Đứng trước một mối đe dọa, bạn có bao giờ tự hỏi bản thân sẽ có phản ứng như thế nào hay không? Hãy lấy một ví dụ, có một kẻ lạ mặt áp sát bạn và giở những hành vi bạo lực. Trong trường hợp này, bạn sẽ có ba lựa chọn: chống trả hắn ta, chạy trốn khỏi đó hoặc có thể bạn quá sốc trước những hành vi đó khiến bạn không thể điều khiển được cơ thể mình.
Ví dụ minh họa trên đã cho bạn thấy ba phản ứng của chúng ta khi đối mặt với mối đe dọa hay nói cách khác, đó là các phản ứng căng thẳng giúp chúng ta nhận thức về mối đe doạ trong các sự kiện sang chấn. Và để tìm hiểu ba phản ứng này, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Tìm Hiểu Về Ba Loại Phản Ứng Với Mối Đe Dọa
Khi ba phản ứng căng thẳng gồm chống lại, chạy trốn, đóng băng xảy ra, sẽ có nhiều thay đổi sinh lý xảy ra với cơ thể.
Phản ứng sẽ bắt đầu trong hạch hạnh nhân (amygdaloid) của bạn, phần não chịu trách nhiệm nhận thức nỗi sợ hãi. Các hạch hạnh nhân phản ứng bằng cách gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi, kích thích hệ thống thần kinh tự trị (ANS). ANS bao gồm hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thống thần kinh giao cảm điều khiển phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, trong khi hệ thống thần kinh phó giao cảm điều khiển phản ứng đóng băng. Cách bạn phản ứng phụ thuộc vào hệ thống nào chi phối tại thời điểm đó.
Nói chung, khi ANS của bạn bị kích thích, cơ thể bạn sẽ tiết ra adrenaline và cortisol - các loại hormone căng thẳng được giải phóng rất nhanh, có thể ảnh hưởng đến:
Nhịp tim: Tim của bạn đập nhanh hơn để mang oxy đến cơ bắp của bạn. Trong thời gian đóng băng, nhịp tim của bạn có thể tăng hoặc giảm.
Phổi: Tốc độ thở của bạn tăng lên để cung cấp nhiều oxy hơn vào máu. Trong phản ứng đóng băng, bạn có thể nín thở hoặc hạn chế thở.
Nhìn: Thị lực ngoại vi của bạn tăng lên để bạn có thể nhận thấy môi trường xung quanh. Đồng tử của bạn giãn ra và tiếp nhận nhiều ánh sáng hơn, giúp bạn nhìn rõ hơn.
Nghe: Tai của bạn “vểnh lên” và thính giác của bạn trở nên nhạy hơn.
Máu: Máu đặc lại làm tăng các yếu tố đông máu. Điều này chuẩn bị cho việc cơ thể bạn bị thương từ mối đe dọa.
Da: Da của bạn có thể tiết nhiều mồ hôi hơn hoặc bị lạnh. Bạn có thể trông nhợt nhạt hoặc nổi da gà.
Bàn tay và bàn chân: Khi lưu lượng máu tăng lên, các cơ chính của bạn, bàn tay và bàn chân của bạn có thể bị lạnh.
Cảm nhận đau: Phản ứng chống lại hoặc chạy trốn sẽ tạm thời làm giảm nhận thức của bạn về cơn đau.
Các phản ứng sinh lý cụ thể của bạn phụ thuộc vào cách bạn thường phản ứng với căng thẳng. Bạn cũng có thể chuyển đổi giữa ba loại phản ứng này, nhưng thực tế điều này rất khó làm được.
Thông thường, cơ thể bạn sẽ trở lại trạng thái tự nhiên sau 20 đến 30 phút kể từ khi thoát khỏi mối đe dọa.
Tham Khảo: Vì sao chúng ta thèm đồ ngọt khi gặp căng thẳng?
Phản Ứng Chống Lại (Fight)
Khi cơ thể của bạn cảm thấy rằng nó đang gặp nguy hiểm và tin rằng bạn có thể chế ngự được mối đe dọa, bạn sẽ có phản ứng chống lại. Bộ não của bạn phát ra các tín hiệu đến cơ thể của bạn, chuẩn bị cho các nhu cầu thể chất khi phải chống lại mối đe dọa.
Các dấu hiệu của phản ứng chống lại bao gồm:
Khít hàm
Nghiến răng
Bị thúc giục phải đấm một cái gì đó hoặc một ai đó
Cảm giác tức giận dữ dội
Dậm chân hoặc đá chân
Khóc vì tức giận
Cảm giác nóng hoặc thắt trong dạ dày của bạn
Tấn công lại mối đe dọa
Ví dụ, khi bạn cảm thấy những lời nói của người đối diện có tính chất đe dọa, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu và tin rằng mình hoàn toàn không hề dễ bị dọa nạt. Lúc này, bạn có thể sẽ nghiến răng, cảm giác nóng trong dạ dày và có thể đáp trả lại người nọ bằng những cú đấm. Phản ứng chống lại rất dễ gặp trong đời thực khi bạn gặp các mối đe dọa mà bạn tin rằng mình có thể xử lý nó thay vì chạy trốn.
Phản Ứng Chạy Trốn (Flight)
Nếu cơ thể bạn tin rằng bạn không thể vượt qua nguy hiểm hoặc không xử lý được mối đe dọa nhưng có thể tránh nó bằng cách chạy trốn, bạn sẽ có phản ứng này. Sự gia tăng của các hormone, như adrenaline, giúp cơ thể bạn có sức chịu đựng để trốn tránh mối đe dọa lâu hơn mức bình thường.
Các dấu hiệu của phản ứng trốn tránh bao gồm:
Phải vận động quá mức
Cảm thấy bồn chồn, căng thẳng hoặc bị mắc kẹt
Liên tục di chuyển chân, bàn chân và cánh tay của bạn
Cơ thể bồn chồn
Cảm giác tê tay và chân
Mắt lấm lét
Phản Ứng Đóng Băng (Freeze)
Phản ứng đóng băng sẽ khiến bạn cảm thấy bế tắc. Phản ứng này xảy ra khi cơ thể bạn không nghĩ rằng bạn có thể chống lại hay chạy trốn khỏi mối đe dọa.
Các dấu hiệu của phản ứng đóng băng bao gồm:
Cảm giác sợ hãi
Da nhợt nhạt
Cảm giác cứng, nặng, lạnh và tê
Tim đập mạnh và bạn cảm thấy nghe rõ tiếng tim mình đập
Nhịp tim giảm
Phản ứng đóng băng hay xuất hiện ở những người bất ngờ nghe tin người thân qua đời đột ngột. Lúc này, bạn sẽ có dấu hiệu trên một cách rõ ràng, cho thấy cơ thể bạn đang phản ứng đóng băng đối với mối đe dọa.
Sự Luồn Cúi (Fawn) & Nguyên Nhân
Ba phản ứng chống lại, chạy trốn và đóng băng là những cách cơ thể phản ứng để thích nghi với mối đe dọa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu các phản ứng này không thành công, hay nói cách khác, dù bạn đã cố gắng chống lại, hoặc đã cố gắng chạy trốn hoặc lựa chọn đóng băng, bạn vẫn cảm nhận được mối đe dọa?
Trong trường hợp cả ba phản ứng đều không thành, não bộ của bạn sẽ hình thành một hành vi (tạm dịch là vi, hoặc cũng có thể coi là một dạng phản ứng) gọi là “luồn cúi” (fawn). Hành vi này thường xảy ra chủ yếu ở những người lớn lên trong các gia đình hoặc trong các hoàn cảnh ngược đãi.
Các dấu hiệu của hành vi luồn cúi là:
Cố gắng ra bản thân hữu ích, có giá trị
Đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc của người khác
Phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của người khác
Ít hoặc không có ranh giới của bản thân
Dễ bị kiểm soát hay thao túng
Phản ứng luồn cúi khi đi cùng với rối loạn căng thẳng sau sang chấn - PTSD có thể gây ra cảm giác tội lỗi và những nhầm lẫn. Ví dụ như một đứa trẻ có phản ứng này khi bị đối xử tệ bạc, bản năng của chúng sẽ thúc đẩy chúng cố gắng quan tâm, xoa dịu kẻ bạo hành thay vì chạy trốn hay chống lại.
Bởi tính đặc thù của phản ứng này, sự luồn cúi thường xuất hiện trong các trường hợp sang chấn tâm lý.
Bạn có thể đọc thêm thông tin về hành vi luồn cúi trong sang chấn tâm lý tại đây.
Khi Nào Thì Các Phản Ứng Này Trở Nên Thái Quá?
Ba phản ứng chống lại, chạy trốn và đóng băng có thể diễn ra hàng ngày và bạn có thể dễ dàng nhận ra chúng nếu để ý. Tuy nhiên, các phản ứng này có thể trở nên thái quá nếu bạn gặp phải những trải nghiệm như:
Sang Chấn
Sau sự kiện sang chấn, bạn có thể căng thẳng quá mức. Nó liên quan đến một mô hình phản ứng lặp lại liên quan đến sự kiện ban đầu.
Điều này có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn có tiền sử:
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
bạo lực về thể chất hoặc tình dục
tai nạn
trải nghiệm gắn với thiên tai
sang chấn từ thời thơ ấu
những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống
Trong trường hợp gặp sang chấn, não của bạn sẽ phản ứng với các yếu tố kích hoạt có liên quan để chuẩn bị cho bạn đối phó với các tình huống trong tương lai. Kết quả là các phản ứng sẽ hoạt động quá mức.
Một ví dụ nếu bạn đã trải qua sang chấn do tai nạn xe hơi. Nếu tiếng còi xe nhắc nhở bạn về sự kiện này, bạn có thể có phản ứng căng thẳng khi nghe thấy tiếng còi xe.
Lo Âu
Căng thẳng hay lo âu? Lo âu là khi bạn cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng về một tình huống nào đó. Đó là một phản ứng tự nhiên giúp bạn thích nghi. Nếu bạn mắc rối loạn lo âu, bạn có nhiều khả năng hơn cảm thấy bị đe dọa bởi những tác nhân gây căng thẳng dù là nó không đáng sợ.
Do đó, đây chính là điều sẽ gây ra những phản ứng căng thẳng quá mức đối với các hoạt động hàng ngày, như tham gia giao thông hay thậm chí là ngồi trên xe buýt.
Kết Lại
Hiểu rõ ba loại phản ứng căng thẳng trong các sự kiện sang chấn sẽ giúp bạn nhận diện được các phản ứng trên cơ thể tốt hơn, từ đó giúp bạn kiểm soát chúng theo cách mà bản thân mong muốn. Ngoài giải thích về ba phản ứng trên, bạn cũng có thể tìm kiếm các bài viết trên Viện Tâm lý Việt - Pháp về cách để ứng phó với các cảm xúc khi đối mặt với sự đe dọa.
Nguồn:
WebMD - What does fight, flight, freeze and fawn mean?
HealthLine - Fight, Flight, Freeze: What This Response Means
Medical News Today - What is the fight, flight, or freeze response?
Better Help - How Do You Know When To Fight Flight Or Freeze?
Psycentral - Fight, Flight, or Freeze: What Is the Stress Response For?