Bệnh Đi Kèm Là Gì?
Bệnh đi kèm biểu hiện ở việc xuất hiện nhiều hơn một chứng rối loạn trên cùng một người. Ví dụ, nếu một người được chẩn đoán mắc cả chứng Rối loạn lo âu xã hội (SAD) và Rối loạn trầm cảm chính (MDD), họ sẽ được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm kèm theo (có nghĩa là hai chứng bệnh cùng tồn tại)
Các tình trạng bệnh đi kèm khác gồm các bệnh về thể chất như tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh truyền nhiễm và sa sút trí tuệ. Các tình trạng sức khỏe tâm thần có xu hướng biểu hiện bệnh đi kèm bao gồm rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu và lạm dụng chất kích thích.
Thuật ngữ bệnh đi kèm được đặt ra vào những năm 1970 bởi A.R. Feinstein, một bác sĩ và nhà dịch tễ học nổi tiếng người Mỹ. Feinstein đã chứng minh khả năng mắc bệnh đi kèm thông qua ví dụ về việc những người bị sốt thấp khớp cũng thường mắc nhiều bệnh khác. Kể từ thời điểm đó, bệnh đi kèm gắn liền với sự hiện diện của nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc thể chất ở cùng một người.
Tỷ Lệ Mắc Bệnh Đi Kèm
Việc mắc bệnh đi kèm không phải là hiếm. Không có gì lạ khi mọi người được chẩn đoán mắc hai chứng rối loạn hoặc hai tình trạng bệnh cùng một lúc. Bệnh đi kèm với các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể gồm hai tình huống chính sau:
Tình huống thứ nhất là một người nhận được chẩn đoán về bệnh thể chất, sau đó tiếp tục nhận được chẩn đoán rối loạn tâm thần (hoặc ngược lại).
Tình huống thứ hai là sau khi đã nhận được một chẩn đoán rối loạn tâm thần rồi thì thân chủ lại nhận thêm một chẩn đoán về một tình trạng tâm thần khác.
Một nghiên cứu dịch tễ học tại Tây Ban Nha cho thấy rằng trong số 7936 bệnh nhân trưởng thành, khoảng một nửa mắc nhiều hơn một chứng rối loạn tâm thần. Hơn nữa, trong bản Khảo sát quốc gia về Bệnh đi kèm tại Hoa Kỳ (U.S. National Comorbidity Survey), 51% bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm chính cũng từng có ít nhất một lần đi kèm với rối loạn lo âu. Chỉ 26% trong số họ không có vấn đề nào khác về sức khỏe tâm thần.
Trong Nghiên cứu Các giai đoạn phát triển sớm của Tâm thần học (Early Developmental Stages of Psychopathology Study), 48,6% bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm chính cũng có ít nhất một lần rối loạn lo âu. Chỉ hơn một phần ba trong số họ (34,8%) không có rối loạn tâm thần nào khác.
Thách Thức Trong Điều Trị Các Bệnh Đi Kèm
Sự chồng chéo của các tình trạng bệnh (như là các căn bệnh về thể chất) về tâm thần là một thách thức đáng kể đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, một người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và trầm cảm sẽ được điều trị cho cả hai tình trạng này, nhưng việc xem xét sự trùng lặp của thuốc và các triệu chứng sẽ cần được điều phối bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nhau để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Thậm chí, tình trạng chồng chéo các vấn đề về sức khỏe tâm thần còn phức tạp hơn. Ví dụ một người mắc chứng rối loạn lo âu và sau đó phát triển thành chứng trầm cảm thì cách thức điều trị cũng trở nên khó khăn và phức tạp hơn ban đầu rất nhiều.
Bệnh Đi Kèm Có Thể Ngăn Ngừa Được Không?
Các bệnh đi kèm hoàn toàn có thể được ngăn chặn. Ví dụ, nếu chứng rối loạn lo âu xã hội không được điều trị trong một thời gian dài, chúng có thể phát triển thành chứng trầm cảm hoặc hội chứng lạm dụng chất kích thích nhằm giúp đối tượng mắc phải đối phó với các triệu chứng lo âu. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị kịp thời một tình trạng có thể ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh đi kèm.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa bác sĩ chính và các chuyên gia sức khỏe tâm thần là chìa khóa để ngăn ngừa các tình trạng bệnh đi kèm. Nếu bạn đã được chẩn đoán về tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tâm thần, hãy ghi chép và lưu lại cẩn thận những hồ sơ và giấy khám bệnh để các chuyên gia theo dõi về các phương pháp điều trị mà bạn đang nhận được.
Lời Kết
Điều quan trọng là bạn phải chủ động khám bệnh nhằm phát hiện các tình trạng sức khỏe tâm thần để xác định hướng hành động tốt nhất. Sự kết hợp của các triệu chứng mà bạn gặp phải sẽ giúp các chuyên gia xác định thuốc và hoặc liệu pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng và bệnh đi kèm của bạn.
Nguồn: Verywellmind - Comorbidities in Mental Health