​TẦM QUAN TRỌNG CỦA NƠI LÀM VIỆC LÀNH MẠNH

Tất cả chúng ta đều biết rằng công việc, dưới bất kỳ hình thức nào, đều có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần và tâm lý của chúng ta, trong đó, rõ ràng chất lượng và sự lành mạnh về tâm lý của môi trường làm việc có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn hoặc tệ hơn. Các nghiên cứu cho thấy, một môi trường làm việc tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và lạm dụng chất kích thích.



Môi trường làm việc độc hại cũng có liên hệ với việc ngủ không đủ giấc, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch, và theo thời gian có thể làm giảm tuổi thọ.
Chưa kể đến tác động kinh tế mà sức khỏe tâm thần kém của nhân viên gây ra đối với các công ty và tổ chức. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 5 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật trên toàn thế giới có liên quan đến sức khỏe tâm thần và ước tính ảnh hưởng về chi phí cho nền kinh tế toàn cầu là khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm do mất năng suất.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc

Các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau tại nơi làm việc, bao gồm:

  • Thường xuyên xin nghỉ ốm
  • Thu mình / tự cô lập
  • Thay đổi tính cách
  • Khó tập trung và ghi nhớ các chi tiết
  • Khó sắp xếp các suy nghĩ và nhiệm vụ
  • Các khó khăn về nhận thức khác


Mô hình Vitamin

Một khuôn mẫu để xem xét môi trường làm việc ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của chúng ta là “Mô hình Vitamin về Sức khỏe Tâm thần” (Vitamin Model of Mental Health). Đúng như tên gọi của nó, Mô hình Vitamin dựa trên sự tương đồng về mối quan hệ giữa vitamin và sức khỏe thể chất.

Theo các nhà nghiên cứu Maria Jahoda và Peter Warr, sự hiện diện của một số đặc điểm tâm lý của môi trường — hay nói cách khác là “vitamin môi trường” — sẽ có những tác động khác nhau khi mức độ của chúng tăng lên với sức khỏe tâm thần.

Ví dụ, các vitamin như A và D, mặc dù rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng có thể gây hại khi tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, các vitamin khác như C và E, cũng rất cần thiết cho sức khỏe, có thể được tiêu thụ với số lượng lớn mà không có tác dụng phụ.

Mô hình Vitamin được hình thành nhằm giúp cung cấp một cái nhìn tổng quát hơn về cách các đặc điểm tâm lý của bất kỳ môi trường nào ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của con người. Kể từ đó, nó đã được áp dụng cho mức độ hạnh phúc hoặc bất hạnh trong các môi trường bao gồm cả môi trường làm việc.



Mô hình này cho rằng hạnh phúc của nhân viên và của tổ chức có sự tương quan với 12 đặc điểm sau của một môi trường làm việc lành mạnh:

  1. Cơ hội để tự kiểm soát, bao gồm các yếu tố liên quan đến ý muốn, phạm vi quyết định, sự tham gia
  2. Cơ hội được ứng dụng và học hỏi các kỹ năng
  3. Các mục tiêu từ bên ngoài bao gồm yêu cầu của công việc, tình trạng thiếu hoặc quá tải đầu việc, tính chất nhiệm vụ, xung đột vai trò, yêu cầu về lao động tinh thần và những mâu thuẫn giữa công việc và gia đình
  4. Đa dạng về nội dung công việc và vị trí
  5. Môi trường rõ ràng, vai trò rõ ràng, có sự phản hồi về nhiệm vụ và ít mơ hồ về các kế hoạch tương lai
  6. Hỗ trợ xã hội, chất lượng và số lượng của các tương tác xã hội
  7. Sự đầy đủ của lương thưởng và nguồn lực
  8. An toàn vật lý — điều kiện làm việc, mức độ nguy hiểm và các chủ đề tương tự
  9. Vị trí xã hội được đánh giá cao, bao gồm cả tầm quan trọng của một nhiệm vụ hoặc vai trò
  10. Hỗ trợ sự giám sát
  11. Triển vọng nghề nghiệp, có thể là sự an toàn về công việc, là cơ hội thăng tiến hoặc chuyển sang các vai trò khác
  12. Công bằng, bao gồm công bằng trong tổ chức và trong các mối quan hệ của tổ chức đó với xã hội


Nơi làm việc lành mạnh

Trung tâm tổ chức thuộc Hiệp hội tâm lý Mỹ (APA) cam kết nâng cao hoạt động của các cá nhân, nhóm, tổ chức và cộng đồng thông qua việc áp dụng tâm lý học vào một loạt các vấn đề tại nơi làm việc.

Chương trình Nơi làm việc lành mạnh về tâm lý (PHWP) của Trung tâm là một sáng kiến ​​giáo dục cộng đồng với mục đích hỗ trợ người sử dụng lao động nâng cao nhận thức về giá trị của việc áp dụng tâm lý học vào nơi làm việc, và thúc đẩy các chương trình và chính sách nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần của nhân viên và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Cốt lõi của PHWP bao gồm Giải thưởng cho Nơi làm việc Khỏe mạnh về Tâm lý của APA và Giải thưởng Tổ chức Xuất sắc.

Theo APA, Giải thưởng Nơi làm việc Khỏe mạnh về Tâm lý được thiết kế để "công nhận các tổ chức vì những nỗ lực của họ trong việc nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức." Ngoài giải thưởng Nơi làm việc Khỏe mạnh về Tâm lý, mỗi năm một tổ chức duy nhất được chọn để nhận Giải thưởng Tổ chức Xuất sắc, yêu cầu họ nêu được việc áp dụng hiệu quả tâm lý học tại nơi làm việc, bao gồm các phương pháp thúc đẩy hạnh phúc và hiệu suất của nhân viên.

Điểm chung của những người đoạt giải trong quá khứ là họ đều đã thực hiện một loạt các thực hành toàn diện tại nơi làm việc nhằm thúc đẩy sứ mệnh và cam kết đối với sức khỏe tâm lý của nhân viên. Họ cũng chia sẻ nhiều yếu tố giống nhau được thúc đẩy từ Mô hình Vitamin; bao gồm quyền tự chủ, việc được tham gia vào quá trình ra quyết định, sử dụng các kỹ năng có giá trị, nhận các phản hồi sẵn có, công việc và định hướng không mơ hồ, quyền riêng tư đầy đủ, mối quan hệ tốt với những người khác, hỗ trợ xã hội, uy tín nghề nghiệp và ý nghĩa của công việc.

Dưới đây là một số thành phần khác có tương quan với hạnh phúc của nhân viên và tổ chức:

  • Giải quyết sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần: Mở rộng các chương trình hỗ trợ nhân viên, thông báo cho nhân viên rằng có sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần
  • Sự tham gia của nhân viên: Trao quyền cho nhân viên bằng cách cho họ ra quyết định và cho họ nhiều quyền tự chủ hơn trong công việc
  • Lập lịch trình lành mạnh: Cung cấp cho nhân viên lịch trình làm việc linh hoạt và các lợi ích khác như thời gian phù hợp để họ quản lý các nhu cầu mà họ phải đối mặt cả trong và ngoài công việc
  • Tăng trưởng và phát triển: Cung cấp cơ hội học liên tục, hỗ trợ học phí và phát triển năng lực lãnh đạo
  • Các chương trình chăm sóc sức khỏe: Các lợi ích giúp nhân viên tối ưu hóa sức khỏe thể chất và tinh thần của họ và phát triển lối sống lành mạnh, chẳng hạn như các chương trình quản lý căng thẳng, giảm cân và cai thuốc lá
  • Sự công nhận: Khen thưởng nhân viên bằng cả vật chất và phi vật chất thông qua tiền thưởng dựa trên hiệu suất và tăng lương, chia sẻ lợi nhuận, các chương trình khen thưởng cho nhân viên và những lời cảm ơn chân thành.

Do có những kỳ thị liên quan đến rối loạn tâm thần, người sử dụng lao động cần đảm bảo rằng các cá nhân cảm thấy được hỗ trợ và được cung cấp các nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc của họ.

Tiến sĩ tâm lý học Jacinta Jiménez mô tả môi trường an toàn tâm lý là "một môi trường mà mọi người thoải mái thể hiện và là chính mình, cho phép nhân viên cảm thấy được tôn trọng và cảm giác thuộc về." Điều này đặc biệt đúng đối với các đội nhóm. "Nếu các thành viên trong nhóm thường xuyên cảm thấy họ không ở trong một nhóm an toàn, không đáp ứng về động lực, đạo đức, sự sáng tạo và thậm chí cả sự đổi mới, họ có thể sẽ rời bỏ nhóm." Jiménez nói thêm, "Những nhân viên làm việc trong các nhóm tạo được sự lành mạnh về tâm lý sẽ ở lại với công ty của họ lâu hơn, cảm thấy gắn bó hơn, học hỏi công việc nhanh hơn và có năng suất chất lượng cao hơn."



Julie Zadow, giám đốc tiếp thị của TalentFirst, đã dành hai thập kỷ trong lĩnh vực quản lý nhân sự để làm việc với các công ty nhằm tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, hỗ trợ để nhân viên của họ đạt được hiệu suất tốt nhất. Trong suốt sự nghiệp của mình, cô đã thực hiện sứ mệnh khuyến khích các tổ chức và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tạo ra một nơi làm việc nhân văn hơn.

Theo Zadow, nếu một nửa lực lượng lao động kém cam kết, hầu hết các tổ chức sẽ không đạt được những mục tiêu về ‘sức mạnh con người' của họ. Vì vậy, câu hỏi đơn giản là “Làm thế nào để các tổ chức tăng cường mức độ tham gia của nhân viên?".

Khi mọi người cảm thấy được đánh giá cao trong công việc của họ, khi các nhà lãnh đạo nỗ lực để nhận ra những thay đổi tích cực và chia sẻ những lời khen ngợi, khi họ phản hồi một cách rõ ràng và thường xuyên, nhân viên của họ sẽ cảm thấy tốt hơn. Nhân viên sẽ cảm thấy cam kết hơn, hạnh phúc hơn trong công việc và họ gắn bó hơn với tổ chức. Và khi hạnh phúc nơi làm việc tăng lên, hãy đoán xem? Năng suất tăng theo cùng với nó. Vậy đó, yếu tố tác động tốt nhất lại là yếu tố ít tốn kém nhất: một thái độ linh hoạt.

Hỗ trợ tại nơi làm việc

Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA), là một đạo luật về "cơ hội bình đẳng" cho người khuyết tật, bảo vệ những người bị khuyết tật về thể chất và tinh thần. Đạo luật này khuyến khích sự điều chỉnh hợp lý mà nhân viên có thể yêu cầu; bao gồm thay đổi lịch nghỉ và lịch làm việc (lên lịch làm việc xung quanh các cuộc hẹn khám bệnh và cho phép thời gian nghỉ để điều trị), thay đổi phương pháp giám sát, loại bỏ một chức năng công việc không thiết yếu mà họ không thể thực hiện vì khuyết tật, tạo không gian văn phòng yên tĩnh hoặc các thiết bị hỗ trợ môi trường làm việc và được phép làm việc tại nhà.

LỜI KẾT

Chất lượng môi trường làm việc của chúng ta, trong bất kỳ ngành nghề nào, đều có tác động đáng kể đến cảm xúc, tâm lý và thể chất của chúng ta. Đối với bất kỳ điều kiện làm việc có hại nào, biện pháp can thiệp tốt nhất là phòng ngừa. Đối với các nhà lãnh đạo, việc chú ý đến tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh về mặt tâm lý không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với “sức khỏe” của công ty mà quan trọng hơn là đối với mỗi con người của công ty.

Nguồn: The Value of a Psychologically Healthy Workplace, Verywell Mind
Thanh Hương dịch

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:


Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/