Vai trò của nhân viên giám sát có thể khá phức tạp và căng thẳng khi công ty ở trong tình trạng tốt nhất. Tuy nhiên, dường như khi một nhân viên có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều giám sát viên lại không biết chắc nên hành động thế nào cho phù hợp và có lợi nhất cho cả cá nhân và tổ chức. Mục tiêu của bài viết này là giúp người giám sát hỗ trợ cho nhân viên để họ nhận được các dịch vụ cần thiết để bản thân có thể khỏe mạnh và quay lại cuộc sống làm việc hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đưa ra các chiến lược sau để đảm bảo những kết quả tích cực và mang tính xây dựng nhất:
Thiết Lập Môi Trường Làm Việc Lành Mạnh Về Mặt Tinh Thần
Nếu bạn hỏi những người mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc, “Điều tồi tệ nhất khi mắc bệnh này là gì?”, nhiều người sẽ nói là “sự kỳ thị”. Cảm giác xấu hổ, lo lắng về an toàn công việc và sợ bị đồng nghiệp từ chối thường khiến họ suy sụp - và điều này thường không khuyến khích nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ mà họ cần. Dưới đây là một số lời khuyên để thiết lập môi trường phù hợp:
Giáo dục: Nhân viên và quản lý ở tất cả các cấp của tổ chức cần tìm hiểu về các bệnh tâm thần, căng thẳng, sức khỏe, các lợi ích sức khỏe và sức khỏe tâm thần sẵn có, cũng như cách tiếp cận những dịch vụ đó. Một số tổ chức đang sử dụng công nghệ Internet và Intranet để cung cấp thông tin về lợi ích và sức khỏe tâm thần cho nhân viên của họ. Trên thực tế, một số người liên kết trang web của họ với danh bạ của nhà cung cấp và thông tin chăm sóc sức khỏe, trong khi những người khác đưa vào các số cung cấp thông tin miễn phí.
Để ý lời nói của bạn: Sự kỳ thị bắt đầu bằng những cách gọi gây tổn thương, như là “điên rồ” hoặc “dở hơi”. Vì vậy, hãy khuyến khích nhân viên ở tất cả các cấp ngừng dùng những từ ngữ như vậy và bắt đầu nói theo cách “đặt người lên trước” (ví dụ: “một người mắc bệnh tâm thần phân liệt”, trái ngược với thuật ngữ vô nhân tính, “người tâm thần phân liệt”).
Khuyến khích trao đổi: Các tổ chức có thể nói chuyện thẳng thắn về sức khỏe tâm thần sẽ giúp thiết lập một cảm giác tích cực về chủ đề này. Tạo dựng một môi trường an toàn, trong đó các nhân viên được khuyến khích nói về sự căng thẳng, khối lượng công việc, sự tận tụy với gia đình và các vấn đề khác. Hãy truyền tải thông điệp rằng bệnh tâm thần là có thật và có thể điều trị được, bởi nhiều người vẫn còn lầm tưởng rằng đó là bệnh mãn tính và không có cách chữa trị. Tuy nhiên, thông qua việc tiếp cận với phương pháp điều trị thích hợp, phần lớn những người mắc bệnh tâm thần sẽ đạt được sự cải thiện đáng kể và tiếp tục một cuộc sống hiệu quả.
Chứng minh lời nói của bạn: Hành động thực sự có ý nghĩa hơn lời nói, vì vậy việc đầu tư vào các lợi ích sức khỏe tâm thần, bao gồm các chương trình phòng ngừa và giáo dục, là một điều cần thiết. Các tổ chức sáng tạo đã học được rằng việc giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tinh thần của nhân viên mang ý nghĩa tuyệt vời về mặt kinh tế. Họ cũng nhận ra rằng bản thân mình đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe tâm thần của nhân viên không chỉ bằng cách chi trả một phần lớn chi phí điều trị mà còn bằng cách tạo ra một môi trường mà mọi người cảm thấy thoải mái khi tiếp cận với dịch vụ chăm sóc. Hãy đảm bảo rằng các dịch vụ điều trị mà tổ chức của bạn đã chi trả luôn luôn sẵn có để nhân viên có thể tiếp cận vì những nhà quản lý sức khỏe và sức khỏe tâm thần thường không cung cấp đầy đủ mạng lưới kết nối đến các nhà cung cấp.
Tìm Hiểu Những Dấu Hiệu Của Vấn Đề Sức Khỏe Tâm Thần
Tại nơi làm việc, các vấn đề sức khỏe tâm thần thường biểu hiện theo một số cách. Một số hành vi dưới đây của nhân viên có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần:
Làm việc chậm
Trễ thời hạn hoàn thành công việc
Thường xuyên nghỉ ốm
Mức độ vắng mặt ngày càng tăng
Thể hiện sự cáu kỉnh và tức giận
Khó tập trung và khó đưa ra quyết định
Biểu hiện thiếu tế nhị hoặc vô cảm
Không tham gia vào các hoạt động công việc
Làm việc quá sức
Quên các chỉ thị, thủ tục và yêu cầu
Gặp khó khăn khi chuyển đổi công việc hoặc có sự thay đổi thói quen
Những triệu chứng này cũng có thể xảy ra khi một nhân viên có thành viên trong gia đình mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Những tình huống như vậy đôi khi cũng có thể làm gián đoạn giờ làm việc của nhân viên, dẫn đến sự vắng mặt, ảnh hưởng đến sự tập trung và làm giảm tinh thần giống như trong trường hợp nhân viên có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Không Được Tự Chẩn Đoán
Là một người giám sát, bạn không thể và không nên chẩn đoán cho một nhân viên. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý và thảo luận về những thay đổi trong hiệu suất công việc, đồng thời lắng nghe những phản hồi và mối lo ngại của nhân viên. Nếu có vấn đề cá nhân, hãy đề nghị nhân viên tìm kiếm sự tư vấn từ Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EAP) trong tổ chức của bạn hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nếu tổ chức của bạn có EAP, họ sẽ có thể giúp bạn trong việc khuyến khích nhân viên đi khám sức khỏe tâm thần. Nhắc nhở nhân viên về các lợi ích hiện có do tổ chức của bạn cung cấp ở thời điểm hiện tại cũng có thể là một điều hữu ích.
Khi bạn can thiệp, hãy nhớ kiểm soát cảm xúc của bản thân. Không có gì lạ khi bạn phải lo lắng về cách can thiệp sao cho thích hợp - cũng như không có gì lạ khi bạn có những cảm xúc riêng về tình huống này. Bạn có lẽ cảm thấy tức giận với một hành vi cụ thể hoặc thất vọng về hiệu suất hay lo lắng về tình trạng sức khỏe của nhân viên. Đó là điều bình thường, nhưng để đảm bảo cuộc trò chuyện diễn ra tốt đẹp, hãy lên nội dung cho cuộc đối thoại trước.
Hãy chuẩn bị tinh thần cho những phản ứng ngạc nhiên, tức giận, bất đồng, phòng thủ, từ chối hoặc những lời nói gây tổn thương. Nếu những phản ứng này xảy ra, bạn nên bình tĩnh. Hãy để nhân viên bày tỏ cảm xúc của họ nhưng duy trì sự kiểm soát - và tập trung vào kết quả của công việc - chứ không phải tính cách của nhân viên. Cố gắng tránh những đánh giá hoàn toàn tiêu cực. Hãy hướng tới những nhân xét mang tính xây dựng; chỉ ra những điểm yếu, nhưng nhấn mạnh những gì có thể làm để cải thiện hoặc khắc phục tình hình. Cuối cùng, hãy suy nghĩ về thời gian và địa điểm của buổi nói chuyện. Đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian và quyền riêng tư, đồng thời cố gắng tránh bị gián đoạn.
Xem Thêm:
>>>> Ảnh Hưởng Của Sự Khác Biệt Về Văn Hóa Trong Việc Chẩn Đoán Và Điều Trị Chứng Lo Âu và Trầm Cảm
>>>> Đánh Giá Sức Khỏe Toàn Diện Tại Nơi Làm Việc
Có Những Điều Chỉnh Hợp Lý
Để hỗ trợ nhân viên đang đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần, bạn có thể cần phải thực hiện một số điều chỉnh hợp lý để giúp họ thực hiện công việc của mình. Hãy chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của những nhân viên có “lịch hẹn thường trực” để điều trị sức khỏe tâm thần. Một số nhân viên có thể cần thời gian nghỉ làm để điều trị và người giám sát cần đảm bảo một quá trình chuyển đổi lành mạnh khi trở lại làm việc. Nhân viên cũng nên được khuyến khích yêu cầu sự hỗ trợ mà họ cần, và người giám sát nên cung cấp một môi trường mà mọi người cảm thấy thoải mái mà không bị phán xét. Hãy liên hệ với nhân viên nhân sự trong tổ chức của bạn để tìm hiểu về lịch làm việc linh hoạt và chính sách nghỉ phép.
Điều quan trọng cần nhớ là việc tạo điều kiện hợp lý không chỉ tốt cho tổ chức của bạn và các nhân viên liên quan - nó còn là yêu cầu của luật pháp.
Chuẩn Bị Sẵn Sàng Để Xử Lý Các Trường Hợp Khẩn Cấp
Nếu ai đó đang gây ra xung đột với những nhân viên khác, hãy giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả - đặc biệt là khi nếu có lo ngại rằng tình huống đang trở nên gay gắt. Hãy lắng nghe tất cả các bên và đưa ra quyết định dựa trên sự thật. Đảm bảo rằng nhân viên của bạn cảm thấy rằng họ được lắng nghe và bạn quan tâm đến họ. Ghi lại chính xác cách mà bạn đối xử công bằng và thích hợp với mọi người.
Các bệnh tâm thần nặng có thể đe dọa đến tính mạng của nhân viên. Nếu một nhân viên đưa ra những câu nói như “Ước gì tôi chết cho rồi” hay “Cuộc đời này chẳng còn đáng sống nữa”, hãy nghiêm túc xem xét những lời đe dọa này. Bạn nên đưa nhân viên đến phòng cấp cứu hoặc liên hệ với EAP hay chuyên gia sức khỏe tâm thần ngay lập tức để tìm lời khuyên về cách xử lý tình huống.
Tìm Sự Tư Vấn
Nếu chương trình sức khỏe hoặc sức khỏe tâm thần của bạn có bao gồm EAP, nhân viên của dịch vụ EAP có thể giúp ích trong một số hoặc tất cả những tình huống này.
Viện Tâm Lý Việt - Pháp tự hào là một trong những cơ sở có dịch EAP cung cấp những chuyên gia tư vấn tâm lý kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực. Với đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, Viện đã và đang hỗ trợ nhân viên của các công ty trên khắp Việt Nam về vấn đề sức khỏe tâm thần, đảm bảo được sức khỏe của nhân viên nói chung để có được năng suất và hiệu quả công việc cao nhất.
Hãy gọi điện ngay cho chúng tôi để được tư vấn về dịch vụ EAP và giúp nhân viên của mình vượt qua các rào cản về sức khỏe tâm thần.
Hotline 0977.729.396
Mail: info@tamlyvietphap.vn
Địa chỉ: Số 46 & 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Nguồn bài: What to Do When You Think an Employee May Need Mental Health Help. Mental Health America of Licking County (2013)