Tổng Quan Về Phân Tâm Học

Phân tâm học là một trong những thuật ngữ mà bạn có thể đã từng nghe thấy khi trao đổi về tâm lý học. Cha tổ của phân tâm học chính là nhà tâm lý học nổi tiếng, Sigmund Freud, người đánh dấu sự hình thành và phát triển của cả một trường phái với tên gọi nói trên.

Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ về phân tâm học, ý nghĩa và vai trò của nó trên nhiều khía cạnh khác nhau. 

Phân Tâm Học Là Gì?

Phân tâm học đề cập đến một lý thuyết và một loại liệu pháp dựa trên niềm tin rằng tất cả mọi người đều sở hữu những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và ký ức trong vô thức.

Phân tâm là một phương pháp trị liệu trong đó người bệnh nói về những trải nghiệm, thời thơ ấu và cả những giấc mơ.

Theo Hiệp hội Phân tâm học Hoa Kỳ (APA), phân tâm học có thể giúp mọi người hiểu bản thân bằng cách khám phá những xung động không dễ nhận thấy được ẩn trong vô thức.

Trong liệu pháp tâm lý, mọi người có thể cảm thấy an toàn khi họ khám phá những cảm giác, mong muốn, ký ức và những yếu tố gây căng thẳng có thể dẫn đến những khó khăn về tâm lý. Nghiên cứu đã chứng minh rằng trong quá trình phân tích tâm lý, việc tự đánh giá về bản thân có thể góp phần vào sự phát triển cảm xúc về lâu dài.

Các Lý Thuyết Trong Phân Tâm Học

Phân tâm học dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Sigmund Freud rằng con người sẽ trải qua quá trình giải phóng cảm xúc và có được cái nhìn sâu sắc về trạng thái tâm lý của họ khi họ đưa những gì thuộc về vô thức vào trong nhận thức (có nghĩa là ý thức về cái vô thức). Thông qua quá trình này, một người có thể tìm thấy sự giải tỏa khỏi những đau khổ về mặt tâm lý.

Phân tâm học cũng cho rằng:

  • Hành vi của một người bị ảnh hưởng bởi những động lực vô thức của họ.

  • Các vấn đề về cảm xúc và tâm lý như trầm cảm và lo âu thường bắt nguồn từ những xung đột giữa tâm trí khi có ý thức và khi vô thức.

  • Sự phát triển nhân cách chịu tác động lớn bởi các sự kiện diễn ra vào thời thơ ấu (Freud cho rằng nhân cách phần lớn đã được định sẵn vào năm tuổi).

  • Con người sử dụng cơ chế phòng vệ để bảo vệ bản thân khỏi những thông tin chứa trong vô thức.

Các nhà phân tích có kỹ năng có thể giúp một người đưa những những gì thuộc về vô thức trong tâm trí vào phần nhận thức có ý thức của chính họ bằng cách sử dụng các chiến lược phân tích tâm lý như phân tích giấc mơ và liên tưởng tự do.

Hướng Đi Chính Của Thuyết Phân Tâm Học

Hướng đi của thuyết phân tâm học đó là thường được ứng dụng trong các nghiên cứu điển hình. Dưới đây sẽ giúp bạn giải thích về thuật ngữ này. 

Nghiên Cứu Điển Hình (Case Study)

Nghiên cứu điển hình được định nghĩa là một nghiên cứu chuyên sâu về một người, một nhóm người hoặc một sự kiện. Một số nghiên cứu điển hình nổi tiếng nhất của Freud bao gồm Dora, Little Hans và Anna O. Những trường hợp này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình ông phát triển lý thuyết phân tâm học của mình.

Trong một nghiên cứu điển hình, nhà nghiên cứu cố gắng xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh trong cuộc sống của một cá nhân. Bằng cách nghiên cứu kỹ một người, một nhà nghiên cứu có thể hiểu sâu về lịch sử của một cá nhân có đóng góp như thế nào vào hành vi hiện tại của họ.

Mặc dù chúng ta vẫn hy vọng rằng những hiểu biết và khám phá thu được từ một nghiên cứu điển hình có thể áp dụng cho những nghiên cứu khác, nhưng điều đó là rất khó và nó có thể vi phạm nguyên tắc về khái quát hóa kết quả, bởi rõ ràng các nghiên cứu điển hình có tính chủ quan cao. Trong một số trường hợp, các yếu tố liên quan đến một trường hợp đặc thù được cá nhân hóa đến mức chúng sẽ không thể áp dụng cho các trường hợp khác.

Thế Nào Là Một Tâm Trí Hoạt Động Có Ý Thức & Vô Thức (Unconscious Mind & Conscious Mind)

Tâm trí hoạt động vô thức bao gồm tất cả những thứ nằm ngoài nhận thức có ý thức của chúng ta, chẳng hạn như những ký ức thời thơ ấu, những mong muốn thầm kín và những động lực ẩn sâu bên trong. Theo Freud, vô thức chứa đựng những điều mà chúng ta có thể thấy khó chịu hoặc thậm chí là không thể chấp nhận được về mặt xã hội. Chúng ta chôn vùi những điều này trong vô thức bởi vì chúng có thể mang lại cho chúng ta nỗi đau hoặc mâu thuẫn trong suy nghĩ.

Mặc dù những suy nghĩ, ký ức và những động lực thôi thúc này nằm ngoài nhận thức của chúng ta, nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Trong một số trường hợp, những thứ nằm ngoài nhận thức của chúng ta có thể ảnh hưởng đến hành vi theo cả những cách tiêu cực và dẫn đến tâm lý đau khổ.

Mặt khác, tâm trí hoạt động có ý thức bao gồm những thứ mà chúng ta nhận thức được. Hay nói cách khác, những gì thuộc về một tâm trí hoạt động có ý thức là những thứ mà chúng ta có thể dễ dàng cho vào vùng nhận thức. 

Cái Nó, Cái Tôi Và Cái Siêu Tôi

Freud tin rằng nhân cách của một cá nhân có ba thành phần: cái nó, cái tôi và siêu tôi.

Cái Nó

Yếu tố đầu tiên trong số các yếu tố chính của tính cách xuất hiện được gọi là cái nó. Cái nó chứa tất cả các thôi thúc vô thức, cơ bản và nguyên thủy.

Cái Tôi

Khía cạnh thứ hai của nhân cách xuất hiện được gọi là cái tôi (một số tài liệu dịch là bản ngã). Đây là phần tính cách phải đối phó với những yêu cầu của thực tế. Nó giúp kiểm soát sự thôi thúc của cái nó và khiến chúng ta hành xử theo những cách vừa thực tế vừa có thể chấp nhận được.

Thay vì tham gia vào các hành vi được thiết kế để thỏa mãn mong muốn và nhu cầu của chúng ta, cái tôi buộc chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của mình theo những cách mà thực tế và xã hội chấp nhận. Ngoài việc kiểm soát các yêu cầu của cái nó, cái tôi cũng giúp tạo ra sự cân bằng giữa những thôi thúc cơ bản, lý tưởng cá nhân và thực tế.

>>> Tham Khảo: Cái Tôi Như Một Phần Lý Tính Của Tính Cách

Cái Siêu Tôi

Cái siêu tôi là khía cạnh xuất hiện cuối cùng của nhân cách, và nó chứa đựng những lý tưởng và giá trị của chúng ta. Các giá trị và niềm tin mà cha mẹ và xã hội thấm nhuần trong chúng ta là động lực dẫn đường của cái siêu tôi và nó luôn gắng khiến chúng ta hành xử theo những nguyên tắc đạo đức này.

Cơ Chế Phòng Vệ Của Cái Tôi

Cơ chế phòng vệ là những chiến lược mà cái tôi sử dụng để bảo vệ bản thân khỏi lo âu. Những cơ chế phòng vệ này hoạt động như một biện pháp bảo vệ để ngăn những điều khó chịu hoặc đau khổ của vô thức xâm nhập vào nhận thức của chúng ta. Khi một điều gì đó khiến chúng ta quá tải hoặc đơn giản là không phù hợp, các cơ chế phòng vệ sẽ ngăn thông tin về điều đó xâm nhập vào nhận thức của chúng ta, điều này giúp giảm thiểu sự lo lắng trong tâm trí.

Những Ủng Hộ Và Chỉ Trích

Nhiều lời chỉ trích về các phương pháp tiếp cận tâm động học dựa trên các cách tiếp cận điều trị trước đó của trường phái phân tâm học. Nhiều người nghi ngờ phân tâm học vì bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của nó thường bị coi là kém tính thuyết phục. Vì vậy, các nhà phê bình cho rằng nó không hiệu quả bằng các phương pháp điều trị khác.

Tuy nhiên, gần đây, nghiên cứu đã chứng minh rằng cách tiếp cận này có thể mang tới một số lợi ích. Một đánh giá có hệ thống về các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng liệu pháp phân tâm là một phương pháp điều trị hiệu quả giúp giảm các triệu chứng và những thay đổi lâu dài vẫn tồn tại trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc.

Một đánh giá năm 2015 cho thấy liệu pháp tâm động học có thể có hiệu quả trong điều trị một số tình trạng bao gồm trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn bản thể, rối loạn lo âu.

Một phê bình khác là phân tâm học thường đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và công sức; và do đó, nó được coi là một đề xuất lâu dài. Trong khi đó, con người ngày nay thường tìm kiếm kết quả nhanh chóng và các phương pháp tiếp cận mang lại hiệu quả trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Vì vậy, liệu pháp phân tích tâm lý gắn với thuyết phân tâm sẽ yêu cầu thời gian nhiều năm để có thể thực hiện hoàn thiện.

>>> Tham Khảo: 7 Trường Phái Trong Tâm Lý Học

Phân Tâm Học Trong Quá Khứ & Hiện Tại Khác Gì Nhau?

Nhiều ý tưởng của Freud không còn được sử dụng trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng điều đó không có nghĩa là những gì ông đóng góp không mang lại giá trị gì. 

Cách tiếp cận của ông đối với liệu pháp (cụ thể là gợi ý rằng bệnh tâm thần có thể điều trị được và nói về các vấn đề có thể mang lại sự nhẹ nhõm) là một khái niệm mang tính cách mạng đã thay đổi cách chúng ta tiếp cận điều trị bệnh tâm thần.

Peter Fonagy giải thích trong một bài báo đăng trên tạp chí World Psychiatry: "Các đánh giá về công trình khoa học thần kinh xác nhận rằng nhiều quan sát ban đầu của Freud, đặc biệt là ảnh hưởng mạnh mẽ của lý thuyết về quá trình vô thức và sự tổ chức theo chức năng của cảm xúc đối với suy nghĩ, đã được xác nhận trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm".

Sigmund Freud cũng là một sản phẩm của thời đại mà ông sinh ra. Mặc dù ông được biết đến với những lý thuyết táo bạo (đã gây sốc trong thời kỳ Victoria), nhưng quan điểm của ông về thế giới vẫn mang màu sắc của thời kỳ ông sống. Nếu Freud còn sống ngày nay, những ý tưởng của ông có thể được coi là rất khác biệt — và công việc của chính ông có thể sẽ đi theo một hướng khác.

Một số người cho rằng nếu Freud còn sống đến ngày hôm nay, ông có thể sẽ quan tâm đến các chủ đề liên quan đến hoạt động của não. Trước sự phát triển của phân tâm học, những mối quan tâm của Freud đã tập trung vào việc phát triển một mô hình hành vi thần kinh. Các nhà nghiên cứu ngày nay cũng gợi ý rằng nền tảng sinh học thần kinh của phân tâm học xứng đáng được khám phá thêm.

Phân Tâm Học Ngày Nay Và Trong Tương Lai 

Nếu bạn hỏi ai đó nghĩ gì về tâm lý học, Sigmund Freud và phân tâm học có thể là những câu trả lời phổ biến. Không nghi ngờ gì rằng phân tâm học - cả với tư cách là một phương pháp tiếp cận trị liệu và triển vọng lý thuyết - đã để lại dấu ấn trong tâm lý học.

Hầu hết các nhà tâm lý học ngày nay sử dụng một cách tiếp cận chiết trung hơn đối với lĩnh vực tâm lý học, mặc dù có một số chuyên gia vẫn theo quan điểm phân tâm học thuần túy về hành vi của con người.

Nhiều nhà tâm lý học đương đại xem phân tâm học với thái độ hoài nghi. Một số thậm chí còn cảm thấy chế nhạo trường phái tư tưởng của Freud. Trong một thế giới tâm lý học nơi các quá trình nhận thức, khoa học thần kinh và tâm lý học sinh học thống trị, liệu có còn chỗ cho phân tâm học không?

Nói chung, nhận thức về phân tâm học truyền thống đã không còn được duy trì như ngày xưa. Một báo cáo được APsaA công bố vào năm 2008 cho thấy rằng các khoa tâm lý học thường coi phân tâm học như một cổ vật lịch sử thuần túy, trong khi các môn học như nghệ thuật, văn học, lịch sử và các ngành khoa học nhân văn khác có nhiều khả năng dạy phân tâm học như một chủ đề mới mẻ và hấp dẫn.

Một số ý kiến ​​cho rằng việc phân tâm học sa sút trên cương vị là một chủ đề học thuật trong tâm lý học, một phần vì nó không thể hiện được tính hợp lệ (validity) của phương pháp trị liệu và một phần khác bởi những thất bại trước đó của phân tâm học trong việc xây dựng được những nguyên tắc trong quá trình thực hành dựa trên bằng chứng.

Về tương lai của phân tâm học, trường phái này vẫn đang được nghiên cứu nhằm cải thiện tính hợp lệ và sự phù hợp của các phương pháp phân tâm học, trong đó gồm:

  • Tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học và bằng chứng thực nghiệm.

  • Khám phá các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng chuyên sâu hơn.

  • Cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu.

  • Xem xét kỹ hơn các giải thích khác cho hành vi.

  • Cộng tác tích cực với các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác.

>>> Tham Khảo: Sự Khác Biệt Giữa Trị Liệu Tâm Lý Và Phân Tâm Học

Kết Lại

Phân tâm học là một trường phái tâm lý học mà bất cứ ai có niềm yêu thích với lĩnh vực khoa học về tâm lý, tâm thần nên tìm hiểu. Mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về lĩnh vực phân tâm học nói riêng và tâm lý học nói chung. 

Nguồn: Verywellmind - What Is Psychoanalysis?

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/