Bên cạnh đó, những người bị trầm cảm có thể không nhận ra hoặc thừa nhận rằng họ bị trầm cảm. Họ có thể không nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Nếu có nghi ngờ rằng một người bạn hoặc người thân bị trầm cảm sau sinh hoặc đang mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh, hãy giúp họ tìm kiếm sự chăm sóc tâm sinh lý ngay lập tức. Đừng chờ đợi và hy vọng sự tự cải thiện. Có rất nhiều phương pháp điều trị, cụ thể như:
Điều Trị Bằng Tâm Lý Trị Liệu
Theo Ellen Reenlaw, liệu pháp tâm lý có thể cung cấp cho thân chủ những kĩ năng để xử lý trầm cảm. Hiện nay có nhiều hình thức khác nhau của liệu pháp tâm lý, trong đó có 2 cách tốt hơn có hiệu quả trong thời gian dài và thường được sử dụng cho người có rối loạn trầm cảm, lo âu từ nhẹ đến trung bình là trị liệu nhận thức hành vi và trị liệu liên cá nhân. Nhận thức hành vi tập trung vào cách nhìn, kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của thân chủ. Nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ thực hiện những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành vi của thân chủ. Trong khi đó trị liệu liên cá nhân sẽ tập trung vào cách thân chủ tương tác với những người khác và giúp thân chủ thực hiện những thay đổi tích cực trong mối quan hệ liên cá nhân của họ. Cả hai loại trị liệu này đều có hiệu quả trong điều trị trầm cảm, đặc biệt là phụ nữ có rối loạn trầm cảm, lo âu sau sinh.
Có thể nói, can thiệp tâm lý thực chất là quá trình nói chuyện, trong đó các chuyên gia sức khỏe tâm thần như các nhà tâm lý lâm sàng, nhà tham vấn, nhân viên xã hội hoặc bác sĩ tâm thần có thể giúp cá nhân nâng cao hiểu biết về dạng rối nhiễu tâm lý cụ thể của mình, giúp họ nhận biết lối suy nghĩ vô lý, tiêu cực giúp họ thay đổ lối suy nghĩ và hành vi dẫn đến sự buồn phiền về cảm xúc; giúp họ nhận biết các yếu tố tác động và đưa ra được các chiến lược đối phó với các rối loạn của mình.
Các liệu pháp can thiệp tâm lý có thể sử dụng trong trầm cảm lo âu cho phụ nữ sau sinh có thể sử dụng trị liệu nhận thức hành vi và trị liệu liên cá nhân. Ngoài ra can thiệp qua trị liệu tâm lý còn bao gồm giáo dục tâm lý, tham vấn cá nhân, tham vấn gia đình, tham vấn nhóm, trao đổi giải tỏa… Các hình thức tập trung vào khía cạnh cảm xúc hay những tổn thương tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Điều Trị Bằng Thuốc
Theo Christian Nordqvist trong bài viết “What to know about postpartum depression” cho rằng, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm cho những người bị trầm cảm sau sinh nặng. Những loại thuốc này giúp cân bằng các hoạt chất trong não ảnh hưởng đến tâm trạng. Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm bớt sự cáu kỉnh, vô vọng, cảm giác không thể đối phó, tập trung và mất ngủ. Những loại thuốc này có thể giúp đối phó nhưng có thể mất một vài tuần để nó có hiệu quả.
Nhược điểm là thuốc chống trầm cảm là nó có thể được truyền cho trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ (dù có rất ít dấu hiệu cho thấy những rủi ro lâu dài). Theo một số nghiên cứu nhỏ, thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như imipramine và nortriptyline, là những loại thuốc an toàn nhất để sử dụng trong khi cho con bú. Thuốc chống trầm cảm ba vòng, không phù hợp với những người có tiền sử bệnh tim, động kinh hoặc trầm cảm nặng với những suy nghĩ tự tử thường xuyên. Những người không thể dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng, có thể được kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, chẳng hạn như với paroxetine hoặc sertraline để lượng paroxetine hoặc sertraline cuối cùng vào sữa mẹ là tối thiểu.
Một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh nên thảo luận về các lựa chọn thức ăn cho con với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm, an toàn cho cả mẹ và con. Thuốc an thần có thể được kê toa trong trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh, người mẹ có thể bị ảo giác, có ý nghĩ tự tử và hành vi phi lý. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, các loại thuốc nên được sử dụng trong một thời gian ngắn. Tác dụng phụ bao gồm: mất thăng bằng, mất trí nhớ, chóng mặt, buồn ngủ, sự nhầm lẫn.
Bên cạnh đó còn có các liệu pháp như: can thiệp qua thư giãn (thư giãn bằng xoa bóp, thư giãn bằng thở sâu, thư giãn bằng âm nhạc…), can thiệp bằng thức ăn (chế độ ăn nhiều chất béo không chỉ làm tăng trọng lượng cơ thể mà còn làm tăng lượng đường huyết giảm hàm lượng serotonin – là chất tạo ra tâm trạng tích cực. các sản phẩm chứa caffeine: cà phê, trà, cola, nước tăng lực, socola… cũng làm tăng các rối loạn lo âu), can thiệp bằng thay đổi lối sống (thực hiện theo một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi đêm, lập danh sách và được tổ chức các hoạt động để giảm căng thẳng, cởi mở khi nói chuyện với bạn bè, đối tác và thành viên gia đình về cảm xúc và các mối quan tâm…)
Tâm lý phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng, kết hợp nhiều yếu tố tác động gây nên chứng trầm cảm sau sinh. Nếu không được phát hiện và có phương pháp điều trị đúng cách thì chứng trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.
Nguồn:
1. Phụ nữ sau sinh và các rối nhiễu tâm lý và biện pháp hỗ trợ (2015), GS.TS. Trần Thị Minh Đức, TS Bùi Hồng Thái, TS Ngô Xuân Điệp, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
2. Medical New Today, What to know about postpartum depression.
Có Thể Bạn Muốn Đọc:
>>>> Trầm Cảm Sau Sinh & Mối Quan Hệ Giữa Mẹ - Bé
>>>> Các Yếu Tố Quyết Định Thành Công Trong Điều Trị Trầm Cảm