu hết mọi người dành nhiều thời gian tại nơi làm việc hơn bất kỳ hoạt động hàng ngày nào khác, việc các cá nhân trong bất kỳ tổ chức nào cảm thấy được kết nối và hỗ trợ bởi đồng nghiệp, cấp dưới và lãnh đạo là vô cùng quan trọng.
Các mối nguy tâm lý xã hội liên quan đến văn hóa trong một tổ chức, chẳng hạn như quan hệ kém giữa các cá nhân hay thiếu các chính sách và thực hành liên quan đến sự tôn trọng đối với người lao động, là những yếu tố góp phần đáng kể đến căng thẳng tại nơi làm việc (Stoewen, 2016).
Trong khi việc tiếp xúc lâu dài với những mối nguy tâm lý xã hội này có liên quan đến việc gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần và sinh lý, điều này có thể được giải quyết bằng cách xây dựng các mối quan hệ xã hội tích cực giữa các nhân viên.
Tổ chức và nhân viên của họ có phát triển hay không phần lớn phụ thuộc vào chất lượng của các mối quan hệ xã hội.
Bài viết này sẽ chỉ ra tính khoa học đằng sau các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc và tầm quan trọng của các tương tác xã hội tích cực, đồng thời thảo luận về một số tương tác tích cực nên được khuyến khích tại nơi làm việc.
Lý Giải Khoa Học Cho Các Mối Quan Hệ Tích Cực Tại Nơi Làm Việc
Các nhà tâm lý học từ lâu đã xác định những mong muốn kết nối với người khác là nhu cầu cơ bản của con người và mối quan hệ giữa các cá nhân có tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần, hành vi, sức khỏe thể chất và nguy cơ tử vong (Umberson & Montez, 2010). Hệ thống sinh lý của chúng ta có phản ứng mạnh mẽ với các tương tác xã hội tích cực.
Gable và Gosnell (2011) đã phỏng đoán rằng con người có các mạng lưới phản xạ não bộ riêng biệt cho tư duy xã hội. Mối quan hệ thân thiết có liên quan đến sức khỏe khi chúng xây dựng một số hệ thống sinh học nhất định mà có thể bảo vệ chúng ta khỏi những tác động bất lợi của căng thẳng. Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng khi tiếp xúc với xã hội, não tiết ra oxytocin, một loại hormone mạnh mẽ liên quan đến sự tin cậy và động lực giúp đỡ người khác ở nơi làm việc.
Dunbar và Dunbar (1998) cho rằng khi các cá nhân trải qua nỗi đau xã hội tại nơi làm việc do, ví dụ, cảm thấy bị cô lập, vùng não sẽ được kích hoạt giống như khi trải qua cơn đau thể xác.
Ngược lại, khi các mối quan hệ ở nơi làm việc được đặc trưng bởi sự hợp tác, tin cậy và công bằng, trung tâm khen thưởng của não bộ sẽ được kích hoạt, khuyến khích các tương tác trong tương lai nhằm thúc đẩy sự tin tưởng, tôn trọng và tự tin của nhân viên, với việc nhân viên tin tưởng lẫn nhau và truyền cảm hứng cho nhau thông qua công việc của họ (Geue, 2017).
Các tương tác xã hội tích cực tại nơi làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh lý của cơ thể. Theo Heaphy và Dutton (2008), các tương tác xã hội tích cực giúp tăng cường sự tháo vát về mặt sinh lý bằng cách củng cố hệ thống tim mạch, miễn dịch và thần kinh nội tiết thông qua việc giảm phản ứng tim mạch ngay lập tức và lâu dài, tăng cường phản ứng miễn dịch và giúp các mô hình nội tiết tố khỏe mạnh hơn.
Nói một cách đơn giản, khi nhân viên trải qua các mối quan hệ tích cực, khả năng tự xây dựng, duy trì và sửa chữa của cơ thể sẽ được cải thiện cả trong và ngoài nơi làm việc.
Những Lợi Ích Của Tương Tác Xã Hội Tại Nơi Làm Việc?
1. Tương tác xã hội đóng một vai trò thiết yếu đối với sự hạnh phúc, từ đó, có tác động tích cực đến khả năng của nhân viên. Các tổ chức có mức độ gắn kết của nhân viên cao hơn cho thấy chi phí kinh doanh thấp hơn, cải thiện kết quả hoạt động, giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc/vắng mặt cũng như gặp ít sự cố hơn (Gallup, 2015).
2. Tương tác xã hội có thể dẫn đến sự lan tỏa kiến thức và năng suất từ những người lao động được đào tạo sang những người chưa được đào tạo trong các nhóm hợp tác hoặc giữa những người lao động cấp cao và cấp dưới, đặc biệt trong các công việc và nghề nghiệp yêu cầu ít kỹ năng (Cornelissen, 2016). Ví dụ, Mas và Moretti (2009) nhận thấy rằng năng suất được cải thiện khi nhân viên được giao làm việc cùng với những đồng nghiệp nhanh nhẹn, hiểu biết hơn.
3. Nhân viên hài lòng với chất lượng tổng thể của các mối quan hệ tại nơi làm việc có khả năng gắn bó với tổ chức hơn. Việc các nhà lãnh đạo khuyến khích các tương tác thường ngày, chẳng hạn như các cuộc tụ họp sau giờ làm việc, có thể thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ tích cực hơn, có ảnh hưởng đáng kể và cải thiện sự hài lòng của nhân viên (Sias, 2005).
4. Việc thiếu tương tác xã hội tại nơi làm việc có thể gây ra những hậu quả tiêu cực tiềm tàng liên quan đến hỗ trợ xã hội. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cảm giác bị cô lập xuất phát từ việc thiếu hỗ trợ xã hội này có liên quan đến một loạt các hậu quả về sức khỏe, bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, khả năng miễn dịch bị suy giảm, tăng nguy cơ trầm cảm và rút ngắn tuổi thọ (Holt-Lunstad , Smith, Baker, Harris, & Stephenson, 2015; Cacioppo, Hawkley, Norman, & Berntson, 2011; Mushtaq, Shoib, Shah, & Mushtaq, 2014).
5. Mối quan hệ khăng khít trong nhóm với đồng nghiệp (được đặc trưng bởi các tương tác xã hội thường xuyên) sẽ tạo điều kiện cho tư duy đổi mới. Theo Wang, Fang, Qureshi và Janssen (2015), mối quan hệ bền chặt được phát triển bởi các tương tác xã hội hỗ trợ đổi mới trong việc tìm kiếm nguồn cảm hứng, tài trợ và hỗ trợ tại nơi làm việc.
6. Tương tác xã hội tại nơi làm việc giúp đảm bảo mọi người trong nhóm đồng đều với nhau. Theo Sias, Krone và Jablin (2002), các mối quan hệ đồng cấp (hay còn được gọi là mối quan hệ tương đương - địa vị) đại diện cho kiểu tương tác phổ biến nhất của nhân viên.
Những mối quan hệ ngang hàng này tồn tại giữa những người đồng nghiệp không có thẩm quyền chính thức và đóng vai trò như một nguồn hỗ trợ thông tin và tinh thần quan trọng cho nhân viên. Đồng nghiệp có kiến thức và hiểu biết về kinh nghiệm làm việc cụ thể của họ sẽ có cơ hội cảm thấy được kết nối và gắn bó bằng cách chia sẻ thông tin thông qua các tương tác xã hội thường xuyên.
7. Các tương tác xã hội tại nơi làm việc được chứng minh là làm tăng cảm giác tích cực ở bản thân vào cuối ngày làm việc (Nolan & Küpers, 2009).
8. Các tương tác xã hội tích cực lặp đi lặp lại giúp trau dồi và chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn và dần dần phát triển các mối quan hệ tin cậy hơn (Oh, Chung, & Labianca, 2004). Khi sự tin tưởng tồn tại giữa các thành viên trong nhóm, họ có nhiều khả năng tham gia vào các hoạt động hợp tác, tích cực, từ đó làm tăng khả năng tiếp cận của nhân viên với các nguồn lực có giá trị.
Những nhân viên tham gia vào các tương tác xã hội tích cực cũng có xu hướng thể hiện lòng vị tha hơn bằng cách cung cấp cho đồng nghiệp sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn và phản hồi về các vấn đề khác nhau liên quan đến công việc (Hamilton, 2007).
9. Thông tin được thu thập thông qua tương tác xã hội có thể giúp một nhóm cải thiện hiệu suất chung. (Jayles và cộng sự, 2017).
10. Tương tác xã hội và các mối quan hệ tích cực có ảnh hưởng quan trọng đối với thể chất, sức khỏe và hiệu suất. Basford và Offermann (2012) phát hiện ra rằng nhân viên ở cả vị trí thấp và cao đều báo cáo có nhiều động lực hơn khi có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp.
Tham Khảo: Làm Thế Nào Để Ngăn Ngừa Sự Kiệt Quệ Tại Nơi Làm Việc?
Tại Sao Các Tương tác Tích Cực Tại Nơi Làm Việc Lại Quan trọng Đến Vậy?
Những mối quan hệ được hình thành tại nơi làm việc cũng có mức chất lượng khác nhau.
Ở mức độ tốt nhất, các tương tác có thể là sức sống và nguồn lực phong phú, khuyến khích các cá nhân, nhóm và tổ chức nói chung phát triển.
Ngược lại, những tương tác tiêu cực tại nơi làm việc có khả năng trở thành nguồn gốc của tâm lý đau khổ, suy kiệt và rối loạn chức năng.
Các tương tác xã hội tích cực thường được coi là hấp dẫn. Đặc trưng của chúng là theo đuổi những kết quả xứng đáng, trong khi những tương tác tiêu cực thường được đặc trưng bởi những kết quả tồi tệ và không mong muốn (Reis & Gable, 2003).
Tương tác tích cực tại nơi làm việc đã được chứng minh là cải thiện sự hài lòng trong công việc và ảnh hưởng có lợi đến việc luân chuyển nhân viên, vì những nhân viên nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp có nhiều khả năng ở lại tổ chức lâu dài hơn (Hodson, 2004; Moynihan & Pandey, 2008).
Hơn nữa, những tương tác tích cực giữa các đồng nghiệp cung cấp sự trợ giúp và làm rõ công việc có thể cải thiện sự hiểu biết của một cá nhân về vai trò của họ, do đó giảm sự mơ hồ về vai trò và khối lượng công việc, theo Chiaburu và Harrison (2008), cuối cùng có thể làm tăng sự hài lòng trong công việc và cam kết với tổ chức.
Các tương tác tích cực tại nơi làm việc được đánh dấu bằng sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và sự tham gia tích cực. Theo Rosales (2016), các tương tác được mô tả theo cách này có thể cải thiện nhận thức của nhân viên về người khác, thúc đẩy những cảm xúc tích cực như sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, và tăng khả năng tin tưởng, gắn bó, tôn trọng giữa các cá nhân.
Ngược lại, mối quan hệ tiêu cực giữa hai cá nhân tại nơi làm việc được đặc trưng bởi sự thù địch, loại trừ hoặc né tránh, có thể gây ra căng thẳng và không hài lòng trong công việc (Rosales, 2016).
Điều này, không có gì đáng ngạc nhiên, có thể có tác động bất lợi đến sức khỏe tâm thần của nhân viên; các mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc thiếu tôn trọng, thiếu tin tưởng và thiếu sự tương hỗ là những yếu tố dự báo chứng trầm cảm được chẩn đoán (Oksanen, Kouvonen, Vahtera, Virtanen, & Kivimäki, 2010).
Nhân viên có xu hướng tham gia vào nhiều mối quan hệ rắc rối ở nơi làm việc, với các cá nhân nói chung sở hữu cả mối quan hệ tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, khi có nhiều mối quan hệ tiêu cực với đồng nghiệp hơn là tích cực, họ có thể trải qua tâm trạng, cảm xúc tiêu cực và các kết quả bất lợi khác như bị tẩy chay (Venkataramani & Dalal, 2007).
Mastroianni và Storberg-Walker (2014) chỉ ra rằng sức khoẻ được nâng cao thông qua các tương tác trong công việc khi những tương tác đó đáng tin cậy, mang tính hợp tác và tích cực và khi nhân viên cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Các tương tác thiếu những đặc điểm này được cho là làm giảm sức khỏe và tác động tiêu cực đến cách ngủ, ăn uống, giao tiếp xã hội, tập thể dục, quan hệ cá nhân, nghề nghiệp và năng lượng.
Với lượng thời gian mà chúng ta dành cho công việc, điều bắt buộc là nhân viên phải cảm thấy được kết nối và hỗ trợ thông qua các mối quan hệ xã hội tích cực. Seligman (2011) lưu ý rằng hạnh phúc không thể đạt được nếu không có các mối quan hệ xã hội, và trong khi các mối quan hệ xã hội không đảm bảo hạnh phúc, hạnh phúc không thường xảy ra (Diener & Seligman, 2002).
Những kết nối và tương tác như vậy mang lại năng lượng cho các cá nhân và cho tổ chức nơi họ làm việc, trong khi các mối quan hệ tiêu cực có thể làm cạn kiệt năng lượng và dẫn đến sự lúng túng ở các cá nhân và công ty (Ragins & Dutton, 2007).
Tham Khảo: Sự Tín Nhiệm Trong Tổ Chức Dưới Góc Nhìn Của Khoa Học Thần Kinh
Cách Thúc Đẩy Sự Tương Tác Của Nhân Viên Tại Nơi Làm Việc
Với lợi ích tổ chức và cá nhân của các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc, việc tạo cơ hội và thúc đẩy các tương tác xã hội tích cực phải là mục tiêu tối quan trọng đối với các nhà lãnh đạo và quản lý nhóm.
Theo Báo cáo về Sự Hài lòng của Nhân viên trong Công việc năm 2016 của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, mối quan hệ với đồng nghiệp là yếu tố đóng góp số một vào sự gắn kết của nhân viên, với 77% người tham gia cho rằng mối quan hệ tại nơi làm việc là ưu tiên của họ.
Do đó, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo và quản lý phải xác định các cách để thúc đẩy các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc. Khi làm như vậy, các tổ chức có thể áp dụng hướng đi tập trung vào mối quan hệ hơn, trong đó việc thúc đẩy các tương tác tích cực của nhân viên trở thành một mục tiêu chính. Theo Geue (2017), ‘nâng cao tương tác’ là một yêu cầu quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
Nhìn chung, việc tối đa hóa mức độ gắn kết có thể được tóm tắt thành hai khái niệm chính: loại bỏ các rào cản hạn chế tương tác xã hội tại nơi làm việc và tạo cơ hội để nhân viên gắn kết với nhau. Những kết quả này có thể đạt được theo một số cách, và mặc dù không phải tất cả các cách tiếp cận đều phù hợp với tất cả các loại hình tổ chức, nhưng các khái niệm này vẫn đúng.
Thúc Đẩy Tương Tác Mặt Đối Mặt
Với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số, giờ đây chúng ta chỉ cần một vài cú nhấp chuột là có thể liên hệ với hầu hết mọi người ở bất kỳ đâu trên thế giới. Mặc dù internet đã tạo điều kiện cho giao tiếp trên quy mô rộng, nhưng tương tác mặt đối mặt truyền thống vẫn có rất nhiều lợi ích. Một email có thể dễ dàng hơn, nhưng chúng ta sẽ đánh mất sắc thái cảm xúc và cử chỉ biểu đạt.
Đối với nơi làm việc truyền thống, hãy xem xét cách bố trí môi trường làm việc chung. Cách bố trí của văn phòng có thuận lợi cho sự tương tác của nhân viên không? Hãy cân nhắc xây dựng môi trường văn phòng theo khuôn mẫu ‘bull-pen’, việc xóa bỏ rào cản giữa các nhân viên theo đúng nghĩa đen có thể mở ra cánh cửa cho các cơ hội giao tiếp xã hội.
Hoà Hợp Với Những Người Làm Việc Từ Xa
Còn những nhân viên làm việc từ xa thì sao? Xu hướng gia tăng làm việc từ xa dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới, với nhiều nhân viên làm việc tại nhà (hoặc từ xa) hơn, đặt ra những thách thức mới cho tổ chức lấy mối quan hệ làm trung tâm.
Trong khi các tổ chức mong muốn thu được lợi ích từ việc tiếp cận với nguồn nhân tài rộng lớn hơn và giảm chi phí làm việc tại văn phòng, thì những người làm việc từ xa lại đặt ra một thách thức đối với nơi làm việc lấy mối quan hệ làm trung tâm.
Trong trường hợp tương tác trực tiếp không khả thi, tương tác mặt đối mặt vẫn có thể được hỗ trợ bằng cách sử dụng công nghệ xã hội. Sử dụng phần mềm hội nghị trực tuyến thường xuyên có thể giúp thúc đẩy các mối quan hệ xã hội tích cực cho những người làm việc từ xa.
Lập Kế Hoạch Cho Các Sự Kiện Hợp Tác
Dành thời gian để thúc đẩy các tương tác xã hội tích cực tại nơi làm việc có thể là một lộ trình hiệu quả để đảm bảo cách tiếp cận lấy mối quan hệ làm trung tâm không bị sa sút giữa áp lực thành tích của tổ chức.
Dành thời gian để nhân viên tương tác; tập trung vào những sở thích và trải nghiệm ngoài công việc để hướng sự chú ý đến những lợi ích chung và cho phép nhân viên khám phá ra những điểm chung và mối liên hệ với nhau.
Hòa Giải Xung Đột Hiệu Quả
Cả nhân viên và người sử dụng lao động đều mong muốn mối quan hệ có ý nghĩa với những người khác tại nơi làm việc, tuy nhiên những nhu cầu này có thể bị cản trở bởi các hoạt động phản tác dụng và hoạt động có tính phá hoại (Bolden & Gosling, 2006).
Các nhà lãnh đạo tổ chức nên cố gắng giảm thiểu các tương tác tiêu cực giữa các nhân viên bằng cách chủ động làm trung gian hòa giải, giải quyết các xung đột và xây dựng văn hóa giao tiếp cởi mở giúp nuôi dưỡng lòng tin và xây dựng mối quan hệ.
Dẫn Dắt Bằng Ví Dụ
Tạo ra một môi trường nuôi dưỡng các tương tác xã hội tích cực giữa các nhân viên là bước đầu quan trọng, nhưng để thúc đẩy các mối quan hệ, một trưởng nhóm, người giám sát hoặc người quản lý giỏi nên thực hành những gì họ chỉ dẫn.
Bằng cách thiết lập các mẫu hành vi nhất quán thể hiện nền văn hóa mong muốn, bạn có thể thúc đẩy một môi trường cảm xúc hòa nhập và tích cực.
Người sáng lập tâm lý tích cực Martin Seligman (2011) đã đưa ra Mô hình PERMA nêu bật năm yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tâm thần, mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể áp dụng để thúc đẩy một nền văn hóa tích cực khuyến khích sự gắn kết.
Năm yếu tố của mô hình PERMA là:
Cảm xúc tích cực
Sự gắn kết
Các mối quan hệ tích cực
Ý nghĩa
Thành tích
Trên đây là các yếu tố giúp thúc đẩy sự tương tác của nhân viên tại nơi làm việc. Để tăng hiệu quả làm việc, bạn cũng có thể tham khảo cách thúc đẩy động lực và sự gắn kết của nhân viên qua bài viết phân tích tại đây.
Tổng Kết
Nơi làm việc là một trong số ít môi trường mà mọi người bị ‘ép’ vào các mối quan hệ. Về bản chất, môi trường công sở được tạo thành từ sự pha trộn của nhiều nhóm người khác nhau, nhiều người trong số họ sẽ rất ít quan tâm đến việc tự do gặp gỡ hoặc giao lưu bên ngoài nơi làm việc. Mặc dù tài sản lớn nhất của một công ty là nhân viên, nhưng không phải lúc nào những nhân viên đó cũng làm việc cùng nhau một cách hài hòa.
Tuy nhiên, có những hành động mà bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể thực hiện để khuyến khích sự tương tác của nhân viên và phát triển văn hóa hòa nhập nơi làm việc. Thông qua việc thúc đẩy các tương tác xã hội tích cực, các mối quan hệ tại nơi làm việc có thể là nguồn thúc đẩy sự phát triển, học hỏi và phát triển của cá nhân và tập thể.
Xem Thêm:
>>>> Tầm Quan Trọng Của Khai Vấn Tại Nơi Làm Việc
>>>> Tiền Có Phải Là Động Lực Thúc Đẩy Nhân Viên Làm Việc Hay Không?
Nguồn: The Importance of Positive Relationships in the Workplace - PositivePsychology.com