Bạn có biết rằng trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, và những vấn đề sức khoẻ khác không? Đó chỉ là một trong những sự thật có thể khiến bạn ngạc nhiên về trầm cảm.
Trầm cảm thường bị hiểu nhầm là cảm giác buồn bã. Nhưng nó là một tình trạng y học phức tạp được cho là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố di truyền, sinh học, tâm lý và môi trường (NIMH). Mặc dù vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân gây ra trầm cảm, nhưng các nhà nghiên cứu đã đạt được tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu thêm về cách quản lý và điều trị chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến này. Dưới đây là một số thông tin về trầm cảm có thể khiến bạn bất ngờ.
Trầm cảm là gì?
Các bác sĩ chẩn đoán trầm cảm (còn gọi là rối loạn trầm cảm ưu thế) dựa trên các tiêu chí trong DSM-V. Một người được chẩn đoán là trầm cảm khi có ít nhất năm triệu chứng sau đây, xảy ra gần như mỗi ngày trong ít nhất hai tuần:
- Tâm trạng chán nản
- Mất niềm vui vào tất cả hay hầu hết các hoạt động
- Thay đổi về cân nặng hay sự thèm ăn
- Sự thay đổi trong giấc ngủ
- Sự thay đổi trong các hoạt động
- Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
- Giảm sự tập trung
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
- Có những ý nghĩ về việc tự tử
Để chẩn đoán trầm cảm, tâm trạng chán nản hoặc mất đi niềm vui vào các hoạt động phải là một trong những triệu chứng chính.
12 điều mà bạn có thể không biết về trầm cảm
Mặc dù định nghĩa về trầm cảm có vẻ như rất đơn giản, nhưng trầm cảm có ảnh hưởng sâu sắc và có những tác động khác nhau. Dưới đây là một vài sự thật về trầm cảm mà không phải ai cũng biết.
- Trầm cảm có nhiều nguyên nhân khác nhau. Mọi người có khả năng mắc trầm cảm cao hơn nếu họ vừa trải qua một sự kiện căng thẳng trong đời; nếu họ đã từng bị trầm cảm trong quá khứ; hay nếu một người thân trong gia đình họ từng bị trầm cảm. Đôi khi, trầm cảm phát triển mà không có nguyên nhân rõ ràng nào cả.
- Yếu tố di truyền có thể (mặc dù không hoàn toàn) là lời giải. Xu hướng di truyền đối với trầm cảm ngày càng được hiểu rõ hơn và có thể giải thích tại sao một người bị trầm cảm và người kia thì không, Ole Thienhaus, MD, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa Arizona ở Tucson cho biết. Tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm rất quan trọng, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng là yếu tố duy nhất. Ví dụ, tỉ lệ di truyền - tỉ lệ phần trăm của một đặc điểm có thể là do gen - của bệnh trầm cảm chỉ chiếm khoảng 37%, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2018 trên tạp chí Frontiers in Psychiatry.
- Trầm cảm ảnh hưởng tới cơ thể. Đau đầu, các vấn đề về dạ dày và đau nhức toàn thân mà không có nguyên nhân rõ ràng có thể là những triệu chứng của trầm cảm, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia của Mỹ (NIMH).
- Trầm cảm có thể liên quan đến đường ruột. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2020 trong tạp chí Cureus tìm ra một mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khoẻ đường ruột và sức khoẻ tâm thần, họ để ý rằng trầm cảm có liên quan đến sự mất cân bằng đường ruột. Một chế độ ăn uống đa dạng bao gồm probiotics và prebiotics có thể đóng vai trò trong việc kiểm soát chứng trầm cảm, mặc dù điều này vẫn cần được nghiên cứu thêm.
- Não bộ của người trầm cảm có thể khác với bình thường. Một vài người với chứng rối loạn trầm cảm ưu thế (MDD) với những sự thay đổi trong não bộ có thể nhìn thấy trên những xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI). Đánh giá được công bố vào tháng 12 năm 2019 trên tạp chí Translational Psychiatry đã đánh giá nghiên cứu kiểm tra việc sử dụng quét MRI để chẩn đoán và điều trị rối loạn trầm cảm chính. (Bài báo cũng lưu ý rằng trầm cảm là một rối loạn phức tạp về mặt sinh học gây ra những thay đổi khác nhau trong não bộ ở một số người và việc chỉ quét MRI sẽ không hữu ích trong việc chẩn đoán rối loạn trầm cảm chính; do đó, các nhà nghiên cứu nêu rõ tầm quan trọng của các kỹ thuật hình ảnh mới và các cách phân tích thông tin để giúp chẩn đoán bệnh trầm cảm.)
- Trầm cảm liên quan tới những vấn đề về sức khoẻ khác. Những người bị trầm cảm thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mãn tính hay các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp, hay hội chứng ruột kích thích. Rất khó để xác định trầm cảm hay các bệnh này là thứ phát, theo một nghiên cứu được công bố tháng 77 năm 2019 trong tạp chí Frontiers in Immunology.
- Những người bị trầm cảm có thể trông không hề trầm cảm. “Trầm cảm là một căn bệnh tiềm ẩn”, theo như Jeremy Coplan, MD, giáo sư về tâm thần học tại Trung tâm Y tế Downstate của Đại học Bang New York (SUNY) ở Brooklyn cho biết. Có những người có thể trông lạc quan và vui vẻ, nhưng bên trong họ đang phải đấu tranh với những triệu chứng của trầm cảm.
- Tập thể dục có thể kiểm soát được trầm cảm. “Tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng,” Giáo sư Thienhaus cho biết, ông giải thích rằng tập thể dục giúp kích thích các hợp chất tự nhiên trong cơ thể có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Cố gắng dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. “Chúng tôi thường khuyên những người bị trầm cảm nên tập thể dục, phát triển một chế độ ăn uống lành mạnh và đi ngủ đúng giờ.” Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm 2017 trên Tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ cho thấy rằng thậm chí một giờ hoạt động thể chất mỗi tuần có thể khiến tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm thấp hơn 12%.
- Rất bình thường nếu bạn phải thử nhiều hơn một loại thuốc chống trầm cảm. Rất nhiều người không cảm thấy đỡ hơn sau khi uống thuốc chống trầm cảm đầu tiên mà họ được kê đơn. Điều đó được dự đoán từ đầu vì những lý do không xác định, mọi người phù hợp với các loại thuốc khác nhau, và một số người không phù hợp với bất kỳ loại thuốc nào hiện có. Theo tiến sĩ Diane Solomon, đôi khi mọi người có thể cần phải thử một vài loại thuốc trước khi họ tìm thấy một loại thuốc chống trầm cảm phù hợp với mình.
- Trị liệu thường là cần thiết. Từ trầm cảm nhẹ cho đến trung bình, trị liệu và thay đổi lối sống được đặt lên hàng đầu; tuy nhiên, từ trầm cảm trung bình cho tới nặng, sự kết hợp của trị liệu và thuốc thường sẽ hữu dụng hơn. Thông thường, các loại thuốc chống trầm cảm sẽ được sử dụng trước để giảm bớt trầm cảm để trị liệu trở nên có ích, tiến sĩ Coplan nói. Nhưng tâm lý trị liệu, liệu pháp nhận thức hành vi, hay các chiến lược điều trị khác đều cần thiết để điều trị trầm cảm hiệu quả.
- Trầm cảm và lo âu thường cùng tồn tại. Rất nhiều người mắc một rối loạn sức khoẻ tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, có thể sẽ gặp phải một rối loạn khác, như lo âu hay rối loạn tăng động (ADHD). Tiến sĩ Solomon cho biết: “Sự lo âu có thể gây suy sụp như trầm cảm, nhưng mọi người có thể đã sống chung với nó quá lâu, họ không nhận ra rằng mình thực sự đang bị lo âu”, ông cho biết thêm rằng phụ nữ đặc biệt dễ bị rối loạn lo âu.
- Trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi người trên thế giới. Một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) cho biết trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh trên thế giới, ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người toàn cầu. Nó cũng cho thấy sự gia tăng 18% từ năm 2005 tới năm 2015 về số lượng người phải sống với căn bệnh này, phần lớn trong số họ là thanh niên, người cao tuổi và phụ nữ.
Nguồn bài: 12 Surprising Facts About Depression - Everyday Health
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: