Vượt Qua Trầm Cảm Sau Ly Hôn

Ly hôn được cho là một trong những sự kiện căng thẳng nhất trong cuộc đời. Trầm cảm sau ly hôn là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày.

Những Tổn Thương Tâm Lý Thường Gặp Sau Ly Hôn

Ly hôn được cho là một trong những sự kiện căng thẳng nhất trong cuộc đời. Việc thích nghi với cuộc sống sau ly hôn có thể mất từ vài tuần đến nhiều năm. Trong thời gian đó, cá nhân có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Họ cũng có thể dễ bị tổn thương hơn với một số tình trạng nhất định, bao gồm rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm và các vấn đề về thể chất khác nhau.

Cảm thấy lo lắng hoặc chán nản sau khi ly hôn là điều tự nhiên, nhưng nếu những cảm xúc này cứ đeo bám và bắt đầu gây ra vấn đề trong cuộc sống hàng ngày thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Ở một số người, trầm cảm sau ly hôn có thể được biểu hiện thông qua những hành vi khác nhau, chẳng hạn như chối bỏ trách nhiệm; né tránh gia đình và bạn bè; thiếu tập trung; luôn trong trạng thái “chiến đấu”.

Trầm cảm sau ly hôn là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của một người. Điều quan trọng là nhận ra và có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

>>> Tham Khảo: 3 Diễn Biến Tâm Lý Khủng Hoảng Sau Ly Hôn Ở Phụ Nữ

Dấu Hiệu Nhận Biết Trầm Cảm Sau Ly Hôn

Hầu hết mọi người đều liên tưởng nỗi buồn với trầm cảm, tuy nhiên, nỗi buồn chỉ là một trong nhiều triệu chứng của rối loạn trầm cảm. Các triệu chứng khác thường gặp khác của rối loạn này bao gồm:

  • Mất cảm giác ngon miệng

  • Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây

  • Khó ngủ hoặc mất ngủ

  • Cáu gắt

  • Mệt mỏi

  • Dễ xúc động, khóc nhiều

  • Khó tập trung

  • Cảm thấy tuyệt vọng và bi quan; cảm thấy bản thân vô dụng

  • Có ý nghĩ tự tử và thậm chí cố gắng thực hiện các hành vi tự tử

Trầm cảm ở đàn ông và phụ nữ được thể hiện khác nhau. Trầm cảm ở phụ nữ thường biểu hiện dưới dạng buồn bã, cảm giác vô dụng và tội lỗi. Trong khi đó, các triệu chứng trầm cảm ở nam giới bao gồm khó chịu, khó ngủ, lạm dụng rượu hay thậm chí là sử dụng ma túy. Nhìn chung, phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm sau ly hôn hơn nam giới, tuy nhiên, đàn ông ít có khả năng trò chuyện cởi mở về chứng trầm cảm của họ.

>>> Tham Khảo: Dấu Hiệu Nhận Biết Tình Trạng Trầm Cảm Ở Nam Giới

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc trầm cảm, hãy tìm gặp nhà tâm lý để có kết luận chính xác.

Tại Sao Ly Hôn Có Thể Khiến Một Người Mắc Trầm Cảm?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới trầm cảm sau ly hôn, trong đó phổ biến là:

Biến Động Cảm Xúc

Ly hôn có thể dẫn đến những cảm xúc mãnh liệt như buồn bã, tức giận và thất vọng. Nếu những cảm xúc này kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người có mức độ rối loạn thần kinh cao và có tính đa sầu sẽ dễ có nguy cơ mắc trầm cảm hơn sau khi ly hôn.

Bất Ổn Tài Chính

Những thách thức tài chính đi kèm với việc ly hôn bao gồm việc chia tài sản, tiền trợ cấp nuôi con, tiền cấp dưỡng hoặc thay đổi bảo hiểm. Tất cả những yếu tố này tạo ra cảm giác không chắc chắn và góp phần phát triển trầm cảm.

Thay Đổi Lối Sống

Sau khi ly hôn, cuộc sống của một người có thể thay đổi rất nhiều và việc thích nghi với những thay đổi này có thể khó khăn. Cá nhân thường có cảm giác như mất đi nhận thức và mục đích trong cuộc sống, không biết phải làm gì với thời gian rảnh rỗi, hoặc thậm chí không biết mình là ai trong cuộc sống mới này.

Cách Ly Xã Hội

Khi mọi người ly hôn, tình bạn và các nhóm xã hội của họ có thể thay đổi. Ví dụ: Cá nhân sẽ không gặp gia đình của đối phương thường xuyên, hoặc bạn bè chung giữa hai vợ chồng có thể đứng về một phe và giữ khoảng cách. Việc giảm kết nối xã hội có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, mất kết nối và cuối cùng là trầm cảm.

Trầm Cảm Sau Ly Hôn Ảnh Hưởng Đến Cuộc Sống Như Thế Nào?

Cũng như rối loạn trầm cảm thông thường, trầm cảm sau ly hôn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân. Những nguy cơ phổ biến nhất của chứng trầm cảm sau ly hôn bao gồm:

Suy Giảm Sức Khỏe Tâm Thần

Mặc dù bản thân trầm cảm đã là một rối loạn phức tạp nhưng nó cũng có thể gây ra các rối loạn tâm thần khác. Nghiên cứu cho thấy rối loạn trầm cảm có liên quan với chứng rối loạn lo âu, cơn hoảng loạn và nỗi ám ảnh cụ thể. Do đó, ngoài các vấn đề như mất ngủ và thay đổi tâm trạng, cá nhân có thể gặp phải các biến chứng khác nghiêm trọng hơn.

Vấn Đề Sức Khỏe Thể Chất

Khi một người cảm thấy căng thẳng sau khi ly hôn, điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người đó. Trầm cảm có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm tim, thận và hệ miễn dịch. Cá nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, sụt cân, đau đầu hoặc gặp vấn đề về dạ dày. Đây là những vấn đề sức khỏe thể chất phổ biến liên quan đến trầm cảm sau ly hôn.

Lạm Dụng Ma Túy Hoặc Rượu

Một số người có thể sử dụng rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác để đối phó với chứng trầm cảm sau ly hôn. Tuy nhiên, hành vi này chỉ khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn đến những tổn thương sức khỏe không thể phục hồi.

Ý Nghĩ Tự Tử

Trầm cảm được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới những ý nghĩ tự tử. Những người mắc trầm cảm thường cảm thấy đau đớn và tê liệt về mặt cảm xúc do các vấn đề sinh lý trong hệ thần kinh gây ra. Thông thường, họ thậm chí còn có thể không nhận ra rằng bản thân đang gặp phải một vấn đề sức khỏe cần được điều trị về mặt y tế và tâm lý.

Vượt Qua Trầm Cảm Sau Ly Hôn

Chăm Sóc Bản Thân

Khi bạn rơi vào những cảm xúc tiêu cực sau ly hôn, chăm sóc bản thân là một trong những điều quan trọng cần làm để vượt qua chứng trầm cảm. Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể giúp bạn chống lại rối loạn này. Vận động cũng có thể giúp bạn trở nên tốt hơn. Khi tập thể dục, não sẽ tiết ra hormone hạnh phúc khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Các bài tập giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng nhận thức và điều chỉnh cảm xúc của bạn.

Trầm cảm làm tăng nguy cơ khó ngủ và mất ngủ, tình trạng này kéo dài có thể làm rối loạn trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn khó ngủ, hãy hình thành những thói quen giúp cơ thể và tâm trí bình tĩnh hơn, chẳng hạn như uống một tách trà hoa cúc, tắm bồn hoặc đọc sách. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ vì chúng có thể khiến bạn càng khó ngủ hơn.

>>> Tham Khảo: Giấc Ngủ Và Trầm Cảm

Đặc biệt, hãy “nuông chiều” bản thân và cho phép bản thân được thư giãn. Bạn có thể giành thời gian ngâm mình trong bồn tắm hoặc chỉ đơn giản là xem một bộ phim hay. Nếu bạn có con nhỏ, hãy nhờ người thân, bạn bè hoặc thuê bảo mẫu trông chừng chúng từ một đến hai giờ mỗi ngày để bạn có thời gian dành cho bản thân.

Viết Nhật Ký

Ngay cả khi có người thân, bạn bè xung quanh hỗ trợ, bạn vẫn nên viết ra những suy nghĩ của mình. Thậm chí, nếu bạn cần một sự kết thúc, hãy cân nhắc đến việc viết một lá thư cho vợ/chồng cũ như một cách khác để giải tỏa cảm xúc, tuy nhiên, bạn không cần thiết phải gửi thư cho họ.

Tìm Kiếm Sự Trợ Giúp Từ Gia Đình, Bạn Bè

Sự cô lập là một trong những yếu tố góp phần gây ra trầm cảm, vì vậy đừng ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Ngoài ra, hãy giao tiếp xã hội nhiều hơn. Dành thời gian với những người có thể sẵn sàng lắng nghe giúp thay đổi trạng thái tinh thần của bạn. Lý tưởng nhất là gặp mặt trực tiếp, tuy nhiên, nếu đó là điều khó khăn đối với bạn, hãy nói chuyện qua điện thoại hoặc liên lạc trực tuyến ít nhất một lần mỗi ngày.

Tham Gia Các Hội Nhóm Chung Hoàn Cảnh

Tham gia các hội nhóm chung hoàn cảnh có thể là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị trầm cảm. Đó có thể là các hội nhóm hỗ trợ chuyên nghiệp do các tổ chức, cơ quan thành lập, hay có thể chỉ đơn giản là hội nhóm của những người đồng cảnh ngộ trên các trang mạng xã hội… Bạn có thể cảm thấy được hiểu và chia sẻ trong một môi trường an toàn và không bị đánh giá. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm có thể chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật giảm căng thẳng.

Khi nào cần trị liệu tâm lý?

Hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc nhà tâm lý nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm kéo dài hơn hai tuần. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các liệu pháp tâm lý có thể đem lại cho bạn những góc nhìn mới, qua đó, giúp bạn tìm ra cách thức đương đầu với vấn đề tốt hơn. Một số phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến thường được sử dụng để điều trị rối loạn trầm cảm có thể kể đến như: Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT); Liệu pháp Kích hoạt Hành vi (BA); Liệu pháp Liên cá nhân; Liệu pháp Giải quyết Vấn đề (problem-solving).

>>> Tham Khảo: Trầm Cảm Được Điều Trị Như Thế Nào Bằng Liệu Pháp CBT?

Nếu bạn đang có ý định tự tử, hãy gọi cho các cơ sở điều trị tâm lý hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Đường dây nóng: 0977.729.396. Việc cởi mở về cảm xúc của mình với một người mà bạn không quen qua điện thoại có thể dễ dàng hơn là nói chuyện với người thân, bạn bè. Điều này giúp tạo ra một không gian an toàn để bạn có thể chia sẻ, qua đó giảm áp lực và lo lắng.

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của trầm cảm, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tham khảo:

[1] Tổng Quan Về Rối Loạn Trầm Cảm. https://tamlyvietphap.vn/roi-loan-tram-cam/tong-quan-ve-roi-loan-tram-cam-2452-62402-article.html

[2] Depression after divorce: Coping tips and more. https://www.medicalnewstoday.com/articles/depression-after-divorce#help-and-support

[3] Managing Depression After Divorce. https://www.healthline.com/health/depression/depression-and-divorce#your-doctor

[4] Overcoming Depression After Divorce. https://psychcentral.com/depression/ways-to-beat-depression-after-a-divorce#recap

[5] Post-Divorce Depression: Causes, Risks, and Treatment. https://www.rtor.org/2023/08/31/post-divorce-depression-causes-risks-and-treatment/

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/