Có sự khác biệt lớn giữa một người làm việc chăm chỉ và một người nghiện công việc.
Mặc dù hiện tượng nghiện công việc (workaholism) đã được nghiên cứu gần 45 năm qua, nhưng thời đại kỹ thuật số ngày nay đã phát sinh một số vấn đề mới. Công nghệ- như điện thoại, và máy tính - đã tạo cơ hội làm việc ở mọi nơi, mọi lúc và đối với một số người, điều đó có nghĩa là làm việc toàn thời gian.
Khả năng mang công việc về nhà đã xoá nhoà khoảng cách giữa công việc và giải trí khi nhiều người cảm thấy phải tiếp tục làm việc sau thời gian công sở. Việc mọi người sẽ rảnh rỗi vào các buổi chiều, cuối tuần và cả trong những kỳ nghỉ bỗng nhiên trở thành xa xỉ.
Thái độ cho rằng “thời gian là tiền bạc" khiến nhiều người đắn đo khi dành thời gian buổi tối để nghỉ ngơi cùng gia đình hay vui chơi với bạn bè. Vấn đề này đã nghiêm trọng đến mức hiện tượng nghiện công việc (workaholism) được nhận định là “cơn nghiện của thế kỉ.”
Vậy ranh giới giữa sẵn sàng làm việc liên tục và nghiện công việc là ở đâu? Các nhà nghiên cứu hầu như định nghĩa một workaholic là một người ám ảnh với công việc và không thể rời khỏi nó. Nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa có một định nghĩa chính xác để phân biệt giữa “một người làm việc chăm chỉ" và “một workaholic.”
Thước đo mức nghiện công việc
Các nhà nghiên cứu Bắc Âu đến từ Khoa Khoa học Tâm lý Xã hội ở Đại học Bergen đã chỉ ra những đặc điểm cụ thể của những workaholic. Họ sử dụng 7 tiêu chí dưới đây để đánh giá khả năng một người có thể mắc chứng nghiện công việc:
1. Bạn nghĩ cách để có nhiều thời gian làm việc hơn.
2. Bạn dành nhiều thời gian làm việc hơn dự định
3. Bạn làm việc để bớt cảm thấy tội lỗi, lo lắng, bất lực hoặc/và trầm cảm.
4. Người khác khuyên bạn hãy giảm khối lượng công việc nhưng bạn không lắng nghe.
5. Bạn cảm thấy stress nếu không được làm việc.
6. Bạn ưu tiên công việc hơn những sở thích, hoạt động giải trí hoặc/và thể dục thể thao.
7. Bạn làm việc nhiều đến mức ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nếu bạn trả lời “thường xuyên" hoặc “luôn luôn" với bất cứ tiêu chí nào, bạn có thể là một workaholic. Nghiên cứu kết luận rằng khoảng 8.3% lực lượng lao động ở Bắc Âu mắc chứng nghiện làm việc - một số nghiên cứu khác cho rằng chứng này chiếm khoảng 10% dân số trung bình ở các nước khác.
Những người được xác định là workaholic thường xếp hạng cao ở 3 đặc điểm tính cách dưới đây:
- Tính dễ chịu - Những workaholic có xu hướng vị tha, tuân thủ và khiêm tốn hơn.
- Tính nhạy cảm - Những workaholic dễ lo lắng, bốc đồng và kém thân thiện hơn.
- Trí tuệ/trí tưởng tượng - Những workaholic thường có óc sáng tạo và hành động nhiều hơn nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người lao động trẻ tuổi có xu hướng là một workaholic hơn. Giới tính, trình độ học tập, và tình trạng hôn nhân dường như không đóng góp vào việc này. Tuy nhiên, những người làm cha mẹ lại có khả năng bị ảnh hưởng cao hơn, so với những người không có con.
Những hiểm hoạ của việc là một workaholic
Mặc dù một số CEOs và nhà quản lý có thể cảm thấy mừng thầm khi họ tuyển được những người sẵn sàng làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng về lâu dài, điều này sẽ có ảnh hưởng xấu lên công ty - và các cá nhân. Một nghiên cứu năm 2013 của Đại học bang Kansas cho thấy những người làm việc hơn 50 tiếng một tuần có khả năng phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về cả sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Việc không thể rời khỏi công việc mới đầu tưởng như làm tăng năng suất. Nhưng sau một thời gian, hiệu quả công việc bị giảm và các mối quan hệ tan vỡ. Áp lực công việc ngày càng chất chồng và cuối cùng, chứng nghiện làm việc có thể làm tăng những mối nguy hại đến sức khoẻ và góp phần dẫn đến tử vong sớm.
Làm việc nhiều giờ cũng tạo ra động lực thú vị. Càng làm việc nhiều, càng nhận được nhiều tiền. Nhưng điều đó cũng giảm thời gian giải trí để hưởng thụ việc tiêu số tiền đó. Nếu không nhận ra điều này, công việc có thể nhanh chóng chiếm toàn bộ cuộc sống của bạn.
Phương pháp điều trị dành cho những workaholic
Việc là một workaholic không nên coi là bình thường mà đó là một vấn đề nghiêm trọng. Một trong những vấn đề mấu chốt để điều trị chứng nghiện công việc là Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) chưa công nhận nó là một chứng nghiện như cách chuẩn đoán nghiện rượu, ma tuý hay cờ bạc. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi điều trị, chúng ta có thể không được hoàn trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, sự trợ giúp vẫn luôn có sẵn. Điều trị có thể đến từ việc tham gia các nhóm tự lực (self-help) như những workaholics giấu tên cho đến việc kiểm tra tại một trung tâm điều trị nội trú. Trị liệu thường bao gồm việc học cách tách rời khỏi công việc, tìm ra các bước để gắn kết lại với gia đình và xác định các phương pháp để trở nên hiệu quả hơn.
Điều tốt nhất bạn có thể làm có lẽ là phát triển khả năng tự nhận thức về bất kỳ xu hướng nào mà bạn đang có khi trở thành một người nghiện công việc. Theo dõi thời gian bạn dành cho công việc và để ý khi nào công việc đang tạo ra những vấn đề trong cuộc sống cá nhân của bạn. Thực hành việc buông bỏ, đi nghỉ thường xuyên và thiết lập các ranh giới lành mạnh để cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ ngăn việc bạn trở thành một workaholic.
Nguồn: 7 Signs You May Be A Workaholic, Psychology Today
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: