Kỹ Năng Giao Tiếp Với Một Nhân Viên Bị Trầm Cảm

Một nhân viên luôn thân thiện và hòa đồng với tất cả mọi người đột nhiên thu mình và trở nên xa cách. Một trưởng nhóm vốn rất quyết đoán giờ đây không thể đưa ra quyết định đơn giản nhất. Một đồng nghiệp đã từng rất thoải mái nhưng lại bắt đầu tranh cãi với người khác và cáu gắt chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt. Nhân viên gương mẫu nhất lại đi làm muộn, cáo ốm và không hoàn thành công việc được giao. Đây là một số triệu chứng của bệnh trầm cảm ở nơi làm việc.

Vậy một nhà quản lý phải làm gì? Về cơ bản, ai cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng nếu bạn là một người quản lý, bạn cũng nên quan tâm đến sức khỏe của nhân viên. Các vấn đề về hiệu suất phải được giải quyết; nhưng, khi nhìn vào thành tích xuất sắc trước đây của nhân viên - hoặc nỗi đau cảm xúc của họ, người quản lý có lẽ chỉ muốn làm hộ công việc của nhân viên cho đến khi họ trở lại như trước.

Nhân viên bị trầm cảm thường tạo ra một tình huống khó xử cho người quản lý của họ. Nên những người quản lý thường nghĩ rằng tại sao họ phải giải quyết vấn đề đó? Nhân viên đã là người trưởng thành cả rồi - tại sao họ không đến gặp người quản lý trước?

Lời Khuyên Dành Cho Quản Lý: Đừng Đợi Nhân Viên Tìm Đến Bạn Trước

Khả năng cao là họ sẽ không tìm đến bạn trước đâu bởi hầu hết các nhân viên bị trầm cảm sẽ thà cạp đất còn hơn là đi thừa nhận với người quản lý rằng họ đang bị trầm cảm. 

Một phần lý do đến từ nỗi hổ thẹn mà nhiều người bị trầm cảm cảm thấy vì họ cho rằng những cảm xúc của họ là "điểm yếu". Tuy nhiên, phần lớn lý do khiến họ im lặng đến từ sự kỳ thị các bệnh tâm thần mà nhiều người phải trải qua.

Ví dụ, trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.129 công nhân do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ thực hiện, phần lớn người tham gia tin rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề tâm lý cụ thể - chẳng hạn như nghiện chất kích thích (76%), nghiện rượu (73%) và trầm cảm (62 %) - sẽ không được chấp nhận. Cứ mỗi một người quản lý muốn hỗ trợ hoặc một chuyên gia nhân sự thể hiện sự quan tâm là mười nhân viên cảm thấy bị trêu chọc, soi mói hoặc phân biệt đối xử vì đã thừa nhận tình trạng của mình.

Rõ ràng, với tư cách là một nhà quản lý, bạn nên nhận biết và hỗ trợ nhân viên có vấn đề sức khỏe tâm thần một cách chủ động. Để làm được điều đó, hãy tham khảo bài viết phân tích tại đây

Bước Đầu Tiên: Hãy Nhìn Nhận Tác Động Của Bệnh Trầm Cảm Với Công Việc

Mỗi một người quản lý đều sẽ có một số nhân viên rất xuất sắc và một số kém cỏi. Và chắc chắn là dù người lười biếng, người kém cỏi, người cần cù hay người chăm chỉ đều có thể bị trầm cảm. Hiệu suất của nhân viên, dù họ là nhân viên tốt hay yếu, đều trở nên giảm sút đáng kể khi mắc trầm cảm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý về chứng trầm cảm là sự thay đổi ở nhân viên. 

Dưới đây là một số dấu hiệu của sự thay đổi về hiệu suất:

  • Bỏ dở công việc

  • Hay quên

  • Mắc lỗi nhiều hơn

  • Khó tập trung

  • Thiếu quyết đoán

  • Cáu gắt

  • Mất hứng thú trong công việc hoặc trong giao tiếp với đồng nghiệp

  • Có vẻ mệt mỏi/kiệt sức

Tham Khảo: Giới Thiệu Về Chương Trình Hỗ Trợ Nhân Viên - EAP

Giao Tiếp Với Nhân Viên Bị Trầm Cảm

Các nhà quản lý không đến gặp nhân viên để nói về các vấn đề y tế, tham vấn hoặc chẩn đoán. Họ đến để nói về hiệu quả công việc và hành vi của nhân viên. Họ cũng đến để thể hiện sự quan tâm của họ đối với sức khỏe của nhân viên. Dưới đây là một số cách để vừa có thể nói về công việc vừa thể hiện sự quan tâm đến một nhân viên có khả năng bị trầm cảm:

  1. Bắt đầu với sự quan tâm của bạn đối với nhân viên. "Sandy, tôi lo lắng cho bạn."

  2. Tập trung vào những hành vi có thể quan sát được. "Bạn đã đi làm muộn bốn lần trong hai tuần qua và báo cáo của bạn có nhiều lỗi gấp đôi bình thường."

  3. Thừa nhận sự thay đổi. "Điều này không giống bạn. Bạn thường là người đến cơ quan đầu tiên và cũng là người ít khi mắc lỗi nhất trong phòng."

  4. Hãy thể hiện là bạn đến trong “hòa bình”. "Tôi không biết liệu bạn có đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống cá nhân của mình hay không, nhưng nếu có thì chúng tôi có một chương trình hỗ trợ nhân viên bảo mật có thể giúp được bạn."

  5. Hãy chuẩn bị tinh thần để thiết lập các giới hạn. Ví dụ, nếu nhân viên đề cập đến sự bất hòa trong hôn nhân, vấn đề với con cái, vấn đề tài chính, v.v., người quản lý nên thông cảm nhưng nên hạn chế nói về các chủ đề này.

  6. Giới thiệu chương trình hỗ trợ nhân viên (EAP). Cung cấp cho nhân viên số điện thoại của nhà cung cấp EAP hoặc gợi ý rằng chương trình này cũng sẽ là một nguồn tốt để giúp nhân viên xem xét quyết định tham vấn chuyên môn bên ngoài thông qua các phúc lợi chăm sóc sức khỏe, phòng khám cộng đồng, chương trình hỗ trợ nhân viên hoặc thậm chí thông qua tham vấn mục vụ.

  7. Nhắc lại mối quan tâm của bạn. "Tôi rất muốn giúp bạn vượt qua khó khăn hiện thời."

  8. Củng cố nhu cầu cải thiện hiệu suất. "Tuy nhiên, cho dù bạn có liên hệ với dịch vụ này hay không, bạn vẫn cần đạt được các chỉ tiêu về hiệu suất của mình."

Tham Khảo: Tầm Quan Trọng Của Đào Tạo Kỹ Năng Tâm Lý Cho Nhân Viên 

Lời Kết

Chứng trầm cảm được mô tả dưới góc nhìn lâm sàng giống như một con chó đen, như bị một cái chăn trùm kín đến mức ngột ngạt và như một cái hố đen vô tận. Nếu không được điều trị, chứng rối loạn có thể làm cạn kiệt năng lượng và động lực của những nhân viên làm việc hiệu quả nhất. Với sự trợ giúp phù hợp, một người có thể quản lý, khắc phục hoặc vượt qua căn bệnh này. Trên thực tế, đối với một số người, việc đương đầu với trầm cảm đã mang lại cho họ những điều quý báu mà họ có thể không bao giờ biết đến - chẳng hạn như một góc nhìn rộng mở hơn và sự đồng cảm với người khác. Ít nhất, đó là điều mà Abraham Lincoln - một người từng bị trầm cảm trong nhiều năm - đã nói.

Nguồn: How to Talk to a Depressed Employee. Psychology Today (2010).

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/