Vị trí công việc năng động linh hoạt trong công ty sẽ luôn yêu cầu nhân viên làm việc một cách vất vả, đối mặt với các deadline dày đặc, quản lý các mối quan hệ trong công việc và duy trì kết nối liên tục thông qua các thiết bị di động. Nhưng khối lượng công việc dồn dập này có thể dẫn tới sự căng thẳng và kiệt quệ. Phát triển các kỹ năng và chiến lược chính là điều cần thiết để vượt qua những thách thức này.
Sức bật tâm lý là một chiến lược quan trọng giúp nhân viên giải quyết căng thẳng, sự cạnh tranh của thị trường việc làm, những xung đột tại nơi làm việc và đối mặt với những thử thách trong công việc. Vì công việc là yếu tố gây căng thẳng số một trong cuộc sống của nhiều nhân viên nên việc cải thiện sức bật tâm lý là rất quan trọng.
Sức Bật Tâm Lý Là Gì?
Sức bật tâm lý tồn tại khi một người có thể hồi phục và tiếp tục phát triển sau khi trải qua những thách thức lớn. Sức bật tâm lý thường xuất hiện khi những yếu tố căng thẳng phát sinh trong cuộc sống hàng ngày và khi sang chấn tâm lý hoặc thảm kịch xảy đến. Căng thẳng không phải là yếu tố duy nhất có thể thử thách sức bật tâm lý của một người nhưng cách mà một người xử lý căng thẳng có thể cho chúng ta biết về khả năng phục hồi của họ.
Sức bật tâm lý cũng là một yếu tố quan trọng trong sức khỏe tổng thể. Ngày càng có nhiều người sử dụng lao động nhận ra nhu cầu về các dịch vụ, sự hỗ trợ và nguồn lực y tế nhằm giải quyết vấn đề về sức khỏe tâm thần và sức khỏe tổng thể của nhân viên.
Tác Động Của Sức Bật Tâm Lý Tới Nơi Làm Việc
Khi những người sử dụng lao động xây dựng và cải thiện văn hóa nơi làm việc cũng như sức bật tâm lý, họ cũng tìm cách để nhìn nhận những vấn đề liên quan tới căng thẳng tại nơi làm việc và sức khỏe tinh thần. Khi các vấn đề được giải quyết, người sử dụng lao động có thể xây dựng một lực lượng lao động với sức bật tâm lý cao, các nhân viên xử lý căng thẳng trong công việc tốt hơn và phát triển các yếu tố bảo vệ giúp chống lại sự căng thẳng. Ngoài ra, những lợi ích khác gồm có:
Sức bật tâm lý gắn liền với sự hài lòng hơn trong công việc, niềm vui trong công việc, sự tận tụy đối với tổ chức và sự cam kết của nhân viên.
Nâng cao sức bật tâm lý góp phần nâng cao lòng tự trọng, khả năng kiểm soát các sự kiện trong cuộc sống, ý thức về mục đích sống và cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau.
Những người sử dụng lao động gặt hái được những kết quả từ việc gia tăng năng suất.
Với nhiều lợi ích như đã kể trên, các tổ chức đang xây dựng sức bật tâm lý trong lực lượng lao động của họ để nhân viên có thể phát triển các kỹ năng quản lý căng thẳng tại nơi làm việc. Khi sự căng thẳng lên cao, sức bật tâm lý luôn là điều cần thiết!
Khi Sự Căng Thẳng Lên Cao, Sức Bật Tâm Lý Luôn Là Điều Cần Thiết!
Thời gian làm việc kéo dài, công việc căng thẳng, công việc theo ca, thiếu an toàn trong công việc, khả năng kiểm soát hạn chế, xung đột với đồng nghiệp và bảo trợ xã hội thấp đều góp phần gây ra căng thẳng tại nơi làm việc.
65% nhân viên tại Mỹ coi công việc là yếu tố gây căng thẳng số một trong cuộc sống của họ.
Những người làm việc trong môi trường công việc căng thẳng dễ mắc rối loạn trầm cảm hoặc lo âu hơn.
Môi trường làm việc căng thẳng có thể dẫn tới hậu quả tiêu cực về sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên và tổ chức.
Lạm dụng rượu và chất kích thích có liên quan tới việc nhân viên phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao.
Môi trường làm việc không lành mạnh và khó khăn góp phần vào nguy cơ tử vong sớm của người lao động tại Mỹ.
Tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ở Mỹ do khối lượng công việc quá tải chiếm đến 48 tỷ đô la.
Những sáng kiến và chương trình thúc đẩy một nơi làm việc linh hoạt và lành mạnh về mặt tinh thần giúp làm tăng năng suất, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ vắng mặt và giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc.
Lời Khuyên Dành Cho Những Người Sử Dụng Lao Động
Việc tạo nên sức bật tâm lý cho lực lượng lao động và một nền văn hóa lành mạnh hơn cần có sự cam kết. Những nghiên cứu điển hình từ các tổ chức khác nhau như Garmin, Health Partners và Unilever cho thấy điều này có thể thực hiện được. Dưới đây là những yếu tố chính cần xem xét để xây dựng một lực lượng lao động với sức bật tâm lý tốt hơn:
Hiểu Nhân Viên Của Bạn: Nhân viên có sự kiên cường sẽ tạo nên một tổ chức với sức bật tâm lý cao. Những người được hỗ trợ, động viên và trang bị đầy đủ sẽ ở trạng thái tốt nhất để có thể vượt qua những trở ngại và sao lãng. Hãy tìm hiểu thêm về những yếu tố gây căng thẳng liên quan đến công việc mà ảnh hưởng tới nhân viên nhiều nhất. Hỏi nhà cung cấp Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EAP) của bạn về cách mà họ có thể hỗ trợ mục tiêu của bạn trong việc cải thiện sức bật tâm lý và giảm thiểu căng thẳng. Bạn cũng có thể cân nhắc việc yêu cầu nhân viên hoàn thành các cuộc khảo sát ẩn danh về mức độ hài lòng trong công việc hoặc bao gồm những câu hỏi liên quan đến sự căng thẳng và sức bật tâm lý trong Đánh giá Rủi ro Sức khỏe (HRA) của bạn. Khi bạn có dữ liệu và hiểu được tác động của căng thẳng cũng như của những yếu tố khác, bạn có thể phát triển kế hoạch xây dựng sức bật tâm lý và văn hóa làm việc lành mạnh.
Sự Tham Gia Của Lãnh Đạo: Sức bật tâm lý ở nơi làm việc đòi hỏi sự hỗ trợ của lãnh đạo. Nhân viên có nhiều khả năng tham gia vào các chương trình nâng cao sức bật tâm lý hơn khi các nhà lãnh đạo của tổ chức tham gia. Lãnh đạo là chìa khóa quan trọng trong việc thiết lập những ưu tiên, thiết lập mục tiêu và phân bổ nguồn lực để tăng cường sức bật tâm lý ở nơi làm việc cũng như trong việc truyền đạt cam kết của tổ chức về sức bật tâm lý một cách rõ ràng và dứt khoát. Nếu các nhà lãnh đạo vẫn chưa tham gia, việc chia sẻ kết quả từ các cuộc khảo sát và HRA cũng là một cách để thúc đẩy nhân viên tổ chức phát triển sức bật tâm lý.
Cân Nhắc Đào Tạo Nâng Cao Sức Bật Tâm Lý: Những người sử dụng lao động đang ngày càng chú ý tới việc đào tạo sức bật tâm lý. Trong một môi trường làm việc năng động, đào tạo sức bật tâm lý sẽ nâng cao hiệu suất công việc và sự gắn bó với công việc. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) đã phát hành một báo cáo toàn diện về việc đào tạo sức bật tâm lý tại nơi làm việc. Báo cáo đã nhấn mạnh các chiến lược đổi mới để cải thiện sức khỏe của nhân viên và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Khi xem xét việc đào tạo và xây dựng giáo trình, báo cáo khuyến nghị các điểm dưới đây:
Vượt qua những thách thức giữa các cá nhân
Quản lý cảm xúc
Phòng ngừa tình trạng kiệt quệ
Đối phó với căng thẳng liên quan đến công việc
Cải thiện thói quen ngủ
Giữ bình tĩnh
Đối phó với những người khó tính
Cải thiện kỹ năng giao tiếp
Chấp nhận những thách thức mới
Cải thiện sức khỏe thể chất
Tạo Ra Một Nền Văn Hóa Với Sức Bật Tâm Lý: Văn hóa tổ chức được tạo thành từ rất nhiều yếu tố. Văn hóa tổ chức được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về sự thúc đẩy, mục đích, sự tin tưởng và trách nhiệm. Xây dựng hay cải thiện sức bật tâm lý trong văn hóa tổ chức có thể được củng cố bằng một tuyên bố với toàn công ty để thể hiện sự ủng hộ đối với nhân viên và sự cam kết đối với sức bật tâm lý. Thúc đẩy phong cách quản lý cởi mở, đáng tin cậy và đào tạo các nhà quản lý để họ hiểu được tầm quan trọng của việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần của nhân viên. Chỉ tuyên bố thôi là chưa đủ; cam kết này đòi hỏi tổ chức phải có hành động và giao tiếp thường xuyên.
Tìm Kiếm Những Cách Để Cải Thiện Môi Trường Làm Việc Của Bạn: Cho dù môi trường làm việc của bạn là văn phòng thực hay địa điểm ảo thì việc sự linh hoạt khi có thể là rất quan trọng. Để cải thiện môi trường làm việc, hãy xem xét những điều sau đây:
Cho phép quyền tự chủ bất cứ khi nào có thể, và để các cá nhân thực hiện công việc của họ.
Khen thưởng cho công việc xuất xắc.
Cung cấp cơ hội tiếp cận các dịch vụ và hỗ trợ khi cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Đôi khi, nhân viên của bạn cần tìm tới chuyên gia vì tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Hãy đảm bảo rằng nhân viên được biết về cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc và các dịch vụ này luôn sẵn có cho những người cần đến nó. Hãy cung cấp thông tin về các nguồn tiếp cận một cách thường xuyên.
Cho phép làm việc linh hoạt. Những người sử dụng lao động có thể cải thiện môi trường bằng cách cho phép nhân viên làm việc với thời gian linh hoạt từ đó giảm việc đi làm muộn. Nếu đây là một công việc theo ca, người sử dụng lao động nên khoan dung trong việc đưa ra những chế độ luân phiên thay đổi có thể điều chỉnh khi cần thiết để nhân viên được nghỉ ngơi.
Có kỳ vọng hợp lý về công việc. Các tổ chức nên thận trọng đối với các chính sách của họ về kỳ vọng công việc và giờ làm việc. Quyết tâm đạt đến thành công có thể khiến khối lượng công việc của nhân viên tăng cao. Điều này có thể gây phản tác dụng và làm giảm năng suất cũng như kết quả công việc.
Xem Thêm:
>>>> Chìa Khoá Số Một Để Cân Bằng Giữa Công Việc Và Cuộc Sống
Nguồn bài: Resilience: A Strong Workforce Needs It- American Psychiatric Association