Sự hài lòng trong công việc (Job satisfaction) là sự kết hợp giữa cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực của người lao động; gắn liền với việc nhân viên thích hay không thích công việc của mình.
Đôi Nét Về Sự Hài Lòng Trong Công Việc
Sự hài lòng trong công việc (Job satisfaction) là cách người lao động cảm nhận về công việc của họ và các khía cạnh khác nhau của công việc đó. Hay nói cách khác, sự hài lòng công việc gắn liền với việc nhân viên thích hay không thích đối với công việc của mình. Bên cạnh đó, sự hài lòng công việc cũng mô tả sự kết hợp giữa cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực của người lao động với công việc. Điều này có nghĩa là tổ chức sẽ cung cấp cho nhân viên những lợi ích, kinh nghiệm làm việc, cũng như kỳ vọng của cá nhân; và sự hài lòng công việc được thể hiện thông qua việc so sánh giữa mức độ kỳ vọng và sự khen thưởng thực tế.
Vì Sao Doanh Nghiệp Cần Quan Tâm Đến Sự Hài Lòng Trong Công Việc?
Nhân Viên Hạnh Phúc - Doanh Nghiệp Phát Triển
Sự hài lòng trong công việc và sự hài lòng trong cuộc sống của một người thường được các nhà khoa học xem xét tách biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố này - một nhân viên có mức độ hài lòng công việc càng cao thì người đó càng hài lòng trong cuộc sống, và ngược lại. Đồng thời, những người hài lòng trong công việc sẽ có xu hướng ủng hộ cho sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp. Giữ cho nhân viên hài lòng có thể giúp doanh nghiệp có được doanh thu cao hơn, chi phí thấp hơn, và lợi nhuận cao hơn.
Sự Hài Lòng Ảnh Hưởng Đến Hiệu Suất Làm Việc Của Nhân Viên
Cho dù nhân viên hài lòng với công việc của mình ở bất kỳ khía cạnh nào (chẳng hạn như văn hóa tổ chức, sự công nhận, phần thưởng,…), họ đều nỗ lực làm việc để nâng cao năng suất. Đặc biệt, ở các công việc càng phức tạp thì mối quan hệ giữa sự hài lòng công việc với hiệu suất làm việc lại càng cao hơn, so với các công việc đơn giản và dễ dàng.
Sự Hài Lòng Giúp Nhân Viên Tăng Mức Độ Cam Kết Với Tổ Chức
Lòng trung thành của nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các nhà quản trị nhân lực cần quan tâm, bởi nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức khi mức độ cam kết của nhân viên không cao. Các nghiên cứu đã chứng minh mức độ hài lòng của người lao động trong công việc càng cao thì họ càng cam kết với tổ chức, đồng thời, sự vắng mặt của họ trong tổ chức càng hạn chế.
Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Hài Lòng Trong Công Việc
Dưới góc nhìn của Tâm lý học, sự hài lòng trong công việc có mối liên hệ chặt chẽ với động lực của con người. Một trong những lý thuyết phổ biến nhất về vấn đề này là Thuyết nhu cầu của Maslow. Theo đó, các nhu cầu của con người được phân cấp thành 5 bậc, từ nhu cầu cơ bản nhất ở bậc dưới cùng cho đến nhu cầu cao cấp hơn ở bậc trên cùng:
Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): Là những nhu cầu cần thiết cho sự sống của con người, bao gồm thức ăn, nước uống, nơi ở, quần áo,... Trong một tổ chức, bồi thường tài chính và chăm sóc sức khỏe là một số lợi ích giúp nhân viên đáp ứng các nhu cầu sinh lý cơ bản của họ.
Nhu cầu an toàn (Safety Needs): Là những nhu cầu cần thiết để bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm, bao gồm an toàn về thể chất, an toàn về tinh thần, an toàn về tài chính,... Nhu cầu an toàn có thể được biểu hiện thông qua việc nhân viên cảm thấy an toàn về mặt thể chất trong môi trường làm việc của họ, cũng như sự đảm bảo về công việc và/hoặc có cơ cấu và chính sách phù hợp của công ty.
Nhu cầu được thuộc về (Love/ Belonging Needs): Là những nhu cầu cần thiết cho sự tương tác và giao tiếp với những người xung quanh, bao gồm tình yêu, sự quan tâm, sự đồng hành, sự tôn trọng,... Khi 2 nhu cầu trên được thỏa mãn, nhân viên có thể tập trung vào cảm giác như thể họ thuộc về nơi làm việc. Điều này có thể thể hiện dưới hình thức mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp và người giám sát tại nơi làm việc và liệu họ có cảm thấy mình là một phần của nhóm/tổ chức của mình hay không.
Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs): Là những nhu cầu cần thiết để cá nhân cảm thấy tự tin, có giá trị và có năng lực; bao gồm sự tôn trọng từ bản thân, sự tôn trọng từ người khác và thành tích đạt được,... Trong bất kỳ tổ chức nào, nhân viên luôn mong muốn được đồng nghiệp và tổ chức của họ coi trọng và đánh giá cao.
Nhu cầu tự khẳng định (Self-Actualization Needs): Là những nhu cầu cần thiết để phát triển và hoàn thiện bản thân, bao gồm sự tự do, sự sáng tạo, sự thành công,... Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên tìm cách tự hiện thực hóa bản thân; họ cần trưởng thành và phát triển để trở thành mọi thứ mà họ có khả năng trở thành.
Tổ chức muốn cải thiện sự hài lòng trong công việc của nhân viên nên cố gắng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nhân viên trước khi tiến tới giải quyết các nhu cầu cấp cao hơn. Dựa trên cơ sở này, có thể liệt kê 10 yếu tố chính đem lại sự hài lòng trong công việc cho người lao động như sau:
Giao Tiếp
Giao tiếp có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì mức độ hài lòng, ở cả cấp độ cá nhân và tổ chức. Nó được thể hiện ở việc cho phép nhân viên cởi mở, hợp tác và thậm chí tranh chấp khi cần thiết.
>>> Tham Khảo: Làm Thế Nào Để Có Kỹ Năng Phê Bình Tích Cực?
Văn Hóa
Việc xây dựng văn hóa công ty có liên quan đến sự hài lòng trong công việc vì nó cung cấp các giá trị và hướng dẫn từ mục tiêu của tổ chức đến mức độ tương tác phù hợp giữa các nhân viên.
Bảo Mật
Sự hài lòng có thể được nâng cao khi nhân viên có đủ cảm giác an toàn tại nơi làm việc. Sự an toàn có thể nảy sinh khi người lao động biết họ làm việc cho một công ty đáng tin cậy với các mục tiêu dài hạn, và có cảm giác thuộc về công ty đó. Điều này có thể được nâng cao bằng cách xây dựng văn hóa giao tiếp trung thực và minh bạch trong công ty.
Lãnh Đạo
Khả năng lãnh đạo gắn liền với việc tăng cường động lực cho nhân viên, từ đó dẫn đến sự hài lòng trong công việc. Khi một người lãnh đạo đảm bảo rằng việc giao tiếp và hướng dẫn nhiệm vụ đầy đủ và dễ hiểu, động lực làm việc và sự hài lòng của nhân viên sẽ tăng lên.
Cơ Hội
Nhân viên có thể hài lòng hơn với công việc của mình khi có nhiều cơ hội thách thức hơn, chẳng hạn như tham gia vào các dự án thú vị và đa dạng. Điều này cũng giúp nhân viên tránh cảm giác nhàm chán bởi một công việc đơn điệu.
Phát Triển Nghề Nghiệp
Nhân viên có thể hài lòng hơn với công việc của mình khi họ biết tổ chức có lộ trình phát triển dành cho họ. Bên cạnh việc đánh giá thành tích, con đường để phát triển nghề nghiệp có thể giúp nhân viên hạnh phúc hơn.
Điều Kiện Làm Việc
Một môi trường làm việc hợp tác và lành mạnh có thể làm gia tăng mức độ hài lòng trong công việc. Nói cách khác, đây là nơi tôn trọng những ý tưởng và quan điểm đa dạng, phản hồi trung thực và mang tính xây dựng, người lao động có cơ hội được tư vấn, học hỏi và không bị quấy rối.
Lương Và Phúc Lợi
Thành công của tổ chức và sự hài lòng trong công việc cũng liên quan đến nhận thức của nhân viên về mức lương và phúc lợi thỏa đáng. Mặc dù đây không phải là lý do duy nhất khiến nhân viên tìm thấy sự hài lòng ở nơi làm việc, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng lương và phúc lợi là yếu tố được xếp hạng cao trong danh sách nhu cầu về công việc của nhân viên.
>>> Tham Khảo: [Xu Hướng Ngành Tâm Lý 2024] Ngoài Tiền, Chúng Ta Thực Sự Mong Đợi Gì Ở Công Việc?
Khen Thưởng Và Công Nhận
Ngoài lợi ích về tài chính và được trả lương thỏa đáng, sự hài lòng công việc chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thăng tiến rõ ràng và phù hợp với mong đợi của nhân viên. Nghiên cứu cho thấy sự hài lòng trong công việc có liên quan đến sự công bằng trong cách một người được công nhận thành tích tại nơi làm việc.
Đặc Điểm Tính Cách
Các yếu tố liên quan đến sự hài lòng trong công việc kể trên đều nằm ngoài tầm kiểm soát của nhân viên (chẳng hạn như khả năng lãnh đạo của người quản lý và giao tiếp của lãnh đạo công ty), nhưng còn bản thân nhân viên thì sao? Họ có thể thay đổi mức độ hài lòng của bản thân hay không?
Các nhà nghiên cứu đã thảo luận về cách xác định mức độ hài lòng trong công việc dựa trên mức độ chủ động của nhân viên trong công việc. Nhân viên có chủ động tìm kiếm phản hồi từ cấp trên không? Nhân viên có nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ trong công ty không? Nhân viên có cố gắng bám sát mục tiêu của công ty, chủ trì các cuộc họp và đặt câu hỏi khi không chắc chắn về cách hoàn thành nhiệm vụ không?
Nếu có, những nhân viên này là những người có mức độ hài lòng cao ở nơi làm việc. Tính chủ động ở nơi làm việc có thể dẫn đến những đánh giá tích cực về công việc, điều này có thể dẫn đến sự hài lòng.
Một Số Hoạt Động Giúp Gia Tăng Sự Hài Lòng Của Nhân Viên Với Công Việc
Đánh Giá Sức Khỏe Toàn Diện Tại Nơi Làm Việc
Đánh giá sức khỏe nhân viên (bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần) giúp doanh nghiệp xác định bức tranh tổng quan về tình hình sức khỏe hiện tại, từ đó đưa ra các biện pháp cải thiện để tăng năng suất, giảm thiểu tình trạng vắng mặt và kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe cho cả nhân viên và tổ chức nói chung. Đây cũng là một trong những phúc lợi quan trọng góp phần gia tăng sự hài lòng trong công việc. Các loại nguồn dữ liệu được sử dụng để thu thập thông tin trong đánh giá sức khỏe tại nơi làm việc có thể bao gồm thống kê về số lượng tai nạn lao động, tỷ lệ vắng mặt (xin nghỉ), khảo sát thực tế,…
Chương Trình Tâm lý Doanh nghiệp (EAP)
Chương trình Tâm lý Doanh nghiệp, hay Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EAP) hoạt động như một chương trình can thiệp, nhằm giúp nhân viên xác định và giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như nghề nghiệp, tài chính, pháp luật, cảm xúc, các vấn đề về hôn nhân/gia đình,... Bằng cách áp dụng chương trình EAP, doanh nghiệp có thể giúp nhân viên của mình giảm bớt áp lực, đồng thời không chỉ giảm rủi ro cá nhân mà còn giảm rủi ro của tổ chức.
>>> Tham Khảo: Giới Thiệu Về Chương Trình Tâm Lý Doanh Nghiệp (EAP)
Chương Trình Đào Tạo Kỹ Năng Tâm Lý Cho Nhân Viên
Ngày nay, tình trạng lo âu, trầm cảm, thậm chí là rối loạn lưỡng cực ở người lao động ngày càng gia tăng. Việc đào tạo kỹ năng tâm lý giúp nhân viên có kiến thức, nguồn lực và sự tự tin để hành động một cách thích hợp trước các vấn đề về sức khỏe tâm thần của chính họ và những người xung quanh. Mặc dù không thể huấn luyện nhân viên hiểu mọi thứ về các rối loạn sức khỏe tâm thần, nhưng các chương trình đào tạo cho phép nhân viên có khả năng kiểm soát sức khỏe tâm thần và sức khỏe toàn diện của họ.
Tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, Viện Tâm lý Việt - Pháp thiết kế các gói dịch vụ chăm sóc tâm lý doanh nghiệp với quy mô, đối tượng, các giai đoạn triển khai và các chủ điểm thực hiện phù hợp. Đặt lịch trao đổi với chúng tôi về nhu cầu dịch vụ hỗ trợ tâm lý doanh nghiệp riêng của Doanh nghiệp anh/chị ngay tại ĐÂY.
Tham khảo:
[1] Job Satisfaction-An Overview. https://euroasiapub.org/wp-content/uploads/2017/11/21ESSJan-4388-1.pdf
[2] Tổng Quan Lý Thuyết Về Sự Hài Lòng Trong Công Việc: Ý Nghĩa Lý Luận Cho Các Nghiên Cứu Quản Trị Liên Quan. https://media.neliti.com/media/publications/448292-literature-review-of-job-satisfaction-th-295b22b4.pdf
[3] What Is Job Satisfaction and Why Is It Important?. https://positivepsychology.com/job-satisfaction/#benefits
[4] Job satisfaction: theories and definitions. https://oshwiki.osha.europa.eu/en/themes/job-satisfaction-theories-and-definitions
[5] Đánh Giá Sức Khỏe Toàn Diện Tại Nơi Làm Việc. https://tamlyvietphap.vn/tam-ly-doanh-nghiep/danh-gia-suc-khoe-toan-dien-tai-noi-lam-viec-2665-55094-article.html
[6] Giới Thiệu Về Chương Trình Hỗ Trợ Nhân Viên - EAP. https://tamlyvietphap.vn/tam-ly-doanh-nghiep/gioi-thieu-ve-chuong-trinh-ho-tro-nhan-vien-eap-2665-55105-article.html
[7] Tầm Quan Trọng Của Đào Tạo Kỹ Năng Tâm Lý Cho Nhân Viên. https://tamlyvietphap.vn/tam-ly-doanh-nghiep/tam-quan-trong-cua-dao-tao-ky-nang-tam-ly-cho-nhan-vien-2665-55107-article.html
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn