Ngày 14/10, người hâm mộ vô cùng đau lòng khi nghe tin Choi Sulli – thành viên nhóm nhạc F(x) tự sát vì trầm cảm. Nếu tìm kiếm từ khóa “trầm cảm dẫn đến tự sát” trên Google, có đến hơn 10.000.000 kết quả trong 0.44 giây, đây là một con số đáng kinh ngạc.
Những thay đổi nhỏ cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm
Trầm cảm không chỉ là dừng lại ở "cảm giác". Não bộ của những bệnh nhân bị mắc chứng trầm cảm sẽ có sự biến đổi về mặt vật lý và hóa học. Đặc trưng là sự suy giảm nghiêm trọng các chất dẫn truyền thần kinh trung ương như noradrenalin, serotonin, dopamin…
Ngoài ra, một số vùng não của những người bệnh cũng có dấu hiệu thu nhỏ hoặc giãn rộng hơn so với những người bình thường.
Vấn đề của người trầm cảm nói riêng hay người bị bệnh tâm lý nói chung phải đối mặt đó là họ thường không nghĩ mình bị bệnh. Có nhiều người lúc nào cũng cảm thấy mọi thứ thật bi quan, tiêu cực, điều này do bệnh lý đã tác động đến cảm xúc của họ. Tuy nhiên họ thường không cho rằng là do có bệnh. Họ nghĩ rằng họ là những người tỉnh táo, sáng suốt thấy được sự thật trần trụi về thế giới, còn những người khác chỉ đang bị lừa dối vì nhìn đời qua lăng kính màu hồng - một thế giới mà ở đó, chẳng có ai yêu thương họ cả.
Ai cũng có thể mắc căn trầm cảm, nhất là giới trẻ
Mọi người vẫn lầm tưởng trầm cảm là căn bệnh của thời hiện đại, tuy nhiên nó không phải như vậy. Trầm cảm là một căn bệnh có yếu tố di truyền, được gắn sẵn trên gen và bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường giống như một thứ kích thích nó phát tác. Số lượng người trầm cảm ngày càng tăng là do dân số ngày càng đông, tuổi thọ trung bình ngày càng cao và có nhiều phương pháp chẩn đoán căn bệnh trầm cảm đã tiên tiến và chính xác hơn.
Tuy nhiên, dưới áp lực của xã hội hiện đại ngày càng lớn, đối với giới trẻ đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng người trẻ mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng. Chưa bao giờ như bây giờ, cụm từ "con nhà người ta" lại trở nên phổ biến như thời điểm hiện tại. Hàng loạt thông tin về hình mẫu người trẻ với nghề nghiệp, lối sống, ngoại hình lý tưởng đã tạo ra một thước đo vô hình mà ở đó, chỉ những người vượt qua được chỉ tiêu mới đáng được đánh giá cao.
Đối mặt với trầm cảm và điều trị nó
Hiện nay đã có nhiều biện pháp điều trị bệnh trầm cảm, bao gồm sốc điện, hay sử dụng thuốc và các liệu pháp điều trị tâm lý. Mặc dù vẫn còn có nhiều hạn chế như tỷ lệ thành công không hoàn toàn hay những tác dụng phụ của thuốc… Bên cạnh những biện pháp chữa trị y khoa, còn có những phương pháp chữa trị phi chính thống khác giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn. Đó có thể là vẽ tranh, viết lách, chia sẻ với những người họ tin tưởng, thiền tịnh, làm đồ thủ công hay thậm chí là tham gia các câu lạc bộ nhảy. Đây được xem như một cách để lấy lại sự kiểm soát đối với những cảm xúc tiêu cực. Phải chăng đối với trường hợp của ngôi sao Hàn Quốc Sulli, nếu mọi người biết cô bị trầm cảm sớm hơn thì sẽ tìm cách điều trị sớm để không dẫn đến bước đường cùng như hôm nay.
Mặt khác sự cảm thông và sự tôn trọng từ những người xung quanh cũng rất quan trọng. Đưa ra những lời khuyên vô thưởng vô phạt hay những lời trách móc chẳng khác nào một cú huých đẩy những người trầm cảm đến gần hơn với bờ vực của sự tuyệt vọng. Không ai trong tất cả chúng ta muốn điều đó xảy ra cả. Chính vì vậy, nếu bạn đang hoặc đã sống chung với căn bệnh trầm cảm, hãy chấp nhận nó và điều này sẽ giúp bạn tự chủ hơn về tinh thần. Sau đó hãy tìm những người thân hoặc bác sĩ tư vấn tâm lý để chia sẻ nó, họ sẽ có cái nhìn đúng về bệnh tình của bạn và giúp bạn vượt qua căn bệnh này.
Nếu bạn muốn biết thêm nhiều thông tin và được tư vấn cũng như trị liệu từ những biểu hiện nhỏ nhất thì hãy đến với VIỆN TÂM LÝ & TÂM THẦN HỌC VIỆT – PHÁP.
Hotline: +84 (024) 37625838; +84 (024) 66578819
Email: info@tamlyvietphap.vn
Địa chỉ: 54 Trần Quốc Vượng, Cầu Giấy, Hà Nội