Nếu bạn đang chiến đấu với chứng trầm cảm, những đồ uống chứa cồn sẽ không giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nó có thể tạm thời ngăn chặn cảm giác cô đơn, lo lắng hoặc buồn bã, nhưng điều đó sẽ không kéo dài. Và nhiều khả năng, chứng trầm cảm của bạn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Rượu và chứng trầm cảm có thể ảnh hưởng lẫn nhau một cách tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, điều trị chứng nghiện rượu sẽ làm thuyên giảm chứng trầm cảm. Tuy nhiên, giảm bớt chứng trầm cảm chưa chắc sẽ giải quyết được chứng rối loạn do sử dụng rượu.
Bạn cũng có thể nhận được chẩn đoán kép là rối loạn trầm cảm nặng (MDD) và rối loạn sử dụng rượu (AUD) trong một số trường hợp. Rối loạn đồng thời này không phải là hiếm, nhưng nó có thể khó điều trị hơn. Bài báo này sẽ bao gồm mối liên hệ giữa rượu và trầm cảm, cách hai chứng rối loạn liên kết với nhau, các lựa chọn điều trị và cách đối phó.
Ảnh hưởng của việc sử dụng rượu
Rượu có thể gây ra cảm giác hưng phấn, khiến bạn cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn ngay lập tức, nhưng những cảm giác đó chỉ thoáng qua. Đồ có cồn cũng là một chất gây trầm cảm. Giống như barbiturat (thuốc an thần), rượu là một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (CNS) và chức năng của não. Tuy vậy, vẫn có nhiều người Mỹ uống rượu, ngay cả khi họ bị trầm cảm.
Jill Bolte Taylor, tiến sĩ, tác giả của Whole Brain Living, giải thích: “Trong xã hội của chúng ta, rượu luôn có sẵn và được xã hội chấp nhận. Trầm cảm và lạm dụng rượu thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì chúng ta dùng những thứ tưởng rằng có thể chống trầm cảm để tránh khỏi chứng trầm cảm và điều này chỉ làm cho bệnh trầm trọng hơn”. Uống càng nhiều rượu, các triệu chứng càng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào mức độ say của bạn, bạn có thể bị giảm ức chế, mất khả năng phán đoán, nhầm lẫn và thay đổi tâm trạng.
Vanessa Kennedy, Tiến sĩ, Giám đốc Tâm lý tại Driftwood Recovery cho biết: “Chất có cồn thường được sử dụng để làm tê liệt những cảm xúc khó chịu và dễ trở thành thói quen phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của chất dẫn truyền thần kinh trong não. Cho dù bạn chọn loại đồ uống nào, chất có cồn có thể dễ dàng bị lạm dụng thường xuyên đặc biệt là khi nó được sử dụng để tự chữa bệnh. Tự rót cho mình một ly rượu hoặc uống một cốc bia vào cuối một ngày dài có thể tạm thời làm giảm cảm giác chán nản, bởi vì rượu đóng vai trò như một loại thuốc an thần, nhưng nó sẽ khiến những cảm giác đó trở nên trầm trọng hơn.”
Uống rượu liên tục và quá mức có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn trầm cảm nặng. Nó cũng có thể tích hợp với các triệu chứng của bệnh trầm cảm đã có từ trước và gây nguy hiểm cho sức khỏe và tinh thần của bạn.
Những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nên cực kỳ thận trọng khi sử dụng các chất như rượu. Theo Tiến sĩ Kennedy, đối với những người đang dùng thuốc chống trầm cảm, kết hợp chúng với rượu có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Những yếu tố liên quan khác
Việc đồng thời mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và rối loạn sử dụng rượu là điều xảy ra thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, có một số yếu tố nhất định có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các rối loạn đi kèm này cao hơn. Những yếu tố đó bao gồm:
- Di truyền, bao gồm tiền sử gia đình bị trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích
- Tiền sử chấn thương hoặc lạm dụng, hoặc PTSD, có thể do lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, đánh nhau, v.v.
- Tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn
- Các yếu tố môi trường, bao gồm tiếp xúc với bạo lực, chấn thương, hành hung, lạm dụng, v.v.
Nếu bạn cho rằng mình dễ bị nghiện rượu hoặc trầm cảm, bạn có thể nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như nhân viên xã hội, nhân viên tư vấn hoặc nhà trị liệu, về những lo lắng này và cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc đối phó với những rối loạn này.
Rối loạn sử dụng rượu và trầm cảm
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự phụ thuộc vào rượu có liên quan chặt chẽ đến chứng trầm cảm. Khi chẩn đoán rối loạn sử dụng rượu và rối loạn trầm cảm nặng, điều quan trọng là phải giải quyết chúng đồng thời vì chúng có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hồi phục của bạn.
Hãy cùng tìm hiểu hai chứng rối loạn và mối tương quan của chúng.
Rối loạn sử dụng rượu
Rượu có thể là một loại chất kích thích được xã hội chấp nhận, nhưng nó vẫn là một loại chất kích thích có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Lạm dụng và lệ thuộc rượu đều được coi là một rối loạn do sử dụng rượu, các nghiên cứu phát hiện ra rằng nghiện rượu liên hệ chặt chẽ với triệu chứng kéo dài của các rối loạn trầm cảm.
Theo Sổ tay thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM – 5), đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn sử dụng rượu:
- Việc uống rượu của bạn đang ảnh hưởng đến việc ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc.
- Bạn đã ngừng tham gia vào các hoạt động quan trọng đối với bạn.
- Bạn đã rơi vào tình huống nguy hiểm khi uống rượu, chẳng hạn như lái xe, bơi lội hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
- Bạn uống để trải nghiệm một hiệu quả nhất định.
- Bạn đã gặp phải các triệu chứng khi cai nghiện rượu, chẳng hạn như buồn nôn, đổ mồ hôi, tim đập nhanh hoặc khó ngủ.
- Bạn đã cố gắng cắt giảm, nhưng không thể.
- Bạn đã uống nhiều hơn hoặc lâu hơn dự định trong nhiều lần.
- Bạn vẫn tiếp tục uống rượu ngay cả khi bạn cảm thấy chán nản, lo lắng.
- Bạn đã muốn uống đến mức không thể nghĩ ra được điều gì khác để làm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã phát hiện ra rằng 9 trong số 10 người lớn uống rượu say không mắc chứng rối loạn sử dụng rượu nghiêm trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là rượu không phải là vấn đề đối với họ. Uống rượu để đối phó với chứng trầm cảm, bất kể bạn có bị rối loạn sử dụng rượu hay không, là điều đáng lo ngại.
Rối loạn sử dụng rượu có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng, tùy thuộc vào sự kết hợp của các triệu chứng bạn đang gặp phải, nhưng các vấn đề về uống rượu có thể tồn tại dù không có chẩn đoán lâm sàng.
Cho dù bạn có đang bị trầm cảm hay không, điều quan trọng là phải xem xét thói quen uống rượu của bạn và xem xét tại sao bạn uống, khi nào bạn uống và cảm giác của bạn khi uống.
Rối loạn trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng phổ biến và nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 17,3 triệu người trưởng thành đã từng trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nặng.
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm, theo DSM-5, bao gồm:
- Cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc tuyệt vọng
- Mất hứng thú với các hoạt động bạn từng yêu thích
- Trải qua một sự thay đổi đáng kể về cân nặng hoặc giảm cảm giác thèm ăn
- Khó ngủ, mệt mỏi hoặc ngủ quá nhiều
- Suy nghĩ về cái chết hoặc ý nghĩ tự tử
- Khó tập trung
Rối loạn trầm cảm chủ yếu bao gồm các triệu chứng dai dẳng và kéo dài, nhưng trầm cảm nói chung có nhiều dạng khác nhau. Các triệu chứng trầm cảm có thể do các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống, tình trạng sức khỏe tâm thần, tình trạng y tế và các yếu tố khác.
Trầm cảm cũng có thể do rượu trực tiếp gây ra trong trường hợp rối loạn do chất. Mặc dù nhiều người đã trải qua chứng trầm cảm, nhưng nó thường có thể không được chẩn đoán và không được điều trị. Bạn không cần phải chiến đấu với chứng trầm cảm một mình và việc dựa vào rượu để giúp bạn cảm thấy tốt hơn sẽ chỉ gây thêm đau đớn. Hãy liên hệ với chuyên gia tâm lý để nói về cách trị liệu và các chiến lược đối phó với chứng trầm cảm.
Những mối liên hệ khác
Một số chuyên gia cũng gợi ý rằng cả rối loạn trầm cảm và rối loạn sử dụng rượu đều có chung sinh lý bệnh cơ bản ở chỗ chúng đều là tình trạng liên quan đến thần kinh.
Do mối liên hệ này, việc điều trị cho cả hai nên bao gồm một chế độ ăn uống nhằm cải thiện chức năng đường ruột và giảm tải nội độc tố góp phần gây ra chứng viêm thần kinh. Ví dụ, theo một chế độ ăn Địa Trung Hải giàu omega-3, có thể là một khuyến nghị.
Các lựa chọn điều trị
Tiến sĩ Kennedy giải thích rằng quan trọng là phải giải quyết đồng thời cả lạm dụng rượu và trầm cảm khi xem xét các lựa chọn điều trị, vì những tình trạng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có thể làm trầm trọng lẫn nhau,
Tiến sĩ Taylor nói: “Tế bào là những sinh vật sống và nếu bạn muốn giải quyết vấn đề trầm cảm ở cấp độ tế bào, thì chúng không thể bị đưa vào cảm giác say. "Rượu làm cho chúng ta cảm thấy say và bối rối vì rượu làm cho các tế bào say và không hoạt động."
“Các lựa chọn điều trị bao gồm từ gặp một nhà trị liệu cá nhân hoặc bác sĩ tâm thần mỗi tuần một lần trong môi trường ngoại trú hoặc tham gia một nhóm bệnh nhân ngoại trú tích cực ba lần một tuần hoặc điều trị nội trú, trong đó một cá nhân ở trong một cơ sở điều trị, nhận liệu pháp chuyên sâu và thể chất Tiến sĩ Kennedy nói.
Chẩn đoán kép có thể phức tạp để điều trị, bất kể trường hợp nào. Các lựa chọn điều trị phổ biến nhất được bao gồm dưới đây, nhưng hãy biết rằng việc phục hồi đòi hỏi một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa phù hợp nhất với nhu cầu sức khỏe tâm thần của bạn.
Liệu trình trị liệu
Tiến sĩ Kennedy cho biết: “Các can thiệp trị liệu được thiết kế để giải quyết cả hai vấn đề bao gồm tập trung vào giải quyết nỗi đau hoặc chấn thương tinh thần, cũng như phát triển và thực hành các hành vi đối phó lành mạnh.
Việc điều trị tùy thuộc vào từng cá nhân, nhưng có nhiều biện pháp can thiệp điều trị khác nhau được sử dụng để giải quyết cả rối loạn sử dụng rượu và rối loạn trầm cảm nặng. Trong số đó, Tiến sĩ Kennedy khuyến nghị:
- Liệu pháp chuyên biệt cho chấn thương
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT)
- Liệu pháp cá nhân
- Trị liệu nhóm
- Liệu pháp gia đình
Liệu pháp nhận thức hành vi cũng có thể được sử dụng để điều trị AUD và MDD đồng thời xảy ra, bằng cách cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc của bạn, thay đổi hành vi nhận thức của bạn và giúp bạn phát triển các chiến lược đối phó cá nhân.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các rối loạn, bạn có thể cần điều trị ở mức độ cao hơn, chẳng hạn như chăm sóc ngoại trú, điều trị tích hợp cộng đồng quyết đoán (ACT) hoặc ở lại nội trú, có thể được yêu cầu để bắt đầu hoặc tiếp tục hành trình phục hồi của bạn.
Bạn cũng có thể cân nhắc tham gia một nhóm dựa trên cộng đồng như Người nghiện rượu Ẩn danh hoặc Đào tạo về Quản lý và Phục hồi Bản thân (SMART) Phục hồi.
Thuốc
Việc sử dụng thuốc để điều trị rối loạn do sử dụng rượu và rối loạn trầm cảm chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh của họ.
Theo Tiến sĩ Kennedy, các loại thuốc có thể bao gồm:
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI)
- Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
- Thuốc chống trầm cảm
- Ổn định tâm trạng
Điều quan trọng cần lưu ý là thuốc điều trị rối loạn do sử dụng rượu là phương pháp điều trị đầu tiên. Chúng có thể hữu ích cho nhiều người, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về lựa chọn này. Nếu bạn đang đối phó với các triệu chứng cai rượu nghiêm trọng, chẳng hạn như lo lắng, mất ngủ, buồn nôn và ảo giác, thì bác sĩ của bạn có thể đề xuất các loại thuốc như chlordiazepoxide hoặc các thuốc benzodiazepine khác. Naltrexone, Acamprosate và disulfiram cũng được FDA công nhận là thuốc có thể giúp hạn chế cơn thèm rượu.
Tiến sĩ Kennedy nói: “Một bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm [hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần] đã quen thuộc với các rối loạn tâm trạng và ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu có thể đề xuất các loại thuốc thích hợp và theo dõi hiệu quả của thuốc.
Nguồn: What’s the Connection Between Alcohol and Depression, Verywell Mind
Trang Anh dịch
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: