Sự tự ti có liên hệ mật thiết với chứng trầm cảm. Chính sự liên hệ này làm nhiều người khó phân biệt giữa trầm cảm và cách một người đánh giá bản thân mính. Mặc dù tự ti đúng là một yếu tố rủi ro có khả năng dẫn đến trầm cảm, điều này không có nghĩa hai khái niệm này là một.
Việc nhìn nhận bản thân có thể trải dài qua nhiều mức độ, từ rất tự tin cho đến rất tự ti. Chứng trầm cảm cũng vậy, có thể dao động từ không có dấu hiệu trầm cảm nào tới có những triệu chứng vô cùng nghiêm trọng.
Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được đứa con tuổi teen của bạn chỉ tự ti hay đang có dấu hiệu trầm cảm.
Tổng Quan
Một người có tự tin hay không sẽ phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận chính bản thân như thế nào: họ chỉ tập trung vào khuyết điểm hoặc các phẩm chất tốt của mình, hay là cả hai? Sự tự tin được hình thành thông qua các trải nghiệm sống, các suy nghĩ, cảm xúc và những mối quan hệ của chúng ta. Nếu đứa con tuổi teen của bạn tự ti, con sẽ thường nghĩ rằng bản thân có nhiều khiếm khuyết, coi nhẹ ý kiến của chính mình và lo âu về việc bản thân không đủ tốt. Các bạn trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đón nhận những đóng góp tích cực từ người khác và tự coi bản thân kém cỏi hơn mọi người.
Còn với chứng trầm cảm thì nó không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn bã như mọi người thường hiểu. Người trầm cảm cảm thấy năng lượng của mình bị bòn rút, các hoạt động thường ngày vốn dĩ đơn giản trở nên khó khăn, chế độ ăn ngủ rối loạn. Hiện nay, có hai phương pháp để điều trị trầm cảm là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc. Chứng trầm cảm có thể được chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, bao gồm rối loạn trầm cảm chính (Major Depressive Disorder), Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent Depressive Disorder), trầm cảm tâm thần (Psychotic Depression), trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression), và trầm cảm theo mùa (Seasonal Affective Disorder).
Điểm Giống Nhau
Thiếu niên tự ti và thiếu niên trầm cảm đều có nhiều biểu hiện giống nhau bao gồm:
Kết quả học tập sa sút
Các hành vi hung hăng, nóng giận, bạo lực
Gặp khó khăn trong các mối quan hệ
Có hành vi liều lĩnh
Hay phán xét bản thân
Có thể có hành vi quan hệ tình dục không an toàn
Giảm và tránh tương tác với người xung quanh
Có thể sử dụng chất kích thích
Điểm Khác Biệt
Mặc dù sự tự ti và trầm cảm có nhiều điểm tương đồng dễ nhận ra, các nghiên cứu khoa học hiện nay nghiêng về hướng phân biệt rõ trầm cảm và tự ti là hai khái niệm tách biệt. Theo các chuyên gia, sự tự ti chỉ là một yếu tố rủi ro khiến con người dễ bị trầm cảm hơn nhưng không cấu thành toàn bộ chứng trầm cảm.
Một điểm khác biệt nữa là những bạn trẻ tự ti có thể sẽ chiều lòng người khác để nhận được sự công nhận và thông qua đó cố bù đắp cho việc kém tự tin của bản thân. Nhờ vậy, họ có thể sẽ đạt thành tích cao trong học tập và cư xử ngoan ngoãn.
Ngược lại, những thiếu niên mắc rối loạn trầm cảm thường có nhiều thay đổi rõ rệt trong hành vi và thành tích học tập. Thêm vào đó, sự hứng thú, quan tâm dành cho các hoạt các động xã hội hay việc chăm sóc hình ảnh của bản thân cũng sẽ suy giảm.
Các dấu hiệu cho thấy thiếu niên gặp vấn đề về sự tự tin:
Tránh thử những điều mới mẻ và thờ ơ với những cơ hội mới
Đổ trách nhiệm cho người khác khi bản thân mắc lỗi
Khi được khen sẽ không dám nhận, cũng như là cảm thấy căng thẳng và lo âu
Gặp khó khăn trong việc kết bạn
Sợ thất bại và sợ cảm giác xấu hổ
Cảm thấy không được yêu thương và mong muốn
Ít động lực và sở thích cá nhân
Hay nói những điều tiêu cực về chính bản thân và hay so sánh mình với người khác
Không có khả năng chịu đựng áp lực
Trong trường hợp đứa con tuổi teen của bạn bị trầm cảm, trẻ có thể có các dấu hiệu tự ti nêu trên, nhưng đồng thời cũng có thể bộc phát những dấu hiệu riêng sau đây:
Nóng giận
Luôn mệt mỏi dù ngủ rất nhiều
Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Dễ khó chịu (kéo dài hơn hai tuần)
Chán ăn (hoặc thèm ăn hơn mức bình thường)
Gặp vấn đề về sức khoẻ (đau bụng, đau đầu,…)
Nghĩ, nhắc tới, hoặc cố tự sát.
Tham khảo: Phức cảm tự ti
Cách Giúp Con Tự Tin Hơn
Sau đây là một vài điều tuy đơn giản nhưng hiệu quả mà phụ huynh có thể lưu ý để giúp con mình xây dựng một sự tự tin lành mạnh:
Lắng nghe con. Kể cả khi bạn không thực sự thích nghe những gì trẻ đang bày tỏ và chia sẻ, hãy nhớ lại lúc bằng tuổi chúng bạn từng cảm thấy thế nào, rồi sau đó cho chúng những câu trả lời mà có thể trước kia bạn từng muốn được nghe. Đặt mình vào vị trí của trẻ sẽ giúp bạn hiểu được cách nhìn nhận của chúng. Hãy khuyến khích các bạn trẻ bày tỏ vấn đề, đặt câu hỏi cho cha mẹ, cũng như thoải mái chia sẻ những áp lực trong lòng với phụ huynh.
Giao tiếp bằng tình thương. Không ai thực sự thích phải đối diện với sự cáu gắt và chỉ trích, con bạn cũng vậy. Hãy nhẹ nhàng và bình tĩnh khi nói chuyện với con trẻ.
Khuyến khích trẻ giao tiếp với cha mẹ. Việc chia sẻ, tâm sự với các con về cuộc sống thường ngày của chúng sẽ giúp trẻ nhận thức được tốt hơn những niềm vui thú trong cuộc sống và đồng thời hiểu hơn giá trị của bản thân và giá trị trong mắt bố mẹ.
Cho trẻ được tự quyết định. Việc được tự quyết định một số thứ sẽ khiến trẻ tự tin hơn. Tuy nhiên, chúng có thể chưa sẵn sàng đưa ra quá nhiều quyết định vì việc đó có thể gây choáng ngợp. Vậy nên cha mẹ cần điều tiết sao cho hợp lí.
Chủ động thể hiện tình yêu thương với con. Hãy tìm hiểu xem điều gì làm con bạn cảm thấy được yêu thương (những cái ôm, một món quà, một bữa ăn gia đình, hay là thời gian riêng cùng cha mẹ,…) và đảm bảo là chúng thường xuyên được đón nhận những điều như vậy.
Ủng hộ và khuyến khích trẻ phát triển thế mạnh của bản thân. Nếu con bạn giỏi chơi thể thao, hãy trở thành những người cổ vũ nhiệt tình nhất. Nếu trẻ có năng khiếu âm nhạc, hãy tạo điều kiện cho con được học đàn. Cứ như vậy, việc giỏi một bộ môn nào đó sẽ cải thiện rõ rệt sự tự tin của con.
Ngăn Ngừa Và Điều Trị Trầm Cảm
Tự ti có thể khiến trẻ dễ có nguy cơ trầm cảm hơn, nhưng không có nghĩa là chúng chắc chắn sẽ bị trầm cảm nếu tự ti. Việc phát hiện sớm các vấn đề về sự tự tin hoặc trầm cảm là cực kì quan trọng, đặc biệt là với trẻ em. Chứng trầm cảm có thể được cải thiện khi được chẩn đoán và trị liệu cẩn thận.
Việc chữa trị trầm cảm có thể khiến nhiều bậc cha mẹ e ngại vì sợ phải cho con dùng thuốc ảnh hưởng tới thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu trầm cảm cho trẻ em phần lớn là trị liệu thông qua giao tiếp với một chuyên gia tâm lý đã được đào tạo. Một ví dụ điển hình là liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT). Liệu pháp này sẽ giúp trẻ nhận biết được những kiểu suy nghĩ có hại dẫn tới việc tự ti và trầm cảm.
Nguồn: Does Your Child Have Low Self-Esteem or Depression? Verywell Mind
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: